Phần III: Các Loại Cỗ Cúng Và Nghi Thức Cúng - Vị Lai Pháp

Phần III: Các loại cỗ cúng và nghi thức cúng

 

Chương 1: Những nguyên tắc chung
   

 - Nếu dâng Lễ cúng cho các Minh chủ, các chư Vị, cho Cửu huyền - thì ta dâng trên bàn cao, ở chính giữa phòng khách hoặc phòng thờ. Nếu có cúng kèm cho các vong hồn “chầu theo” của chính hệ và bàng hệ thì ta để thêm một bàn ở dưới thấp.

- Cỗ cúng không được đặt dưới đất hoặc trên nền nhà - là nơi thiếu thanh sạch.

- Luôn tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh chu trước khi hành lễ.

- Thánh cách ăn chay, Thần cách (Quan, Thần, Tướng v... v) ăn mặn.

- Đĩa tam sên gồm 2, 3 cái trứng, 1 miếng thịt luộc vuông vuông - 1, 2 lạng tôm hoặc mấy con cua luộc chín (không cúng đồ sống, hoặc không mua con vật còn sống về luộc - ta sẽ phạm tội sát sanh).

- Ngôi thứ cao thấp lần lượt theo thứ tự là: Thiên Trào, Nhà Phật, Quan thần tướng. Rồi mới tới các âm phần của Cửu huyền, của các chư vị Thần nghiệp Tổ nghiệp Tông - sau cùng là các vong hồn chính hệ, bàng hệ hoặc âm vong ngoài đường…

- Đối với môn sinh VLP: muốn nhân lộc thực chiêu đãi thì mâm cúng phải đặt trong phòng khách - nơi tiếp khách, chiêu đãi. (Nếu không bày lên một bàn riêng mà bày lên bàn thờ thì mâm nào nằm chỗ ấy, không thể nhân lộc thực được).

- Khi thu vén các chân nhang - ta không được vứt bên ngoài hoặc trong đống rác - mà phải đem đốt, thiêu hủy đi - kẻo không sẽ phạm tội bất kính.

- Mâm đồ cúng cô hồn hay cúng chiêu đãi binh tướng - những trái cây và bánh… luôn cắt nhỏ, đủ 10 trái 1 bàn hoặc là nhiều trái nhỏ chung 1 đĩa. Tất cả các loại thức ăn đều làm nhiều thứ để gắp chứ không phải cúng 1 con gà 1 con vịt… Bởi các vong hồn mạnh nhất sẽ bê đi mất và những vong hồn còn lại không được ăn. Tất cả mọi thứ đều 10: 10 chén, 10 bịch gạo, 10 bộ đồ cúng cô hồn, nên có thêm vài bịch sữa cho vong hồn trẻ em v.v…

- Bất cứ lễ cúng nào (ngay cả cúng giỗ) cũng phải vào đúng Ngọ. Nếu cúng khác giờ, xem như cỗ cúng bất thành, âm phần không được nhận lễ!

- Ngoài giờ Ngọ, cúng phần âm (hoặc nói nôm na là “cúng cô hồn”) - ta có thể cúng từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm. Lễ cúng không cần chờ đến tàn nhang mới dọn xuống, sau khi đốt hóa tiền vàng độ chừng mười, mười lăm phút ta dọn được rồi ! Vì âm phần nhận lễ rất nhanh, để quá lâu ruồi nhặng bu đậu, chúng ta ăn vào dễ bị trúng độc…

- Các cỗ lễ cúng (ngay cả cúng cô hồn) ta đều đem vào ăn được, không bỏ gì hết! Vì vậy, khi cúng nên chọn món ngon mà ta ưa thích, đừng cúng thứ dở, để rồi đem vứt bỏ đi, ta sẽ mắc tội khinh rẻ âm phần !.

- Trừ cúng xả xui, giải nạn, giải tà - người cúng đem ra góc ngã ba, ngã tư đường mà cúng, và phải bỏ lại tất cả, không mang theo thứ gì về nhà, ngay cả chiếc quẹt gas… Cúng xong trở về tới trước cửa nhà, ta đứng lại ngoài ngõ phủi sạch sẽ quần áo (để giải trọc khí, khí xấu không theo ta vào nhà).

- Nếu cúng cho các âm phần, âm Căn hoặc Chúa Quỷ, Thần Thánh… không phải là các âm phần ở trong nhà, khi cúng ta để ngoài hàng hiên trước nhà, lệch qua khỏi cửa cái, về phía đường lớn có xe cộ lưu thông (để phần âm nhận rồi đi, không ở lại trong nhà. Nếu cúng giữa cửa cái, Ông Bà Tổ Phụ và các Chư Thần trong nhà sẽ không cho nhận).

- Trừ các nơi làm ăn mua bán thì cúng trước cửa nhưng vẫn để lệch khỏi chính diện.

- “Trần sao âm vậy!”, ta thích ăn gì, thì cúng phần âm món đó, cúng xong ta lại dùng chẳng mất đi đâu! Đừng cúng thứ trái xấu, bánh dở… Cúng xong có người vứt ra đường cho xe cộ qua lại giày xéo, trông xót xa biết mấy… Cúng như thế chỉ tán tài tán lộc thêm mà thôi (lời Mẹ Diêu Trì dạy).

- Vong hồn khi còn sống biết ăn chay thì ta vẫn có thể chiêu dụng đồ chay, còn những vong hồn sống tạo nhiều chướng nghiệp, lúc sống không biết ăn chay - thì chết cũng vậy, họ không bao giờ động vào lộc thực chay chúng ta cúng.

- Các Đấng cũng như Ông Bà Tổ Phụ, có cho lộc thì ta mới có lộc. Đồ cúng tùy theo gia cảnh, có tiền cũng nên cúng hoa đẹp, trái tốt…  Các Đấng với Ông Bà nhìn thấy cũng đẹp dạ, vui lòng, ta mới hưởng lộc và giữ lộc được. Không tiền thì cũng lau rửa bàn thờ, dâng lên hai chung nước trắng với 1 nén nhang (lời Mẹ Diêu Trì).

- Cúng các Đấng cũng như các vị Thần Tiên, Trạng, Thánh, Chúa Quỷ...vv... Khi có đồ mặn ta mới cúng rượu, cúng âm vong không có rượu (phần âm say sưa sẽ sanh tâm dữ hại người).

- Cúng các Đấng như Thần Tiên, Trạng và Chúa Quỷ... ta cúng một đĩa tam sên, hoa trái, nước và rượu. Khi cúng, nên mua các con vật làm sẵn bày bán ngoài chợ, chớ nên mua đem về nhà mới giết mổ, cho đỡ phạm tội sát sinh, thêm âm khí, trọc khí trong nhà... Con vật khi đã chết là đã trả nghiệp rồi, ta không vướng nghiệp sát nữa... Gọi là “né tránh” chút xíu cho giải bớt oan nghiệp vậy thôi - Đã là người trần thế, chuyện “ăn mặn” là chuyện thường tình. Đôi lúc “buồn miệng” ta ra chợ mua một, hai kí nghêu sò ốc hến về luộc chín mà ăn, không hay biết vì ta mà trăm ngàn sinh linh nhỏ bé phải chết.

Hoặc “trứng vịt lộn” bỏ vào nồi nước nấu từ lúc nước còn lạnh đến nước sôi, chúng ta thử nghĩ xem các con vật trong ấy đau đớn đến thế nào.

Cũng cần phải “ăn để sống”, thôi thì mua con vật làm sẵn, ăn không ngon bằng đồ tươi sống nhưng đỡ phạm tội sát sinh... (lời Mẹ Diêu Trì dạy).

 

 

CHƯƠNG 2: CÁC LOẠI CỖ CÚNG

 

1. Cúng Giải giáp binh gia:

(Chỉ thực hiện theo yêu cầu của Gia chủ, hoặc khi đã được tiếp xúc với các chư vị Thần nghiệp Tổ, nghiệp Tông)

* Chuẩn bị:

- Phải là người thầy Tâm linh- có Ấn chỉ hành Pháp, chấp Pháp hoặc điều Binh khiển Tướng mới có đủ quyền năng để thực hiện.

- Ở đây ta làm quen với cỗ lễ được thực hiện do một người thầy tâm linh của Vị Lai Pháp:

- C lễ: 02 mâm cỗ lễ (một mâm cho tộc Tổ, cho các chư vị thần Tổ - và một mâm quần áo, lộc thực cho binh tướng).

- Mâm tộc tổ gồm có: Một mâm cơm, hoa, trái, trà nước.

- Mâm Binh tướng gồm có: Thức ăn, chén bát đũa cho 10 người, 10 bộ đồ, 10 xấp giấy tiền, 10 bịch gạo.

- Thời gian: Giờ Ngọ (ngày đã hẹn).

Việc cần làm chính (theo 03 trình tự): Giải Đạo phù - Giải Lệnh phù - Giải giáp binh gia) - Sau đó cho chiêu đãi binh tướng và đưa đi đầu thai.  

- Đạo phù, Lệnh phù giống hình dưới đây:

- Nghi Thức:

Bước 1: Trụ thần - Trình Ấn:

- Nếu làm gián tiếp: Trụ thần về điện thờ chánh thất - Bước vào, đứng ở chính giữa phòng thờ, yêu cầu người chánh chủ đứng ra cúng phải trụ thần, hình dung ra trang thờ họ tộc. Người cúng đứng ngay chính giữa, người Thầy lễ đứng về phía bên tay phải.

- Làm trực tiếp: Đứng ở chánh điện, đối diện trang thờ chính của dòng tộc chánh họ.

Bước 2: Trình Ấn:

- Xá 1 xá, đưa bàn tay phải lên trình Ấn hành đạo VLP (hướng về chánh điện).

