Phân Tích Truyện Thầy Bói Xem Voi (8 Mẫu)

Phân tích truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi là tài liệu tham khảo hữu ích được chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc.

Phân tích truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi
Phân tích truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi

Nội dung bao gồm dàn ý và 9 bài văn mẫu. Bạn đọc có thể theo dõi nội dung chi tiết được đăng tải ngay sau đây.

Phân tích truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi

  • Dàn ý phân tích truyện Thầy bói xem voi
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 1
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 2
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 3
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 4
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 5
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 6
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 7
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 8
  • Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 9

Dàn ý phân tích truyện Thầy bói xem voi

1. Mở bài

- Giới thiệu về thể loại truyện ngụ ngôn (khái niệm, đặc trưng về nghệ thuật, ý nghĩa…)

- Giới thiệu về truyện “Thầy bói xem voi” (tóm tắt, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh xem voi của các thầy bói

- Hoàn cảnh: nhân buổi ế hàng, ngồi tán gẫu với nhau

- Đặc điểm:

  • Đều bị mù
  • Chưa biết gì về hình thù con voi

- Cách xem voi:

  • Dùng tay để sờ
  • Mỗi thầy chỉ được sờ một bộ phận của con voi

=> Cách mở đầu ngắn gọn, hấp dẫn

b. Các thầy bói phán về con voi

- Phán về hình thù con voi:

  • Thầy sờ voi: sun sun như con đỉa
  • Thầy sờ ngà: chần chẫn như cái đòn càn
  • Thầy sờ tai: bè bè như cái quạt thóc
  • Thầy sờ chân: sừng sững như cái cột đình
  • Thầy sờ đuôi: tun tủn như cái chổi sể cùn

=> Đúng được từng bộ phận nhưng không đúng được tổng thể

- Thái độ của các thầy khi phán:

  • Chủ quan, bảo thủ, phiến diện
  • Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của người khác, khẳng định quan điểm của mình, luôn cho mình là đúng

=> Sai lầm về phương pháp nhận thức

c. Kết quả của việc xem voi

- Không ai chịu ai, ai cũng cho là mình đúng

- Xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu

=> Nghệ thuật phóng đại tạo tiếng cười, tô đậm sai lầm, lí sự của các thầy bói

3. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 1

Thầy bói xem voi là một truyện ngụ ngôn đã rất quen thuộc. Nội dung của truyện gửi gắm bài học giá trị và sâu sắc đến mỗi người.

Truyện kể về việc xem voi của năm ông thầy bói nọ. Năm ông thầy bói nọ, nhân buổi ế hàng liền ngồi nói chuyện với nhau. Các thầy đều không biết hình thù con voi như thế nào. Khi nghe thấy có voi đi qua, cả năm chung nhau tiền biếu cho người quản voi. Mỗi thầy sờ một bộ phận. Thầy thứ nhất sờ vòi bảo nó sun sun như con đỉa. Thầy thứ hai sờ ngà bảo nó chần chẫn như cái đòn càn. Còn thầy thứ ba bảo nó bè bè như cái quạt thóc. Đến thầy thứ tư sờ chân bảo nó sừng sững như cái cột đình. Cuối cùng, thầy thứ năm sờ đuôi lại bảo nó tun tủn như cái chổi sể. Năm thầy đều không ai chịu ai, cuối cùng đánh nhau đến toác đầu chảy máu.

Rõ ràng, cách xem voi của năm ông thầy bói là sai lầm. “Xem voi” mà chỉ dùng tay “sờ” thì kết quả sẽ không chính xác, chỉ cảm nhận được bộ phận mà mình sờ, không có cái nhìn toàn diện về hình dáng của con voi. C hính sự khác biệt trong nhận thức về hình dáng con voi giữa các thầy bói dẫn đến cuộc tranh luận bất phân thắng bại, thậm chí dẫn tới ẩu đả. Qua truyện năm ông thầy xem voi, tác giả dân gian muốn phê phán những người có cái nhìn phiến diện, từ đó khuyên nhủ con người rằng nếu muốn hiểu biết sự vật, sự việc thì phải xem xét chúng một cách toàn diện, đa chiều.

Thầy bói xem voi mang đầy đủ những đặc điểm của truyện ngụ ngôn, với tình huống được xây dựng rất thú vị, gợi mở ra bài học nhân văn.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 2

Thầy bói xem voi là một truyện ngụ ngôn có nội dung giáo dục rất thâm thúy ẩn chứa dưới hình thức nghệ thuật hài hước thú vị. Truyện ngụ ngôn là truyện không chỉ có nghĩa đen mà còn hàm chứa nghĩa bóng. Nghĩa bóng là ý nghĩa sâu kín gửi gắm trong truyện, thường là những bài học nhân sinh bổ ích cho con người trong cuộc sống.

