Phân Biệt Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt Và Dấu Hiệu Mang Thai
Có thể bạn quan tâm
Nội dung chính của bài viết:
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome) là một nhóm các triệu chứng xảy ra ngay trước và trong những ngày đầu có kinh nguyệt.
- Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất giống với những dấu hiệu mang thai sớm. Cách tốt nhất để phân biệt các triệu chứng tiền kinh nguyệt và dấu hiệu mang thai sớm là thử thai.
- Ngoài ra, việc nhận biết nguyên nhân đằng sau những triệu chứng, như: đau vú, ra máu, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, buồn nôn, thay đổi khẩu vị, đau bụng cũng giúp bạn phân biệt được hội chứng tiền kinh nguyệt và dấu hiệu mang thai sớm.
- Nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ.
Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất giống với những dấu hiệu mang thai sớm. Nếu bạn đang không biết là mình sắp có kinh nguyệt hay đã mang thai thì có thể đọc bài viết dưới đây để phân biệt tiền kinh nguyệt và mang thai. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, những khác biệt này có thể rất khó nhận ra và thay đổi theo từng người.
1. Đau vú
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Ở hội chứng tiền kinh nguyệt, biểu hiện sưng và đau vú thường diễn ra trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt (một chu kỳ được tính từ ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên ra máu của kỳ tiếp theo). Các cơn đau có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng và thường nặng nhất ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu. Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Khi sờ lên ngực sẽ có cảm giác mô vú rất chắc và còn có cục bên trong, đặc biệt là ở vùng bên ngoài của bầu ngực. Bạn có thể sẽ cảm thấy ngực trở nên to hơn, nhạy cảm, nặng nề và có cơn đau âm ỉ. Cơn đau thường đỡ dần trong thời gian hành kinh hoặc ngay sau đó khi nồng độ progesterone giảm.
Mang thai: Trong thời kỳ đầu mang thai, mẹ bầu thường cảm thấy vú trở nên đau, nhạy cảm, đặc biệt là khi chạm. Ngoài ra cũng sẽ có cảm giác ngực to và nặng nề hơn. Hiện tượng này thường xảy ra sau khoảng từ một đến hai tuần kể từ khi thụ thai và có thể kéo dài trong một thời gian khi mức progesterone tăng lên do mang thai.
2. Ra máu
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Hội chứng tiền kinh nguyệt không gây ra máu trước khi hành kinh. Khi có kinh nguyệt, lượng máu sẽ nhiều và có thể kéo dài đến một tuần, cần phải dùng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san và phải thay thường xuyên.
Mang thai: Ở nhiều người, một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ là chảy máu âm đạo nhẹ hoặc ra máu nhỏ giọt, thường có màu hồng hoặc nâu sẫm. Điều này thường xảy ra sau khi thụ thai khoảng 10 đến 14 ngày và không đủ để thấm kín băng vệ sinh hay tampon. Hiện tượng ra máu thường chỉ kéo dài trong một hoặc hai ngày, ngắn hơn so với kinh nguyệt bình thường hàng tháng.
3. Thay đổi tâm trạng
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Bạn sẽ cảm thấy cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng thất thường do hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra có thể sẽ còn trở nên rất nhạy cảm, dễ khóc và tâm trạng lo âu, buồn bã vô cớ. Những dấu hiệu này thường biến mất sau khi kinh nguyệt bắt đầu.
Tập thể dục và ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện các triệu chứng về cảm xúc, tâm lý này của hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu cảm thấy buồn bã, lo âu, tuyệt vọng hay người luôn trong tình trạng ủ rũ trong hai tuần trở lên thì đó có thể là những biểu hiện của trầm cảm và cần đi khám bác sĩ tâm lý.
Mang thai: Khi mang thai, mẹ bầu thường thay đổi tâm trạng thất thường trong thời gian dài, có thể đến tận khi sinh. Những thay đổi hormone trong thai kỳ sẽ khiến tâm trạng trở nên nhạy cảm, dễ khóc và buồn vui thất thường.
Giống như hội chứng tiền kinh nguyệt, nếu những biểu hiện này xảy ra ở mức độ nghiêm trọng và kéo dài liên tục thì có thể là do trầm cảm. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng cảm xúc mà mình đang gặp phải và cho rằng có thể mình bị trầm cảm thì tốt nhất nên đi gặp bác sĩ tâm lý. Trầm cảm khi mang thai là vấn đề khá phổ biến, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và cần phải được điều trị.
4. Mệt mỏi
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Mệt mỏi và uể oải là một trong những triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến, cũng như là khó ngủ. Những triệu chứng này sẽ biến mất khi kinh nguyệt bắt đầu. Có nhiều cách khác nhau để cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm tình trạng mệt mỏi này, ví dụ như tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Tìm hiểu thêm về cách giảm mệt mỏi khi đến kỳ.