- Khấn: “Kỉnh chào các chư vị Quan thần tướng ở trong điện thờ dòng họ (ABC…)”

- Xá 1 xá, khấn: “Kỉnh chào đại diện Cửu Huyền Thất Tổ “Tứ Thân Phụ Mẫu” của dòng họ chánh gốc (ABC…) và kiến họ (EDF…) của: (xướng tên, tuổi của người đại diện…)

Bước 3:  Khấn Lễ:

Ngày hôm nay tôi xin phép đại diện VLP hộ trì gia hộ cho bạn ABC (tên + tuổi), đại diện cho dòng họ ABC xin Giải giáp binh gia cho tộc tổ tông đường của dòng họ ABC…

Đề nghị các chư vị đại diện Thần tổ nghiệp dòng họ ABC (đã được thỏa thuận từ trước) - trả tự do cho tất cả các binh tướng, chiêu tập tất cả binh tướng về đứng ngoài sân điện thờ của dòng họ. Để chuẩn bị nhận lộc thực và xóa phép nhiếp giữ, đưa binh tướng đi đầu thai, chuyển kiếp.

*Xóa Đạo phù:

 Đạo phù như 1 Thánh chỉ cho phép dụng binh. Đạo phù ta mường tượng như là một bức trướng gấm màu đen - trên nền có hình long phụng và có hàng chữ, có con dấu “triện” bằng tiếng Thiên, hoặc tiếng Tàu, tiếng Phạn, hoặc là “tiếng Bản địa”) ... Đạo phù đặt bên trên bàn thờ, giăng ngang hàng gần với trần nhà - Đạo phù viết ngang nên xóa ngang.

- Câu Lệnh: “Tôi xin phép xóa Đạo phù”.

- Lần thứ nhất - XÓA!

Trụ thần, phóng đẩy năng lượng vào giữa đạo phù, kéo qua kéo lại tẩy xóa như dùng khăn lau phấn trên bảng đen (làm 3 lần).

- Lần thứ hai - XÓA!

- Lần thứ ba - XÓA!

*Xóa Lệnh phù:

Lệnh phù là thanh “Lệnh” dùng để điều binh khiển tướng, là thanh sổ viết dọc nằm chính giữa điện thờ, bên dưới Đạo phù, Lệnh phù cần được xóa theo hàng dọc. Lệnh phù cũng xóa 3 lần như Đạo phù.

“Tôi xin phép xóa Lệnh phù”.

Câu lệnh:

- “Xóa lệnh phù lần 1 - XÓA!

- “Xóa lệnh phù lần 2 - XÓA!

- “Xóa lệnh phù lần 3 - XÓA!

 

Bước 4: Giải giáp Binh gia:

- Xóa Lệnh phù trên người tất cả Binh gia của dòng tộc

Quay ra sân cùng gia chủ, sau đó dùng lưới càn khôn bao trùm cả toàn bộ khuôn viên ngoài sân nhà thờ.

*Câu Lệnh:

- “Giải giáp binh gia lần thứ nhất”: Tất cả binh tướng dòng họ ABC nhận năng lượng xóa (kéo năng lượng từ giữa không trung vào giữa 2 chân mày, chỗ luân xa 6 của tất cả binh tướng để xóa)”.

 - “Giải giáp binh gia lần thứ 2: tất cả binh tướng dòng họ ABC nhận” (thực hiện như trên).

 - “Giải giáp binh gia lần thứ 3: tất cả binh tướng dòng họ ABC nhận” (thực hiện như trên).

          - Sau khi xóa xong nói: “Từ nay các bạn là những linh hồn tự do, không còn liên quan tới dòng họ ABC. Ngày hôm nay các bạn được chuẩn cho đi đầu thai ngay lập tức, hoặc tự do tìm về với quê hương bản quán của mình. Chúng tôi đại diện cho dòng họ ABC cảm ơn các bạn đã hộ trì gia hộ cho dòng họ chúng tôi nhiều đời nhiều kiếp. Xin ngài Địa Tạng Vương Bồ tát chuẩn cho thu vong ngay lập tức, hoặc ai không muốn đi đầu thai thì cứ tự động rời đi - sau khi chiêu đãi lộc thực.”

Cho chiêu đãi lộc thực: quần áo, tiền bạc và gạo - xong rồi cầu xin ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát cho thu vong đưa đi đầu thai chuyển kiếp.

 

Bước 5: Lễ Đưa vong đi đầu thai:

“Cầu xin ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát - xin Bồ Tát chuẩn cho các binh tướng được chuyển đi đầu thai, chuyển kiếp theo nghiệp lực ngay lập tức. mỗi người sẽ theo nghiệp lực của mình tạo ra mà đầu thai chuyển kiếp vào số phận liên đới nghiệp quả - VLP chúng tôi không can thiệp vào nghiệp quả của các bạn. Mỗi người 1 bịch gạo, 1 bộ đồ, 1 xấp giấy tiền, xin cho họ đi đầu thai có ăn có mặc - tương tự như nghiệp lực họ mang theo hiện tại!”

- Quay lại điện thờ (cùng gia chủ): Tạ ơn Cửu Huyền Thất Tổ đã cho phép: xá 1 xá - Tạ ơn chư vị Thần tổ nghiệp đã cho phép xá 1 xá !.- Tạ ơn các chư vị Quan Thần Tướng trong nhà thờ dòng họ ABC, xin lui gót!

2. Lễ cúng thượng Trang thờ Phật:

- Phương hướng: Chính giữa phòng khách, đối diện cửa ra vào hoặc phòng thờ. Hoặc trên cửa “Bản mệnh” (tức cửa chánh trổ vào buồng), nằm trên cao ở vừa tầm với hoặc cao hơn.

- Thời gian: Giờ Ngọ (từ 11g15 đến 13g), ngày Rằm hoặc mùng 01 hàng tháng (tính theo âm lịch).

- Lễ vật: 01 đĩa ngũ quả, 01 trái dừa, 01 lọ hoa (huệ trắng hoặc hoa sen), 02 ly nước, 01 chai dầu thơm, có chè xôi hoặc không…

- Sắp lễ: Bên phải bàn thờ là lọ hoa và 01 trái dừa, bên trái là đĩa ngũ quả, 02 ly nước để chính giữa, phía sau lư hương.

- Hình thờ không cần đưa lên Chùa để “khai quang điểm nhãn”, chỉ cần lau rửa sạch sẽ là được! Nếu hình thờ không có đèn chiếu, ta mua thêm hai bóng đèn nhỏ đặt ở hai bên trang thờ để đón thanh khí.

- Người làm lễ phải tắm gội sạch sẽ, mặc đồ dài, đúng giờ Ngọ thì thắp ba nén hương (tất cả các bàn thờ khác đang có trong nhà cũng phải cúng hoa trái và thắp một nén hương).

- Lời khấn: Con tên: … là chủ của ngôi gia này! Hôm nay là ngày… tháng… năm… nhằm giờ Ngọ. Được ngày lành tháng tốt con xin phép đại diện toàn gia thượng trang thờ Phật (Phật Bà hoặc Phật Ông).

Con xin phép cung thỉnh (Phật Bà hoặc Phật Ông) về ngự tại ngôi gia của con, để trong nhà có Minh Chủ, đón khí thanh về, xua trọc khí rời đi !. Cầu xin cho vợ chồng con cháu trong nhà trên dưới thãy đều biết tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ để đẹp dạ Ông Bà Tổ Phụ cùng các Đấng.

Con xin phép làm lễ tẩy trần và dâng nước. Kính thỉnh (Phật Bà hoặc Phật Ông) hoan hỷ ngự về nhậm lễ… (Cắm ba nén hương vào lư hương xong dùng chai dầu thơm xịt phía dưới chân hình thờ hoặc tượng, xịt vào dưới bình hoa và lư hương, xịt bốn góc trang thờ để làm lễ tẩy trần). Quay lại rót hai ly nước kính cẩn dâng lên bàn thờ, xong quỳ xuống lạy ba lạy, đứng lên xá ba xá - vậy là xong nghi Lễ thượng trang.

- Nên nhớ: các lễ cúng Thượng trang (trừ trang thờ, bàn thờ của các đấng Minh chủ trong nhà) hoặc ngày giỗ chạp, ngày Vía… nước và rượu phải dâng lên mời sau khi thắp hương và khấn. Bình trà (hoặc rượu) và các ly sắp sẵn phía sau lưng, khấn xong mới rót mời!

- Nếu là nhà mới hoặc mới chuyển chỗ ở, ngay ngày giờ thượng trang Phật - chúng ta có thể cùng một lúc thượng trang tất cả các bàn thờ khác trong nhà, không cần chờ đúng ngày lễ, Vía… Điều này làm đơn giản và chỉ tốn chi phí, công sức cho một lần thượng lễ.

Muốn thượng nhiều trang thờ cùng một lúc, ta phải sắp sẵn cỗ lễ, tất cả lễ tiết đều phải hoàn tất trong giờ Ngọ, quá giờ xem như lễ ấy bất thành!

Chai dầu thơm để trên bàn thờ Phật, ngày Vía hàng tháng sau khi cúng lễ, thắp hương ta lại xịt tẩy trần bàn thờ (nếu để ở bàn thờ khác, ta chỉ dùng riêng tại chỗ, không đem xịt sang chỗ khác được).

3. Trang thờ Thần Tài, Thần Địa:

Vía thần Tài mùng 10 hàng tháng ! Nếu cúng ngày Vía thì thêm một đĩa tam sên và hai chung rượu (rượu trắng, không dùng rượu pha), đĩa tam sên gồm có ba thứ : Thịt, trứng, tôm (hoặc cua) luộc chín.

* Phương hướng: Bàn thờ đặt trong phòng khách hoặc phòng thờ, đối diện cửa cái, tránh không nên để ở (hoặc bên) gầm cầu thang lên lầu hay gác, (cả trang thờ Cửu Huyền cũng vậy). Nên để ở góc phải hay trái, không để chính giữa nhà.

* Lễ vật: 01 đĩa ngũ quả, hoa, 02 ly nước, chè xôi (lễ thượng trang cúng, khấn sau khi thượng bàn thờ Phật).

* Lời khấn: Con tên……… là gia chủ của ngôi nhà này, hôm nay là ngày… tháng… năm…, nhằm giờ Ngọ!

