“Phảng Kia đương Chế Cù Nèo Cà đun Quơ...” - Báo Cần Thơ Online

Ðó là mấy câu hát trong “Lý Cái phảng”, dân ca Nam Bộ. Nguyên văn bài lý như vầy: “Mùa màng mạ mọng cà đun gieo cà đun gieo. Phảng kia đươn chế cù nèo cà đun quơ cà đun quay”. Mới hay, cây phảng gắn liền với chuyện “mùa màng, mạ mọng” của người dân Nam Bộ hồi trước và là “nông cụ số 1” trong cuộc khai hoang, mở đất.

Nông dân Bạc Liêu phát cỏ sau nhà với hình ảnh “phảng đâu cù nèo đó”.

Nguồn gốc cây phảng

Cây phảng vốn là nông cụ quen thuộc của nông dân Nam Bộ từ xưa, đến nay một số vùng nông thôn ÐBSCL vẫn còn sử dụng. Có nhiều lý giải về nguồn gốc nông cụ này.

Tài liệu nói nhiều về cây phảng là bài “Một nông cụ chiến lược: Cây phảng và phát thế” của nhà nghiên cứu Sơn Nam, đăng trên tuần báo Nhân loại, số 4, năm 1958 (từ trang 36 đến trang 38). Trong bài báo này, tác giả Sơn Nam trình bày về diễn trình phát triển của cây phảng, các thế phát, công dụng... Ông nhận định: “Có thể cây phảng là nông cụ do người Cam-pốt sáng tạo. Nhưng đối với người Cam-pốt, nó là dụng cụ thứ yếu, phụ thuộc vào việc cày bừa, theo lối canh tác thuần túy cực lực, như ngày nay chúng ta còn thấy ở Rạch Giá, Gò Quao...”. Từ thực tế sự đóng góp của cây phảng trong đời sống nông nghiệp miền Hậu Giang, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng: “Người Việt đi khai hoang đã nâng cây phảng lên địa vị chính yếu, chiến lược, để canh tác theo lối vừa cực lực vừa triển khai diện tích”.

Lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam có nhiều nhà nghiên cứu sau này đồng tình, như Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Ðường, Trần Xuân Kiêm. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng người Việt ở Nam Bộ đã ứng dụng và cải tiến cây phảng theo hướng phù hợp với lối canh tác nông nghiệp ở vùng đất này.

Công trình “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ” do nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa chủ biên (NXB TP Hồ Chí Minh, 1987), bổ sung thông tin mới. Nhóm nghiên cứu nhận định: “Qua tìm hiểu ta thấy chiếc phảng vốn là công cụ đã được người nông dân Khmer sử dụng. Nhưng người nông dân Việt đã cải tiến nó kết hợp với loại nông cụ “rựa phát bờ” ở miền Trung làm cho nó phát huy được hiệu lực rất cao trong việc phát cỏ dọn ruộng cấy lúa”. Về cách lý giải này, tác giả Ðặng Văn Thắng trong bài nghiên cứu “Nông nghiệp ngư cụ truyền thống ở Vĩnh Long” in trong “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)” (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2003) cũng đồng tình.

Từ hai cách lý giải này, có điểm chung đáng lưu ý là cây phảng Nam Bộ được hình thành từ sự cải tiến của cây dao truyền thống phục vụ chuyện đồng áng. Quá trình cải tiến ấy ở tay cầm và chiều dài, bản ngắn của lưỡi dao. Tay cầm phảng hướng cong, tạo thành một góc so với sóng phảng, lưỡi phảng thì dài và bản ngắn hơn so với lưỡi dao. Ðiều này được chứng tỏ qua ngôn ngữ dân gian Nam Bộ trong ngữ cảnh: Người đàn ông cầm phảng phát cỏ nhưng lại nói là “chém một dao” hay “phát vài ba dao nữa là xong” chứ ít nói “chém một phảng”.

