Phân Biệt Tội Chống Người Thi Hành Công Vụ Với Một Số Tội Phạm ...

Bài viết phân tích các dấu hiệu pháp lý của Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và phân biệt tội phạm này với một số hành vi phạm tội khác có liên quan đến người thi hành công vụ.

Tội chống người thi hành công vụ

Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây viết là BLHS năm 2015). So với Điều 257 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2019 (BLHS năm 1999), thì Điều 330 BLHS năm 2015 chỉ có hai sự thay đổi:

(1) Điều 330 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 Điều 257 BLHS năm 1999 thành thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên tại khoản 2;

(2) Sửa đổi tình tiết “Phạm tội nhiều lần” tại điểm a khoản 2 Điều 257 BLHS 1999 thành “Phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 BLHS 2015.

Chống người đang thi hành công vụ (http://congan.nghean.gov.vn)

Tội chống người thi hành công vụ xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong các lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm này là người thi hành công vụ.

Người phạm tội chống người thi hành công vụ có thể thực hiện một trong các hành vi khách quan sau:

- Hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật: là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đâm, chém…làm cho người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi mà pháp luật cấm hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc họ phải làm.

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật: là hành vi dùng lời nói, cử chỉ, hành động đe dọa dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ nếu họ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc không thực hiện hành vi trái pháp luật theo yêu cầu của người phạm tội. Việc dùng vũ lực có thể được thực hiện ngay tức khắc hoặc không xảy ra ngay tức khắc.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực phải đến mức làm cho người thi hành công vụ tin rằng nếu họ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc không thực hiện hành vi trái pháp luật theo yêu cầu của người phạm tội, thì hành vi dùng vũ lực sẽ xảy ra.

- Dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật: là hành vi không phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, mà bằng thủ đoạn khác như đe dọa sẽ công khai các thông tin liên quan đến bí mật gia đình, bí mật cá nhân, đe dọa gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc người thân thích của họ nếu họ không ngừng thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc không thực hiện hành vi trái pháp luật.

Tội phạm này hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật được thực hiện trong khi người thi hành công vụ đang thực hiện công vụ của họ, tức là họ đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc việc thực hiện công vụ.

Nếu các hành vi này được thực hiện trước hoặc sau khi người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm khác có tình tiết vì lý do công vụ của nạn nhân.

Theo quy định tại Điều 12, Điều 330 BLHS năm 2015, thì chủ thể của tội chống người thi hành công vụ phải từ đủ 16 tuổi trở lên, người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Ngoài dấu hiệu về tuổi, người phạm tội này còn phải thỏa mãn điều kiện là: khi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015.

Nếu người phạm tội chống người thi hành công vụ trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Tội chống người thi hành công vụ được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015 là cấu thành cơ bản của Tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội thuộc trường hợp này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 330 BLHS năm 2015 thì phạm tội chống người thi hành công vụ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức: là trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ mà có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Nếu có nhiều người cùng tham gia chống người thi hành công vụ nhưng không có sự câu kết chặt chẽ thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ có tổ chức.

- Phạm tội 02 lần trở lên: là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội: là trường hợp người phạm tội xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác cùng thực hiện tội phạm chống người thi hành công vụ với mình hoặc người phạm tội không trực tiếp thực hiện mà xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác thực hiện tội phạm chống người thi hành công vụ.

Trường hợp người phạm tội dùng vũ lực đối với người đang thi hành công vụ và lại có thêm tình tiết “xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác phạm tội”, nếu chưa gây ra thương tích cho người thi hành công vụ thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ thuộc trường hợp “Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 330 BLHS năm 2015 (có mức hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù); nếu gây ra thương tích cho người thi hành công vụ (có tỷ lệ thương tích từ 1% đến 10%) thì người phạm tội lại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (có mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù). Như vậy, người phạm tội có hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn lại bị xử lý nhẹ hơn là không hợp lý, cần phải được nghiên cứu để sửa đổi.

- Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 trở lên: tình tiết này là sự cụ thể hóa tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 257 BLHS năm 1999.

- Tái phạm nguy hiểm: người phạm tội chống người thi hành công vụ bị áp dụng tình tiết này khi đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện tội phạm chống người thi hành công vụ. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Phân biệt tội chống người thi hành công vụ với một số tội phạm khác có liên quan đến người thi hành công vụ

Xét xử vụ án chống người thi hành công vụ tại tỉnh Quảng Ninh (Kiemsat.vn)

- Với trường hợp giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân quy định tại điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015

Cả hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân đều xâm phạm đến người thi hành công vụ và thực hiện với lỗi cố ý.

Tuy nhiên, hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện khi người thi hành công vụ đang thực hiện nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giao, tức là đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc; còn hành vi giết người quy định tại điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 được thực hiện khi nạn nhân đang thi hành công vụ hoặc không phải lúc họ đang thi hành công vụ mà có thể trước hoặc sau đó.

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người thi hành công vụ, thì hành vi giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân lại gây ra thiệt hại về tính mạng cho người thi hành công vụ.

- Với trường hợp gây thương tích đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015

Cả hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi cố ý gây thương tích đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân đều xâm phạm đến người thi hành công vụ và thực hiện với lỗi cố ý.

Tuy nhiên, nếu chống người thi hành công vụ mà chưa gây ra thương tích cho nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chống người thi hành công vụ”; nếu gây thương tích cho nạn nhân có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chống người thi hành công vụ”.

- Với trường hợp phạm tội vu khống đối với người đang thi hành công vụ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 156 BLHS năm 2015

Nếu có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đang thi hành công vụ; bịa đặt người thi hành công vụ phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì người có hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 156 BLHS năm 2015, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ.

Nguồn: baovephapluat.vn

Từ khóa » Tội Chống Người Thi Hành Công Vụ điều 330