Được ngày lành tháng tốt, sau lễ thượng trang Phật, con xin phép (Phật Bà hay Phật Ông) cho con cung thỉnh phần Linh Điển của thần Tài, thần Địa về ngự tại ngôi gia, để phò hộ cho gia đạo chúng con trên dưới trong ngoài bình an vô sự, tài lộc hanh thông !

Con xin phép làm lễ tẩy trần và dâng nước mời nhị Thần ngự về nhận lễ vật cung nghinh (Cắm 3 cây hương lên bàn thờ, xịt dầu thơm dưới chân hình tượng, bình hoa, lư hương, bốn góc bàn thờ xong rót nước dâng cúng, lạy 3 lạy, xá 3 xá… thế là xong phần lễ Thượng Trang).

4. Bàn thờ Cửu Huyền:

* Yêu cầu:

Phải là môn sinh học xong 20 cấp lớp mới đủ năng lực hành Lễ (nếu làm cho gia đình). Cấp 20 và phải có “Ấn hành đạo” nếu thượng trang cho người khác.

* Điều nên nhớ: Nếu chỉ thờ từ cha Mẹ trở xuống con, cháu… ta có thể thờ bình thường - nếu có thêm ông bà, bắt buộc phải có bài vị Cửu Huyền để đại diện cho một chi phái, kiến họ! Bài vị có chữ hoặc chỉ là một tấm gỗ trơn để trên giá gỗ (có làm bán sẵn ở tiệm bán đồ thờ).

- Không có bài vị Cửu Huyền là thất cách, con cháu cũng như gia chủ trong nhà sẽ bị hành liên miên, đau ốm, nạn tai và trục trặc, xào xáo bất an…

* Thời gian: cùng ngày với bàn thờ Phật, hoặc chọn một trong bốn ngày Vía Cửu Huyền: Mùng 3, mùng 7, 13 hoặc 17 hàng tháng! Từ đó trở đi ta lấy ngày này làm ngày Vía Cửu Huyền, mỗi tháng cúng một lần - cũng vào giờ Ngọ !

* Phương hướng: Dưới bàn thờ Phật hay ở một góc phòng khách, hoặc trên đầu tủ thờ, hai bàn thờ phải đặt cách nhau tối thiểu 60 cm.

* Lễ vật: 01 mâm cơm (hoặc 01 con gà luộc, cháo hoặc xôi chè), 01 đĩa ngũ quả, 01 bình hoa, 02 ly trà, 02 ly rượu trắng, 01 chén gạo, 01 chén muối, giấy tiền vàng bạc… (Gà cúng nên mua loại gà trống nhỏ độ chừng hơn kém 01 kí - mua gà đã làm sẵn, không mua gà còn sống).

* Lời khấn:

Hôm nay ngày… tháng… năm nhằm giờ Ngọ! Con tên…… là gia chủ của ngôi nhà này. Được ngày lành tháng tốt, con xin phép thượng trang thờ Cửu Huyền. Con xin phép các chư vị Quan Thần Tướng tứ trụ gia môn cùng thần Tài thần Địa, tam vị Táo quân… cho phép con cung thỉnh Linh Vị Cửu Huyền về ngự tại ngôi gia, để con cháu tiện bề hương khói trả ơn Ông Bà tộc Tổ.

Con xin đại diện cho gia đình : Vợ chồng, các con cùng các cháu xin mời đại diện chi phái, tộc họ tứ thân phụ mẫu của vợ chồng con về ngự trên bàn thờ. Con xin phép làm lễ tẩy trần và dâng hương cung thỉnh Ông Bà Tổ Phụ… (sau khi xịt dầu thơm làm lễ tẩy trần, ta mới sắp bày thức ăn hoặc hoa quả, để tránh dầu thơm bay vào các thức, dầu thơm cũng xịt bên dưới hình thờ, lư hương, bình hoa và bốn góc trang thờ).

- Bày thức ăn xong, ta rót dâng mời Ông Bà Tổ Phụ 02 ly nước và 02 ly rượu (rượu mời ít chừng ¼ chung, không nên rót nhiều).

- Ngày thượng trang, ta cúng một xây tiền Cửu huyền và 04 bộ đồ lễ cho “đại diện 4 Tổ”: Ông, Bà, Cô, Cậu. Vía Cửu Huyền hàng tháng ta không cúng tiền vàng (vì Cửu Huyền đã có hộc của, kho của rồi).

- Sau khi mời rượu, ta xin phép đốt hóa tiền vàng (lạy 3 lạy, xá 3 xá rồi đốt). Tiền vàng khi đốt để vào một thau chậu bằng nhôm cũ, đừng bỏ ngoài nền đất mà đốt!

- Nên mua hai chung nhỏ có nắp đậy để đựng gạo, muối cúng Ông Bà. Đậy nắp để nguyên như vậy đến tháng sau - ngày cúng Vía Cửu Huyền ta thay gạo muối mới, gạo muối cũ đem ra nấu ăn bình thường.

- Khi cúng Vía Cửu Huyền hàng tháng, ta nên cúng thêm một mâm cho các âm phần của bàng hệ. Ông Bà ở đâu, con cháu chầu theo đến đấy ! Con cháu, chắt có họ hàng xa - gọi chung là bàng hệ, để cho họ đói thì họ quậy trong nhà !

Cúng bàng hệ phải để dưới thấp, không để trên mâm cao, họ không dám nhận. Khi cúng nên có thêm giấy tiền vàng bạc (nhưng phải xin bàn thờ Cửu Huyền chính trên cao cho phép) - không cúng rượu.

Thức cúng thì nên cúng những thứ âm phần các loại có thể ăn để no, hơn bánh trái thường chỉ để ăn làm vui (ví dụ : Bánh chưng, bánh tét, bánh đa, khoai củ...).

* Mùng 8 tháng 8 hàng năm là ngày lễ Thông Thiên (tức ngày đường lên Trời mở cửa), ta có thể chọn ngày này để cúng giỗ Hội (Ông Bà Tổ Phụ đã mất lâu năm, chúng ta dồn lại cúng giỗ chung một ngày, gọi là ngày “Giỗ Hội”). Đây cũng là ngày giỗ Nghiệp Tổ Nghiệp Tông hoặc ngày ta dâng lễ cầu xin giải nạn, giải nghiệp...

+ Cúng Cửu Huyền : 01 mâm cơm, gạo muối, hoa, trái, 02 trà, 02 rượu (hoặc gà luộc, xôi chè, bánh trái).

+ Cúng các chư vị Quan Binh, Thần Tướng : đĩa tam sên, hoặc thịt heo quay (hoặc vịt quay), 02 trà 02 rượu, hoa trái, chè xôi, giấy tiền (loại để cúng chư Thiên).

+ Cúng Phật : Hoa trái, chè xôi, nước…

Ngoài ra còn vài loại cỗ cúng khác như 

5. Bàn thờ Cửu Huyền:

* Lễ vật:

- 01 con gà trống nhỏ luộc - 01 bình hoa - 01 đĩa trái cây - 02 chung rượu - 02 chung nước trà - Giấy tiền (loại cúng chư Thiên) - Một cây đèn dầu (cần đèn dầu để cho đèn cháy trọn buổi sáng, từ lúc khởi cúng đến hết buổi trưa).

Cỗ cúng để chính giữa cuộc đất, nơi đang chuẩn bị xây cất - Từ ngoài vào theo thứ tự : Bát nhang (dùng một ly nhỏ bỏ gạo vào để cắm nhang), nước và rượu, giấy tiền vàng bạc, con gà luộc và trái cây, bình hoa để trong cùng.

* Lời khấn:

Con (hoặc tôi - tùy theo tuổi tác cao hoặc thấp) tên: ……….tuổi ……. Là dương chủ của cuộc đất này. Hôm nay, được ngày lành tháng tốt, giờ Hoàng đạo - con dâng lễ xin phép động đất cất nhà. Con cầu xin các chư vị Thần Đất đai gia trạch, Thần Tứ trụ Gia môn và các chư vị Quan - Thần - Tướng trong cuộc đất cho phép.

Lễ vật con dâng lên đủ đầy, thanh sạch - xin kỉnh mời các chư vị ngự về nhậm lễ, cầu xin hết lòng phò trợ cho con mọi sự hanh thông, suông sẻ - con xin cảm ơn!

Thắp nhang và khấn cúng xong rồi mới động đất - cúng tàn hương rồi cũng cứ để nguyên như vậy, cùng với cây đèn để cháy cho đến hết buổi. Khi thợ nghỉ trưa thì đem cả mâm cỗ lễ ra mà “chiêu đãi” cho thợ… Có như vậy, mọi chuyện mới hanh thông.

6. Cúng nhập gia - khai gia:

* Lễ vật:

- 01 mâm cơm mặn - 01 bình hoa - 01 đĩa trái cây - 02 chung rượu trắng - 02 chung nước - 02 chén gạo - Giấy tiền (loại cúng chư Thiên) - Có thêm chè xôi, bánh trái cũng được!

- Thêm 01 mâm cơm mặn để chiêu đãi phần âm trong nhà cửa, cuộc đất - 10 xấp giấy tiền - 02 chén gạo (không có hoa, rượu và nước) Có thêm trái cây, chè xôi hoặc không cũng được - Giấy tiền (loại cúng phần âm) - 01 thang thuốc xông nhà (Có bán tại các tiệm thuốc Bắc).

- Hoặc không có cơm - ta sắp lễ cúng y như cúng chiêu đãi phần âm: Bánh tét bánh ít, bánh mì, khoai lang, khoai mì, bánh tráng... Tất cả những loại người sống có thể ăn no, không nên cúng bánh trái linh tinh các thứ - ăn để vui thì được, nhưng chẳng đủ no lòng...

