Phấn đấu Vì Bình đẳng Giới, Hướng Tới Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam – thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới
Ảnh minh họa: Kiều Giang |
Trên bình diện quốc tế, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ trên phạm vi toàn cầu. Các cam kết BĐG trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) thể hiện một bước tiến quan trọng tiếp nối các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Trong đó, các mục tiêu cụ thể về BĐG được xây dựng dựa trên nguyên tắc của các công ước và cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền như Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh,... Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 toàn cầu đã đề ra nội dung hướng tới “chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử; xóa bỏ bạo lực và các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; giải quyết vấn đề về công việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả công; đảm bảo sự tham gia hiệu quả của phụ nữ ở mọi cấp độ ra quyết định, và tiếp cận phổ cập đến quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục”. Với cam kết của mình, cộng đồng quốc tế đã và đang dành những nguồn lực tài chính cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được BĐG và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên cơ sở pháp luật và các công ước, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nhiều bộ luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng và phù hợp với thực tiễn quốc gia. Bên cạnh việc xây dựng, ban hành luật pháp, chính sách, Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, các đề án, chương trình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về bình đẳng giới,… và mới đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Đây là các văn kiện quan trọng nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp để thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như các nội dung về bình đẳng giới trong các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Báo cáo chuyên đề phục vụ Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền tháng 03/2022, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay) và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế-chính trị của khu vực và thế giới. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.
Nỗ lực vì bình đẳng, tiến bộ trước những khó khăn bởi dịch bệnh
Đại dịch COVID-19 đã tác động làm tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới - Ảnh: Lê Nguyễn |
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã gây khó khăn cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Trước nhu cầu thực tế đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố, tính đến cuối năm 2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 32.644 tỷ đồng, hỗ trợ trên 27,9 triệu lượt đối tượng (gồm 378.190 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 27,52 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỷ đồng. Về kinh phí hỗ trợ, theo tính toán dự kiến ban đầu không bao gồm kinh phí do địa phương bố trí để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù, tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ (gói 26 nghìn tỷ đồng) đến nay đạt 50,33% kế hoạch dự toán. Đã có 24.060 người lao động mang thai và 366.335 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người. Trên 14,7 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 19.227 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết,…
Với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, ngày 11/01/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022, về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết của Quốc hội nói trên với các nhóm giải pháp cụ thể. Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh, xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể với các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới
Nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025… đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn tới là: Tiếp tục Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Trước mắt cần tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác bình đẳng giới. Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025…
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và nơi tạm lánh, nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới cũng cần được chú trọng. Tăng cường lồng ghép giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển dân tộc miền núi và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp, hỗ trợ sinh kế nhằm đảm bảo tự do tài chính cho phụ nữ. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng giới gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Song với những chủ trương, đường lối đúng đắn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nên trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế thực hiện phát triển một cách bền vững, trong đó có vấn đề bình đẳng giới, là xu thế tất yếu. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới cũng là yếu tố quan trọng, giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững./.
Từ khóa » Giải Pháp Bình đẳng Giới ở Việt Nam Hiện Nay
-
Bình đẳng Giới ở Việt Nam Và Các Giải Pháp Thúc đẩy Bình đẳng Giới
-
Đề Xuất 5 Chiến Lược Thúc đẩy Bình đẳng Giới ở Việt Nam
-
Bình đẳng Giới Thực Chất Tại Việt Nam: Từ Chính Sách Tới Thực Tiễn
-
Giải Pháp Bảo đảm Bình đẳng Giới Trong Chính Sách, Pháp Luật Hiện ...
-
Hoàn Thiện Chính Sách, Pháp Luật Về Bình đẳng Giới ở Việt Nam Hiện ...
-
Bình đẳng Giới để Hướng đến Phát Triển Bền Vững
-
CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP MẠNH MẼ HƠN TRONG THỰC HIỆN ...
-
Quyết Tâm Mạnh Mẽ Của Việt Nam Trong Thúc đẩy Bình đẳng Giới
-
Biện Pháp Thúc đẩy Bình đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Lao động - USSH
-
Đẩy Mạnh Thực Hiện Công Tác Bình đẳng Giới Và Vì Sự Tiến Bộ Phụ Nữ
-
Bình đẳng Giới (CTCBN) - Bộ Nội Vụ
-
Một Số Giải Pháp Thực Hiện Bình đẳng Giới Trong Vùng đồng Bào Dân ...
-
Nhiệm Vụ, Giải Pháp Và Nội Dung Thực Hiện Truyền Thông Về Bình ...
-
Giải Pháp Trước Thực Trạng Bất Bình đẳng Giới Gia Tăng