Phật Giáo Và Mối Liên Hệ Với Thư Viện Tại Việt Nam - IDT Vietnam

Phật giáo và mối liên hệ với thư viện tại Việt Nam
  1. Trang chủ
  2. Kiến thức chuyên ngành
  3. Phật giáo và mối liên hệ với thư viện tại Việt Nam

Mở đầu:Thư viện và công tác thư viện đã có từ rất lâu trên thế giới, theo các nhà thư viện học thì những thư viện đầu tiên có mặt trên thế giới cũng ước tính vào khoảng 3000 – 2000 năm trước Công nguyên [10]. So với trên thế giới, tại Việt Nam thư viện xuất hiện khá muộn, trong sử sách ta trong thời cổ đại và thời Bắc thuộc không thấy có nhắc tới sự xuất hiện của thư viện. Sau khi chiến thắng quân Nam Hán, nước ta giành độc lập, chính quyền phong kiến được củng cố, kinh tế và văn hóa được phát triển song song với nhau trong giai đoạn này.Tại các nước phương Tây thư viện chịu sự tác động mạnh mẽ của tôn giáo, tiêu biểu nhất là của Ki – tô giáo, các cách thức phân loại tài liệu, các bản thư mục sách, cho đến kết cấu của các thư viện đều mang đậm nét và dấu ấn của “Thiên Chúa”. Việt Nam thuộc một trong những nước Châu Á, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các tín ngưỡng bản địa và đặc biệt có sự tác động sâu rộng của một tôn giáo đã lan tỏa khắp phương Đông thời bấy giờ đó là Phật giáo, điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến thư viện hay ngành thư viện trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. [2]

Nội dung chính:1. Thời Phong kiến:Sự phát triển văn hóa của Việt Nam sau thời Bắc thuộc cùng sự sùng tín đạo Phật đã tạo ra những đặc điểm khá là đặc biệt, ảnh hưởng sâu sắc đến sự xây dựng và phát triển của thư viện trong thời kỳ phong kiến, có thể thấy ở một số giai đoạn sau:Triều nhà Lý (1010 – 1204): - Đại hưng tàng (Quý Hợi – 1023): Lý Thái Tổ sai chép Kinh Tam Tạng (gồm Kinh tạng: ghi chép các lời Phật dạy, hay nói theo Thượng tọa Thích Nhật Từ là kinh ghi chép các chân lý của Phật; Luật tạng: ghi chép các luật, giới dành cho các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo – ni cùng các Phật tử; Luận tạng: ghi chép các bài giảng, thuyết minh, giảng dạy của các nhà sư, hay là phần triết luận) để cất vào kho Đại hưng.Cho đến nay chưa rõ số lượng sách là bao nhiêu, nhưng có thể thấy sự sùng bái của nhà vua, hay nói đúng hơn là sự sùng bái của giai cấp phong kiến trong giai đoạn này với đạo Phật.

- Trùng hưng tàng (Bính Tí – 1036): Vua Lý Thái Tổ tiếp tục sai chép Kinh Đại tạng gồm những bản dịch kinh Phật ra chữ Hán và những sách triết luận bàn về đạo Phật do các nhà các nhà sư biên soạn. Số lượng sách lần nữa còn là một điều bỏ ngỏ, nhưng tương tự như đã nhấn mạnh ở trên đạo Phật khá được sùng bái trong giai đoạn này.

=> Nhiều tác phẩm kinh sách, trước tác về đạo Phật được trân trọng và lưu giữ trong các nhà tàng để lưu trữ và bảo quản.

Triều nhà Trần (12251400):Nếu ở triều nhà Lý đã có những chi tiết để thể hiện giai đoạn này rất sùng bái đạo Phật thì thời Trần cũng không kém phần, khi triều đại Trần là nơi sản sinh ra những vị vua xuất gia tu học, nổi bật với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông (7/12/1258 – 16/12/1308) tên khai sinh là Trần Khâm, người đời còn gọi là Trúc Lâm Đại Sĩ, sau còn được tấn phong Đại Thánh Trần Tiều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, được người đời đánh giá là một vị vua anh minh trong triều đại Phong kiến của Việt Nam ta, đồng thời là một vị Thiền sư nổi tiếng học trò của Tuệ Trung Thượng Sĩ, thuộc tông phái Thiền tông, Thiền phái Trúc Lâm. Con cháu ông sau này cũng cứ thế tiếp nối truyền thống tu học đạo Phật, coi đạo Phật là Quốc giáo, đưa vào học tập và nghiên cứu ứng dụng thực tiễn.

- Thiên trường phủ kinh tang (Ất Mùi – 1295) tại Nam Định: Nhân sứ giả nhà Nguyễn sang nước ta, vua Trần Anh Tông sai các bề tôi là Trần Khắc Dung và Phạm Thảo cùng đi theo nhận về được bộ kinh Đại tạng đem về lưu tại kho sách ở phủ Thiên Trường.

=> Vào giai đoạn này khái niệm thư viện đã bao hàm với cả ý nghĩa trường học, thư viện thời kì này vừa là nơi để chứa sách vừa là nơi để nghiên cứu, học tập (đạo Phật).

Các triều đại khác:Các triều đại như Hậu Lê (thư viện Bồng Lai), Tây Sơn (Thư viện Sùng Chính), Nguyễn (Thư viện Tụ Khuê, Thư viện Sử quán, Thư viện Tập hiền, Thư viện Nội các)… đều tàng trữ rất nhiều sách vở, trong đó có cả những tác phẩm của Phật giáo. Ở Huế dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840) còn có có thư mục mang tên “Phật thuyết Đại tổng kinh mục lục”.

=> Phật giáo vẫn song hành với tiến trình phát triển của dân tộc, dù có những lúc tưởng chừng như suy yếu, không còn chỗ đứng trong xã hội nhưng vẫn luôn hiện hữu trong một khía cạnh nào đó. Trong các thư viện Phong kiến vẫn có những trước tác về đạo Phật.

Thư viện Nội các - Huế (hình ảnh: http://baolamdong.vn/)
Tàng thư lâu Huế (hình ảnh: http://luutruquocgia1.org.vn/)

2. Thời Pháp thuộc:

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chữ quốc ngữ phát triển, được truyền bá rộng rãi, các sách viết bằng chữ quốc ngữ đã xuất hiện ở một số thư viện trong giai đoạn này. Vào thời kỳ này Pháp đã xây dựng các thư viện tại Việt Nam với mục đích chính là để phục vụ cho nghiên cứu, quản lý, và giáo dục cho người Pháp để thống trị người Việt Nam. Các thư viện của Pháp xây dựng tại Việt Nam có lưu trữ nhiều loại tài liệu khác nhau, trong đó có những tài liệu về tôn giáo. Tuy không có số liệu thống kê chính xác và cụ thể là ở trong “nhóm tài liệu tôn giáo” cụ thể có những tôn giáo nào, nhưng có thể chắc một điều vì Việt Nam thời bấy giờ tuy đã tiếp nhận ít nhiều sự có mặt của Ki – tô giáo do người Pháp đưa đến, nhưng tôn giáo đã có từ lâu đời như Phật giáo vẫn còn được duy trì, phát triển qua các thời đại; vì vậy trong “nhóm tài liệu tôn giáo” này sẽ vẫn có sách của Phật giáo. Đặc biệt tại Thư viện Trung ương Đông Dương có trụ sở tại Việt Nam được mặc định “là thư viện duy nhất trong mạng lưới thư viện ở Đông Dương được quyền nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm xuất bản ở Đông Dương”, đã nhận số sách từ các nước khác là Lào, Campuchia và nước sở tại là Việt Nam – những đất nước có truyền thống tôn giáo là Phật giáo thì càng khẳng định thêm rằng vào giai đoạn này Phật giáo vẫn có mặt, hiện hữu trong các thư viện, dù rằng còn chưa phát triển thật sự.Ngoài những thư viện do Nhà nước (Pháp) thành lập ra còn có các thư viện tôn giáo khác được thành lập, phục vụ cho việc truyền bá tư tưởng tôn giáo của tôn giáo mình (như thư viện của các nhà chùa).

=> Vào giai đoạn này một số trung tâm tôn giáo như nhà chùa đã có những thư viện riêng để truyền bá tư tưởng của mình, tuy không thể phát triển lớn mạnh so với các thư viện do Pháp thành lập, nhưng thư viện vẫn được coi là một công cụ cho sự phát triển của tôn giáo, cụ thể ở đây là Phật giáo. Và tại những thư viện do Pháp thành lập những tài liệu về tôn giáo (trong đó có Phật giáo) đã góp phần thể hiện tôn giáo (bao gồm cả đạo Phật) luôn đi cùng với sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Thư viện Trung ương Đông Dương (hình ảnh: http://2.bp.blogspot.com/)