* Lời khấn:

Con (hoặc tôi) tên… tuổi… là chủ nhân của ngôi gia này, cuộc đất này ! Hôm nay là ngày…tháng.... năm… Được ngày tốt, giờ Hoàng Đạo - Con dâng lễ khai gia, nhập gia cho các Đấng chủ quản trong nhà cửa, cuộc đất này ! Xin cho phép con cùng toàn thể gia đình nhập về nhà mới - Cầu xin các chư vị Thần Đất đai gia trạch, Thần Tứ trụ gia môn ngự về nhậm lễ. Cầu xin các chư vị Quan - Thần - Tướng trong nhà : Thần Tài thần Địa, thần Táo quân cũng ngự về nhậm lễ. Xin phù hộ độ trì cho gia đình chúng con trên dưới trong ngoài mọi sự hanh thông, bình an và khỏe mạnh. Con xin cảm ơn!

- Trước khi bắt đầu cúng, ta nhóm lửa than trong một cái tô mẻ hay một cái nồi cũ nào đó (để khi dùng xong đem bỏ toàn bộ). Sau khi khấn vái, ta bỏ thuốc vào mẻ than, quạt cho thuốc xông hơi thơm lên rồi rê mẻ thuốc đến 4 góc trong phòng khách, nơi đang đặt cỗ cúng, xong ta đem đi hết tất cả các phòng trong ngôi nhà mới : Trước tiên là phòng bếp, rồi đến phòng tắm, phòng ngủ… sau cùng lại phòng khách một lần nữa, để đẩy hết tà khí, trọc khí ra ngoài, xong ta đem ra khỏi cửa rào, khỏi cuộc đất, bỏ toàn bộ.

- Nếu nhà có thêm một hoặc hai tầng lầu, ta dùng hai thang thuốc (điều quan trọng phải nhớ là trước khi cúng lễ, cần sắp xếp lại ổn định trong phòng khách, nơi ta đặt cỗ cúng. Tránh không để bề bộn, luộm thuộm - Và trong suốt thời gian cúng lễ, tuyệt đối không tạo ra tiếng động ầm ĩ hay xê dịch, nói năng ồn ào… để cho khí thanh dễ trụ về). Nếu làm rung động trong nhà thì khí thanh không trụ được, trọc khí lại leo thang.

- Sau khi khấn cúng bàn các chư vị, ta khấn cúng bàn vong, lời khấn như sau: Hôm nay - nhân dịp gia đình chúng tôi nhập về nhà mới, tôi xin phép chiêu đãi phần âm. Mâm cỗ nầy tôi xin mời những phần vong hiện đang ở trong cuộc đất nầy cũng như ngoài đường vào ăn, chia vui với gia đình chúng tôi ngày hôm nay. Ăn xong rồi thì rời khỏi nhà tôi, không được phép trụ lại trong nhà.

- Cùng lúc với xông thuốc, ta đốt giấy tiền (chú ý: Đốt riêng - không để vào mẻ thuốc xông mà đốt!) Bàn cúng các chư vị trước, sau đó đến bàn cúng vong. Khi đốt xong giấy tiền, coi như cỗ cúng đã hoàn tất. Không cần đợi đến tàn nhang, độ 5 phút sau thì ta dọn - Cỗ lễ đem vào ăn được cả, không bỏ thứ nào…

7. Cúng “Âm chủ” cuộc đất:

Ta mua đất từ người sống, tiền bạc ta trả đủ - Nhưng vẫn còn những phần âm trụ lại trong cuộc đất là âm chủ từ bao đời bao kiếp, hoặc bà con tộc tổ với dương chủ còn ở lại... Ta phải cúng thêm một cuộc lễ riêng biệt, để xem như “trả tiền âm” cho chủ âm, thì mới được yên ổn. Nếu không - những phần âm trong cuộc đất trụ lại trong nhà không rời đi, phá khuấy làm cho ta không được bình an.

* Lễ cúng:

Y như cỗ cúng phần âm, cũng vào giờ Ngọ ngày mùng 2 hoặc 16 hàng tháng - Có điều ta phải mua nhiều giấy tiền vàng bạc (để xem như trả tiền mua đất cho âm chủ). Cỗ cúng đặt ngoài hàng hiên, lệch qua khỏi cửa chánh diện, về phía đường cái.

* Lời khấn:

Tôi nay tên…. là Nam chủ (hoặc Nữ chủ) trong ngôi gia này, tôi mua lại cuộc đất này từ người sống, tiền bạc tôi trả đủ, không còn thiếu lại gì. Nhưng tôi vẫn biết còn có phần âm là “âm chủ” cuộc đất, thế nên hôm nay tôi cúng lễ cho các vị xin phép “trả tiền âm” cho âm chủ - Tiền bạc tôi trả nhiều, xin các vị nhận cho và rời đi khỏi căn nhà, khỏi cuộc đất này. Phần âm chủ về theo dương chủ, phần âm xiêu lạc không nhà không cửa thì tôi cung cấp lộc thực để rời đi, tìm một nơi cư trú mới, không trụ lại trong nhà của tôi nữa. Lộc thực và tiền bạc đủ đầy, xin mời các vị nhận cho và rời đi khỏi nhà tôi- xin cảm ơn!

Sau khi khấn cúng thì ta đốt giấy tiền, đợi thêm chừng năm phút nữa là xong - cỗ cúng đem vào ăn được cả, không bỏ thứ gì.

8. Cúng khai trương:

* Lễ vật:

- Một thang thuốc xông (nếu là cơ sở lớn, nhiều phòng thì ta dùng 2 thang).

- Nếu làm việc lớn như khai trương một cơ quan, xí nghiệp, tổ hợp gia công…: Một con heo quay (hoặc heo quay sữa) - 01 mâm trái cây - 02 nước, 02 rượu trắng, 02 tô gạo - Giấy tiền cúng Chư Thiên - 01 bình hoa.

- Nếu làm việc nhỏ : 01 con gà trống luộc - 01 bình hoa - 02 chén gạo đầy - 01 đĩa trái cây - 02 rượu, 02 nước, giấy tiền cúng Chư Thiên - Chè, xôi hoặc không cũng được.

* Lời khấn:

Tôi (hoặc con) tên … tuổi… là Giám đốc (Chủ nhiệm hay ông chủ, bà chủ) của cơ quan, xí nghiệp, nơi mua bán hoặc cửa tiệm mua bán kinh doanh:…… Hôm nay được ngày lành, tháng tốt, giờ Hoàng đạo - Tôi xin phép dâng lễ khai trương nơi làm việc hoặc mua bán của mình. Đây là lễ vật chúng tôi dâng lên : đủ đầy, thanh sạch. Xin kỉnh mời các chư vị Quan - Thần - Tướng trong cuộc đất : Thần Tài, Thần Địa, Thần Đất đai, Thần Thương mãi, Thần Tổ Nghiệp, Tổ Nghề… ngự về nhậm lễ, chứng giám cho chúng tôi khai trương ngày nầy, giờ nầy - Tên của cơ sở chúng tôi là..... Công việc chính yếu là làm….. Xin các chư vị Quan - Thần - Tướng phò trợ cho chúng tôi mọi việc hanh thông, may mắn và có lợi nhuận - Chúng tôi xin tạ ơn các chư vị.

- Sau khi thắp nhang, đọc lời khấn thì ta đốt giấy tiền và đồng thời đem mẻ thuốc xông đi khắp nơi trong cơ sở mới (cách làm y như lễ cúng khai gia, nhập gia). Một điều cần nên nhớ là : Ngay ngày khai trương cần phải có Bảng hiệu - tất cả đều đã được treo, gắn lên đàng hoàng. Nơi tổ chức cúng lễ cần bày dọn gọn gàng, sạch sẽ và trong suốt thời gian cúng không được xê dịch, nói lớn tiếng hay tạo tiếng ồn - Cuộc lễ có trang nghiêm, thanh sạch thì các Đấng mới chứng, khí thanh mới trụ về.

- Cùng một lúc với cỗ cúng khai trương, ta nên cúng thêm một mâm chiêu đãi âm phần, có như vậy thì phần âm cư ngụ trong cuộc đất mới hỗ trợ cho ta mua may bán đắt và không phá khuấy, cản trở, làm hư việc… Để họ đói thì họ phá.

Cũng nên nhớ là cúng âm không có nước và rượu.

9. Cúng tổ nghiệp, tổ nghề:

Ngày 13 Âm lịch  hàng tháng là ngày ta cúng Tổ - giờ Ngọ (là ngày Vía Tổ chung cho tất cả mọi ngành nghề, hoặc cúng riêng ngày khác - theo từng ngành nghề chuyên biệt)!

* Lễ vật:

- 01 đĩa tam sên - 01 đĩa trái cây hoặc bánh - 02 trà, 02 rượu trắng - 02 tô gạo đầy - Giấy tiền cúng Chư Thiên - 01 bình hoa.

- Một mâm cúng Binh : Gồm các thứ đồ cúng cô hồn (đã in ở tập 02 - phần Lễ tiết).

* Lời Khấn:

Hôm nay ngày 13 hàng tháng, là ngày lễ Tổ - Con tên : …… Là chủ nhân của doanh nghiệp (hoặc tổ hợp, nơi mua bán) .......... Hôm nay con dâng lễ vật lên cúng Tổ và chiêu đãi các chư binh : Gồm tiền bạc và lộc thực để chiêu đãi và nuôi binh! Xin ông bà Tổ thầy ngự về nhậm lễ ... Xin các ông bà, cùng chư vị thầy Tổ hết lòng phò trợ cho công việc mà chúng con đang đảm nhiệm đây - mọi sự được hanh thông, mua may bán đắt. Có tài lộc chúng con lại dâng lễ tạ ơn ông bà thầy Tổ. Con xin cảm ơn!

10. Cúng đưa vong trẻ hư thai, chết nhỏ:

Những trường hợp như hư thai, nạo phá, thai chết lưu hoặc chết nhỏ (từ trong thai đến lúc 10 tuổi), ta có cách để hóa giải nạn này là đưa các bé đi đầu thai ngay lập tức. Để lâu sẽ nhập vào trong âm vong của Cửu Huyền, nếu lúc đó ta muốn đem đi sẽ rất là nặng nề và nhiêu khê.

- Khi mới vừa xong ở bệnh viện thì bệnh viện sẽ trao cho ta cái thai đó để ta mang về nhà đem đi đâu thì đem. Ở VLP, giải quyết thế này: Đem thai bọc vào trong giấy sạch nhiều lớp đem đi đốt hóa, tuyệt đối không mang vào nhà, không mang ngang qua phòng khách mà mang vòng qua bên nhà, ra phía đằng sau nhà, hoặc sau cuối căn nhà. Đốt xong thì hốt toàn bộ phần tro còn lại bỏ vào một cái hộp sạch sẽ đàng hoàng, mang ra bỏ xuống sông. Nên nhớ bỏ ở nơi nào khúc sông kênh rạch đừng dơ bẩn, tối kị đem rãi chỗ dơ bẩn nhiều uế khí.

- Không nên đem vào đình chùa miếu mạo mà “gởi vong” -lúc đó vong hồn các bé sẽ chạy trốn, không bằng lòng theo ta - (Thử hỏi: Trẻ em khi còn bé có ai muốn bị giam giữ, nhốt lại trong khuôn viên của đình chùa miếu mạo, của các cơ sở tôn giáo thờ tự hay không. Chúng chỉ muốn bám theo cha mẹ mà thôi)!

- Trừ các Hương linh có phần căn cốt cao - muốn được quy về cửa đền, cửa điện để tiếp tục tu tập, để được “Trở về nguồn cội”.

- Thay vì vậy - ta nhờ các vị chúa Quỷ vùng “sở tại địa phương” đưa vong trẻ đi đầu thai chuyển kiếp ngay lập tức.

 * Lễ vật: Gồm 2 mâm:

- Một cho Chúa Quỷ vùng sở tại địa phương, để xin chuyển vong - Một cho riêng em bé. Nếu vong bé chết đã lâu, ta còn phải thêm một mâm cúng Cửu Huyền để xin được xóa phần vong ra khỏi tộc họ (Nếu không, ông bà không cho vong đi đầu thai).

- Một ký cá nhỏ phóng sanh - để xin đánh đổi cứu vong (cá ngoài chợ, đang sắp bị làm thịt, chứ không phải cá cảnh, cá đang nuôi ở ao, hồ vốn không cần ta phóng sanh).

- Mâm Chúa quỷ : 01 đĩa tam sên - 01 bình hoa - 02 nước - 02 rượu trắng - tiền cúng chư Thiên- hai chén gạo.

- Mâm cho bé : 01 gói sữa (Cắm sẵn ống hút) - 01 Đĩa bánh nhỏ - 02 xấp giấy tiền - 01 túi gạo (Độ chừng 1, 2 lon) - 01 bộ đồ thế. (Phải là mâm nhỏ vì bé là tiểu linh hồn, không được ngồi mâm cao).

- Mâm cúng Cửu huyền : 01 con gà trống nhỏ luộc - 01 tô cháo - 02 rượu - 02 nước - Hoa, trái - Vài xấp giấy tiền.

* Khấn mâm Cửu huyền:

Con tên … là con cháu dòng họ .... Hôm nay - con dâng lễ lên ông bà tộc Tổ để xin cho đưa vong em bé hư thai (hoặc chết nhỏ) ngày, tháng, năm……….. đi đầu thai sang kiếp khác. Con kính xin ông bà cho xóa vong cháu trong tộc họ. Con đã dâng lễ vật lên cho ông bà tộc Tổ, xin ông bà cho chuyển vong cháu về đây để xin Chúa Quỷ đưa đi đầu thai. Con xin cảm ơn!

 

* Khấn mâm Chúa Quỷ:

Hôm nay ngày, tháng, năm… Tôi tên :……… Là Nữ (hay Nam chủ) của ngôi gia này. Hôm nay tôi bày biện lễ vật dâng lên cho vị Chúa Quỷ vùng sở tại địa phương nơi tôi ở số nhà….. (Khai tường tận địa chỉ nơi cư trú, y như khi ta gởi thư). Nguyên tôi có một đứa con bị hư thai (hoặc chết nhỏ, hút thai...) ngày… tháng… năm… Tên: ….. (Nếu có tên thì khai tên, không có thì thôi).

Nay tôi biện lễ vật dâng lên cho Chúa quỷ vùng sở tại địa phương nơi tôi cư trú, xin các vị nhận vong và đưa cháu đi đầu thai giúp, tôi xin cảm ơn ! Xin cho cháu nhận phần lộc thực mà tôi để ở kế bên đây, có quần áo, gạo bánh và tiền bạc… Xin ngài cho cháu mang theo, có hành trang để được đi đầu thai vào nơi nhà có chút của ăn của mặc, không phải chịu đói rách lạnh lùng. Cầu xin cho cháu thác sanh vào nhà có cha mẹ biết lo tu, làm lành lánh dữ để phát sanh thiện nghiệp. Xin cảm ơn Chúa Quỷ!

 

 * Khấn mâm của bé 7:

Hôm nay, ngày… tháng… năm… - Mẹ (hay Cha) xin Chúa quỷ trợ cho con được đi đầu thai sang kiếp khác. Ba mẹ không đủ ân phúc để giữ con nên nay phải chuyển con đi đầu thai. Con mau kíp về đây nhận lộc thực ba mẹ cho con, để nhờ Chúa quỷ đưa vong con đi đầu thai chuyển kiếp. Quần áo này con mặc, lộc thực gạo bánh con mang theo, tiền bạc nầy ba mẹ đốt hóa cho con, con đi sang kiếp khác có mà chi dụng. Sữa này con uống nghe con… Vong hồn của cháu nhận xong rồi thì tôi xin Chúa Quỷ ngài cho chuyển vong cháu bé ra đi - Tôi xin cảm tạ ơn Chúa Quỷ.

Khấn xong rồi, đem giấy tờ vàng bạc ra trước đốt trong sân không đem ra sau không để chỗ dơ bẩn, hóa cho bé xong rồi mâm cổ cho bé đốt giấy tiền vàng mã thôi còn gạo sữa vô ăn bình thường, không đem bỏ đi mà mang tội.

* Xong rồi đem phần tro cốt củ em bé cùng 1 kí cá ra ngoài bờ sông rãi và khấn xin: “Xin cho thai nhi thân tứ đại trả về rãi trong nước, cầu xin cho linh hồn của cháu được đưa đi đầu thai chuyển kiếp ngay tức thì không ở lại cùng cha mẹ, không ở lại cùng tộc tổ tông đường. Con xin phép phóng sinh 1 kí cá để tạ ơn cho loài thủy tộc để xin phép cho tro cốt của cháu được hoàn nguyên, cho hoàn toàn không còn dấu tích của trần miền, để linh hồn đi đầu thai sang kiếp khác không còn vướng bận. Tạ ơn Thủy Vương Cung, xin phép rãi tro cốt và phóng sinh cá.”

- Đối với môn sinh VLP sử dụng bằng năng lượng, không cần phải mang hương khói ra thắp để mọi người đi qua đi lại dòm ngó mà tò mò, không cần khấn chắp tay xá lên xá xuống, không bỏ lại nén hương đang thắp dở, bỏ lại đĩa bánh, đĩa trái cây… Chỉ cần ta “trụ thần” khi hành Lễ là được. Chỉ cần đứng trang trọng khấn bằng thể vía - chắp tay xá cũng bằng thể vía của ta chứ không phải thể trần xác.

11. Cúng cầu an, giải hạn:

- Lễ vật: 01 đĩa tam sên (hoặc thịt luộc, thịt heo quay) - 01 đĩa trái cây hoặc bánh - 01 bộ đồ thế (ghi tên, tuổi của người xin giải hạn) - 02 xấp giấy tiền - 01 bịch gạo độ nửa ký.  Phẩm vật có thể ít hơn, tùy theo khả năng người cúng. Nên cúng bằng đĩa hoặc hộp giấy, để khi cúng xong ta bỏ lại tất cả, ngay cả hộp quẹt ta cũng bỏ - Nếu không “vía xấu” sẽ theo ta lộn trở lại nhà. 

- Lễ cúng đem ra ngã ba, ngã tư đường, gần chỗ ở của mình, chọn nơi sạch sẽ, vắng vẽ mà bày lễ - trên một tờ báo cũng được. Nên nhớ là cỗ cúng tuy rằng đem bỏ đi tất cả, ta cũng phải bày dọn cho thanh sạch, nếu không - các vị Thần chủ quản sẽ không ngự về nhận lễ.

* Lời khấn: Tôi tên…… tuổi… Hôm nay, tôi xin phép biện lễ vật dâng lên cho các chư vị Chúa quỷ vùng sở tại địa phương cũng như các vị Quan, Thần, Tướng liên đới chưởng quản - để xin giải hạn cho mình (hoặc chồng, con….) tên……. tuổi…… hiện cư ngụ tại…… Trong thời gian gần đây tôi (hay người nhà) bị………(Kể ra những hoạn nạn mà mình muốn giải). Nay tôi xin các chư vị Quan, Thần, Tướng và Chúa Quỷ giải hết hoạn nạn - chuyển tà khí, trọc khí ra khỏi người tôi, giúp tôi xoay chuyển tình thế, làm cho mọi việc trong ngoài được an ổn…

Lễ vật tôi dâng lên đủ đầy thanh sạch, đồ thế tên tuổi đã ghi sẵn. Kính xin các chư vị ngự về nhậm lễ và phò trợ, chiết giải những hoạn nạn tật ách cho tôi. Xin cảm ơn các chư vị (chắp tay- xá một xá!).

- Sau khi khấn cúng - ta xin phép đốt hóa tiền vàng và đồ thế. Coi như cuộc lễ đã xong, ta đứng lên ra về, để lại tất cả, không mang theo thứ gì trở lại nhà - cho dù chỉ là cái quẹt gas cũng bỏ lại.

