Phân Tích SWOT Là Gì? Hướng Dẫn 6 Bước Thực Hiện ... - HEDIMA

Không chỉ trong hoạt động kinh doanh hay marketing, phân tích SWOT là chìa khóa vàng để các công ty/doanh nghiệp nhanh chóng tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện tại. Từ đó có thể nhận diện, thiết lập chiến lược kinh doanh và xây dựng được hướng phát triển lâu dài. 

Cùng HEDIMA phân tích mô hình SWOT có thật sự đem đến những hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp hay không qua bài viết sau đây nhé.

Table of Contents

Toggle
  • 1. Phân tích SWOT – Internal and External Factors
  • 2. Tại sao phân tích SWOT lại quan trọng?
  • 3. Phân tích SWOT được thực hiện như thế nào?  
    • 3.1. Tạo ma trận SWOT
    • 3.2. Liệt kê những điểm mạnh
    • 3.3. Liệt kê những điểm yếu
    • 3.4. Xác định cơ hội
    • 3.5. Xác định mối đe dọa tiềm ẩn
    • 3.6. Mở rộng phân tích SWOT 
  • Tạm kết

1. Phân tích SWOT – Internal and External Factors

SWOT là viết tắt của Strength (Điểm mạnh), Weakness (Điểm yếu), Opportunity (Cơ hội) và Threat (Đe dọa), trong đó: 

– Điểm mạnh và điểm yếu là yếu tố nội tại — những thứ mà một công ty/doanh nghiệp có quyền kiểm soát và có thể thay đổi. Chẳng hạn như:

  • Nguồn tài chính – nguồn tài trợ và thu nhập và cơ hội đầu tư tiềm năng
  • Nguồn lực vật chất – địa bàn kinh doanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
  • Nguồn nhân lực – nhân viên.
  • Tài sản vô hình – bằng sáng chế hoặc bản quyền…

– Cơ hội và mối đe dọa là yếu tố bên ngoài — những thứ mà các công ty/doanh nghiệp không thể thay đổi. Chẳng hạn như:

  • Xu hướng thị trường – phát triển công nghệ, dòng sản phẩm mới và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi.
  • Nhân khẩu học mục tiêu – độ tuổi, chủng tộc, giới tính và văn hóa.
  • Mối quan hệ công việc – đối tác, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh.
  • Các quy định – luật pháp,…

Phân tích SWOT là một quá trình phân tích chiến lược nhằm đảm bảo rằng các mục tiêu được xác định rõ ràng và tất cả các yếu tố liên quan đều được định hình chính xác. Có thể thấy, SWOT được thực hiện nhằm phát huy thế mạnh mà công ty/doanh nghiệp đang nắm giữ, khắc phục những điểm yếu, tận dụng cơ hội cũng như tránh hoặc khắc phục những đe dọa. Từ đó SWOT giúp đề ra những kế hoạch hành động (action plan) hợp lý và hiệu quả.

“SWOT Analysis was first used to analyze businesses. Now it’s often used by governments, nonprofits, and individuals, including investors and entrepreneurs”.

Theo phân loại của IQVIA Institute, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi. Thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng, các nhà sản xuất và các nhà đầu tư nước ngoài. Sự cạnh tranh giữa các công ty dược phẩm rất khốc liệt và nếu bạn không đầu tư kỹ lưỡng, có hệ thống cho việc phân tích và hiểu rõ những khía cạnh khác nhau của thị trường nói chung và đặc điểm cụ thể của công ty/doanh nghiệp nói riêng thì rất có thể công ty dược của bạn sẽ gặp những thiệt hại trong tương lai. Bằng phân tích SWOT, những “điểm sáng” và “khoảng mù” đều sẽ được phát hiện và có thể đưa ra định hướng phát triển phù hợp. 

2. Tại sao phân tích SWOT lại quan trọng?

– Xây dựng chiến lược

Bạn không thể xây dựng được chiến lược cho doanh nghiệp nếu không thật sự hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức với doanh nghiệp. Vì vậy, các kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm hay xây dựng doanh nghiệp đều cần phải trải qua phân tích SWOT. Từ kết quả phân tích, bạn sẽ xây dựng được chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp phù hợp.

Đối với các công ty khởi nghiệp, phân tích SWOT là phần quan trọng của quá trình lập kế hoạch kinh doanh trong những giai đoạn đầu. Nó sẽ giúp hệ thống hóa chiến lược để công ty/doanh nghiệp định hướng chính xác các mục tiêu và hướng đi trong tương lai.

