Phảng Kia Phát Chế Cù Nèo Cà Lăn Quơ - LÊ MINH QUỐC
Có thể bạn quan tâm
LÊ MINH QUỐC: Phảng kia phát chế cù nèo cà lăn quơ
Với người miền Nam, phát âm “phảng/phản” đều na ná, khó phân biệt. Vì thế mới có chuyện này: Ngày nọ anh chàng người miền Trung về miền Tây Nam bộ thăm bạn, tất nhiên với tính xởi lởi, hiếu khách, bạn đãi anh món cá lóc nướng trui. Khi bày biện món ăn, bạn hồ hởi: “Vợ tui mà làm món nay là ngon hết phảng”. Vừa nghe tới đó, anh cháng thấy lùng bùng lỗ tai, tự ái dồn dập, thầm nghĩ: “Đãi miếng ăn mà nói như móc họng người ta. Lâu nay, tình bạn như bát nước đầy, nào có ai phản, phản phé ai đâu mà nói thế?”.
Thật ra, ở miền Nam có thành ngữ như “hết phảng”, chẳng hạn, với từ “làm” đứng trước, là hàm nghĩa nhằm người đó tận tình, làm hết mình với công việc, không làm ầu ơ ví dầu, làm lấy lệ. Nói thật, tôi chưa thấy cái chữ nào rắc rối như “phảng”. Nó viết dấu hỏi hay dấu ngã? Việt ngữ chánh tả tự vị (Lê Ngọc Trụ), Tự điển dấu hỏi, dấu ngã (Đào Văn Hội) viết dấu “ngã”, Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), Từ điển từ ngữ Nam bộ (Huỳnh Công Tín) viết đấu “hỏi” v.v… Tóm lại, phảng (có nhiều loại như cổ cò, nắp, giò nai) là dụng cụ mà người miền Nam sáng chế ra để chém tận gốc cỏ năn, cỏ lác…
Nói “phảng” dụng cụ của người nông dân miền Nam là chính xác, đơn giản từ điển ngoài Bắc như của Hội Khai Tiến Tiến Đức (1931) không ghi nhận; và nó chỉ mới có sau này, bằng chứng không tìm thấy “phảng” trong từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895). Thêm điều lạ nữa, bản thân tôi khảo sát trong ca dao, tục ngữ cũng không thấy nhắc đến “phảng”, duy chỉ có trong Lý cái phảng như: “Chú kia vác phảng, cái mà đi đâu? (2 lần)/ Phảng mua, phảng mướn ơ ơ phảng nhà tôi/ Cái mà của tôi bớ nàng ôi/ Bớ nàng ôi! Có chồng chưa? Giúp tình thương”…
Nếu không dùng “hết phảng”, tất nhiên tùy ngữ cảnh, có thể dùng từ gì tương đương? Có thể tìm thấy câu trả lời trong ca dao: “Tôi ở Đồng Tháp, tui nghèo quá xá/ Tôi chèo vô Rạch Giá, buôn bán mấy giạ khoai lang”. “Quá xá” có thể hiểu là quá mức độ, vượt mức. Bây giờ ít nghe ai nói “hết phảng”, tùy theo trường hợp, ta nghe nói đến: Hết xẩy (hết xẩy con bà Bảy), tới bến, hết cỡ thợ mộc, lút cán, mút mùa Lệ Thủy, mút chỉ (mút chỉ cà tha)… Có câu đố như vầy: “Ngửa lưng cho thế gian nhờ/ Chẳng thương thì chớ lại ngờ bất trung” là chữ gì? Rõ ràng đó là chữ “phản”, phản thùng, phản phé, phản phúc, phản nghịch… nhưng khi nghe nói đến “phản ngựa” ắt phải hiểu… bộ ván ngựa/bộ ngựa!