Nội dung của truyện kể về cuộc xem voi của năm thầy bói mù và nhận xét của từng người về con voi. Sự khác biệt trong nhận thức về hình dáng con voi giữa các thầy bói dẫn đến cuộc tranh luận bất phân thắng bại, thậm chí dẫn tới ẩu đả. Từ việc chế giễu cách xem voi và nhận xét về voi rất phiến diện của năm ông thầy bói mù, người xưa khuyên chúng ta rằng khi tìm hiểu, xem xét, đánh giá các sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh thì phải thận trọng, kĩ càng và toàn diện để tránh những đánh giá lệch lạc, sai lầm.

Truyện ngắn gọn nhưng rất hấp dẫn bởi hàng loạt các yếu tố đặc biệt của nó: tình huống đặc biệt, nhân vật đặc biệt, sự vật đặc biệt và cách cảm nhận sự vật của mỗi người lại càng đặc biệt. Có thể coi truyện ngụ ngôn này là một vở hài kịch nhỏ có đủ hoàn cảnh, nhân vật và mâu thuẫn kịch.

Mở đầu là cảnh năm thầy bói mù nhân buổi ế khách bèn túm tụm lại ngồi chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn là chưa biết hình thù con voi ra sao. Tình cờ đúng lúc ấy, các thầy nghe người ta nói có voi đi qua, bèn chung nhau tiền biếu quản tượng, xin cho voi dừng lại để xem. Vì mù nên năm thầy cùng chung một cách xem voi là sờ bằng tay và mỗi thầy chỉ sờ được vào một bộ phận của con voi mà thôi.

Phần mở đầu ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ những thông tin cần thiết để thu hút và dẫn dắt người đọc. Nếu coi truyện là một màn kịch thì ở đoạn này, mâu thuẫn kịch đã bắt đầu hình thành và phát triển. Cách xem voi của năm thầy là dùng tay để sờ. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Thầy nào sờ được bộ phận nào thì nhận xét về hình thù "con voi" như thế. Thầy sờ vào vòi cho rằng voi sun sun như con đỉa. Thầy sờ vào ngà bảo voi chần chẫn như cái đòn càn. Thầy sờ vào tai khăng khăng voi bè bè như cái quạt thóc. Thầy sờ vào chân voi thì cãi: Nó sừng sững như cái cột đình. Bốn nhận định của bốn thầy khác xa nhau nên thầy này phủ nhận ý kiến của thầy kia. Thầy thứ năm sờ vào cái đuôi thì phủ nhận tất cả bốn thầy trước: - Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn như cái chổi sể cùn.

Dựa trên thực tế mà mình "xem" được, mỗi thầy đều đưa ra nhận xét về hình thù con voi bằng hình thức ví von, so sánh. Điều đó làm cho truyện thêm sinh động và có tác dụng tô đậm sai lầm trong cách xem voi và lời "phán" về voi của các thầy. Mâu thuẫn càng lúc càng tăng, không ai chịu nghe ai vì người nào cũng cho rằng mình đúng. Tục ngữ có câu: Trăm nghe không bằng một thấy, Trăm thấy không bằng một sờ. Ở đây, các thầy đã sờ tận tay, thử hỏi còn sai vào đâu được? Do vậy, việc thầy nào cũng khẳng định rằng mình đúng là có cơ sở. Thầy nào cũng đúng nhưng khổ nỗi chỉ đúng với một bộ phận của con voi chứ không đúng với toàn bộ con voi.

Người xưa thật hóm hỉnh khi để các thầy bói mù xem một con vật khổng lồ là con voi. Các bộ phận của nó ở cách xa nhau (vòi, ngà, tai, chân, đuôi) mà các thầy đều bị mù, không thể đi lại dễ dàng. Mỗi thầy lại chỉ sờ được có một thứ nên mới dẫn đến chuyện đấu khẩu bất phân thắng bại.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thầy nào cũng khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình. Cãi nhau mãi không xong tất dẫn đến cuộc ẩu đả quyết liệt, bởi vì cả năm thầy không ai chịu ai. Như vậy là cãi nhau không đi đến đâu, mà đánh nhau càng không thể dẫn đến chân lí khách quan. Cái sai nọ tất yếu dẫn đến cái sai kia. Người đọc tưởng tượng ra cảnh năm thầy bói mù gân cổ cãi nhau rồi quờ quạng đánh nhau mà cười ra nước mắt.Biện pháp phóng đại được sử dụng triệt để trong truyện để tô đậm cái sai về nhận thức của các thầy bói xem voi.