– Phát triển ý tưởng mới

Việc phân tích ma trận SWOT cho bạn cái nhìn tổng quan về điểm yếu của doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy quá trình nghiên cứu sáng tạo không ngừng của tổ chức. Việc nghiên cứu đối thủ thường xuyên giúp bạn dễ dàng nắm bắt các công nghệ, mô hình mới.

– Xây dựng và đánh giá kế hoạch marketing

Không chỉ ứng dụng trong xây dựng phát triển doanh nghiệp và sản phẩm, SWOT còn được sử dụng như một công cụ để phân tích các kế hoạch marketing. Việc này là cực kỳ quan trọng, giúp chiến dịch marketing trở nên hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Ngoài ra, mô hình SWOT còn được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân.

Không những thế, phân tích SWOT có thể xác định mức độ hiệu quả trong các quy trình marketing. Bằng cách này, công ty/doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất và tăng doanh số bán hàng. 

– Hỗ trợ ra quyết định

Hoạt động kinh doanh sẽ có vô vàn vấn đề, theo đó là hàng loạt lựa chọn để giải quyết các vấn đề khác nhau. Việc phân tích SWOT giúp tạo lập hệ thống thứ tự ưu tiên trong giải quyết vấn đề. Không phải cứ xuất hiện điểm yếu sẽ khắc phục, cũng không phải cứ có điểm mạnh sẽ không tối ưu thêm. Dựa trên phân tích nguồn lực thực tế và biến động của môi trường, công ty/doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra quyết định hơn.

Phân tích SWOT

Để có kết quả tốt nhất, các công ty/doanh nghiệp cần tập hợp một nhóm người có thể đại diện cho các bộ phận khác nhau, từ sale, dịch vụ chăm sóc khách hàng, marketing đến R&D. Điều này sẽ tránh được góc nhìn chủ quan và đảm bảo tất cả ý kiến của mọi người đều được nhìn nhận. 

Đối với các hãng dược phẩm, thông thường có 3 nhóm đối tượng chính, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, bao gồm HCP (chuyên gia y tế); các cơ sở y tế, ban giám đốc bệnh viện,.. và bệnh nhân. Vì cậy, các đối tượng khác nhau cũng cần được phân tích kỹ lưỡng. 

Các doanh nghiệp hiện tại có thể sử dụng phân tích SWOT để đánh giá tình hình hiện tại của họ và xác định định hướng trong tương lai. Tuy nhiên, thị trường sẽ liên tục thay đổi và các công ty/doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá lại chiến lược của mình, bắt đầu bằng việc phân tích SWOT sau mỗi 6 – 12 tháng.

3. Phân tích SWOT được thực hiện như thế nào?  

3.1. Tạo ma trận SWOT

SWOT được trình bày dưới dạng một ma trận gồm 2 hàng, 2 cột và chia làm 4 phần. Mỗi phần tương ứng với các yếu tố Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Nguy cơ (Threats). Sử dụng ma trận này giúp việc trình bày thông tin một cách rõ ràng, dễ hiểu.

swot

3.2. Liệt kê những điểm mạnh

Điểm mạnh chính là lợi thế của riêng doanh nghiệp, dự án, sản phẩm. Đây phải là những đặc điểm nổi trội, độc đáo mà bạn đang nắm giữ khi so sánh với đối thủ cạnh tranh.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định điểm mạnh, hãy viết ra danh sách các thuộc tính của doanh nghiệp. Dưới đây là một số câu hỏi giúp công ty/doanh nghiệp tìm ra điểm mạnh của mình.

  • Tài chính: Nguồn tăng trưởng tài chính đáng tin cậy nhất của công ty/doanh nghiệp là gì? Quy mô như thế nào? 
  • Khách hàng: Sự tăng trưởng khách hàng đến từ đâu? Đó là do dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hay giá cả thấp? Tại sao khách hàng chọn công ty/doanh nghiệp của bạn hơn đối thủ cạnh tranh khác?
  • Sản phẩm: Sản phẩm/dịch vụ có USP gì? Sản phẩm của bằng sáng chế hay không?
  • Nhân lực: Cách thức tổ chức hoạt động tại công ty/doanh nghiệp như thế nào? Tỷ lệ giữ chân nhân viên có cao không? Những bộ phận nào hoạt động tốt?

Nên nhớ, bạn cần thực tế, không tỏ ra khiêm tốn thái quá, sáng suốt và luôn đúng mực khi đánh giá điểm mạnh của bạn, đặc biệt khi so sánh với đối thủ. Nếu những đối thủ cạnh tranh đều có những thế mạnh tương tự thì đó cũng chưa hẳn là lợi thế của bạn.