Nói về sự cải tiến này, nhà nghiên cứu Sơn Nam lý giải trong quyển “Cá tính miền Nam” rằng, cầm cây dao mà chém cỏ thì không ổn vì rất chậm chạp, không thể nào “rồi công chuyện” được. Dùng cuốc thì cũng bất lợi, chậm chạp, nhất là nơi đất hoang cỏ quá đầu người hay vùng đất lung ngập nước, cây cuốc cũng trở nên vô dụng. “Ngồi mà chặt là thất sách, vì mỏi lưng. Ðứng mà chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Muốn cho cỏ chết, phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để cỏ bị thối luôn. Do đó cần đến một loại dao dài, muốn chém cỏ trong tư thế đứng mà chém thì cán dao phải bẻ cong lại. Ðó là cây phảng. Phảng là một loại dao” - nhà nghiên cứu Sơn Nam miêu tả.

Nông cụ “số 1”

Như đã trình bày, khác với dao nối liền đường thẳng giữa cán và lưỡi, tay cầm phảng hướng cong, tạo thành một góc so với sóng phảng. Ðộ lớn của góc này sẽ tạo thành những loại phảng có tên gọi khác nhau, công dụng cũng khác nhau. Có thể kể ra như phảng nắp, phảng giò nai, phảng cổ cò, phảng cổ lùn (nắp nhặt)... Trong đó, phảng cổ cò được xem là thông dụng nhất, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng khi phát, chế cỏ. Tên gọi phảng cổ cò vì có hình như cổ của một con cò, cán phảng và sóng phảng hợp nhau một góc gần bằng 90 độ.

Trong các làng nghề làm rèn ở ÐBSCL, xóm thợ rèn Ngan Dừa ở xứ Rạch Giá xưa (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có kinh nghiệm rèn phảng rất giỏi. Cùng với chiếu Ngan Dừa thì nghề rèn Ngan Dừa nức tiếng xưa nay. Theo kinh nghiệm của nhiều bậc cao niên ở làng nghề này, việc rèn phảng khó nhất hai công đoạn: uốn cán và canh lửa trui. Uốn cán sao cho vừa với loại phảng cần dùng là kỹ năng không dễ. Ðặc biệt, khi trui phảng phải canh thật vừa vì nếu trui già, khi chém đụng vật cứng như gốc cây già, phảng sẽ dễ bị mẻ; còn nếu trui non thì phảng sẽ mau lụt. Người thợ rèn cũng lựa thép nguyên chất, không lẫn lộn, để rèn phảng và khi rèn thì lưỡi phảng sẽ phải bén từ cán đến ngọn chứ không như lưỡi dao.

Cán phảng làm bằng cây. Kinh nghiệm cho thấy cây quao và cây bình bát là thích hợp nhất. Vì theo dân gian, hai loại gỗ này tuy không bền chắc nhưng mềm, có độ xốp, người phát cỏ cầm phảng lâu sẽ không bị phồng rộp bàn tay, gọi là “mát tay cầm”. Do tiếp xúc với nước thường xuyên nên dùng cũng khá lâu. Dùng phảng phải nói đến kỹ năng mài phảng, đó là việc không phải ai cũng làm được. Ở xứ Bạc Liêu, nhiều nông dân rất giỏi mài phảng. Mài cây dao dài đôi ba tấc đã thấy khó khăn, việc mài phảng dài từ 8-9 tấc, bản lưỡi lại ngắn, càng khó hơn. Vậy mà nông dân vẫn mài lưỡi phảng bén từ đầu chí cuối.

Kỹ năng sử dụng phảng có hai khái niệm: phát và chế. Phát là khi chém cỏ ở ruộng khô, với thế vung tay từ dưới chém lên. Chế thì hợp với ruộng ngập nước, người chế cầm phảng chém từ trên chém xuống, để cỏ đứt tận gốc, dưới mí nước, có thể diệt cỏ tận gốc. Chế phù hợp khi diệt năn, đưng... Khi nói đến cây phảng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cây cù nèo (có nơi gọi là kèo nèo). Dân gian Nam Bộ có câu “Phảng đâu cù nèo đó” vì cây cù nèo hỗ trợ đắc lực cho người nông dân khi dùng phảng phát cỏ. Cây cù nèo có hình dạng như dấu hỏi (?) trong tiếng Việt, với độ dài cán chừng 5 tấc. Khi phát cỏ, nông dân một tay cầm phảng, một tay cầm cù nèo. Cù nèo quơ gọn cỏ vào “dấu hỏi” lùa qua một bên để chỗ trống cho lưỡi phảng chém xuống.