- Quay lưng về là ta đi thẳng, không ngoái lại nhìn mâm cỗ cũng như không đứng lại nói chuyện hay tiếp xúc với ai. Về tới cửa rào, ta đứng lại phủi sạch sẽ tay chân quần áo để tẩy vía xấu, xong rồi mới mở cửa vào nhà!

12. Cúng Thần tổ nghiệp và Binh gia:

- Tùy theo ngành, nhánh, nghiệp nghề mà người ta có các cách cúng lễ riêng biệt, lưu truyền lại từ đời này sang đời khác - hoặc từ vị thầy kế thừa truyền lại cho con cháu, đệ tử của mình…. Chúng tôi không dám lạm bàn - chỉ với lòng thành tâm muốn trợ giúp cho những vị thầy “không chuyên”, hoặc những nhà có nghiệp Tổ, nghiệp Tông (tức trong tộc họ đã từng có người làm thầy “Điều binh khiển tướng”). Biết cách để mỗi tháng cúng chiêu đãi âm binh và bàng hệ một lần - “Âm siêu thì dương thới”, cõi âm có an ổn thì người dương chúng ta mới được mọi việc suông sẻ, hanh thông…

- Ông bà ở đâu, con cháu chầu theo đến đó… Những nơi là nhà thờ Họ hoặc nhánh, thì âm phần con cháu xiêu lạc tìm về chầu hầu chung quanh rất đông. Kiến họ càng lớn thì âm phần càng nhiều - họ chui lủi, trốn tránh trong nhà bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh… Có nghĩa là các phòng phụ trong nhà - phòng thờ chỉ có chánh Họ được phép ngồi ngự.

Khi ta ăn ngon, mặc đẹp… Những phần vong lảng vãng chung quanh nhìn ngắm, thòm thèm - sinh thêm lòng sân si, uất kết, làm cho âm khí trong nhà càng vượng… Khí âm đồng nghĩa với điều nặng nề, bất ổn và cái xấu. Nhà càng nhiều khí âm thì mọi chuyện trong nhà cứ rối ren, “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hoài -  hoạn nạn tai ương dồn dập, khó bề trở xoay…

- “Trần sao âm vậy” - Mỗi tháng ta cúng kiến, chiêu đãi ông bà thì cũng nên cúng thêm một mâm dưới thấp cho Bàng hệ hoặc âm binh - Kẻo để chúng đói thì chúng quậy, sanh chuyện trong nhà…

- Nhiều người làm thầy, chỉ cúng cho binh ăn mỗi người một vắt cơm trắng với một hạt muối hột nhét ngay chính giữa - ngẫm nghĩ mà tội biết bao nhiêu. Ông bà, cha mẹ con cháu của người ta - mình thu bắt về làm tôi mọi cho mình từ bao đời bao kiếp rồi không biết - làm ra lợi nhuận cho mình biết bao nhiêu… Lại chỉ cho ăn “cầm hơi” để sống, có khác nào ngục tù nô lệ gông cùm!

- Cái phép của các vị thầy đã “khoán” vào vong hồn, cầm giữ họ, không cho họ vượt thoát khỏi vòng dây cương tỏa của thầy… Để rồi khi ở nhà con cháu vợ chồng khóc than thương tiếc, giỗ lễ trân trọng hàng năm - đâu biết người thân của mình đang bị cầm tù, giam lỏng.

- Bởi vậy - Dòng tộc nào có nghiệp Tổ tông làm thầy bùa, thầy pháp, thầy cúng… thì có nhiều binh tướng trong tộc họ, sau khi người làm thầy chết đi phách hồn thất tán, hoặc bị giam giữ trong vòng dây của binh tướng, chẳng được đi đầu thai chuyển kiếp. Còn lại binh tướng như rắn mất đầu, vẫn không đào thoát được vì cái “Phép” vẫn còn án giữ, phải chịu đói rét lạnh lùng đời kiếp kiếp, nghe mà thảm thương biết mấy… Binh đói thì binh phá - các đời con, cháu về sau lao đao lận đận, khổ nạn bao đường, lại thêm: mỗi đời không có người làm thầy để “nối nghiệp nhà” thì sẽ phải có một người nam (hoặc người nữ) bị điên loạn, không có thuốc men, bệnh viện nào chữa được!

- Cũng có khi do các vị làm thầy không biết đến cái phép - theo tên gọi của nhà Phật - là “Mông Sơn thí thực” (là phép “nhân lộc thực” cho nhiều, cho đủ để tất cả những vong hồn có mặt thãy đều được no ấm!). Hoặc nữa, do truyền lưu lại từ ai đó, từ bao đời rồi không biết - rằng : “Ăn đồ cúng thì nói chúng không nghe, quản chúng không được”. Đồ cúng xong phải bỏ cả, nên nhiều người sinh lòng tiếc của, cúng những thứ trái nhỏ, bánh dở, thức rẻ tiền… Cúng xong rồi đem vứt cả ra đường hoặc cho vào sọt rác, không dám ăn hoặc cho con cháu mình ăn.

Vong hồn chỉ là cái tinh khí, thì việc ăn uống cũng chỉ là hưởng cái khí của hoa quả hương đăng, có động chạm chi đến thực lộc nằm kia mà sợ! Vả lại, khi nhận xong, thấy ta đem vứt bỏ như ghê sợ, họ lại càng sinh lòng phẫn hận, hại ta khổ nạn thêm thì có, chứ giúp đỡ chi ta!

- Trong hầu hết các căn nhà cũng như cuộc đất đều có âm phần cư ngụ, lai vãng, lẩn lút một thời gian rồi đi - hoặc ở “thâm niên cố cựu” từ bao đời bao kiếp… Họ cũng tồn tại và sinh hoạt như ta. Chỉ có điều họ “trụ” bằng thể khí không hình, không tướng, mắt trần của ta không thể nhìn thấy được!

- Vì vậy - trước tiên vì lòng nhân đạo, sau cũng vì sự bình an, an ổn trong nhà - Chúng tôi khuyên các bạn, những người có lòng tin về mặt tâm linh, mỗi bữa cơm, trước khi ăn uống ta nên “chia sẻ” lộc thực với các phần âm trong nhà.

Không cần thắp hương khấn khứa chi cả, chỉ cần ta trụ thần mời họ ăn, trước khi ta cầm đũa… là âm phần có thể hưởng được những gì ta đang dùng - Chỉ cần thành tâm mời gọi trong lòng ta, không cần chắp tay cầu khiến, cũng không phải nói lên bằng lời, kẻo người ngoài nghe thấy lại bảo rằng ta “mê tín”.

- Một gia đình có đạo, cha mẹ dạy con cái thãy đều biết sanh tâm “phúng thí” như vậy thì công đức rất nhiều. Theo “Luật bù trừ” của tạo hóa - gieo nhân lành thì khắc hái được quả ngọt, nghiệp chướng chóng tiêu trừ, công đức lại tăng trưởng!

Nhiều người trong chúng ta có lòng mộ đạo, thích hành thiện - đem tiền của lộc thực bố thí rất nhiều… Nhưng không biết một điều : Có những âm phần đói rét lang thang hàng xứ, hồn xiêu phách lạc - Thời gian là vô tận, đói rét kể không cùng… Rồi “Bần cùng sanh đạo tặc”, tranh giành đánh giết lẫn nhau để kiếm miếng ăn, hoặc “đối đế” phải nhập vào xác trần, để “hưởng ké” lộc thực - tội lỗi âm phần thêm dầy mà trần xác cũng lao đao… Người sống “Hữu hình hữu tướng”, hoạn nạn còn biết tìm phương cầu cứu, các âm phần có than van kêu khóc cũng chẳng ai nghe ! Cho phần âm lộc thực, ta có cái lợi là lộc thực còn nguyên, có mất đi đâu - rồi ta lại hưởng.

- Giờ, ta quay lại phương cách cúng chiêu đãi binh tướng hàng tháng trong nhà (ở những dòng tộc có nghiệp Tổ tông).

* Thời gian:

Cúng cùng một ngày vía Cửu Huyền : Mùng 3, mùng 7, 13, 17 hàng tháng - vào giờ N8gọ hoặc cúng riêng ngày 13 hàng tháng, cũng vào đúng Ngọ hoặc giờ âm (từ 7 giờ tối trở đi).

- Nên nhớ một điều: Cúng phần âm xiêu lạc hàng tháng, ta phải cúng vào ngày mùng 2 hoặc 16 - đúng giờ Ngọ thì họ mới nhận được. Còn cúng cho binh gia của Tộc tổ tông đường, ta cúng vào những ngày vía Cửu huyền, hoặc ngày 13 hàng tháng (là ngày vía Tổ cùng các chư vị Quan, Thần, Tướng). Vị chủ quản có nhận thì các chư binh mới được chia phần.

* Lễ vật:

1/ Mâm cúng Tổ nghiệp :

- 01 đĩa tam sên - hoa, trái, 02 rượu, 02 nước - Giấy tiền vàng bạc (nếu cúng chung ngày vía Cửu huyền thì không cần bày mâm lễ này).

2/ Mâm cúng chư Binh :

(Y như mâm cúng vong hồn bàng hệ trong nhà hoặc cúng phần âm hàng tháng).

* Lời khấn:

Hôm nay ngày…. Giờ Ngọ - Là ngày vía Cửu Huyền. Con tên ………. là Nam (hoặc Nữ chủ) trong ngôi gia này. Hôm nay là ngày Vía Cửu huyền (hoặc nghiệp Tổ, nghiệp tông) - Con xin phép dâng lễ chiêu đãi cho chư vị thần Tổ nghiệp và binh tướng trong tộc họ.

Mâm lễ trên này là mâm cúng các chư vị Thần tổ, còn mâm dưới là mâm chiêu đãi binh tướng trong tộc tổ tông đường - Thiếu xin cho làm đủ, đủ xin cho làm thừa, để trên dưới trong ngoài thãy đều có lộc…

Tấm lòng con cháu dâng lên, xin các chư vị ngự về nhậm lễ, xin phò hộ độ trì cho con cháu trong nhà tất cả đều được bình an, mạnh khỏe và mọi sự hanh thông. Con xin cảm ơn các chư vị!