3.3. Liệt kê những điểm yếu

Điểm yếu là các khía cạnh làm giảm giá trị của doanh nghiệp và đặt doanh nghiệp vào thế bất lợi khi cạnh tranh. Các doanh nghiệp có thể trả lời những câu hỏi sau để tìm ra điểm yếu thật sự của mình:

  • Khách hàng: Khách hàng nghĩ công ty/doanh nghiệp cần cải thiện ở điểm nào? Những vấn đề hoặc khiếu nại thường được đề cập trong các review đánh giá là gì? Tại sao khách hàng hủy đơn hoặc không hoàn thành giao dịch? 
  • Tổ chức hoạt động: Quy trình chăm sóc khách hàng nào không tốt? Việc giải quyết các khiếu nại của khách hàng được thực hiện lập tức không? 
  • Nhân viên: Có phải việc đào tạo nhân viên không hiệu quả, hay có một nhận thức tiêu cực về văn hóa tổ chức? Các cuộc khảo sát nhân viên có cho thấy mức độ tương tác thấp không?
  • Đối thủ: Đối thủ đang phát triển những điểm mạnh nào mà công ty/doanh nghiệp của bạn không có?

Bạn cần trung thực đánh giá những yếu điểm để giảm thiểu tác nhân gây hại cũng như tránh lặp lại thất bại của công ty thì phân tích hay quản trị mới đạt hiệu quả.

3.4. Xác định cơ hội

Đặc điểm thứ 3 trong mô hình SWOT là cơ hội. Cơ hội phát triển doanh nghiệp là những nhân tố tác động bên ngoài mang tính tích cực. Nắm bắt được cơ hội là điều kiện tốt để bạn hoàn thành mục tiêu tốt nhất. 

Các công ty/ doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội đến từ:

  • Tài chính: Cơ hội lớn nhất để cải thiện tài chính là gì? Bạn có thể áp dụng công nghệ, trang thiết bị tiên tiến để giảm chi phí hoặc có thể là cơ hội để thực hiện thương vụ M&A (Mergers and Acquisition), nâng cao tiềm năng phát triển.
  • Thị trường: Thị trường có đang phát triển không và có những xu hướng nào sẽ khuyến khích mọi người mua nhiều hơn? Có những sự kiện sắp tới mà công ty của bạn có thể tận dụng để phát triển kinh doanh không?
  • Khách hàng: Công ty/ doanh nghiệp có thể cải thiện trải nghiệm khách hàng ở đâu? \
  • Tổ chức hoạt động: Những quy trình nào sẽ thúc đẩy phát triển trong tương lai nếu Công ty/ doanh nghiệp có thể cải thiện chúng? 
  • Nhân viên: Công ty/ doanh nghiệp có những cơ hội nào để thúc đẩy đội ngũ nhân viên? Ví dụ, có cơ hội đào tạo chéo không? Có thể thực hiện một vài chỉnh sửa để cải thiện văn hóa và do đó giữ chân nhân viên không?
  • Luật pháp: Có những thay đổi sắp tới đối với các quy định có thể tác động tích cực đến công ty của bạn không?

Hãy nghiên cứu thật kỹ thị trường để xem xét và đánh giá được những thay đổi sắp tới. Bên cạnh đó, để tìm ra “đại dương xanh”, công ty/ doanh nghiệp cần cả kỹ năng chuyên môn và sự sáng tạo. 

3.5. Xác định mối đe dọa tiềm ẩn

Trong quá trình phát triển yếu tố thách thức tồn tại ở 2 dạng gồm: Thách thức được dự báo trước, và thách thức phát sinh. Vì vậy khi triển khai dự án mới các doanh nghiệp cần tiên lượng được các yếu tố rủi ro, thách thức. Từ đó đưa ra các phương án giải quyết phù hợp, né tránh hoặc vượt qua các thách thức. Đồng thời doanh nghiệp cũng nên có các chiến lược về dự phòng rủi ro; nhằm chuẩn bị cho các thách thức phát sinh trong quá trình triển khai, vận hành. Những câu hỏi liên quan đến thách thức trong ma trận SWOT như:

  • Tài chính: Những mối đe dọa nào có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính? Có thể là các sản phẩm cạnh tranh có chi phí thấp,…
  • Khách hàng: Mối quan tâm lớn nhất của khách hàng là gì? Số lượng khách hàng có xu hướng giảm không? Hành vi của người tiêu dùng có đang thay đổi theo hướng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của bạn không?
  • Thị trường: Tranh chấp hợp đồng xảy ra có thể làm gián đoạn công việc kinh doanh? Sự phát triển trong tương lai của công nghệ có thể thay đổi cách bạn kinh doanh không?
  • Đối thủ cạnh tranh: Các đối thủ cạnh tranh tiềm năng có thể tham gia vào thị trường của bạn không? Đối thủ cạnh tranh đã tạo ra các chương trình khách hàng thân thiết hấp dẫn như thế nào?

