Siêu Pháo điện Từ Trên Chiến Hạm Trung Quốc Có Thể Vô Dụng Khi ...

Hình ảnh tàu đổ bộ Trung Quốc trang bị vũ khí nghi là pháo điện từ ở mũi trước đang hoạt động ngoài khơi. Ảnh: Sina.

Tàu đổ bộ Trung Quốc trang bị vũ khí nghi là pháo điện từ ở mũi trước. Ảnh: Sina.

Mạng xã hội Trung Quốc đầu tháng 1 lan truyền hình ảnh tàu đổ bộ lớp Type-072III của nước này ra biển thử nghiệm với một cụm vũ khí lớn, làm dấy lên đồn đoán hải quân nước này sắp đưa vào vận hành pháo điện từ trên tàu chiến. Các kỹ sư Trung Quốc từng tuyên bố đã đạt bước đột phá mới giúp pháo điện từ do họ chế tạo có thể hoạt động ổn định trên tàu chiến.

Dù Trung Quốc tuyên bố đang giành chiến thắng trong cuộc đua trang bị siêu pháo này lên tàu chiến, các chuyên gia quân sự cho rằng ngay cả khi hải quân Trung Quốc gắn pháo điện từ lên tàu chiến, chúng cũng khó phát huy tác dụng trên chiến trường và không thể thay đổi cuộc chơi trong chiến tranh công nghệ cao, theo Business Insider.

Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với tốc độ tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh gấp nhiều lần đạn pháo thông thường. Tàu chiến được trang bị pháo điện từ có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 320 km bằng đạn có giá tương đối rẻ.

Tuy nhiên, hàng loạt trở ngại công nghệ có thể khiến pháo điện từ Trung Quốc không phát huy được uy lực, thậm chí trở nên vô dụng trong chiến tranh tương lai.

Dù có giá rẻ hơn tên lửa, đạn pháo điện từ vẫn đắt hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Nó cần được lắp thiết bị dẫn đường hiện đại, tránh bị đối phương vô hiệu hóa bằng biện pháp gây nhiễu hệ thống định vị vệ tinh (GPS). Đạn pháo điện từ có uy lực vượt trội so với đạn hải pháo cỡ nòng 127 mm tiêu chuẩn, nhưng khả năng sát thương vẫn thua xa tên lửa. Các mẫu tên lửa hành trình hiện đại cũng có thể bám bắt mục tiêu linh hoạt hơn đạn pháo điện từ.

Pháo điện từ có tốc độ khai hỏa hạn chế ở mức 8 phát/phút, khiến chúng khó lòng được triển khai để đối phó với tên lửa và máy bay đối phương.

Pháo điện từ lắp trên tàu đổ bộ Type-072III hồi tháng 2/2018. Ảnh: SCMP.

Pháo điện từ lắp trên tàu đổ bộ Type-072III hồi tháng 2/2018. Ảnh: SCMP.

Việc bảo dưỡng và cấp điện cho pháo điện từ cũng rất khó khăn, khi nó đòi hỏi nguồn năng lượng lớn để khai hỏa. Đầu đạn siêu tốc có xu hướng làm nòng pháo biến dạng nhanh chóng và phải được thay thế sau vài chục phát bắn. Đây là hạn chế lớn nhất của pháo điện từ trong một cuộc chiến chớp nhoáng.

"Pháo điện từ không phải giải pháp hiệu quả để thay thế tên lửa hoặc pháo truyền thống. Nó không phải là công nghệ quân sự hữu ích", Bryan Clark, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CBSA), nhận định.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên quan tâm đến pháo điện từ. Hải quân Mỹ từng dành hơn 10 năm theo đuổi công nghệ này, trước khi kết luận rằng pháo điện từ vẫn gặp nhiều vấn đề lớn khiến chúng không thể thay thế các vũ khí hiện nay.

"Chúng ta nên chi tiền cho các dự án tên lửa và bệ phóng thẳng đứng (VLS) thay vì pháo điện từ. Loại vũ khí này gặp hàng loạt trở ngại ở nền tảng công nghệ. Mọi pháo điện từ đều gặp vấn đề này", Clark nhận xét.

Duy Sơn

  • Tàu chiến Trung Quốc có thể khai hỏa pháo điện từ trong 1-2 năm tới

Từ khóa » Pháo Ray điện Từ Là Gì