Phân Biệt Cách Dùng Hai Trợ Từ “GA” Và “WA”
Có thể bạn quan tâm
Trích “Ngữ Pháp Tiếng Nhật Có gì Khó II”- 2015, PGS. TS. Trần Sơn
Vấn đề phân biệt cách dùng các trợ từ trong tiếng Nhật nói chung, trong đó việc phân biệt các trợ từ có cách dùng gần giống nhau, ví dụ như trợ từ “ni” và “de”, trợ từ “to” và “ni”, trợ từ “kara” và “node”… nhất là việc phân biệt cách dùng hai trợ từ “wa” và “ga” là phức tạp nhất. Theo như cuốn “Trợ từ” dành cho người nước ngoài của hai tác giả người Nhật Bản là TS.Chino Naoko và TS.Akimoto Miharu thì:
Về trợ từ “wa” có 7 trường hợp, còn trợ từ “ga” có tới 15 trường hợp, chủ yếu là giải thích theo nghĩa của câu. Tôi xin trích một vài trường hợp về trợ từ “wa” và “ga” trong cuốn sách:
- Trường hợp nêu ra tình hình về chủ đề đã biết.
地球(ちきゅう)はまるい。(trợ từ “wa”)
- Trường hợp trình bày lại về chủ đề đã xuất hiện trước đây.
ルーズベルトは米国(べいこく)の大統領(だいとうりょう)だった。(trợ từ “wa”)
- Trường hợp trình bày tình hình về chủ đề mới.
電車(でんしゃ)が来ましたよ。(trợ từ “ga”)
- Trường hợp biểu thị sự tồn tại.
動物園(どうぶつえん)に象(ぞう)がいる。 (trợ từ “ga”) …
Các trường hợp khác cũng giải thích theo nghĩa cách dùng của câu nhưng rất tiếc là không có phần so sánh cách dùng khác nhau giữa hai loại trợ từ này, nhất là phân biệt cách dùng trong trường hợp làm chủ ngữ (chủ thể) của câu, khi nào chủ ngữ dùng trợ từ “ga”, khi nào thì dùng trợ từ “wa”? Trước đây tôi có đọc một cuốn sách viết về cách dùng hai trợ từ “wa” và “ga” của GS. Suzuki Shinobu người Nhật Bản chấp bút (1). (xem “Tài liệu tham khảo). Trong cuốn sách này, GS. Suzuki chủ yếu trình bày về trợ từ cách (格助詞)và trợ từ nối(接続助詞), trong đó chú trọng phân biệt cách dùng hai trợ từ “wa” và “ga” chiếm tới 7 bài từ bài 1 đến bài 7. Mỗi bài là một tình huống. Ví dụ : Bài 1 秋の月がきれいです。Khi nào dùngが khi nào dùngは? Theo cách giải thích của GS. Suzuki thì がlà trợ từ cách biểu thị chủ cách (chủ thể), cònはlà trợ từ quan hệ (係助詞)。GS. Suzuki cho biết có nhiều công trình nghiên cứu về hai trợ từ này, nhưng không có công trình nào giải thích được rõ ràng và đơn giản cả, dù rằng được xét về cả hai phương diện hình thái và tâm lý. Tóm lại vẫn cứ phải giải thích theo tình huống, tức là trong tình huống người nói thấy trăng đẹp thốt ra câu nói tự nhiên thì dùng “ga”, còn như trong tình huống trên mà dùng “wa’ thì không tự nhiên. Trong trường hợp dùng “wa” thì phải là trường hợp người nói muốn đề cập vấn đề cần lưu ý đối với người nghe. Vì vậy câu trên thường phải thay từ “ mùa thu” bằng từ “tối nay”, tức là “Trăng tối nay rất đẹp” thì hợp lý (今晩の月はきれいだ。). Cứ giải thích theo tình huống về cách dùng hai trợ từ “wa” và “ga” diễn ra trong 7 bài, mỗi bài là một ví dụ, không đưa ra được cách giải thích đơn giản, dễ hiểu mà còn kết luận rằng rất khó giải thích rõ ràng vì phải bám vào tình huống cụ thể mới nói được. Đối với người Việt Nam chúng ta học tiếng Nhật, tôi là một trong nhiều người đã học tập, giàng dạy và nghiên cứu tiếng Nhật nhiều năm mà vẫn cảm thấy cách giải thích như trên vẫn chưa thỏa mãn đối với người học tiếng Nhật như chúng ta. Cách giải thích trên, có thể người bản xứ thì dễ hiểu, còn người Việt học tiếng Nhật như chúng ta thì cảm thấy rất mung lung. Qua nhiều năm, các khóa tiếng Nhật được đào tạo ở Trường Đại học Ngoại thương, sinh viên đã ra trường hay còn đang học, nhưng vẫn còn lúng túng trong cách sử dụng hai trợ từ trên. Khi sinh viên làm bài tập sử dụng trợ từ “wa” thì thầy giáo lại chữa thành “ga”, hoặc ngược lại. Khi sinh viên hỏi thì các giáo viên người Nhật cũng giải thích theo các tình huống. Tất nhiên, cách giải thích ấy, sinh viên ta cảm thấy chưa thỏa mãn, nên các thầy Nhật Bản thường nói: người Nhật chúng tôi dùng quen thì biết, còn việc phân biệt cách dùng giữa hai trợ từ này như thế nào, kể ra cũng khó. Mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt khác nhau, cho nên cần nghiên cứu để tìm ra quy tắc và cách vận dụng như thế nào cho đối tượng người học thì mới hy vọng giải quyết được khó khăn này.
Qua nhiều năm nghiên cứu, so sánh liên hệ với cách dùng trong tiếng Việt, tôi đã tìm ra cách giải thích theo suy nghĩ của người Việt học tiếng Nhật và tôi đã dạy thử nghiệm theo cách giải thích này qua nhiều khóa tiếng Nhật ở Trường ĐH Ngoại thương và ở một số Trung tâm tiếng Nhật mà tôi tham gia giảng dạy. Nói chung phần lớn sinh viên các khóa đều thừa nhận cách lý giải và tiếp cận hai trợ từ này của tác giả là dễ hiểu và bước đầu vận dụng có hiệu quả.
Sau đây tôi xin lần lượt trình bày cách dùng trợ từ “wa”, trợ từ “ga” và phần so sánh phân biệt cách dùng giữa hai trợ từ này.
- Trợ từ Wa ( は ) là trợ từ quan hệ, là loại trợ từ ngữ pháp chuyên làm nhiệm vụ thay thế một số trợ từ hoặc thêm vào sau một số trợ từ để nhấn mạnh, hoặc thêm vảo sau một số danh từ để làm trạng từ …
- Thay thế các trợ từ “ga”, “wo”, “ni”…
- a) Wa thay cho “ga” chỉ chủ thể.
地球(ちきゅう)はまるい。
Quả đất tròn
- b) Wa thay cho “wo” chỉ tân ngữ.
魚は食べますが、肉は食べません。
Cá thì tôi ăn, còn thịt thì tôi không ăn.
- c) Wa thay cho “ni” nhấn mạnh bổ ngữ chỉ địa điểm đến.
海はいつ来てもいいですね。
Biển đến lúc nào cũng đẹp nhỉ.
- Thêm vào sau các trợ từ “ni”, “de”, “e”, “to”, “te”.
- a) Wa thêm vào sau “ni” thành “niwa”
ここには何がありますか。
Ở đây có cái gì?
- b) Wa thêm vào sau “de” thành “dewa”
日本(にほん)では、4月(がつ)はちょうど入学式(にゅうがくしき)や入社(にゅうしゃ)式(しき)の時期(じき)に
当(あ)たる。
Ở Nhật Bản, tháng 4 đúng vào dịp lễ nhập học, lễ đón nhận nhân viên mới.
- c) Wa thêm vào sau “e” thành “ewa ”
大阪(おおさか)へは行きました。
Osaka thì tôi đi rồi.
- d) Wa thêm vào sau “to” thành “towa ”
言語学(げんごがく)とはいったいどんな学問(がくもん)ですか。
Ngôn ngữ học tóm lại là một ngành học như thế nào?