Trên thực tế, có nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn mà công ty/ doanh nghiệp không thể lường trước được, như thay đổi pháp lý, biến động thị trường đột ngột,…

Khi đã có trong tay danh sách liệt kê những thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức được sắp xếp theo thứ tự, bước tiếp theo bạn cần có kỹ năng để ứng dụng nó xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp nhằm tăng năng suất công việc kinh doanh của mình. Nếu một vài kế hoạch mang tính dài hạn, hãy chia chúng thành nhiều bước và đặt lịch cho từng bước để có thể theo dõi và thay đổi kịp thời.

3.6. Mở rộng phân tích SWOT 

Mở rộng ma trận SWOT là khái niệm chỉ việc áp dụng các chiến lược khác nhau dựa trên mô hình SWOT. Việc kết hợp các ký tự trong 4 yếu tố này giúp bạn dễ dàng tìm ra thế mạnh cũng như các giải pháp cho doanh nghiệp. Dưới đây là các chiến lược mở rộng của ma trận SWOT.

– Chiến lược S-O (Strength – Opportunity)

Là chiến lược kết hợp giữa điểm mạnh và cơ hội nhằm sử dụng điểm mạnh của doanh nghiệp đi khai thác các cơ hội sẵn có. Chiến lược này còn gọi là chiến lược khai phá, S-O giúp doanh nghiệp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Chiến lược S-O thông thường diễn ra trong thời gian ngắn, được thực hiện trước và có mức độ ưu tiên cao. Chiến lược này giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, bứt tốc và giảm chi phí, công sức.

– Chiến lược W-O (Weakness – Opportunity)

W-O Là chiến lượng kết hợp giữa 2 yếu tố điểm yếu và cơ hội. Chiến lược này tập trung vào khắc phục các điểm yếu của doanh nghiệp, nhằm đón đầu hoặc tận dụng các cơ hội sẵn có. W-O gắn với mục tiêu lớn, cơ hội lớn trong tương lai. Các chiến lược W-O thường được triển khai quyết liệt, tiêu tốn nhiều nguồn lực và thời gian.

Việc áp dụng W-O Trong ma trận SWOT thường được cân nhắc rất kỹ. Nó thể hiện tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi lẽ nếu thực hiện khắc phục điểm yếu để đón đầu cơ hội, mà cơ hội không đến, hoặc cơ hội vụt qua. Lúc này chiến lược W-O sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực của doanh nghiệp.

– Chiến lược S-T (Strength – Threat)

Chiến lược S-T là chiến lược sử dụng các điểm mạnh, nguồn lực sẵn có nhằm hạn chế các nguy cơ có thể xảy đến. Thông thường các doanh nghiệp sử dụng thế mạnh nhằm thâu tóm, đàn áp, chiếm lĩnh thị trường nhằm loại bỏ nguy cơ tiềm tàng.

– Chiến lược W-T (Weakness – Threat)

Chiến lược W-T là chiến lược tìm kiếm các điểm yếu, từ đó khắc phục, hoặc đưa ra phương án dự phòng nhằm hạn chế các nguy cơ từ bên ngoài. Doanh nghiệp vừa phải liên tục rà soát các các điểm yếu, vừa dự đoán rủi ro có thể xảy đến. Thông thường chủ doanh nghiệp lựa chọn giải pháp né tránh các nguy cơ thay vì đối đầu trực tiếp. Chiến lược W-T là chiến lực phòng thủ diễn ra trong thời gian trung hạn.

Tạm kết

Nhờ có phân tích SWOT, các công ty và brand không chỉ hiểu hơn về toàn cảnh thị trường mà còn nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra các chiến lược hành động để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Hy vọng những chia sẻ bên trên đây, HEDIMA có thể giúp ích nhiều cho bạn trong việc xây dựng một bản phân tích SWOT hợp lý, giúp thiết lập và phát triển các chiến lược lâu dài sau này cho công ty/ doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo

https://www.potential.com/articles/swot-analysis/

https://www.clearpointstrategy.com/swot-analysis-examples/

https://www.projectcubicle.com/swot-analysis-definition-steps-and-examples-for-business/

https://fiexmarketing.com/marketing/swot-la-gi/

Tác giả

Uyên Uyên

Author's other posts

Từ khóa » Chiến Lược Wo Trong Swot