3. Sau năm 1954 đến nay:

Sau hòa bình lập năm 1954, miền Bắc bắt đầu thời kỳ mới, quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nạn mù chữ được giải quyết, phong trào đọc sách báo phát triển rộng trong nhân dân. Dần dần các tủ sách, phòng đọc sách, thư viện đã xuất hiện khắp nơi trên cả nước trong các trường Đại học, thành phố, thị xã, tỉnh, huyện hay các trung tâm nghiên cứu, ban ngành của Nhà nước… và thậm chí là các thư viện tư nhân, các thư của các tổ chức tôn giáo, phi Chính phủ khác. Với chính sách bình đẳng tôn giáo của Nhà nước ta hàng loạt các thư viện Phật giáo ra đời phục vụ cho các tín đồ, các nhà nghiên cứu tại các tự viện, nhà Chùa… ra đời. Thư viện của Phật giáo thời nay ngoài là nơi học tập, nghiên cứu của các tín đồ, nhà nghiên cứu thì còn là nơi lưu trữ các tác phẩm (kinh sách) có giá trị văn hóa lịch sử; có thể kể đến vài thư viện tiêu biểu như sau:

- Thư viện Chùa Quán Sứ (Trung tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam): Sách đã được sắp xếp theo hai hệ thống Nguyên Thủy và Phát Triển. Bao gồm các Kinh điển, luận giải về Phật học, Tự điển, Giới Luật, lịch sử Phật giáo thế giới, Việt Nam, giới thiệu các cảnh chùa Việt Nam.* Tủ 1: Đại Tạng Kinh bộ Nikāya và bộ A Hàm.* Tủ 2: Luận Giải về Kinh Nguyên Thủy.* Tủ 3: Từ điển và Giới Luật.* Tủ 4: Thiền tông.* Tủ 5: Mật tông.* Tủ 6: Tịnh độ tông.* Tủ 7: Phật học Phổ thông và sách vần P.* Tủ 8: Luận giải các bộ Kinh Đại thừa lớn như Thủ Lăng Nghiêm, Luận Đại Trí Độ, Duy Thức, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cương, Viên Giác, Lăng Già...* Tủ 9: Các bộ Kinh lớn:+ Đại Bát Nhã+ Maha Bát Nhã+ Hoa Nghiêm+ Đại Bửu Tích+ Đại Bát Niết Bàn+ Bộ Chân Lý* Tủ 10: Lưu trữ sách.* Giá 1, 3: Sách xếp theo vần ABC...* Giá 2: Luận giải kinh bộ lẻ và kinh tụng hàng ngày.* Các bộ đĩa CD DVD giảng kinh phổ thông.* Các tủ sách đều có thư mục kèm theo (khoảng 10000 quyển).* Copy thẻ nhớ nghe đài các bộ kinh sách. [6]

- Thư viện Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh: tiền thân là Thư viện Đại học Vạn Hạnh với vốn tài liệu khoảng 25.000 bản. Thư viện bị giải thể vào năm 1975, đến năm 1987 Thư viện được tiếp quản trên dưới 17.000 bản tài liệu từ trường Cao cấp Phật học. Tính đến thời điểm tháng 5/2013, vốn tài liệu của Thư viện Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 50.000 bản. Nội dung của sách tập trung chủ yếu vào hai mảng chính là tài liệu nội điển (tài liệu về Phật giáo) và tài liệu ngoại điển (nằm ngoài lĩnh vực Phật giáo). Thư viện sinh ra chủ yếu để phục vụ cho việc đào tạo các tăng, ni trẻ trong quá trình học tập, tu tập tại Học viện. [8]

- Thư viện Chùa Tứ Kỳ (cơ sở 2 Trung tâm Diệu Pháp Âm): Thư viện Phật giáo chùa Tứ Kỳ là Thư viện đa phương tiện với quy mô Kinh sách băng đĩa Phật giáo lớn nhất tại Thủ đô Hà Nội vào thời điểm hiện tại. Tại đây, bạn đọc có thể đọc sách tại chỗ hay mượn về. Ngoài ra, còn có thể thỉnh băng đĩa miễn phí về nghe hoặc biếu tặng. [5]

=> Theo ông Nguyễn Tài Đức (Cử nhân khoa Thư viện - Thông tin học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) thì: Chùa Phật giáo là một nơi sinh hoạt tín ngưỡng công cộng. Như vậy, mặc nhiên, thư viện chùa phải là thư viện công cộng, tức là thư viện phục vụ đông đảo công chúng nhằm mục tiêu truyền bá đạo Phật. Loại thư viện này trong tiếng Anh gọi là “public library” [11]. Với quan điểm này và sự trình bày hình thành của các thư viện Phật giáo như đã kể ở trên ta có thể thấy sự gắn bó mật thiết của Phật giáo với thư viện trong xã hội Việt Nam ngày nay, tôn giáo và xã hội luôn đi song hành với nhau tạo ra sự đa dạng văn hóa góp phần kiến tạo một đất nước bình đẳng, văn minh và tiến bộ.

