Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Tập Trung, Bền Vững - Tỉnh Bắc Kạn

Xác định chăn nuôi trâu, bò và lợn là các loài vật nuôi chính cần tập trung ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Cùng với sự hỗ trợ, thúc đẩy của một số chương trình, dự án khác đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Trang trại nuôi lợn rừng tại xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn (Ảnh backan.com.vn)

Nhờ đó, công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực; về cơ cấu, tổ chức chăn nuôi có sự thay đổi đáng kể, từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, chuyên biệt sản xuất hàng hóa. Đến thời điểm tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh có trên 30 trang trại chăn nuôi do các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đầu tư. Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại chiếm ưu thế so với chăn nuôi nhỏ lẻ như đáp ứng được các yêu cầu về khoảng cách xa khu dân cư, các công trình phúc lợi, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp, giá trị trong hoạt động sản xuất chăn nuôi; đảm bảo an toàn dịch bệnh; tạo được sự liên kết trong chăn nuôi, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo được vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương,... 

Mô hình nuôi bò nhốt của Hợp tác xã Phúc Ba, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể

Qua rà soát, từ năm 2016 đến nay, đã có 165 dự án chăn nuôi được UBND các cấp phê duyệt thực hiện. Trong tổng số 21 dự án chăn nuôi (lợn, bò, gia cầm) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.865 tỷ đồng, đã có 4 dự án đi vào hoạt động, với quy mô tổng đàn của 4 dự án là 15.973 con lợn; 17 dự án còn lại đang thực hiện các bước đầu tư, xây dựng với quy mô tổng đàn là 396.852 con trâu, bò, lợn, gà. UBND các huyện, thành phố phê duyệt 144 dự án; các dự án cơ bản đã nghiệm thu, hoàn thành, số ít đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo lộ trình từng năm với tổng số vốn đầu tư 27.811 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi lợn có sự phát triển vượt trội hơn so với các vật nuôi khác về quy mô, số lượng, thu hút được nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Trong tổng số 21 dự án chăn nuôi được tỉnh phê duyệt, có 17 dự án chăn nuôi lợn, chiếm 80,9% tổng số các dự án chăn nuôi.

Mặc dù có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhưng trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh như: Giá trị gia tăng trong sản xuất thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, thiếu ổn định, năng suất thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém; việc giết mổ, chế biến sâu còn hạn chế do công nghiệp chế biến chưa phát triển; liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sản xuất...

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi như: Mật độ dân số thấp; mật độ chăn nuôi bình quân còn rất thấp; tốc độ đô thị hóa chậm; nguồn lao động dồi dào…, cùng với xu thế hiện nay có sự dịch chuyển về đầu tư phát triển các dự án, trang trại chăn nuôi từ các tỉnh, thành phố lớn lên các tỉnh trung du, miền núi, trong đó có tỉnh Bắc Kạn, đây là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, vì vậy, tỉnh xác định tiếp tục tập trung phát triển và vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

Theo Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển chăn nuôi theo chiều sâu mang tính bền vững, chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ, phân tán sang phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại, hợp tác xã và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung vào phát triển 2 loài vật nuôi chính là chăn nuôi trâu, bò và chăn nuôi lợn thành chuỗi ngành hàng cấp tỉnh, phát triển theo hướng trang trại.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án này, đối với phát triển chăn nuôi trâu, bò, tỉnh sẽ tập trung phát triển tại các địa phương có lợi thế về tổng đàn, diện tích chăn thả, trồng cây thức ăn như các huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm, các vùng còn lại tập trung chăn nuôi thâm canh vỗ béo, nuôi thương phẩm. Đến năm 2025, phấn đấu phát triển 25 trang trại chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ theo kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành; tập trung vào cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống và sản phẩm thịt.

Tận dụng các cơ hội, tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn, thời gian tới dự kiến phát triển thêm khoảng từ 200.000 đến 500.000 con lợn, tương ứng có thể phát triển thêm tối đa 25 trang trại chăn nuôi với quy mô khoảng 20.000 con lợn/trang trại, tập trung phát triển tại các huyện còn dư địa về mật độ chăn nuôi lớn là Na Rì, Ba Bể, Chợ Đồn, Pác Nặm, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới.

Mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp tăng thêm từ 4 - 5%, tốc độ tăng trưởng của tỉnh tăng thêm từ 1,5 - 2%; góp phần tăng GRDP bình quân đầu người từ 770 nghìn - 1,1 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện được các mục tiêu này, hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu, hoàn thiện, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong tháng 4/2022, đồng thời rà soát bổ sung, sửa đổi các chính sách về thu hút đầu tư không còn phù hợp để khuyến khích thu hút đầu tư và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch đất đai để xây dựng trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi,… Cùng với đó là nghiên cứu các giải pháp về khoa học kỹ thuật; giải pháp về thị trường tiêu thụ và phát triển ngành hàng chăn nuôi; giải pháp về bảo vệ môi trường…/.

Từ khóa » Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững