Phật Dạy Về Các Bổn Phận Giữa Cha Mẹ Và Con Cái - CHÙA GIÁC NGỘ
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, vào chiều ngày 11/08/2022 (nhằm ngày 14/07 âm lịch), TT. Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ pháp thoại đầy sâu sắc đến quý Phật tử tại Việt Nam Quốc Tự qua chủ đề: "Bổn phận giữa cha mẹ và con cái trong Kinh Thiện Sinh".
Thượng tọa cho biết trong bản dịch chữ Hán thì "thiện sinh" có nghĩa là nghệ thuật sống thiện, nghệ thuật sống an lành thông qua 6 mối quan hệ hai chiều: trong gia đình thì có mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vợ và chồng, gia chủ và bà con trong dòng họ; còn ngoài xã hội là mối quan hệ giáo dục giữa thầy cô giáo và học trò, quan hệ kinh tế giữa người chủ và người lao động, quan hệ tôn giáo giữa người thầy tâm linh và các tín đồ. Trừ vai trò là bậc thầy tôn giáo, là Tăng Ni, thì 11 vai trò trong 6 mối quan hệ vừa nêu đều thuộc về cộng đồng Phật tử tại gia. Mà trong đó, cha mẹ và con cái là một sợi dây liên kết về đạo đức, tình cảm, ơn nghĩa không thể không được xem trọng.
Trong Kinh Thiện Sinh, đức Phật đã chỉ dạy cho chàng thanh niên Thi-ca-la-việt cách lễ lạy 6 phương tương ứng với 6 mối quan hệ trong gia đình, dòng tộc và bên ngoài xã hội. Trong đó, phương Đông là phương quan trọng, tượng trưng cho cha mẹ của mình. Còn trong quan niệm của Bà-la-môn giáo, Ấn Độ giáo thì đó là phương của Thượng đế, Phạm thiên - đấng Thiên chủ sáng tạo ra vạn vật muôn loài. Có thể nói, đức Phật đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong tư tưởng tôn giáo, giáo dục, xã hội khi đề cao vai trò của cha mẹ sánh ngang với Thượng đế. Bởi theo Ngài, trong mỗi kiếp sống, chính cha mẹ là người đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta; là người trực tiếp ban tặng sự sống và hỗ trợ, duy trì, phát triển sự tồn tại của chúng ta trên cõi đời. Do đó, cha mẹ chính là hai vị Thượng đế, Phạm thiên, Chúa trời, là hai vị Phật, Bồ Tát mà cả cuộc đời chúng ta phải lễ lạy, tôn kính, quý trọng, thương yêu và đáp đền ân nghĩa.
Tiếp đó, Thượng tọa đã đi sâu vào việc phân tích 5 bổn phận, trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái. Về phương diện làm cha mẹ, thì trước tiên các bậc phụ huynh cần phải ngăn chặn con em mình làm điều ác. Đây là sự giáo dục luật pháp và đạo đức vô cùng quan trọng. Nếu như không giáo dục con cái với lối sống hướng thiện và hướng thượng, thì con cái chúng ta sẽ dễ dàng sa lầy vào những điều xấu ác, thực hiện các hành vi tệ nạn xã hội và vướng vào vòng lao lý, tù tội. Do đó, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách cao đẹp cho con cái là bổn phận và trách nhiệm quan trọng mà các bậc làm cha, làm mẹ cần phải lưu tâm. Cha mẹ phải hướng dẫn con cái học tập và thực hành theo 5 điều đạo đức tại gia: không giết hại sinh linh; không trộm cắp những gì không thuộc quyền sở hữu của mình; không ngoại tình trong hôn nhân; sống tôn trọng sự thật, truyền thông đúng sự thật; không sử dụng các chất kích thích gây say nghiện. Có như thế, con trẻ mới được định hình nhân cách thiện lành và dễ dàng vượt qua sự cám dỗ từ những điều xấu ác.
Điều hai trong bổn phận làm cha mẹ chính là khuyến khích con cái siêng năng làm việc thiện. Đó là các hành động mang tính an sinh xã hội; giúp người, giúp đời vượt qua các nỗi khổ, niềm đau và tạo dựng niềm an vui, hạnh phúc. Các con phải xung phong, phát tâm làm tình nguyện viên, phụng sự viên trong các việc nghĩa, việc phước, việc đức, việc Phật sự, việc từ thiện như: hiến máu nhân đạo, công quả tại chùa, thả cá phóng sanh, phát quà cho người nghèo, chăm sóc người già neo đơn, tham gia tình nguyện Mùa Hè Xanh,... Hướng dẫn con trẻ ngay thuở nhỏ đã tự làm việc thiện từ tay mình; thì khi các cháu lớn lên, cha mẹ cũng bớt lo sợ rằng bàn tay con sẽ bị nhuốm dơ bởi những điều xấu ác.