Nói đến phảng không thể bỏ quên cái vật dụng đi chung với nó là cái cù nèo. Khi sử dụng phảng, dù không phải khòm lưng nhưng vẫn chém cỏ sát tận gốc là nhờ có cái cù nèo. Cù nèo phải có mấu, tục ngữ có câu: “Lấy vợ không cheo như cù nèo không mấu”. “Mấu” dùng để ngoéo cỏ nằm sát đất, kéo lên rồi dùng phảng chém, vì thế nó còn có tên gọi “cù ngoéo”. “Ngoéo” nghĩa là móc, ngoắc vào, nhưng ta hiểu thế nào về câu ca dao: “Mề gà, gan vịt em chê/ Thấy anh ngoéo ếch em mê anh liền”? Xin thưa, với hình thức na ná như cù nèo nhưng dùng để bắt ếch, cua người miền Nam gọi là cần ngoéo ếch, cần ngoéo cua.
Khi về miền Tây Nam bộ, nghe cô thôn nữ cất tiếng ca lanh lảnh: “Kèo nèo mà lại làm chua/ Ăn với cá rán chẳng thua món nào”, xin chớ quên kèo nèo chính là… cù nèo. Nó là tên gọi một loại cây hơi giống cây lục bình (bèo Nhật Bản) nhưng không trôi giạt trên sông, lạch mà sống bám cố định vào bùn đất. “Kèo nèo xào mỡ khỏi chê/ Ăn vào một miếng là mê tới già!”. Thế nhưng, khi nghe: “Chà, con nhỏ đó kèo nèo một cây”, ta hiểu kèo nèo còn là nói tranh nạnh, xeo nạnh, nạnh hẹ, phân bì, gay gắt, kèo nài người khác...
Từ “cù” trong tiếng Việt “thiên biến vạn hóa” với nhiều ngữ nghĩa khác nhau. Một cậu trai nói với bạn: “Cô bé ấy “măng” quá, trông “nheo nhẻo”, đố mày cù được tối nay đi xem hát”. “Măng”, “nheo nhẻo” là trẻ, đẹp. “Cù” là gì? Là gù, rủ rê, cù rủ, gạ gẫm ai đó bằng mọi cách. Chê ai đó ngù ngờ, chậm chạm, quê mùa, người ta dùng từ “cù lần”. Khi nói “cù lần chúa/ cù lần lửa” là hàm ý nhấn mạnh rất cù lần. Nay, thay vì nói như thế, e dễ chạm tự ái, hiện nay đã có một loạt từ mới xuất hiện như củ chuối, Hai Lúa, chú Mười, Tư Ếch…
Một người hỏi: “Nợ nần thế nào rồi anh Tư?”, chỉ đến khi đi vào miền Nam mới nghe được câu trả lời như: “À, chẳng đâu vào đâu. Nó cứ “cù lơ cù trợt” cho qua truông”. Ta hiểu, anh Tư đi đòi nợ mà người kia cứ hẹn lần, hẹn lửa, hẹn hoài mà không chịu trả. Loại người đó, còn gọi là “cù chì cù mài” tức lì cố mạng. “Chì” là lì, lì lợm; “miết” ở đây chỉ hành động cù nhầy, lặp đi lặp lại nhiều lần, không thay đổi mà cái bổn mặt không biết mắc cỡ, xấu hổ. Tuy nhiên, tùy ngữ cảnh, “cù chì cù mài” còn nhằm chỉ ai đó siêng năng, thong thả, chậm chạp, nhẫn nại như đang mài dũa cái gì đó từng chút một.
Lần đầu tiên nghe câu hát huê tình này ở Nam bộ, thú thật tôi bí rị:
Mùa màng mạ mọng cù lăn gieo Phảng kia phát chế cù nèo cà lăn quơ
Phảng, cù nèo thì biết rồi, nhưng “cù lăn gieo”, “cà lăn quơ” là cái gì vậy ta? Nói nôm na, “gieo” và “quơ” - nhằm chỉ hành động, “cù lăn” là chỉ tính hành động đó phải khẩn trương, nhanh chóng, gấp gáp cho kịp thời vụ. Thế nhưng, “cù lăn cù lóc” là chỉ một vật dụng quá “đát”; hoặc không thích sử dụng bèn vứt bỏ ở xó xỉnh nào đó, không thèm quan tâm đến nữa, chẳng hạn, “Từ khi có cái Apad 4, cái “cục gạch” kia bị cô ta bỏ cù lăn cù lóc”.