Năm thầy bói đều sờ vào voi thật và mỗi thầy đều tả đúng một bộ phận của voi, nhưng không ai nhận xét đúng về cả con voi. Sai lầm của họ là mỗi người chỉ sờ được vào một bộ phận của con voi mà đã nhất quyết cho rằng đó là con voi. Điều đáng buồn cười là các thầy đều sai nhưng ai cũng nhận mình là đúng. Thực ra họ đều sai lầm trầm trọng bởi vì ai đã lấy nhận xét chủ quan về một chi tiết của sự vật để khẳng định, đánh giá toàn thể sự vật và phủ nhận ý kiến của người khác.

Cả năm thầy đều chung một cách xem voi phiến diện, dùng bộ phận để khái quát toàn thể. Truyện không nhằm chế giễu cái "mù" về thể chất (đây chỉ là chi tiết cần có của tình huống truyện), mà muốn nói đến cái "mù" về nhận thức và phương pháp nhận thức của các thầy bói. Cao hơn thế, truyện có ý giễu cợt những người làm nghề xem bói (Thầy bói nói càn). Tiếng cười trong truyện nhẹ nhàng nhưng cũng rất thâm thúy.

Truyện là màn hài kịch ngắn nhưng chứa đựng một bài học bổ ích. Người xưa muốn thông qua truyện để nhắc nhở mọi người khi giao tiếp, vấn đề nào tìm hiểu chưa thấu đáo thì không nên thể hiện quan điểm của mình vì không thể nào có được một nhận xét đúng đắn về thực tế xung quanh (hiện tượng, sự việc, sự vật, con người) nếu chưa tìm hiểu đầy đủ, kĩ càng. Muốn kết luận đúng về sự vật thì phải xem xét nó một cách toàn diện. Những hiểu biết hời hợt, nông cạn, những suy đoán mò mẫm thiếu thực tế… chỉ dẫn đến nhận thức lệch lạc, sai lầm mà thôi.

Qua truyện, người xưa còn ngầm phê phán những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại hay tỏ ra thông thái. Ý nghĩa này được gói gọn trong câu thành ngữ: Thầy bói xem voi.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 3

Truyện ngụ ngôn là truyện kể dân gian bằng văn xuôi hay bằng thơ, mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ… làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lí. “ Thầy bói xem voi” là một trong những câu chuyện ngụ ngôn hài hước, phản ánh một cách chân thực mà thực tế trong xã hội hiện nay đang diễn ra thông qua những đánh giá khách quan của những ông thầy bói.

Đây là một câu chuyện có ý nghĩa giáo dục cao về sự nhìn nhận của con người trong cuộc sống, là một bài học luân lí vô cùng quý báu.

Chuyện được kể về 5 ông thầy bói, mỗi người sờ vào một bộ phận của con voi. Người sờ đầu, người sờ ngà, người sờ tai, người sờ chân, người sờ đuôi. Chỉ như vậy thôi mà những ông thầy bói này đã đưa ra những kết luận dựa trên suy nghĩ của mình, không có một căn cứ nào nhưng họ luôn khẳng định ý kiến cá nhân của mình là đúng và cuối cùng đã gây ra tranh cãi dẫn đến việc đánh nhau.

Thầy sờ ngà thì bảo nó “chần chẫn như cái đòn càn”, thầy sờ tai bảo “bè bè như cái quạt thóc”, thầy xem chân bảo “sừng sững như cái cột đình”, thầy sờ đuôi bảo “chun chun”. Rõ ràng những ý kiến như vậy là hoàn toàn sai lầm, chỉ nhìn vào bộ phận mà đánh giá một cái toàn thể. Những hình thức bề ngoài không thể đánh giá được những thứ bên trong, một bộ phận không thể nói lên được tất cả. Sự bảo thủ của những ông thầy bói như là một trò cười trong mắt người đọc, làm cho con người ta có một cách nhìn nhận đúng đắn hơn về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Thực tế cho thấy, những ông thầy bói chỉ sờ bằng tay thôi mà có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và đầy tự tin, ai cũng nghĩ là mình đúng, không ai nhường ai. Những con người này đã lấy những khuyết điểm trên cơ thể mình để áp đặt vào con voi, một con vật không có nhận thức, bản thân nó chỉ là một loài vật. Chắc hẳn, những ông thầy bói muốn khẳng định bản thân mình đối với những người còn lại chăng?