- e) Wa thêm vào sau “te” thành “tewa ”
毎年(まいとし)日本へ行っては、研究(けんきゅう)の資料(しりょう)を集(あつ)めてくる。
Hàng năm sang Nhật thu thập tư liệu nghiên cứu.
そうなってしまっては、もうおそい。
Đã đến mức đó thì quá muộn rồi.
- Thêm vào sau danh từ, tính từ hoặc chen vào giữa động từ.
- a) Wa thêm vào sau danh từ để nhấn mạnh danh từ ấy làm
trạng ngữ.
今はどこに行きますか。
Bây giờ cậu đi đâu đấy?
今日は、雨が降(ふ)りそうもない。
Trời hôm nay không có vẻ muốn mưa.
- b) Wa thêm vào sau tính từ để nhấn mạnh
詳(くわ)しくは、まだわかりませんよ。
Về chi tiết thì tôi chưa rõ.
- c) Wa chen vào giữa động từ để nhấn mạnh
その問題について、私も考えてはいる。
Tôi cũng đang suy nghĩ về vấn đề ấy.
子供はここで遊(あそ)んではいけません。
Trẻ con không được chơi ở đây!
- Đi sau trợ từ NO (dùng thay cho một danh từ hoặc danh từ hóa một động từ, cụm từ, thậm chí cả một câu, tạo thành bộ phận chủ ngữ (phần đề) chỉ rõ lý do, nguyên nhân, ý nghĩa, trạng thái…
あの赤いのは、 丸(まる)の内線(うちせん)です。
Đường vạch đỏ này là tuyến đường Marunouchi.
散歩(さんぽ)するのは、健康(けんこう)によい。
Đi bộ rất tốt cho sức khỏe.
彼が休んだのは、病気だったからだ。
Anh ta nghỉ vì ốm.
そう言ったのは、君(きみ)を心配(しんぱい)してた。
Nói như thế là vì lo lắng cho cậu.
- Đi sau trợ từ NO danh từ hóa kết cấu động bổ (BN+V) thay cho trợ từ WO.
寒いから、泳(およ)ぐのはやめたほうがいい。(thay choを)
Vì trời lạnh, anh không nên đi bơi nữa.
- Trợ từ “GA”( が ) là trợ từ cách, cũng như trợ từ “wa” là loại trợ từ ngữ pháp, được xếp thứ tự 57 sau trợ từ “wa” (56) trong tổng số 72 trợ từ của tiếng Nhật. Trợ từ “ga” đi sau thể ngôn (danh từ, đại từ, số từ) hoặc từ tương đương. Chuyên chỉ chủ thể mà chủ thể đó có động tác, tác dụng gì, hoặc có tính chất, trạng thái ra sao.
- Chỉ chủ thể (chủ ngữ)
- Nói về chủ thể mang tính chất thông báo.
南米(なんべい)で大きい地震(じしん)が起(お)こった。
Động đất lớn đã xảy ra ở Nam Mỹ.
- Nói về chủ thể chỉ sự tồn tại (chủ yếu đi với động từ tồn tại “aru” và “iru”.
動物園(どうぶつえん)に象(ぞう)がいる。
Ở Vườn bách thú có voi.
あの大学には、すばらしい図書館(としょかん)がある。
Trường Đại học ấy có một Thư viện tuyệt vời.
- Nói về chủ thể trong câu dùng nội động từ.
桜(さくら)の花が咲(さ)いている。
Hoa Anh đào nở.
空(そら)に凧(たこ)が上(あ)がっている。
Chiếc diều bay lên bầu trời.
- Đi với các từ nghi vấn làm chủ ngữ hoặc bổ ngữ
だれが試験(しけん)に合格(ごうかく)したのですか。(chủ ngữ)
Ai thi đỗ? (Ai trúng tuyển ?)
果物(くだもの)は何が一番お好きですか。 (bổ ngữ) Về hoa quả thì anh thích nhất loại nào?
- Đi với đại từ nghi vấn chỉ phương hướng dùng trong câu lựa chọn.