Ngày trước, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, quê Hóc Môn, có lần đi bán dầu Cù Là để qua đó tuyên truyền cách mạng. Thời đó, dầu Cù Là hiệu con cọp rất nổi tiếng, ai ngờ, Cù Là là tên gọi… người Miến Điện (Myanmar)! Và loại thuốc cao, sền sệt này nổi tiếng đến độ: “Sau khi hai tiếng cù là trở thành thông dụng trong phương ngữ Nam bộ thì ngữ danh từ “dầu cù là” được dùng rộng rãi để chỉ các loại cao, bất kể chúng được sản xuất tại nước nào, đương nhiên là kể cả tại nước Tàu” (An Chi - Chuyện Đông chuyện Tây). Giải thích này hoàn toàn hợp lý, tương tự khoảng thập niên 1960, khi miền Nam nhập xe Honda. Loại xe này chinh phục được sự yêu thích của người tiêu dùng, vì thế thiên hạ dùng tên gọi của nó để gọi chung cho toàn bộ dòng xe máy.
Nhắc đến xe Honda mới nhớ, thời bao cấp, một ai “thành đạt”, giàu có thì phải đạt 3 “tiêu chí”: “Ti vi, tủ lạnh, Honda/ Có ba thứ ấy mới ra con người” (!?). Bây giờ nghe thấy buồn cười. Nhu cầu mỗi thời mỗi khác. Ngay cả tiếng Việt cũng thế, cũng đã có sự thay đổi lời ăn tiếng nói trong giao tiếp.
L.M.Q
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười 15.3.2016)
Chia sẻ liên kết này...
< Lùi | Tiếp theo > |
---|
- TRỊNH CÔNG SƠN - người ca thơ
- LÊ MINH QUỐC : Há chẳng phải là một lạc thú ở đời đó sao?
- LÊ MINH QUỐC: LAN MAN CÙNG GIA ĐỊNH BÁO
- Bộ sách bách khoa toàn thư của NXB Oxford lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam
- LÊ MINH QUỐC: Máu vẫn chưa khô trong ký ức một thời
- LÊ MINH QUỐC: Mặt hay miệng?
- NHẠC SĨ THANH TÙNG & MỘT KỶ NIỆM VỚI BÁO PHỤ NỮ TP.HCM
- GS Lý Chánh Trung: “BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC LÀ NÓI LÊN SỰ THẬT”
- LÊ MINH QUỐC: Lại đây em hỏi thử đôi câu
- LÊ MINH QUỐC: Từ “mật” đến “mít”
Add comment
Tên (* yêu cầu bắt buộc)
E-mail (* yêu cầu bắt buộc, nhưng không thể hiện)
Website
Thông báo cho tôi khi có phản hồi
Send Cancel JCommentsTừ khóa » Cái Phảng
-
Tục Ngữ Về "cái Phảng" - Ca Dao Mẹ
-
“Phảng Kia đương Chế Cù Nèo Cà đun Quơ...” - Báo Cần Thơ Online
-
Nam Bộ, Thời Khẩn Hoang: Phảng, Cù Nèo Và Ruộng Cỏ - Báo Tuổi Trẻ
-
Cái Phảng Cỏ
-
Ði Phát Ruộng - Báo Cà Mau
-
Cây Phảng Nam Bộ - Văn Nghệ Tiền Giang Online
-
Phản Phát Cỏ Loại Lớn | Shopee Việt Nam
-
Lê Sang,Dương Hồng Loan - Lý Cái Phảng
-
Tải Bài Hát Lý Cái Phảng MP3 - Download Miễn Phí - Tai Nhac 123
-
Cây Phảng đất Phương Nam - Dân Việt