Điều thứ ba chính là cha mẹ cần hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho con em mình có nghề nghiệp chân chánh và phù hợp. Trước hết, cha mẹ phải cam kết cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn, ít nhất là hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Tuy nhiên, muốn tạo dựng được nền tảng kiến thức, tri thức, kỹ năng, chuyên môn cao nhằm giúp cho con cái dễ dàng, thuận lợi đạt được sự thăng tiến và thành công trong sự nghiệp. Thì cha mẹ phải cố gắng đầu tư giáo dục hệ đại học, sau đại học hoặc đào tạo nghiệp vụ bài bản trong các ngành nghề đặc thù cho các con. Như thế, con em mình khi trưởng thành sẽ tự tin, vững vàng bước vào đời và thành công trên con đường lập nghiệp, mưu sinh.
Điều thứ tư, cha mẹ cần định hướng và hỗ trợ thiết lập hôn nhân thích hợp cho con cái. Thứ nhất, chúng ta nên khéo léo khuyên nhủ các con chọn người bạn đời cùng chung tôn giáo. Bởi sự khác biệt về hệ tư tưởng, quan niệm sống, niềm tin tâm linh, chuẩn mực đạo đức sẽ dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn, tranh cãi, bất đồng. Từ đó, chúng gây ra đổ vỡ, phân ly trong đời sống vợ chồng. Thứ hai, nếu muốn cưới ai thì các con cần chọn người không cần phải giàu có, tuy nhiên phải là người có chí tiến thủ, biết sống vươn lên, không đầu hàng số phận. Gợi ý thứ ba, đó là cha mẹ nên khuyên nhủ các con chọn người vợ hoặc người chồng phải đẹp về đạo đức sống, nhân cách sống, phẩm hạnh thiện lành; chứ không nên chỉ chăm chăm vào vẻ đẹp ngoại hình. Bởi vẻ đẹp thân thể rồi sẽ tàn phai dần dần, chỉ có vẻ đẹp giới đức mới vững bền với thời gian.
Trách nhiệm thứ năm, cha mẹ phải trao lại quyền thừa kế tài sản cho các con một cách đồng đều, công bằng, bình đẳng để tránh gây ra mâu thuẫn, hiềm hận, tranh giành, xô xát giữa những người con với nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cần giáo dục các con phải cư xử thuận hòa, hỗ trợ, thương yêu, quý mến nhau. Như thế, khi được trao tặng tài sản, gia nghiệp, các con không những chẳng gây nên việc xào xáo gia đình, mà còn có thể sẻ chia, giúp đỡ nhau giữ gìn và phát huy, tăng trưởng gia sản của mẹ cha một cách dài lâu hơn, vững bền hơn, an toàn hơn.
Ở phần hai của bài pháp thoại, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ tiếp về trách nhiệm và bổn phận của con cái đối với hai đấng sinh thành. Trong văn hóa Phật giáo, hiếu thảo là phẩm chất đạo đức vô cùng quan trọng của phận làm con. Một người con đầy hiếu hạnh phải đền ơn đáp nghĩa với mẹ cha qua ba phương diện, đó là: chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho cha mẹ; và cam kết về sự thành công, đóng góp những giá trị hữu ích, tích cực của mình cho người, cho đời. Đức Phật đã chỉ dạy cho con cái về nghệ thuật sống hiếu thảo với cha mẹ thông qua các phương diện như: đến tuổi trưởng thành phải phụng dưỡng cha mẹ suốt đời; làm tròn bổn phận của bản thân để đỡ đần bớt những gian lao, khổ cực của mẹ cha trong khả năng của mình; cam kết giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình; bảo vệ và phát triển tài sản thừa kế từ cha mẹ; báo hiếu mẹ cha trên tinh thần Phật học dù lúc còn sống hay đã quá vãng;...
Những điều chia sẻ về vai trò, trách nhiệm hai chiều giữa cha mẹ và con cái từ TT. Thích Nhật Từ đã giúp cho các bậc phụ huynh và con em mình biết được cách ứng xử, giao tiếp, chung sống sao cho thật nghĩa tình và hiếu thuận theo lời đức Phật đã dạy. Từ đó góp phần gìn giữ, duy trì và phát triển hạnh phúc gia đình trong các mối tương quan quyến thuộc của mỗi người con Phật chúng ta.
Tin: Minh Lượng Ảnh: Thanh Phong
Từ khóa » Bổn Giác
-
Bổn Giác - Pháp Thí Hội
-
Bổn Giác | Buddhism Today
-
Tự điển - Bổn Giác - .vn
-
Tự điển - Tế Chính Bổn Giác - .vn
-
Danh Tu Phat Hoc
-
Bổn Giác Profiles | Facebook
-
Bổn Phận Của Người Phật Tử đối Với Bổn Sư - Giác Ngộ Online
-
Bốn Pháp Căn Bổn - Giác Ngộ Online
-
Thích-ca Mâu-ni – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bổn Cách – Wikipedia Tiếng Việt
-
"Trở Về Bổn Giác" - Thầy. Thích Pháp Hòa - Kinh Địa Tạng 13
-
“Bổn Phận Của Chúng Ta Là Thương Yêu, Giúp đỡ Người Có Công Với ...
-
Dát Vàng 24k Tượng Phật Bổn Sư Tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác
-
TÔN TƯỢNG ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI | Shopee Việt Nam