- Khi cúng, chỉ nên thắp ở bàn chính 03 cây nhang - không cần thắp nhiều, hương khói trong nhà làm ta khó thở. Thắp nhang xong cắm lên bàn cúng Tổ trước, sau đó mới đến bàn cúng binh, chỉ cần xá 3 xá, không cần quỳ lạy…  Sau khi khấn cúng thì ta đốt hóa giấy tiền - Bàn Tổ trước, bàn Binh sau, đốt xong độ chừng 5, 10 phút sau thì ta dẹp. Cõi âm chỉ hưởng cái khí, nên việc thọ nhận rất nhanh chóng, ta không nên để lâu, ruồi nhặng bu vào, trong nhà ăn sinh ra độc hại.

13. Cách bài trí và cúng Lễ “Thôi nôi”:

- Theo quan niệm của người xưa truyền lại, Lễ thôi nôi bắt buộc phải có một con gà luộc với 12 chén chè và 12 đĩa xôi để dâng cúng và tạ ơn “12 Mụ Bà” và 13 đức Thầy - vì đã có công “nặn” ra hình hài toàn vẹn cho em bé và phò trợ cho “Mẹ tròn con vuông” - đến khi em bé tròn một tuổi. Nên hầu hết ta thấy ở bất kì Lễ thôi nôi nào cũng có những đồ cúng như: gà, chè, xôi… Ít ai biết đến - ngoài việc dâng lễ tạ ơn “Mụ Bà”, Cha và Mẹ của em bé còn phải dâng lễ cho các chư vị Quan - Thần - Tướng ngự trong nhà, cho Cửu Huyền Thất Tổ để trình với Ông bà - thì Ông bà mới vui lòng, đẹp dạ mà chấp nhận, đón chào thành viên mới trong dòng tộc. Bên cạnh đó, đối với những đứa trẻ có phần căn cốt, hay nói theo cách dân gian là “Con ông, con Bà”- thì còn phải cúng cho Thầy tổ của phần căn và phần căn cốt chính chủ nữa - thì mới coi như là “đủ lễ”.

- Dưới đây là cách chuẩn bị, bày trí và cách cúng Lễ thôi nôi (theo cách của VLP):

* CHUẨN BỊ CỖ LỄ VÀ BÀY LỄ:

- Cỗ lễ là hai mâm cơm mặn - có thêm chè, xôi, bánh trái… tùy thuộc vào điều kiện của gia chủ. Bên cạnh đó, ta cũng chuẩn bị một mâm nhỏ - trong đó đặt những đồ vật tượng trưng cho nghề nghiệp tương lai của đứa bé như: Kéo, bút, viết, quyển vở, sách, hộp tô màu, tiền, ...v. v… Mâm này đặt lên một cái ghế và đặt bên cạnh mâm cúng các Chư vị.

- Mâm đầu tiên đặt chính giữa nhà, hai ly nước trắng đặt hai bên chỗ cắm nhang, một bình hoa và một đĩa trái cây để ở phía sau lư hương - một trái dừa - hai hoặc 5 chén chè, xôi. Tất cả lộc thực, đồ cúng đặt bên trong - 5 cái chén, 5 đôi đũa đặt bao bọc xung quanh, phía ngoài.

- Mâm này ta dâng lên các chư vị Quan - Thần - Tướng trong nhà trong cửa, Thần “Tứ Trụ Gia Môn”, đất đai gia trạch, Thần Tài, Thần Địa, Thần Táo Quân và các Chư vị Thần mà gia chủ kỉnh thờ trong nhà - ví dụ như: Quan Công Thần Tướng v.v…. Và cũng mâm đặt chính giữa nhà này, ta sẽ dâng cúng cho Thầy tổ của phần căn cốt và phần căn chính chủ của đứa bé (nếu ta biết bé có phần căn). Mâm này ta chuẩn bị thêm một xấp tiền loại cúng chư thiên.

- Cũng mâm này, sau khi dâng cúng chư vị trong nhà, ta tiếp tục trụ thần dâng lên bàn thờ Cửu huyền thất tổ để khấn trình ông bà (dành cho những người Môn sinh tu tập theo vị lai pháp).

- Nếu ta không không có khả năng, công năng để trụ thần nhân lộc thực, thì phải chuẩn bị thêm một mâm cơm nữa - được dọn sẵn trên bàn thờ Cửu Huyền - hoặc nếu không thờ Cửu Huyền tại nhà thì ta chuẩn bị thêm một mâm riêng biệt - đặt phía trước và lệch sang một bênh mâm chính giữa cúng các chư vị lúc nãy để trình lễ Cửu Huyền.

- Mâm cúng Cửu Huyền có thêm hai chung rượu trắng và có thêm một khay tiền Cửu Huyền (mua ở ngoài chợ).

* KHẤN LỄ:

Người cha sẽ là người chủ lễ - người mẹ bế con đứng bên cạnh. Nhớ là phải tắm rửa sạch sẽ cho cả mẹ và bé - mặc đồ mới, đồ đẹp!

- Tại mâm cúng các Chư vị ta khấn: “Ngày hôm nay con chuẩn bị một mâm lễ đầy đủ, trọn vẹn để kỉnh dâng lên các chư vị Quan - Thần - Tướng trong nhà trong cửa, Thần “Tứ trụ gia môn”, đất đai gia trạch, Thần Tài, Thần Địa, Thần Táo Quân… Nhân ngày lễ cúng thôi nôi, tròn một năm tuổi của đứa con của con tên: …. (Người cha khấn tên, ngày tháng năm sinh, giờ sinh của đứa bé) - Cầu xin các chư vị phò trợ cho cháu được mau ăn chóng lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn…”

Người cha (hoặc mẹ) bế đứa bé lên trình, hướng về mâm cỗ cúng và xá một xá.

- Sau đó cũng tiếp tục khấn như vậy để dâng lên cho Thầy tổ và phần căn chính chủ của em bé - cầu xin Thầy tổ và chính căn sẽ luôn che chở, bảo vệ và gia hộ cho cháu lớn lên sẽ trở thành người tốt, đầy đủ chân thiện mỹ… Người cha (hoặc mẹ) bế đứa bé lên và xá một xá - nói “Con xin tạ ơn!”.

- Tại mâm dâng cúng Cửu Huyền: Người cha (hoặc mẹ) cũng bế đứa bé đứng trước bàn thờ và khấn y như lời vừa khấn ở trên - Cầu xin Ông bà tộc tổ, tứ thân phụ mẫu dòng họ… (họ của người cha), và dòng họ… (họ của Mẹ em bé) chấp nhận đứa bé, xem như là một thành viên chính thức trong dòng tộc mà hết lòng phù hộ, độ trì, bảo ban, chỉ dạy… Người cha (hoặc mẹ) bế đứa bé lên và xá một xá - nói: “Con xin tạ ơn!”.

- Sau khi khấn và trình lễ ở tất cả các bàn thờ và mâm cúng, ta sẽ đem mâm có các vật dụng tượng trưng nghề nghiệp tương lai của bé ra và cho bé… lựa chọn. Sau đó đem lộc thực xuống để mọi người ăn uống, chung vui và chúc mừng cho em bé.

* GIỜ HÀNH LỄ:

Giờ ngọ - từ 11 giờ 15 đến trước 01 giờ trưa.

* LƯU Ý:

Trước khi bắt đầu cuộc lễ - Cha, mẹ và em bé đều phải tắm rửa sạch sẽ, thay đồ đẹp cho em bé.

Nếu trong nhà ta còn có kỉnh thờ các vị Minh chủ của các Đạo giáo như: Phật, Bồ Tát, Chúa, v.v… Thì phải có đầy đủ hoa trái, chè xôi và nước trên tất cả các bàn thờ.

Thứ tự cúng lễ sẽ là trình lễ ở bàn thờ của Minh chủ, của các Đấng rồi mới đến các mâm lễ khác.

14. Lễ cúng “Ngày Giỗ”:

Giờ cúng là giờ ngọ (11h15 -13h).

* Chuẩn bị cỗ lễ:

 - Một mâm cơm có đầy đủ các món đặt chính giữa nhà, hai ly nước trắng đặt hai bên ly cắm nhang, một bình hoa và một đĩa trái cây sẽ đặt ở phía đối diện - Một xấp tiền (loại cúng chư thiên) để dâng các chư vị Quan - Thần - Tướng trong nhà.

- Đối những người đã tu tập theo Vị lai pháp, có khả năng dùng năng lượng để nhân lộc thực - ta có thể dùng mâm cúng các Chư vị mà nhân lên và dâng cho Cửu Huyền Thất Tổ, cũng như chiêu đãi cho vong hồn Binh tướng, cho chính hệ và bàng hệ của Tộc tổ. Mâm này để 10 cái chén,10 đũa. Phải có thêm một mâm gồm: 10 bịch gạo, 10 xấp tiền, 10 bộ đồ - để ta nhân lên mà chiêu tặng cho vong hồn.

- Nếu không có khả năng nhân lộc thực, ta phải chuẩn bị thêm một mâm cỗ lễ đặt trước bàn thờ Cửu Huyền. Cỗ lễ cúng đầy đủ các món y như mâm cúng các chư vị. Nếu nhà không có thờ Cửu Huyền thì ta cúng vọng - đặt mâm lễ phía trước nhưng lệch sang một bên mâm cúng các chư vị.

 * Cách dâng Lễ:

- Trước tiên, ta dâng lên các vị Quan Thần Tướng trong nhà trong cửa, thần Tứ Trụ Gia Môn, thần Đất Đai Gia Trạch - xin phép cho vong hồn của người mất (khấn họ tên, năm mất… của người ta cúng giỗ) được nhập gia nhận lễ!

- Ta tiếp tục khấn tại mâm cúng cho Cửu Huyền Thất Tổ.