Ðể tạo thế khi chém cỏ, người cầm phảng phải “thủ bộ” hai chân trước sau, tay kèo nèo, tay giơ phảng... như một võ sĩ thủ bộ quyền cước. Nhà nghiên cứu Sơn Nam thì ví người phát cỏ như một lực sĩ với bài tính như vầy: trung bình một nhát chém phảng là 36 tấc vuông (6cmx6cm), muốn dọn cỏ 1 công đất thì cần 2.000 nhát chém. Cây phảng trung bình nặng 3kg, muốn giơ phảng lên khỏi đầu rồi chém xuống cần lực gấp hơn 3 lần. “Phát 1 công đất, mệt như một lực sĩ cầm quả tạ 10 kí lô trong một tay, cử động 2.000 lần”, nhà nghiên cứu Sơn Nam viết trong “Cá tính miền Nam”.

Chính vì vậy, nhiều người đã “thần tượng hóa”, “kỳ tích hóa” những người có tài nghệ dùng phảng phát cỏ thuở xưa, gọi là phát thế, đến nay còn lưu truyền trong văn học dân gian Nam Bộ. Nổi tiếng nhất và được xem là ông Tổ phát thế là ông Cai Thoại, xứ Cà Mau, thời Tự Ðức. Ông có thể phát suốt 1 ngày 1 đêm không nghỉ, “giải quyết” xong 20 công đất đầy cỏ mà không ăn uống. Nhưng bù lại, sau khi phát xong, ông có thể ăn hết một nồi đồng cơm to. Còn có ông Phòng Biểu ở Ðồng Tháp Mười, ông Thủ tạ Giao ở Cái Bè... với những câu chuyện tương tự.

Cũng vì phát thế được ngưỡng mộ như vậy nên nhiều người học phát thế để ra oai. Có điều, “ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay”, đâu chỉ vài ba nhát chém thế mà thành “anh hùng” được. Nên ca dao Nam Bộ có câu rằng:

“Nước xép xép nghiêng mình bỏ nhỏ

Chém hai dao tầm rưỡi có dư

Phát tối ngày có một góc tư

Còn ba góc làm chơi chín bữa”

Rõ ràng hồi trước, trong điều kiện hiếm trâu bò cày bừa (hoặc có thì cũng không thể cày bừa được ở ruộng sình lầy sâu), không có cơ giới hóa mà đất rộng, cỏ nhiều thì cây phảng trở thành nông cụ số 1. Ngày nay, cây phảng vẫn còn hữu dụng ở một số vùng trồng lác (dùng dệt chiếu) khi thu hoạch ở miệt Hậu Giang, Vĩnh Long...

Trong “Đại Nam Quốc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của (tức học giả Huỳnh Tịnh Của) xuất bản năm 1896, đã biên soạn mục từ “Phãng” (từ dùng hồi đó, dấu ngã). Tác giả giảng nghĩa: “Đồ bằng sắt, lưỡi lớn mà dài, thường dùng mà phát cỏ. Phãng nắp: thứ phãng dài lưỡi mà cán ngắn. Phãng cổ cò: thứ phãng cổ eo, nghĩa là gần chỗ cán nó eo lại như cổ cò. Phãng giò nai: Thứ phãng giống cái giò nai. Phãng gai: thứ phãng vắn lưỡi, thường dùng mà đốn cây gai”. Tác giả còn giảng nghĩa mục từ “Đàng phãng”, nghĩa là “một lối dài, phãng đã qua, đã phát rồi”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

--------------

Tài liệu tham khảo:

- Các công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Sơn Nam: “Cá tính miền Nam”, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Một nông cụ chiến lược: Cây phảng và phát thế”.

- “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ”, Huỳnh Lứa chủ biên, NXB TP Hồ Chí Minh, 1987.

Từ khóa » Cái Phảng