Phát Hiện Nhiều Loại Nấm Linh Chi Mọc Trên Cây Dương Liễu

Tháng 1-2019, trong một lần đi tập thể dục tại công viên đường Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát hiện nhiều loại nấm mọc tự nhiên trên các cây dương liễu trồng tại công viên này. “Trước nay, trong giới NCKH cứ nghĩ nấm linh chi chỉ sống tự nhiên ở những vùng rừng và đồi núi. Sở Khoa học và Công nghệ cũng có đề tài nghiên cứu bảo tồn nấm linh chi. Khi thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài phải ra Phú Quốc tìm nấm linh chi nguyên bản để bảo tồn. Khi phát hiện nấm linh chi có thể sống trên cây dương liễu, tôi rất ngạc nhiên và quyết tâm khảo sát, tìm hiểu các mẫu nấm linh chi mọc tại đây”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm chia sẻ.

Từ tháng 1 đến tháng 6-2019, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm thực hiện giải pháp NCKH “Khảo sát nấm trong công viên TP. Rạch Giá làm cơ sở sản xuất nấm trong y học và thực phẩm cho mô hình công nghiệp đô thị”. Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm thực hiện 11 phương pháp, gồm: Thu thập thông tin thứ cấp; điều tra, khảo sát thực địa; phương pháp đo nhiệt độ, độ ẩm; thu mẫu hiện trường; định danh; phân lập và nhân giống thử nghiệm; nuôi trồng; bảo tồn nguyên vị và chuyển vị; tổ chức tập huấn và hội thảo; phân tích số liệu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, hiện các công viên trên địa bàn TP. Rạch Giá có tổng cộng 502 cây dương liễu. Mùa nắng, công nhân Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang tưới nước hoa kiểng trồng tại các công viên và tưới luôn cây dương liễu. Việc này góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm phát triển, trong đó có nấm linh chi. Đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm đã hoàn thành giải pháp nghiên cứu với bộ hồ sơ về tài nguyên nấm có nguồn gốc từ các công viên của TP. Rạch Giá. Kết quả, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm ghi nhận 115 mẫu nấm sống trên cây dương liễu ở các công viên trên địa bàn TP. Rạch Giá, thu 40 mẫu nấm đại diện của các khu. Kết quả giám định 40 mẫu nấm này có 30 mẫu nấm linh chi có giá trị cho khoa học và thực tiễn.

Qua kết quả nghiên cứu trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm đề xuất hướng sử dụng nấm linh chi trong y học hoặc làm thực phẩm từ tài nguyên nấm linh chi đã nghiên cứu trên. Đồng thời, kiến nghị phát triển mô hình nông nghiệp đô thị bằng cách xây dựng mô hình trồng nấm linh chi trên thân cây dương liễu dọc theo các công viên có bờ biển tại TP. Rạch Giá. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm kiến nghị nghiên cứu thêm để hoàn thiện quy trình sản xuất nấm linh chi; tập huấn đào tạo, chuyển giao các quy trình sản xuất nấm theo hướng mô hình nông nghiệp đô thị có áp dụng cảm biến điều khiển từ xa; sơ chế, chế biến thành phẩm, tiến tới đăng ký nhãn hiệu, xây dựng hợp tác xã sản xuất, chế biến nấm dùng trong y học và thực phẩm. Tại các khoa nông nghiệp và phát triển nông thôn của các trường cao đẳng và đại học trong tỉnh cần có thêm học phần điều tra, khảo sát về nấm nhằm gắn việc học với thực tiễn, từng bước phát triển sản phẩm nấm trong tỉnh.

Giải pháp NCKH khảo sát nấm trong công viên TP. Rạch Giá làm cơ sở sản xuất nấm trong y học và thực phẩm cho mô hình công nghiệp đô thị của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm đã đạt giải ba tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2018-2019), được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và cúp danh dự. Theo đồng chí Nguyễn Văn Khiết - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo phân loại, chấm các giải pháp dự thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VII (2018-2019), giải pháp NCKH của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính phát hiện và hiệu quả kinh tế

Bài và ảnh: HUỲNH LÀI

Từ khóa » Cây Mọc Nấm Linh Chi