Pháo điện Từ Trên Tàu Chiến Mỹ Chết Yểu - VnExpress

Hải quân Mỹ tuần trước công bố đề xuất ngân sách năm 2022, trong đó loại bỏ hai khoản chi cho dự án nghiên cứu phát triển pháo điện từ trên tàu chiến. Lực lượng này cũng không đề xuất hay được duyệt chi ngân sách qua chương trình Nghiên cứu Ứng dụng Các nguyên mẫu Tiên tiến của Hải quân (INP) trong năm 2021.

"Công nghệ pháo điện từ và kiến thức thu được từ dự án sẽ được lưu trữ và bảo quản. Thiết bị của pháo điện từ sẽ được tái sử dụng để tối đa hóa khả năng duy trì cho sử dụng trong tương lai", tài liệu của hải quân Mỹ có đoạn viết.

Nguyên mẫu pháo điện từ của BAE Systems được Mỹ thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy.

Nguyên mẫu pháo điện từ của BAE Systems được Mỹ thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy.

Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này.

Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR) bắt đầu dự án phát triển pháo điện từ hồi năm 2005. Mục tiêu của Mỹ là phát triển pháo điện từ có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu như tàu chiến, máy bay, tên lửa và cơ sở hạ tầng trên mặt đất từ khoảng cách trên 160 km.

Đến năm 2017, ONR thông báo đã bắn thử nghiệm pháo điện từ trên mặt đất, quả đạn đạt tốc độ 7.200 km/h. Cùng năm đó, cơ quan này cho biết đã thử thành công khả năng bắn loạt trong thời gian ngắn, sử dụng nguyên mẫu do BAE Systems phát triển.

Tuy nhiên, không có thông tin nào về pháo điện từ được công bố trong 4 năm qua, sau khi hải quân Mỹ ra lệnh ngừng mọi thảo luận công khai về dự án này. Lực lượng này từng dự định thử pháo điện từ trên biển hồi năm 2016, trong đó tàu vận tải USNS Trenton được sử dụng làm bệ lắp pháo. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề kỹ thuật và chi phí khiến đợt bắn thử này không được tiến hành.

Vũ Anh (Theo Drive)

Từ khóa » Pháo Ray điện Từ Là Gì