田中(たなか)さんと山口(やまぐち)さんと、どちらがお酒(さけ)が強(つよ)いですか。」
Anh Tanaka và anh Yamaguchi thì anh nào tửu lượng khá?
「山口さんの方が強いです。」
Anh Yamaguchi khá hơn.
- Đi sau danh từ làm bổ ngữ cho động từ khả năng: “dekiru”, “wakaru”, hoặc các tính từ: “hoshii”, “suki”, “iya”, “jozu”, “heta”…
あなたは日本語ができますか。
Anh có biết tiếng Nhật không?
彼は中国語と日本語がわかるそうだ。
Hình như anh ấy biết tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật.
日本語の辞書(じしょ)がほしい。
Tôi muốn có một cuốn từ điển tiếng Nhật.
歌(うた)なら、日本の歌のほうが好(す)きです。
Nếu là bài hát thì tôi thích bài hát của Nhật.
北川(きたがわ)さんは英語が上手で、海外(かいがい)出張(しゅっちょう)のときに通訳(つうやく)を雇(やと)ったことはない。
Anh Kitagawa giỏi tiếng Anh, nên khi đi công tác nước ngoài chưa bao giờ phải thuê Phiên dịch.
- Đi sau danh từ làm bổ ngữ cho động từ tri giác “mieru” “kikoeru” (nhìn thấy, nghe thấy) và động từ “suru” với cách dùng đặc biệt.
東京タワーから富士山(ふじさん)が見(み)える。
Từ trên tháp truyền hình Tokyo nhìn thấy được núi Fuji.
遠(とお)くから教会(きょうかい)の鐘(かね)の音(おと)が聞(き)こえる。
Nghe thấy tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại.
近(ちか)くのレストランからいいにおいがしてくる。
Có mùi thơm từ nhà hàng quanh đây.
玄関(げんかん)で何か音(おと)がした。
Có tiếng gì ở chỗ cửa vào.
- Dùng GA thay thế cho trợ từ “wo” trong trường hợp động từ chia ở dạng khả năng hoặc động từ đi với trợ động từ “tai”(muốn).
私は日本語の新聞(しんぶん)が読めます。(を)
Tôi đọc được báo tiếng Nhật.
今晩、てんぷらが食べたい。 (を)
Tối nay, tôi muốn ăn món tẩm bột rán.
- Đi sau trợ từ NO giống như trường hợp (4) của trợ từ WA kể trên.
あの赤いのがバラの花だ。 (chủ ngữ)
Loại màu đỏ là hoa Hồng.
彼は話すのが好きだ。 (bổ ngữ )
Anh ta thích nói chuyện.
(Còn tiếp)
Share this:
Related
Từ khóa » Cách Dùng Ga Trong Tiếng Nhật
-
Trợ Từ は (ha) Và が (ga) Trong Câu Tiếng Nhật (phần 2)
-
Trợ Từ Ga Trong Tiếng Nhật - 13 Cách Dùng Trợ Từ Ga
-
Cách Sử Dụng Trợ Từ が Trong Ngữ Pháp Tiếng Nhật Thông Dụng
-
10 Cách Dùng Của Trợ Từ Ga Trong Tiếng Nhật が (GA)
-
Trợ Từ WA Và GA Trong Tiếng Nhật
-
Cùng Nhau Học Tiếng Nhật | NHK WORLD RADIO JAPAN
-
Cách Sử Dụng Trợ Từ Trong Tiếng Nhật - Phần 1 (が) - Akira Education
-
Cách Sử Sụng Trợ Từ [が] Trong Tiếng Nhật
-
Phân Biệt Trợ Từ は (wa) Và が (ga) Trong Tiếng Nhật - Nippon Kiyoshi
-
Cách Dùng Trợ Từ は (ha) Và が (ga) Trong Câu Tiếng Nhật - Viet-SSE
-
Phân Biệt Cực Kỳ đơn Giản: Trong Tiếng Nhật Khi Nào Dùng "wa", Khi ...
-
Trợ Từ "WA" Và "GA" Trong Tiếng Nhật
-
Ga Trong Tiếng Nhật Là Gì? - Từ điển Việt-Nhật