Phân Biệt Các Loại Mì Ramen Nổi Tiếng Nhật Bản - Tèobokki Store

Ramen là một món mì được du nhập từ Trung Quốc và đã trở thành một trong những món ăn nổi tiếng và phổ biến nhất ở Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây.

Ramen ở Nhật Bản khá đa dạng với các loại nước dùng. Nước dùng và kiểu mì cũng như các biến thể vùng miền, các khu vực, thành phố và thậm chí cả các cửa hàng khác nhau đều có cách chế biến và nguyên liệu ramen riêng của họ, làm cho mỗi trải nghiệm ramen trở nên khác biệt và độc đáo.

Chúng ta hãy điểm qua các món mì ramen ngon nổi tiếng của Nhật Bản với chất lượng và hương vị riêng biệt mà bạn nên thử qua. Lưu lại tên của những món ramen này để lần tới thử ngay nhé!

Các món mì ramen ngon nổi tiếng của Nhật Bản

Trước khi tìm hiểu chi tiết về từng loại ramen, lưu ý là nước dùng thường được ninh từ xương heo, gà, bò hoặc cá cũng như cách phối trộn gia vị để tạo ra một hương vị riêng biệt.

Loại mì được sử dụng trong ramen được làm từ bột mì và một chất lỏng có tính kiềm mặn được gọi là kansui (nước tro tàu). Sử dụng nươc tro tàu để làm ramen có tác dụng làm tăng độ đàn hồi của sợi mì cũng như tạo hương vị đặc trưng của sợi mì ramen.

Mì ramen một số loại sẽ có nước súp loãng và trong, trong khi một số loại khác lại có màu đục và đặc hơn. Ngoài ra, sợi mì cũng đa dạng từ dày đến mỏng, từ thẳng đến xoăn và đó đều là các dạng khác nhau của mì ramen. Màu sắc, kết cấu, hương vị và hình thức của một bát ramen có thể khá khác biệt nhưng vẫn thuộc loại ramen miễn là cả mì và nước dùng đều tuân theo các quy tắc ramen.

Shoyu ramen

Shoyu ramen là loại ramen phổ biến nhất ở Tokyo và rất có thể bạn sẽ bắt gặp nó đầu tiên khi đến một cửa hàng ramen. Shoyu có nghĩa là nước tương vì thế nước dùng có màu nâu trong với hương thơm đậm đà của nước tương. Nước dùng thường được nấu từ xương gà, thịt bò, thịt lợn hoặc hải sản đôi khi cũng được sử dụng.

Hương vị của shoyu ramen thường có một chút vị mặn, nước dùng trong và ăn kèm với sợi mì xoăn mỏng. Shoyu ramen được biết đến là một trong những loại ramen lâu đời nhất ở Nhật Bản gần giống nhất với phiên bản gốc của Trung Quốc lần đầu du nhập vào đất nước này. Nếu bạn tạt vào một quán ramen ở bên đường ở Nhật Bản mà không có menu phân loại thì có lẽ bạn sẽ được phục vụ món shoyu ramen này đấy.

Với hương vị đậm đà và không kén người dùng, đây chắc hẳn là loại ramen khởi đầu hoàn hảo cho những ai mới bắt đầu trải nghiệm ramen.

Shio ramen

Shio là muối trong tiếng Nhật nên bạn có thể đoán được nguyên liệu quan trọng làm nên loại ramen này. Nước dùng thường được ninh từ thịt gà hoặc thịt heo và được nêm với muối. Nước dùng có màu vàng nhạt, trong và rõ ràng là có vị mặn - vì vậy đối với những người có vấn đề về cholesterol cao hoặc các vấn đề về natri, bạn sẽ cần cân nhắc khi gọi loại ramen này.

Shio ramen thực sự là loại ramen lâu đời nhất và thường sử dụng sợi mì thẳng dài hơn là sợi xoăn.

Miso ramen

Miso ramen sử dụng tương miso làm từ đậu nành làm gia vị nêm. Có nguồn gốc từ Hokkaido, Miso ramen có hương vị rất đậm vì tương miso vốn có mùi nồng. Nước dùng cũng được ninh từ thịt gà và thịt heo, có màu nâu đậm và có vị đậm đà khiến nó trở thành một bữa ăn rất thịnh soạn và đầy đủ. Hương vị của món ăn thay đổi tùy thuộc vào loại tương miso được sử dụng vì vậy miso ramen rất linh hoạt và phù hợp với nhiều loại nguyên liệu và topping khác nhau.