- Đối với những người có khả năng nhân lộc thực: ta khoanh tròn và nhân 10 mâm chiêu đãi ở ngoài sân cho các vong hồn binh tướng của tộc tổ, kèm theo mỗi bàn lộc thực là một mâm quần áo gạo tiền cho tất cả có để chi dụng.

- Tại mâm / bàn thờ cúng cho người mất (mâm này đặt tại bàn thờ người mất mà ta cúng giỗ).

* Đồ cúng: là các món mà người mất lúc còn sống thích ăn (nhưng tuyệt đối không được cắt cổ, đập đầu... sát sanh mà đem đi cúng) - Một bộ quần áo (nam thì veston hoặc áo sơ mi - nữ áo dài hoặc đồ bộ) - Một xấp tiền - Hoa và trái, với 2 chung nước hoặc trà.

- Cách khấn tại bàn cúng giỗ:

“Hôm nay Ngày... tháng... lúc mấy giờ... con / em… tên là... là con / em… của... (đọc họ tên và ngày mất của người được cúng giỗ) có bày một mâm lễ thịnh soạn, tươm tất, trang trọng, thanh sạch để tưởng nhớ đến người mẹ / cha, anh, em… quá cố của con / em… Giờ phút này con cầu xin linh hồn của… về đây để nhận lộc lễ dâng lên từ con / em, cháu. Có áo quần cho…, có các món ngày còn sống mà… thích, xin … về đây ăn uống cùng con/em....”

 

* Lưu ý: 

- Tất cả các bàn thờ còn lại trong nhà đều phải có hoa và trái.

- Khấn xong ta đốt hóa giấy tiền, quần áo.

- Lộc thực đem xuống ăn hết, không để lâu và không bỏ chi cả!

15. Lễ cúng “Lập thệ”:

Theo lời Mẹ Diêu Trì dạy: Cần phải “Lập Thệ” - Để trình cho các Đấng chủ quản hay biết rằng ta đang nỗ lực để làm một việc gì đó, để thay đổi một điều gì đó!

Đợi ngày Lễ, Vía - ta bày hoa trái lên bàn thờ các vị “Minh chủ” trong nhà - hoặc trên bàn cao đặt ngay chính giữa nhà.Tắm gội sạch sẽ, đợi đúng giờ ngọ mà dâng hương - rồi tùy theo ý muốn của ta mà thành tâm “Chú nguyện”!

- Lễ vật:

Một đĩa trái cây, có chè xôi hoặc không - 01 bình hoa - 02 chung nước trắng hoặc nước trà.

- Lời khấn:

Ví dụ:Con tên, tuổi…… xin phát nguyện rằng: Từ nay trở về sau con nguyện sẽ làm lành lánh dữ, thi ân bố đức cứu giúp người hoạn nạn, nhằm để chuyển đổi nghiệp quả tiền căn và hiện kiếp của mình. Tấm lòng chí thành sám hối, sửa chữa của con cầu xin Ơn Trên : Trời Phật - các Minh chủ, Thầy Tổ và các chư vị Thần chủ quản trong nhà, trong cửa chứng tri ! Cầu xin cho nghiệp ác tiêu trừ, nghiệp lành hiển hiện…”.

16. Lễ đàn “sám hối nghiệp chướng” hiện căn và tiền kiếp:

Ví dụ: đột xuất gia đình ta có người bệnh nặng hoặc gặp phải chướng nghiệp, tật ách nặng nề, bất ổn cả về cuộc sống hàng ngày cũng như sức khỏe thì ta có thể làm lễ này.

Ta làm để chứng tỏ ta là người biết Đạo, ý thức được hành động cử chỉ của mình, sám hối với những sai lầm ta đã phạm phải trong một kiếp trần từ lúc 20, 30, 40 tuổi... cho tới thời hiện tại. 

Lập Đàn tế, có nghĩa là lập đàn ở ngoài trời - trên bàn cao, vào đúng Ngọ - nhân ngày Lễ, Vía. Hoặc vào “khung giờ âm”: từ 07 đến 09 giờ đêm.

* Chuẩn bị:

Lư hương và 2 ly nước đặt ở bên trong, hướng nhà chúng ta, bình hoa, đĩa trái cây đặt mé ngoài đường - đồ cúng cô hồn đặt ở chính giữa. Đồ cúng cô hồn nếu là bánh trái thì phải đủ 10 (10 trái, 10 bánh…), 10 chén đủa, 10 bịch gạo, 10 bộ đồ cúng cô hồn, có thêm vài bịch sữa cho vong hồn trẻ em… đối tượng hướng tới là những cô hồn oan gia với ta nhiều đời kiếp mà ta vô tình phạm phải chướng nghiệp, vô tình tổn hại đến họ, làm cho họ oán giận sân hận, đi theo hành hà, khảo đảo ta…

Vì đối tượng ta sám hối bao gồm các sinh linh động vật (chim chóc, gà vịt, heo chó, trâu bò và cả con người …) ta nên đặt riêng đĩa rau, củ, quả, hạt ngũ cốc cho các loài động vật nữa.

Nếu là môn sinh lớp cao của VLP thì ta chuẩn bị một mâm chay, hoặc là bày riêng một mâm hoa trái dâng Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát và một mâm mặn, gồm có: một đĩa tam sên, hai ly rượu để cúng dâng chúa Quỷ sở tại địa phương để xin hỗ trợ đưa vong hồn đi đầu thai luôn.

* Thực hiện:

Lập đàn ngoài sân trước cửa nhà vọng ra ngoài đường cái, về hướng đường đi - hoặc ở một góc vườn cũng được. Nhưng phải vọng từ bên trong khấn vái ra ngoài - ly gạo, hai ly nước nằm phía bên trong nhà ta. Bình hoa và trái cây (chè xôi chẳng hạn…) nằm mé ngoài.

* Lời khấn:

Tôi tên là…. sinh ngày… tháng… năm… Trong suốt cuộc đời tôi từ cha sanh mẹ đẻ trong tiền kiếp cũng như hiện kiếp, tôi đã vô tình phạm phải nghiệp sát sanh làm cho nhiều sanh linh khốn khổ, nhiều sinh linh bé nhỏ phải đau đớn phải tan nát dưới bàn tay của tôi, mọi sinh linh sống đó vì bàn tay vô tình của tôi mà bị chết oan.

Tôi biết đó là chướng nghiệp mình vô tình hoặc cố ý - do vô minh mà phạm phải, thì tuy rằng chướng nghiệp không lớn (hoặc lớn) nhưng phải có trong cuộc sống của 1 con người bình thường trong suốt quá trình sống và làm việc. Nay tôi thành tâm ân hận, sám hối và chấp nhận - xem đó như là tội lỗi hiện kiếp của mình.

Hôm nay tôi lập lễ đàn cầu xin tất cả vong hồn - và xin được chiêu đãi cho các vong hồn để sám hối tội lỗi mà tôi vô tình phạm phải trong suốt 1 kiếp trần này. Cũng như oan gia trái chủ nhiều đời kiếp mà tôi đã vô tình giết hoặc tàn hại làm cho họ tàn phế, tật nguyền hay chết. Tôi xin thành tâm sám hối!

Lễ đàn này lộc thực này tôi chiêu đãi - quần áo trao tặng, vong hồn con người thì mặc đồ con người - Xin các bạn chia sẻ với nhau: lộc thực, tiền bạc và gạo muối… và xin vui lòng hoan hỷ tha thứ cho tôi.

(Nếu là môn sinh lớp cao VLP sẽ làm thêm phần nhân lộc thực chiêu đãi).

Con cầu xin Cha Thượng Hoàng, Mẹ Diêu Trì, cầu xin Đấng chủ vị VLP, Phật Thích Ca chứng chiếu - Nếu không phải là Môn sinh VLP, thì các bạn cứ cầu xin vị Minh chủ của mình. Ví dụ: Đạo Hòa Hảo thì cầu xin Đức thầy Huỳnh Phú Sổ, Đạo Phật cầu xin Phật Thích Ca, Mẹ Quan Âm Bồ Tát…vv... Cầu nguyện Đấng Minh chủ mà các bạn đang tu theo trong hiện kiếp - xin họ chứng chiếu cho Lễ đàn “Sám hối nghiệp chướng” ngày hôm nay!

Cầu xin ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát ứng trợ, cứu những vong hồn - đưa đi đầu thai chuyển kiếp, ở những vong hồn nào còn xiêu lạc chưa được đi đầu thai.

(Phải thành tâm cầu khấn thì mới Linh ứng)!

Xin cảm ơn ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát - Xin Ngài cho thu vong chuyển đi đầu thai giúp con - sau khi các vong thọ dụng lộc thực. (Hoặc cầu xin chúa Quỷ vùng sở tại địa phương nơi mình cư trú. Nói thêm: “Vong hồn nào có mặt - xin cho thu bắt và đưa đi đầu thai đúng theo nghiệp lực của mình - tôi không can dự vào nghiệp lực cá nhân của bất cứ ai”).

Xin tạ ơn các Đấng ngôi cao. Xá 1 xá tại bàn chủ lễ - là xong!

- Khấn xong - ta xin phép đốt hóa tiền vàng để chiêu đãi cho các vong hồn, rồi đem quần áo, tiền bạc đi đốt hóa. Độ 10 phút sau ta dọn cỗ lễ được rồi.

- Xá 1 xá ở bàn cúng vong hồn - khấn: “Tất cả vong hồn hôm nay về nhận lộc thực, khi ăn uống xong rồi - nếu không muốn đi đầu thai chuyển kiếp thì ngay lập tức rời khỏi nhà tôi, không có vong hồn nào được phép ở lại. Nếu lén lút ở lại thì xin các chư vị Quan Thần Tướng cho trục xuất - Xin tạ ơn các chư vị!”.

Nếu còn gì thắc mắc chưa rõ ràng, hoặc chưa thông hiểu - xin các bạn liên hệ với chúng tôi ở địa chỉ trang web: vilaiphap.com - vilaiphap.org

Hoặc trang nhà:

https://www.facebook.com/profile.php?id=100010760046717.

Từ khóa » Cúng Cửu Huyền Mấy Chén Cơm