Phân Tích độ Tin Cậy Cronbach Alpha Trên SPSS - HNC

1. Khái niệm thang đo

Các vấn đề kinh tế xã hội như sự tin cậy thương hiệu, chất lượng dịch vụ của một công ty, lòng trung thành của nhân viên,… là những khái niệm trừu tượng, phức tạp và chúng ta không thể đo lường trực tiếp được. Chính vì vậy, muốn đánh giá được những yếu tố này, nhà nghiên cứu phải xây dựng các câu hỏi nhỏ làm rõ từng khía cạnh của nó. Tập hợp bộ câu hỏi có thể khảo sát trực tiếp được nhằm làm rõ cho một yếu tố trừu tượng được gọi là thang đo của yếu tố đó.

Một thang đo tốt là một thang đo tập hợp được các biến quan sát phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của khái niệm, vấn đề cần đo lường và biến quan sát này không bị trùng lặp nhau về nội dung. Sự trùng lặp nhau về nội dung các câu hỏi sẽ tạo nên sự dư thừa không cần thiết, và nó gây nhiều trở ngại cho người nghiên cứu khi phân tích định lượng bằng các công cụ, phần mềm. Do đó, một thang đo tốt không đồng nghĩa thang đo đó phải có thật nhiều câu hỏi. Số lượng câu hỏi vừa đủ, từng câu hỏi thể hiện một tính chất, đặc điểm của vấn đề cần nghiên cứu sẽ là một thang đo tốt.

Ví dụ, yếu tố “Tiền lương” của nhân viên tại một công ty là một yếu tố phức tạp được đo lường thông qua 5 tiêu chí/biến quan sát nhỏ dưới đây. Tập hợp 4 tiêu chí từ TL1 đến TL4 được gọi là một thang đo dùng để đo lường khái niệm Tiền lương.

ph

2. Đo lường độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha

Trước tiên, chúng ta cần hiểu được khái niệm tính nhất quán nội bộ của một yếu tố. Tính nhất quán nội bộ nghĩa là các biến quan sát trong một thang đo phải có sự tương quan chặt chẽ nhau, cùng giải thích cho một khái niệm. Cronbach’ Alpha là một chỉ số đo lường tính nhất quán nội bộ này. Như vậy, nếu một thang đo mà các biến quan sát có sự tương quan càng chặt chẽ, thang đo đó càng có tính nhất quán cao, hệ số Cronbach’s Alpha sẽ càng cao.

Hệ số Cronbach’s Alpha có giá trị biến thiên trong đoạn [0,1]. Mức 0 nghĩa là các biến quan sát trong nhóm gần như không có một sự tương quan nào, mức 1 nghĩa là các biến quan sát tương quan hoàn hảo với nhau, hai mức 0 và 1 hiếm khi xảy ra trong phân tích dữ liệu. Một số trường hợp xuất hiện hệ số Cronbach’s Alpha âm vượt ngoài đoạn giới hạn [0,1], lúc này thang đo hoàn toàn không có độ tin cậy, không có tính đơn hướng, các biến quan sát trong thang đo đối lập, ngược chiều nhau.

3. Tiêu chuẩn kiểm định Cronbach’s Alpha

Theo Nunnally (1978)[1], một thang đo tốt nên có độ tin cậy Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên. Hair và cộng sự (2009)[2] cũng cho rằng, một thang đo đảm bảo tính đơn hướng và đạt độ tin cậy nên đạt ngưỡng Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên, tuy nhiên, với tính chất là một nghiên cứu khám phá sơ bộ, ngưỡng Cronbach’s Alpha là 0.6 có thể chấp nhận được.

Một chỉ số quan trọng khác đó là Corrected Item – Total Correlation, giá trị này biểu thị mối tương quan giữa biến quan sát với các biến còn lại trong thang đo, nếu biến quan sát này có sự tương quan càng mạnh với các biến trong nhóm, giá trị Corrected Item – Total Correlation càng cao, biến quan sát đó càng tốt. Cristobal và cộng sự (2007)[3] cho rằng, một thang đo tốt khi các biến quan sát có giá trị Corrected Item – Total Correlation từ 0.3 trở lên. Như vậy, khi thực hiện kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, biến quan sát có hệ số Corrected Item – Total Correlation nhỏ hơn 0.3, cần xem xét loại bỏ biến quan sát đó.

Tóm lại, có 2 tiêu chuẩn cần xem xét khi kiểm định Cronbach’s Alpha trên SPSS:

  • Tiêu chuẩn 1: Hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo từ 0.7 trở lên, riêng với các nghiên cứu khám phá sơ bộ hệ số này từ 0.6 trở lên.
  • Tiêu chuẩn 2: Giá trị Corrected Item – Total Correlation của các biến quan sát từ 0.3 trở lên.

[1] Nunnally, Psychometric Theory, McGraw-Hill, NewYork, 1978.

[2] Hair và cộng sự, Multivariate Data Analysis, Pearson, New Jersey, 2009.

[3] Cristobal và cộng sự, Perceived e-service quality (PeSQ): Measurement validation and effects on consumer satisfaction and web site loyalty, 2007.

4. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha trên SPSS 26

Sử dụng tệp dữ liệu thực hành có tên 350 – DLTH 1.sav của ebook SPSS 26 Phạm Lộc Blog tương ứng với mô hình nghiên cứu và bảng câu hỏi khảo sát tại bài viết Bảng khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên. Để thực hiện kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha trong SPSS 26, chúng ta vào Analyze > Scale > Reliability Analysis…

phan tich cronbach alpha spss

Thực hiện kiểm định cho thang đo Tiền lương (TL). Đưa 4 biến quan sát thuộc nhân tố TL vào mục Items bên phải. Tiếp theo chọn vào Statistics…

phan tich cronbach alpha spss

Trong tùy chọn Statistics, chúng ta tích vào các mục giống như hình. Sau đó chọn Continue để thiết lập được áp dụng.

phan tich cronbach alpha spss

Sau khi nhấp Continue, SPSS sẽ quay về giao diện ban đầu, chúng ta nhấp chuột vào OK để xuất kết quả ra output. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha của thang đo TL như sau.

phan tich cronbach alpha spss

Kết quả kiểm định cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha = 0.795 > 0.7, các biến quan sát đều có hệ số Corrected Item-Total Correlation lớn hơn 0.3, do đó, thang đo đạt yêu cầu về độ tin cậy.

Thực hiện tương tự với các thang đo khác. Như vậy, sau kiểm định Cronbach’s Alpha, có một biến quan sát là LD7 cần phải được loại bỏ trước khi đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Bảng thống kê kết quả tổng hợp lần kiểm định cuối cùng của từng thang đo như sau:

phan tich cronbach alpha spss

5 / 5 ( 10 votes ) Post Views: 4,591

Từ khóa » Hệ Số Tin Cậy Cronbach Alpha Là Gì