Tonkotsu ramen

Tonkotsu ramen có nước dùng màu trắng kem và hơi đặc, người ta sử dụng xương heo ninh trong thời gian lâu để chúng tan ra và tạo ra màu trắng đục vì thế nước súp của tonkotsu ramen đặc hơn các loại khác và rất béo. Món ramen này cũng có mùi thịt lợn đặc trưng khiến bạn có thể thích hoặc không. Loại mì mỏng được sử dụng rất phổ biến với món ramen này, nó từng khá phổ biến ở vùng Kyushu của Nhật Bản nhưng giờ đây đã được biết đến trên khắp cả nước.

Tantan ramen

Hầu hết mọi người thường sẽ chia ramen thành bốn loại chính như trên (shoyu, shio, miso, tonkotsu) nhưng không thể bỏ qua món tantan ramen hấp dẫn này được chế biến và sử dụng nguyên liệu theo phong cách của Trung Quốc, đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai thích ăn cay.

Món tantan ramen sử dụng loại mì dandan của Trung Quốc, dùng tương miso nhưng cũng kết hợp thêm sữa đậu nành, dầu ớt, dầu mè và thịt heo băm. Tổng thể tạo nên món mì ramen có nước súp đặc sệt màu đỏ, với topping thịt heo băm bên trên trông nó như là món hầm với hương vị cay và mặn. Đây là món ramen đậm đà và phù hợp đối với các tín đồ ăn cay.

Tsukemen

Tsukemen là phiên bản mì ramen “nhúng” khi mì và nước dùng được phục vụ riêng biệt với nhau, và khi ăn bạn sẽ nhúng mì vào nước dùng. Sợi mì phục vụ cho món tsukemen thường dày và dai hơn, chúng được trụng qua nước lạnh trước khi ăn. Với phong cách món mì độc đáo như thế này nên bản thân nước súp cũng được làm đậm đà hơn nhiều so với loại khác để cân bằng hương vị khi nhúng mì.

Mì và nước dùng có thể được phục vụ nóng hoặc lạnh và nước dùng có nhiều loại tùy chọn hương vị và thành phần khác nhau tùy theo quán.

Ramen ăn liền

Một loại ramen khác ban đầu được tạo ra ở Yokohama nhưng đã lan rộng ra toàn thế giới vì sự tiện lợi, giá cả và hương vị của nó là Instant Ramen (ramen ăn liền). Dù ở dạng cốc hay dạng gói, mì khô và gói bột gia vị chỉ cần ngâm nước nóng và vài phút là có thể dùng được.

Nhanh, rẻ và ngon, loại ramen này được khách du lịch, sinh viên và những người tìm kiếm một bữa ăn nhanh trên đường đi ưa chuộng. Mì ramen ăn liền có rất nhiều hương vị cũng như phong cách ramen, khiến nó trở thành một món ăn yêu thích trên toàn thế giới.

Topping ramen phổ biến

Một cách khác để phân biệt ramen là các loại topping được sử dụng. Dưới đây là một số loại topping phổ biến nhất mà người Nhật sử dụng cho món mì ramen của họ.