Không có một sự ràng buộc nào trong suy nghĩ của con người, học có quyền nghĩ rằng là mình đúng và muốn khẳng định ý kiến đó, nhưng những con người đấy không hiểu hết vấn đề, chỉ nông nổi đưa ra ý nghĩ chủ quan của bản thân mà thực tế trong câu chuyện là những ông thầy bói bị mù, chỉ cảm nhận thông qua bàn tay của mình rồi đưa ra kết luận một cách mù quáng, thiếu khoa học.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể hiểu rõ hơn một phần nào những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, và có thể nhìn nhận một cách khách quan hơn, chính xác hơn. Đừng bao giờ đặt suy nghĩ chủ quan của mình vào người khác, không thể kết luận một sự việc nào đấy theo cảm nhận của mình. Hơn thế, chúng ta không được lấy cái bộ phận để đánh giá cái toàn thể khi nhìn nhận một vấn đề trong xã hội của chúng ta.

Đừng như những ông thầy bói trong câu chuyện để rồi phải gây ra ẩu đả, đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Tác giả dân gian không những chỉ ra những khuyến khuyết trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta thường xuyên gặp phải mà còn là một bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 4

Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà con mang lại những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc. Cụ thể là câu truyện đã khuyên răn con người ta khi nhìn nhận, đánh giá về một sự vật, hiện tượng, sự việc cần có cái nhìn đa chiều, toàn diện, không nên chỉ nhìn một chiều, phiến diện khiến cho những đánh giá chưa thực sự đúng đắn, trọn vẹn.

Câu chuyện kể về năm ông thầy bói bị mù chưa biết con voi trông như thế nào mà muốn đi xem voi. Chính vì bị mù nên các ông không thể xem voi bằng mắt mà phải xem bằng cách sờ tay cảm nhận và hình dung ra hình dáng của con voi. Con voi thì quá to mà các ông thì quá nhỏ nên dù có sờ tận tay nhưng các ông chỉ sờ được một bộ phận riêng lẻ của con voi. Mỗi ông sờ một bộ phận khác nhau rồi lại mỗi người đưa ra một lời phán khác nhau về con voi. Ông sờ vòi thì phán voi sun sun như con đỉa, ông sờ ngà voi lại bảo voi chần chẫn như cái đòn càn, ông lại bảo con voi bè bè như cái quạt thóc khi sờ tai voi, rồi ông lại bảo voi nó to như cái cột đình khi sờ chân voi, ông cuối cùng khẳng định con voi như cái chổi sể cùn khi sờ vào đuôi nó.

Chính những lời phán xét về con voi khác nhau giữa năm ông nên đã không thống nhất được về hình thù con voi, mỗi ông lại khăng khăng mình đúng, không ai chịu nghe ai nên đã dẫn tới xung đột, xô xát đến rơi máu. Có thể thấy tác giả dân gian đã tô đậm cho người đọc thấy rõ cách nhìn nhận sai lầm của năm ông thầy bói. Cả năm ông cùng xem voi nhưng đó chỉ là cách xem phiến diện, xem một bộ phận của voi nhưng đã phán về cả con voi, dẫn tới những lời phán xét khác nhau và đều không chính xác về con voi. Bởi đó chỉ là những bộ phận trên mình con voi chứ không phải cả con voi. Từ những lời phán xét sai mà giữa các ông nảy ra mâu thuẫn, xô xát, đó là điều không đáng có.

Chính vì vậy câu truyện đã cho chúng ta bài học nhân sinh về cách nhìn nhận con người hay các sự việc, sự vật và hiện tượng. Để có được cái nhìn đúng đắn và chính xác nhất chúng ta cần phải nhìn một cách toàn diện, đa chiều và tổng thể nhất, không chỉ quan tâm tới bề ngoài mà cần tìm hiểu rõ bản chất bên trong.

Những đánh giá phiến diện, một chiều hay chủ quan sẽ dẫn đến những cái nhìn sai lệch và thiếu đúng đắn với thực tế, bản chất của sự vật, hiện tượng, con người. Bên cạnh đó truyện còn nhắc nhở chúng ta về cách tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tích lũy kiến thức. Chúng ta không nên bảo thủ, tự mãn với những gì mình đã có, đã biết mà khi đã biết về một sự vật nào đó ta cần phải lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, nhiều chiều để đúc kết được cái nhìn bao quát nhất, đúng đắn và chính xác nhất.