Mang thai: Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cũng sẽ gây mệt mỏi giống như hội chứng tiền kinh nguyệt. Dấu hiệu này thường rõ rệt nhất trong ba tháng đầu, nhưng cũng có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Để giúp cơ thể khỏe khoắn hơn thì mẹ bầu cần ngủ đủ giấc và ăn uống đủ chất.
5. Buồn nôn
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Buồn nôn hay nôn ói không phải là triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Mang thai: Ốm nghén là một trong những dấu hiệu thường gặp và rõ ràng nhất báo hiệu thai kỳ. Những cơn buồn nôn thường bắt đầu sau khoảng một tháng kể từ khi thụ thai thành công. Hiện tượng nôn ói có thể có hoặc không kèm theo cảm giác buồn nôn và có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng bị ốm nghén khi mang bầu.
6. Thèm ăn và thay đổi khẩu vị
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Khi sắp hành kinh, nhiều phụ nữ nhận thấy rằng thói quen ăn uống có sự thay đổi, ví dụ như thèm đồ ngọt, chocolate, các loại thực phẩm có hàm lượng carb cao hoặc thức ăn mặn. Bên cạnh đó, tăng cảm giác thèm ăn cũng là một biểu hiện cho thấy kỳ kinh sắp đến. Mức độ thèm ăn thường khác so với khi mang thai.
Mang thai: Khi mang thai, nhiều phụ nữ gặp hiện tượng đột nhiên cảm thấy vô cùng thèm một loại đồ ăn nào đó và không còn hứng thú với những món vẫn hay ăn thường ngày. Mẹ bầu cũng thường trở nên nhạy cảm với một số mùi và vị nhất định, ngay cả những mùi vị từng thích trước đây. Những thay đổi này có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.
Một số người còn gặp phải hội chứng Pica, có nghĩa là thèm ăn những thứ không phải đồ ăn, chẳng hạn như vữa tường, mảnh sơn khô, giấy hay vụn kim loại. Nếu bạn có cảm giác thèm ăn những thứ này thì cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được hướng dẫn cách điều trị.
7. Đau bụng
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Các cơn đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh thường xảy ra từ 24 đến 48 tiếng trước khi có kinh. Cơn đau có thể sẽ giảm sau khi bắt đầu ra máu và cuối cùng sẽ biến mất khi không còn kinh nguyệt.
Mức độ đau bụng kinh thường sẽ giảm sau khi sinh con đầu lòng hoặc khi có tuổi.Tuy nhiên, một số phụ nữ khi bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh lại nhận thấy bị đau bụng dữ dội hơn so với khi còn trẻ.
Mang thai: Đầu thai kỳ thường có hiện tượng hơi đau bụng. Những cơn đau này thường giống như đau bụng kinh nhưng chủ yếu giới hạn ở bụng dưới hoặc thắt lưng.
Nếu từng bị sảy thai trước đây và lại gặp phải hiện tượng này khi mang thai lần nữa thì không được chủ quan. Hãy nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Nếu cơn đau vẫn không đỡ thì cần đi khám ngay. Các cơn đau bụng trong thai kỳ có thể xảy đến trong nhiều tuần cho đến vài tháng. Nếu bạn biết mình đã mang thai và bị đau bụng kèm theo hiện tượng chảy máu hoặc chảy dịch lỏng từ âm đạo thi hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Từ khóa » Sự Khác Nhau Giữa Sắp Có Kinh Và Có Thai
-
Phân Biệt Các Triệu Chứng Tiền Kinh Nguyệt Với Dấu Hiệu Mang Thai
-
Phân Biệt 7 Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Và Có Thai Dễ Nhầm Lẫn - Hello Bacsi
-
Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Nguyệt Và Có Thai Có Giống Nhau Không?
-
Phân Biệt Có Kinh Trễ Và Mang Thai - Kotex GirlSpace
-
Triệu Chứng Tiền Kinh Nguyệt Và Mang Thai Khác Biệt Ra Sao? - YouMed
-
Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Và Có Thai Khác Nhau Như Thế Nào - Yêu Trẻ
-
Phân Biệt Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Và Mang Thai
-
Những Dấu Hiệu Phân Biệt Sự Khác Nhau Giữa đau Bụng Kinh Và Có ...
-
Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Và Có Thai: Điểm Giống, Khác Nhau
-
Dấu Hiệu Mang Thai Khác Với Kỳ Kinh Nguyệt Như Thế Nào?
-
Các Dấu Hiệu Mang Thai Khác Với Kỳ Kinh Nguyệt Cần Biết
-
Phân Biệt Máu Báo Thai Với Máu Báo Kinh Nguyệt - DoctorTuan
-
Dấu Hiệu Chậm Kinh Nguyệt Và Mang Thai Khác Nhau Thế Nào? | VIAM
-
21 Dấu Hiệu Mang Thai (có Bầu) Sớm Sau 1 Tuần đầu Quan Hệ Cần Biết