  • Chashu/ Thịt heo xá xíu: Một số loại ramen khi gọi sẽ đi kèm với thịt heo xá xíu này nhưng nếu không có, bạn có thể gọi riêng một phần nhỏ để thêm vào bát ramen của mình. Chashu/thịt heo xá xíu là loại topping làm từ thịt heo quay đã được ngâm và ninh trong hỗn hợp nước tương ngọt.
  • Negi/ Tỏi tây: Sử dụng hành lá cắt nhỏ hoặc tỏi tây cũng thường là một loại topping tiêu chuẩn được rắc lên trên sợi mì để tăng thêm hương vị, thẩm mỹ và kết cấu đa dạng. Thường khi gọi một bát ramen bạn sẽ luôn thấy có rất nhiều tỏi tay xắt nhỏ được thêm vào trông rất bắt mắt.
  • Menma: Menma là một loại măng được bảo quản lên men, có vị hơi mặn và giòn rất hợp để ăn với nước dùng và mì.
  • Trứng lòng đào: Trứng được cắt thành một nửa hoặc đôi khi là để nguyên là một loại nguyên liệu phổ biến cho ramen. Trứng được luộc lòng đào sau đó ướp với nước tương ngọt sẽ làm tăng thêm vị ngon của bát mì.
  • Giá đỗ: Được gọi là moyashi trong tiếng Nhật, giá đỗ là một thành phần rẻ và phổ biến trong nhiều món ăn Nhật Bản như món xào, cơm và súp. Chúng được phục vụ nấu chín hoặc sống với ramen.
  • Rong biển: Nhiều người cũng thích thêm các loại rong biển khác nhau như nori hoặc wakame vào ramen của họ để tăng thêm hương vị và là sự lựa chọn lành mạnh vì rong biển có nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Chả cá Kamaboko và Naruto: Đây là hai sản phẩm chả cá đã qua chế biến, chả cá kamaboko và naruto tạo nên hình ảnh đặc trưng của tô mì ramen với miếng chả màu trắng, có viền hồng và hình tròn xoắn ốc ở giữa.
  • Kikurage/ Mộc nhĩ: Một số loại ramen sử dụng mộc nhĩ cắt sợi để tăng thêm hương vị cho món mì, đây cũng là nguyên liệu được sử dụng trong món mì ramen nguồn gốc Trung Quốc.
  • Bắp và bơ: Hai nguyên liệu này là loại topping phổ biến trong món ramen có nguồn gốc ở Hokkaido, đặc biệt là miso ramen. Đôi khi bắp được nấu tan chảy với bơ rồi mới thêm vào hoặc có những nơi sẽ xếp bắp và bơ cùng nhau phía trên bát mì.
  • Beni shoga: Beni shoga là gừng ngâm thường được tìm thấy trong món tonkotsu ramen, bổ sung hương vị cay nồng và chua ngọt khi thưởng thức mì.

Ngoài ra, có nhiều loại topping khác được dùng như bắp cải, kim chi, rau bina, mận Nhật Bản, và các sản phẩm ngâm chua khác mà nhiều vùng và các đầu bếp ramen cũng thử nghiệm.

Phân biệt các loại ramen theo vùng, miền

Tùy thuộc vào từng khu vực mà mỗi nơi lại có những hương vị ramen độc đáo riêng. Ở Nhật, mỗi vùng sẽ có những loại đặc sản khác nhau nên từ đó các nhà hàng cũng sẽ tận dụng sáng tạo nên hương vị mới lạ, phong phú có khi là mùi vị nước dùng, hương vị sợi mì hoặc các loại topping khác biệt. Sau đây là những vùng có loại ramen nổi tiếng và độc đáo riêng mà bạn nên biết.

Tokyo ramen

Như đã đề cập trước đó, Tokyo là địa điểm du nhập đầu tiên của mì ramen có xuất xứ từ Trung Quốc. Nổi tiếng với shoyu ramen có nước dùng trong màu nâu đậm đà, sợi mì dai ở dạng xoăn và mỏng được phục vụ trong nước dùng gà, ở trên cùng có các loại topping gồm rong biển nori, menma, trứng lòng đào và thịt heo thái lát mỏng.

Sapporo ramen

Khác với Tokyo, ramen ở vùng Sapporo là một món ăn ấm áp và thịnh soạn được tạo ra để đối phó với mùa đông khắc nghiệt ở miền Bắc Nhật Bản. Ramen có hương vị miso đậm đà, vị hơi mặn đi kèm với một miếng bơ, bắp, giá đỗ và đôi khi là hải sản tươi sống từ vùng Hokkaido làm tổng thể món ăn trông no nê và bắt mắt.

Fukushima Kitakata ramen

Phiên bản mì ramen có hương vị thanh đạm hơn với các loại khác là kitakata ramen. Nước dùng của loại mì này loãng, có màu trong được nấu từ thịt gà và nước tương, xương heo và cá mòi. Mì thường dùng là loại dày và dài hơn với các topping đơn giản gồm thịt heo xá xíu, măng và tỏi tây.

Hakata ramen

Đây là loại mì ramen làm từ tonkatsu, một loại nước dùng màu trắng đặc với hương vị béo ngậy và sợi mì thẳng, cứng, có nguồn gốc từ Fukuoka nhưng đã trở nên phổ biến trên khắp Nhật Bản. Món mì này  thường được phủ lên trên với thịt xá xíu, tỏi tây, mộc nhĩ và gừng ngâm đỏ.

Wakayama ramen

Còn được gọi là chuka soba, Wakayama ramen cũng là một loại ramen làm từ tonkatsu có sợi mì mỏng nhưng cũng được trộn thêm nước tương để tạo hương vị khác biệt. Phần topping thường là tỏi tây, măng, xá xíu và chả cá kamaboko.

Từ khóa » Các Loại Shoyu