Có thể thấy câu truyện không chỉ mang lại tiếng cười vui vẻ cho người đọc mà qua đó ta rút ra được những bài học bổ ích cho chính bản thân mình về các đánh giá, nhìn nhận mọi vật, mọi việc trong cuộc sống sao cho thật thấu đáo, tường tận.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 5

Mỗi truyện ngụ ngôn luôn hàm chứa những bài học sâu sắc mà ông cha muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau. Nếu như truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng khuyên chúng ta không được huênh hoang, kiêu ngạo phải luôn trau dồi kiến thức bản thân thì truyện Thầy bói xem voi lại đem đến cho người đọc những bài học bổ ích khác: khi xem xét sự vật hiện tượng cần có cái nhìn toàn diện, tránh cách đánh giá vấn đề phiến diện, một chiều.

Truyện kể về năm ông thầy bói rảnh rỗi, nhân một buổi ế hàng đã góp tiền với nhau để xem hình thù con voi thế nào. Cách xem voi và nhận xét về chúng của các ông thầy bói hết sức đặc biệt. Vì bị mù nên các ông chỉ có thể dựa vào xúc giác để biết con voi hình thù ra sao. Năm người sờ năm bộ phận và mỗi người lại đưa ra những kết luận khác về con voi. Ông thứ nhất thì cho con voi sun sun như con đỉa khi sờ vào vòi; ông thì cho nó chần chẫn như cái đòn càn khi sờ ngà; ông lại phán con voi nó phải bè bè như cái quạt thóc khi sờ tai; ông nghe được lại cãi nó phải như cái cột đình khi sờ vào chân và ông cuối cùng cũng nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình khi cho rằng con voi phải tun tủn như cái chổi sể cùn khi sờ vào đuôi. Mỗi người một ý kiến và họ kiên quyết cho rằng nhận xét của mình là đúng, không ai nhường ai nên đã xảy ra một cuộc hỗn chiến khiến các ông toác đầu, chảy máu. Năm ông thầy bói đã cho những người chứng kiến một trận cười ra nước mắt.

Câu chuyện kết lại đã để lại cho người đọc nhiều bài học ý nghĩa. Trước hết, truyện chế giễu những thầy bói nói dựa , mới chỉ sờ vào bộ phận của con vật nhưng đã phán toàn thể về nó, đồng thời đây cũng là lời khuyên không nên tin vào những điều mê tín, bói toán. Không chỉ vậy truyện còn nêu lên bài học sâu sắc trong cách chúng ta nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống. Khi xem xét bất cứ điều gì cũng cần phải có cái nhìn bao quát, toàn diện để đánh giá được đúng đối tượng, sự việc. Tránh cái nhìn phiến diện, một chiều dẫn đến nhận thức sai lầm, lạc hướng giống như các “Thầy bói xem voi” .

Cũng giống như những truyện ngụ ngôn khác, Thầy bói xem voi có lời kể ngắn gọn, mọi câu chữ đều được rút gọn đến mức tối đa. Sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc, rất phù hợp với đặc điểm của đối tượng. Kết thúc truyện bất ngờ, hợp lí vừa tạo ra tiếng cười vui vẻ cho người đọc, người nghe về một cuộc ẩu đả bi hài, vừa đẩy tính bảo thủ của các ông thầy bói lên cao nhất.

Qua cách tạo dựng tình huống huống đặc sắc, truyện Thầy bói xem voi trước hết đã đem lại tiếng cười vui vẻ cho người đọc. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy, chúng ta còn tự rút ra bài học cho riêng mình về cách xem xét các sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Phải luôn có cái nhìn đa diện, nhiều chiều khi nhìn nhận bất cứ vấn đề gì, tránh cái nhìn một chiều dẫn đến đánh giá sai vấn đề.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 6

Nhân dân vẫn lấy tiếng cười để mua vui giải trí, để đánh địch, để chế giễu những thói hư tật xấu quanh ta. Truyện Thầy bói xem voi là một truyện cười mang tính ngụ ngôn sâu sắc.

Truyện nói về một cuộc hội ngộ của năm ông thầy bói nhân buổi chợ ế hàng. Họ tranh luận về con voi mà họ xem bằng "tay"; tất cả đều mù nên mỗi "thầy" nhận diện con voi một cách khác nhau.

