Phân Tích Tấn Bi Kịch Của Nhân Vật Chí Trong Chí Phèo- Nam Cao

Phần thân bài Phân tích tấn bi kịch của nhân vật Chí trong Chí Phèo- Nam Cao

Bi lịch là mâu thuẫn giữa hiện thực đời sống và khát vọng cá nhân. Hiện thực đời sống không đủ điều kiện để cá nhân thực hiện được khát vọng của mình dẫn đến cá nhân rơi vào hoàn cảnh bi đát có thể dẫn đến cái chết. Trong văn học Việt Nam ta đã từng gặp bi kịch tình yêu của Thúy Kiều, bi kịch nghệ thuật của nhà văn Hộ, bi kịch của Vũ Như Tô...nhưng lạ lùng nhất là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.

Phân tích tấn bi kịch của nhân vật Chí trong Chí Phèo- Nam Cao
Tấn bi kịch của nhân vật Chí trong Chí Phèo- Nam Cao

Chí Phèo đã bị bỏ rơi ngay từ khi mới sinh ra, không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không gia đình, không nhà cửa. Lai lịch của Chí được mở ra trong câu chuyện là một đứa trẻ "trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không", sau đó một người đi thả ống lươn đem về trong một buổi sớm tinh sương. Hắn được cưu mang bởi những con người nghèo khổ, Chí Phèo đi hết nhà này đến nhà khác, từ bà góa mù đến bác phó cối. Tuổi thơ của hắn sống trong bất hạnh, tủi nhục ''hết lang thang đi ở cho nhà người này lại đi ở cho nhà người khác''. Năm 20 tuổi, Chí Phèo đi làm canh điền cho Bá Kiến. Chí giàu lòng tự trọng, biết ghét những gì mà người ta cho là đáng khinh. Bị bà chủ bắt làm việc không chính đáng, Chí vừa làm vừa run, thấy nhục hơn là thích.

Khoảng thời gian đi làm thuê cuốc mướn là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời Chí, bởi đó là quảng đời lương thiện, quảng đời tuổi trẻ nhiều mộng đẹp. Chí cũng như bao con người khác, cũng có ước mơ giản dị, yên bình được toan lo làm lụng ''có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm''. Nhưng đau đớn thay, cái xã hội bất lương ấy đã bóp chết cái ước mơ đó của Chí khi mới chỉ trong trứng nước, một cơn ghen vu vơ của Bá Kiến đã đẩy anh canh điền lương thiện Chí Phèo rơi vào vòng tù tội... Chính nhà tù thực dân đã tiếp tay cho Bá Kiến để rồi biến một con người hiền lành, chất phác thành một kẻ lưu manh, tội đồ bị xa lánh. Bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra cũng mong ước có một tuổi thơ êm đềm trong vòng tay cha mẹ, người thân, được vui đùa và có những kỉ niệm thật đẹp. Thế nhưng cuộc đời của Chí Phèo đã nghiệt ngã ngay từ khi mới sinh ra, không nguồn gốc, không chỗ nương thân. Ngay khi sinh ra, Chí đã bị bỏ rơi, để rồi bị đặt vào nhiều cám dỗ, sa ngã. Vì thế tương lai của hắn sẽ còn là một chuỗi ngày bi kịch.

Tiếp sau bi kịch đứa con hoang bị bỏ rơi, Chí Phèo rơi vào bi kịch tha hóa, lưu manh. Nhà tù thực dân đã thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính của hắn. Sau bảy, tám năm ra tù Chí không còn là anh canh điền hiền lành như trước nữa. Trước mắt người đọc là một tên lưu manh với một thân hình gớm ghiếc "cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen mà lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết...cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế". Từ một người nông dân hiền lành, lương thiện Chí trở thành thằng lưu manh, "con quỷ dữ của làng Vũ Đại". Đáng buồn thay, mới ngày nào chính dân làng Vũ Đại nuôi Chí lớn trong vòng tay đùm bọc vậy mà nay Chí đã quay lưng lại với cái nơi mà hắn được yêu thương và chở che.

Đến cả nhân tính cũng bị xã hội tàn hại. Giờ đây Chí Phèo trượt dài trong những cơn say triền miên, với những tội ác không dung thứ khi hắn bỗng dưng trở thành tay sai đắc lực cho lão Bá Kiến, quay ngược lại lợi ích của người dân Vũ Đại, đối lập với nhân dân lao động. Từ đây, hắn sống bằng rượu, máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện "hắn đã đập nát biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện". Hắn làm những việc ấy trong lúc say, ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say...đập đầu, rạch mặt, giết người trong lúc say để rồi say nữa...Chưa bao giờ hắn tỉnh để thấy mình tồn tại trên đời bởi "những cơn say của hắn tràn từ cơn này sang cơn khác thành những cơn dài miên man". Nam Cao đã cho người đọc thấy một thực tế đau lòng về cuộc sống của nhân dân ta trước Cách mạng. Đó chính là cuộc sống bị bóp nghẹt ước mơ và khát vọng, người nông dân phải bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa.

Tưởng chừng như cuộc đời của Chí sẽ mãi như thế cho đến chết, nhưng rồi cho đến khi gặp Thị Nở và hắn ước mơ được hoàn lương. Thị Nở với bát cháo hành là tình cảm nhân đạo mà nhà văn Nam Cao đã dành cho nhân vật của mình. Chuyện tình của Chí với Thị Nở và bát cháo hành đã giúp Chí tỉnh giấc sau những năm tháng say triền miên và khao khát được làm người lương thiện. Tuy nhiên, Thị Nở đã nghe theo lời bà cô và bỏ rơi Chí. Đoạn cuối là đỉnh điểm của bi kịch mang nhiều ý nghĩa nhân văn, Chí cầm dao định đi đến nhà bà cô nhưng suy nghĩ lại và đến nhà Bá Kiến. Chí đi đòi lương thiện, một điều mà không ai có thể cho và mãi chẳng thể tìm câu trả lời khi mà con người còn bị cái xã hội tăm tối chèn ép "Tao muốn làm người lương thiện, ai cho tao lương thiện". Nỗi đau đớn tận cùng của con người không phải chết mà là sống nhưng không có quyền làm người. Chính vì thế có thể khẳng định đây là bi kịch lớn nhất của Chí Phèo.

Thông qua tấn bi kịch của Chí Phèo, Nam Cao muốn tố cáo hiện thực xã hội thực dân phong kiến đã chà đạp lên số phận con người, đẩy người nông dân nghèo khổ đến bước đường cùng không còn lối thoát ra. Đồng thời tác giả đã đặt niềm tin vào bản chất lương thiện của con người, cho dù trong hoàn cảnh nào, có bị vùi dập đến đâu thì vẫn còn tính người bên trong mỗi một con người. Qua đó, ta thấy được một Nam Cao tài giỏi trong cách sử dụng chi tiết nghệ thuật đắt giá và phong cách viết truyện tiêu biểu của một nhà văn giàu lòng trắc ẩn.

Từ khóa » Cái Bi Trong Tác Phẩm Chí Phèo