Thư viện Chùa Tứ Kỳ (Hình ảnh: Hải Anh)
Thư viện Chùa Quán Sứ (Hình ảnh: https://phatgiao.org.vn/)

Kết luậnTrong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta Phật giáo luôn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, với vai trò là một tôn giáo chiếm lượng tín đồ đông đảo tại Việt Nam Phật giáo có sự liên hệ chặt chẽ với thư viện, khi thư viện trở thành công cụ để truyền bá tôn giáo (hoằng pháp) và ngược lại tại các trung tâm sinh hoạt, học tập của Phật giáo (Trường học Phật giáo, Chùa, Tự viện) cũng là nơi sản sinh ra những thư viện với các dịch vụ nhằm phục vụ cộng đồng, cách phân loại sách độc đáo hòa mình vào dòng chảy chung, xu hướng hội nhập với các thư viện trên tòa cầu trong lĩnh vực thư viện học.

_________________________________________________________________Tài liệu tham khảo:

[1] Bách khoa toàn thư mở wikipedia, Thư viện Quốc gia Việt Nam truy cập vào ngày 09/11/2019 tại địa chỉ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0_vi%E1%BB%87n_Qu%E1%BB%91c_gia_Vi%E1%BB%87t_Nam

[2] Hải Anh (2019), Ki - tô giáo và mối liên hệ với thư viện: Nhìn từ góc độ một số vấn đề, sự kiện và nhân vật tiêu biểu, truy cập vào ngày 09/11/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/kito-giao-va-moi-lien-he-voi-thu-vien-nhin-tu-goc-do-mot-so-van-de-su-kien-va-nhan-vat-tieu-bieu-943

[3] Lê Thanh Huyền (2014), Thư viện Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, Luận án tiến sĩ.

[4] Nguyễn Ngọc Mô (2002), Tìm hiểu lịch sử ngành thư viện - lưu trữ hồ sơ Việt Nam, NXB. Thế giới, Hà Nội.

[5] PGVN (2013), Chùa Tứ Kỳ và thư viện Phật giáo lớn nhất miền Bắc, truy cập vào ngày 09/11/2019 tại địa chỉ: https://phatgiao.org.vn/chua-tu-ky-va-thu-vien-phat-giao-lon-nhat-mien-bac-d10615.html

[6] PGVN (2016), Thư viện Chùa Quán Sứ thông báo sách Phật học, truy cập vào ngày 09/11/2019 tại địa chỉ: https://phatgiao.org.vn/thu-vien-chua-quan-su-thong-bao-sach-phat-hoc-d22743.html

[7] Nguyễn Thị Lan Thanh, Nguyễn Tiến Hiển (2004), Hướng dẫn sử dụng thư viện - thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

[8] Bùi Loan Thùy, Nguyễn Thị Thùy Dương (2013), Các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Thư viện Việt Nam - số 6 (44), Hà Nội, tr.38 - 42;48.

[9] Nguyễn Yến Vân, Vũ Dương Thúy Ngà (2010), Thư viện học đại cương, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nôi, Hà Nội.

[10] Lê Văn Viết (2006), Cuộc tranh luận về "khách thể và đối tượng của thư viện học" ở Liên Xô (trước đây), Thư viện học những bài viết chọn lọc, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 94 - 121.

[11] Hồ Phước Vĩnh, Cải tiến thư viện tự viện Phật giáo để nâng cao hiệu quả hoằng pháp, truy cập tại địa chỉ: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=726242&fbclid=IwAR29bX7D_5d1XmtJaZDY8nIdYJwsvZvKtb8rMYP70PwT42ob4z3SWi2_c8w

__________________________________________________________Ảnh bìa bài viết: https://phatgiao.org.vn/hoc-vien-phat-giao-rong-hon-25-ha-o-thua-thien-hue-d33304.htmlBài viết: Hải Anh

Từ khóa » Thư Viện Vua