Thầy bói sờ vòi voi thì bảo "sun sun như con đỉa". Thầy bói sờ ngà lại phán con voi "chần chẫn như cái đòn càn". Lão thầy bói sờ tai voi lại khẳng định nó "bè bè như cái quạt thóc". Lão thầy bói thứ tư sờ chân voi, lại cãi là voi "sừng sững như cái cột nhà". Thầy bói thứ năm sờ đuôi lại nói con voi "tun tủn như cái chổi sể cùn".

Cả năm ông thầy bói đều thuộc thế giới mù, nên thầy nào cũng dùng cách ví von so sánh tả con voi thật hóm hỉnh, buồn cười. Năm thầy bói đều có nhận xét đúng nhưng chỉ đúng một bộ phận của con voi. Vì mù quen nói mò, nhưng thầy bói nào cũng tin là mình tuyệt đối đúng, đắp tài trước chân lí, trước sự thật.

Cuộc cãi vã của năm ông thầy bói trở nên ồn ào. Cuộc đấu khẩu thành cuộc xô xát. Màn hài kịch trở thành màn bi - hài kịch. Năm lão thầy bói đã "đánh nhau toác đầu, chảy máu'' làm cho thiên hạ được một bữa ôm bụng mà cười!

Từ câu chuyện cười thầy bói xem voi mà nhân dân ta có câu tục ngữ: Thầy bói nói mò. Truyện cười này nhằm chế giễu bọn thầy bói mắt đã mùa mà còn giở trò bịp bợm, kiếm ăn bằng trò mê tín dị đoan.

Truyện Thầy bói xem voi còn mang tính ngụ ngôn sâu sắc. Nhân dân nêu lên bài học về cách nhìn và cách đánh giá sự vật, hiện tượng, không được chủ quan, phiến diện, phải có quan điểm toàn diện. Trong học tập và cuộc sống hàng ngày, bài học ấy rất cần thiết đối với mỗi người.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 7

Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu truyện ngụ ngôn chứa đựng những bài học sâu sắc mà ông cha ta gửi gắm cho thế hệ về sau. Nếu như câu truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" đã cho ta bài học không nên kiêu ngạo, huênh hoang tự đắc mà phải luôn học hỏi và rèn luyện bản thân. Thì ở truyện "Thầy bói xem voi" lại nhắc nhở chúng ta về cách nhìn nhận các hiện tượng sự vật cần phải có cái nhìn toàn diện, tránh cái nhìn phiến diện, một chiều.

Câu chuyện xoay quanh năm ông làm nghề thầy bói và tất cả đều bị mù. Vào một buổi ế hàng không có ai xem bói nên các ông được rảnh rỗi, góp tiền với nhau để cùng đi xem hình thù của con voi như thế nào. Thật nực cười khi các ông thầy bói bị mù nhưng vẫn muốn đi xem voi, các ông chỉ có thể xem voi bằng xúc giác của mình, nghĩa là dùng tay sờ vào con voi để hình dung ra hình thù của nó như thế nào.

Năm ông cùng sờ vào con voi nhưng vì con voi có kích thước lớn, lớn hơn rất nhiều so với người các ông nên mỗi ông chỉ sờ được một bộ phận của nó. Năm người sờ năm chỗ khác nhau nên đã đưa ra 5 kết luận khác nhau về hình dạng của con voi. Ông thứ nhất sờ vào vòi của con voi nên đã phán rằng con voi sun sun như con đỉa; ông thứ hai sờ vào ngà lại cảm thấy con voi chần chẫn như cái đòn càn; tới ông thứ ba sờ vào tai của con voi lại phán rằng con voi nó phải bè bè như cái quạt thóc; khi sờ vào chân của con voi ông thứ tư cãi lại cho rằng con voi phải như cái cột đình; cuối cùng ông thứ năm sờ vào đuôi đã nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình rằng con voi tun tủn như cái chổi sể cùn.

Có thể thấy, mỗi ông đều có một ý kiến khác nhau và nhất định bảo vệ ý kiến của mình, cho rằng hình thù của con voi mà mình sờ thấy là đúng. Không ai chịu nhường ai vì họ đều tận tay sờ con voi, chính vì thế mà một cuộc hỗn chiến đã xảy ra, khiến cho các ông toác đầu chảy máu. Những người chứng kiến tại đó đã có một trận cười ra nước mắt. Tiếng cười ấy vừa thực buồn cười lại vừa mang tính chất mỉa mai, phê phán, chế giễu những ông thầy bói "nói dựa", chỉ sờ được một bộ phận của con voi nhưng đã phán về tổng thể về nó. Trước tiên truyện khuyên nhân dân không nên tin vào bói toán, mê tín. Rồi nêu ra bài học sâu sắc trong cách nhìn nhận sự vật sự việc trong cuộc sống. Khi xem xét bất cứ điều gì chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể, bao quát và toàn diện để đánh giá một cách khách quan về đối tượng, sự việc đó. Không nên chỉ nhìn từ một chiều, phiến diện, dẫn đến những nhận thức sai lầm, thiếu đúng đắn. Câu chuyện có lời lể ngắn gọn với những hình ảnh so sánh đặc sắc, gần gũi và phù hợp với đối tượng.

Truyện "Thầy bói xem voi" đã mang lại những tiếng cười bổ ích cho người đọc, đồng thời rút ra bài học về cách nhìn nhận, xem xét các đối tượng, sự vật, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 8

Truyện Thầy bói xem Voi có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, để lại cho người đọc những bài học quý giá, xen kẽ vào đó là những tiếng cười bởi những tình tiết đặc sắc trong câu chuyện.

Truyện thầy bói xem voi là truyện ngụ ngôn kể về cuộc xem voi của 5 ông thầy bói mù, cả 5 ông đều chưa biết về con voi như thế nào nhân lúc đó lại có người bảo sắp có voi đi tới mấy ông liền túm tụm lại để xem, do các ông đều bị mù nên không thể nhìn được con voi đó như thế nào mà phải sờ các bộ phận của voi để đoán xem nó có hình thù như thế nào.

Những lời nhận xét của các ông về con voi là khác nhau, dẫn đến nhưng xung đột, tranh luận sâu sắc, dẫn tới cả ẩu đả. Từ những đánh giá một cách phiến diện hời hợt từ bề ngoài của các thầy bói mù đã dẫn đến những lời nhận xét không có tính chất xác thực, mà chỉ mang tính chất hiếm diện hời hợt của cái vỏ bề ngoài của sự vật sự việc. Vì vậy qua câu chuyện này muốn để lại những bài học nhân sinh cho người đọc rằng cần nên tìm hiểu rõ về sự vật hiện tượng cần hiểu được những tính chất bên trong của sự vật sự việc chứ không nên chỉ đánh giá khách quan hiếm diện từ bề ngoài sẽ dẫn đến những lời nhận xét sai chưa đúng với bản chất của sự vật.

Trong truyện 5 ông thầy bói này đều xem voi bằng cách sờ vì cả 5 ông đều bị mù, ông thì sờ vòi, ông thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Do 5 thầy sờ các bộ phận trên con voi là khác nhau vì vậy những lời nhận xét mà các ông đưa ra cũng là khác nhau. Thầy sờ vào vòi thì nhận xét nó sun sun như con đỉa. Thầy sờ vào ngà thì bảo nó chần chẫn như cái đòn càn, thầy xem tai thì khăng khăng khẳng định voi bè bè như cái quạt thóc, thầy xem chân thì khẳng định voi sừng sững như cái cột đình.

Cả 5 lời nhận xét đều đúng về từng bộ phận của con voi nhưng đó chỉ là những bộ phận riêng rẽ trên cả con voi chứ không phải là toàn bộ con voi như những lời nhận xét của ông thầy bói nhận xét. Người xưa đã từng có câu trăm nghe bằng bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ quả cũng đúng nhưng các ông thầy bói này lại chỉ sờ vào từng bộ phận bên ngoài của voi, các ông có những lời nhận xét chưa mang tính chất toàn diện mà nó chỉ dựa vào những đặc điểm bề ngoài mà các ông đã sờ thấy. Những lời nhận xét mang tính chất phiếm diện chỉ đúng với những gì ông các ông ấy nhìn thấy.

Câu chuyện ngày càng hấp dẫn với những tình huống đặc sắc và đầy mâu thuẫn khi các ông thầy bói mù này cứ tranh luận để bảo vệ cái ý kiến của mình, xét trên một khía cạnh khi nhận xét về cái vòi thì ông thầy bói đó không hề sai, kể cả thầy bói khi nhận xét về cái ngà cũng vậy nhưng các ông mang những đặc điểm đó để miêu tả toàn bộ con voi thì đó không hề chính xác, đó chỉ là những đặc điểm riêng của con voi.

Cuộc tranh luận của các ông ngày càng lên đến đỉnh điểm khi cuộc tranh luận diễn ra ngày càng gay go, ai cũng tranh luận để bảo vệ lời nhận xét của mình đưa ra, cuộc tranh luận đó gây ra những đặc sắc cho câu chuyện bởi những tình huống đó khiến cho người đọc bật cười khi những tranh luận đó đều mang tính chất bề ngoài không toàn diện. Cuộc tranh luận còn dẫn đến những cuộc ẩu đả, tranh cãi quyết liệt.

Qua câu chuyện này cũng là bài học cho mọi người khi xem xét đánh giá một sự vật sự việc không nên chủ quan chỉ xem xét một khía cạnh mà phải xem xét một cách toàn diện, xem xét những mặt bản chất của sự vật, sự vật để từ đó có những lời nhận xét đúng đắn.

Truyện ngụ ngôn thầy bói xem voi đã để lại cho người đọc những tiếng cười đặc sắc bởi tình tiết của câu chuyện rất hấp dẫn, qua câu chuyện này người đọc còn học được nhiều bài học trong cuộc sống thực tiễn.

Phân tích truyện Thầy bói xem voi - Mẫu 9

Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi kể về việc “xem voi” của năm ông thầy bói. Các thầy rủ nhau chung tiền biếu người quản voi để xem con voi có hình thù thế nào.

Mỗi ông xem một bộ phận, cuối cùng cãi nhau, không ông nào chịu ông nào: ông sờ vòi bảo voi sun sun như con đỉa; ông sờ ngà bảo voi giống cái đòn càn; ông sờ tai bảo nó giống cái quạt thóc; ông sờ chân bảo voi sừng sững như cái cột đình; ông cuối cùng sờ đuôi, bảo voi tủn lủn như cái chổi sể cùn. Cãi nhau không thể phân thắng bại, năm ông đánh nhau toác đầu, chảy máu. Cách "xem voi" ấy thật kì quặc và mắc những sai lầm khá cơ bản. Từ câu chuyện này, ta có thể rút ra cho mình những bài học hữu ích.

Vì là thầy bói mù nên các thầy không thể "xem voi" tận mắt mà chỉ có thể "sờ" bằng tay. Con người có năm giác quan, các thầy đã bị khiếm khuyết giác quan quan trọng nhất trong việc "xem", ấy là thị giác. Cuối cùng, các thầy chỉ vận dụng có một giác quan để làm việc đó: xúc giác. Vậy là các thầy "xem" voi bằng tay! Thêm nữa, con voi lại quá to nên tất cả những điều đó tất yếu dẫn đến việc mỗi thầy chỉ sờ được một bộ phận của nó, nhận biết không được toàn diện về đối tượng. Vậy nên, cùng xem một con voi mà ý các thầy không giống nhau.

Thái độ của các thầy ở đây không phải là tự tin mà chủ quan đến cực đoan: ai cũng cho là mình đúng nhất, người sau phản bác ý kiến của người trước để khẳng định ý của mình, không ai chịu ai, cho nên từ bàn tán các thầy chuyển sang xô xát, dẫn đến kết cục là đánh nhau toác đầu, chảy máu.

Rõ ràng, sai lầm của các thầy bói là ở chỗ: đáng lẽ phải xem cả con voi thì mỗi thầy lại chỉ sờ được một bộ phận của voi và bảo rằng đó là con voi. Vòi, chân, tai, ngà, đuôi đúng là của con voi thật, nhưng mới chỉ là những bộ phận riêng lẻ, chưa phải là cả con voi. Và điều quan trọng hơn nữa, nếu các thầy chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau, hỏi quản lượng, kết hợp với việc miêu tả, nhận thức của mỗi người, các thầy sẽ biết con voi là như thế nào!

Câu chuyện ngụ ngôn của người xưa đã giúp người đọc rút ra những bài học bổ ích trong cuộc sống. Khi xem xét một sự vật (hoặc sự việc) cần kết hợp nhận thức của các giác quan (tai nghe, mắt thấy...). Nhưng nếu không có điều kiện xem xét bằng đầy đủ các giác quan thì phải xem xét một cách toàn diện, không lấy cái bộ phận, đơn lẻ thay cho cái toàn thể. Đặc biệt, không nên chủ quan trong việc xem xét, đánh giá sự vật, sự việc mà cần phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, vừa nghe vừa kết hợp với phân tích, đánh giá, tổng hợp của riêng mình.

Từ khóa » Giá Trị Nội Dung Thầy Bói Xem Voi