Phát Triển Mô Hình Nuôi Tôm Sinh Thái - Việt Linh

Phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái

Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản, 30/8/2018 Ngày cập nhật: 3/9/2018

English Tiếng Việt

Do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đối với các sản phẩm hữu cơ/sinh thái ngày càng tăng, tỉnh Cà Mau với thế mạnh nghề nuôi tôm sẽ tập trung phát triển Mô hình tôm - rừng sinh thái; Mục tiêu trước mắt duy trì khoảng 80.000ha rừng để nuôi tôm kết hợp trồng rừng, sản lượng 15.000 tấn/năm.

Ảnh minh họa

Mô hình nuôi tôm sinh thái xuất hiện tại Cà Mau cách đây khoảng 10 năm, đã tận dụng được tiềm năng và lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản. Người dân ở đây được hướng dẫn trồng rừng và kỹ thuật nuôi tôm, tạo ra sản phẩm sạch, bán được giá. Những doanh nghiệp đạt chứng nhận quốc tế (về vùng nuôi cho sản phẩm sạch) đã khẳng định được uy tín trên thị trường.

Những năm qua, Cà Mau đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện 25% tổng diện tích tôm - rừng của Cà Mau đã nhận được chứng nhận quốc tế, khoảng 4.200 hộ đạt được các chứng nhận như Naturland, EU, Silva shrimp... Nuôi tôm sinh thái trong các tán rừng được xác định là loại hình sản xuất bền vững vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, giúp gia tăng thu nhập; đồng thời, góp phần bảo vệ, phát triển diện tích rừng ngập mặn.

Từ năm 2016, Cà Mau đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 đồng/ha/năm cho các hộ nhận khoán. Đây là nguồn thu nhập giúp người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Thông qua đó, cũng giúp duy trì môi trường cho hoạt động nuôi trồng kết hợp tôm - rừng sinh thái, cải thiện sinh kế cho người dân.

Đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng là hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; Là chiến lược phát triển, nâng cao vị thế tôm Đất Mũi.

Triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái

Những năm gần đây, hoạt động nuôi tôm dưới tán rừng được Cà Mau đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, đã nhận được chứng nhận quốc tế cho 19.000ha diện tích nuôi tôm. Giá trị tôm - rừng sinh thái của Cà Mau được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có rất nhiều khó khăn liên quan đến kế hoạch phát triển tôm - rừng, như: Thiếu vốn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; Nguồn tôm bố mẹ không đảm bảo, chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên, trong khi hoạt động đánh bắt ngày càng hạn chế khiến Cà Mau khó chủ động nguồn tôm bố mẹ; Chất lượng tôm giống không ổn định; Dịch bệnh thường xuyên xảy ra; Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến sản xuất (triều cường làm ngập vùng nuôi, gây thiệt hại nặng cho nghề nuôi trồng kết hợp tôm - rừng); Rào cản kỹ thuật/ thương mại ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu…

Vì vậy, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển tôm - rừng theo hướng phối hợp với các tổ chức nước ngoài để tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, nguồn tôm giống, những tiến bộ khoa học kỹ thuật… nhằm cải thiện môi trường rừng, tăng năng suất tôm nuôi.

Nâng cao chất lượng, đạt chuẩn quốc tế

Bên cạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tỉnh Cà Mau đã chủ động tập huấn, hướng dẫn người dân biện pháp bảo vệ môi trường, hỗ trợ trồng rừng; Nâng cấp hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống thủy lợi, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu vùng nuôi. Phấn đấu có từ 4.000 - 5.000ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Chú trọng nhân rộng nuôi tôm quảng canh kết hợp đa dạng đối tượng nuôi trên diện tích 100.000 ha, nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm trên diện tích 53.000 ha. Hợp tác với Đại học Cần Thơ xây dựng Đề án Phát triển mặt hàng tôm sú sinh thái, đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, ASC… Quản lý tốt chất lượng tôm giống; Đầu tư nghiên cứu, cải tiến quy trình nuôi tôm sinh thái để nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi tôm. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng nuôi quy mô lớn có sự quản lý của cộng đồng. Sản xuất theo chuỗi giá trị; Xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh "Tôm Cà Mau" ra thị trường quốc tế.

Ý nghĩa của việc phát triển mô hình sinh thái

Tại Cà Mau, nuôi tôm là ngành kinh tế chủ lực của địa phương với nhiều hình thức nuôi đa dạng (chuyên tôm, luân canh tôm - lúa, xen canh tôm - rừng). Hiện Cà Mau có gần 300.000 ha diện tích nuôi tôm với sản lượng hàng năm đạt trên 150 nghìn tấn, chiếm 20% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước; Đã xuất khẩu đến 80 quốc gia, vùng lãnh thổ; Kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Cà Mau cũng là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn với chiều dài bờ biển 254km; Có truyền thống nuôi tôm - rừng lâu nhất và hiệu quả nhất. Đây chính là tiềm năng to lớn để Cà Mau phát triển mô hình nuôi trồng kết hợp tôm - rừng sinh thái.

Theo nhận định của các nhà khoa học, hệ tôm thâm canh và bán thâm canh không phát triển độc lập, phải lấy thức ăn từ bên ngoài, gây tác động xấu tới nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường. Trong khi hệ tôm sinh thái phát triển độc lập, tự sản xuất thức ăn, không gây ảnh hưởng đến môi trường nước.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi sinh thái còn giúp khôi phục rừng ngập mặn, thích ứng biến đổi khí hậu, khai thác giá trị kinh tế tự nhiên do rừng ngập mặn tạo ra, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, thực hiện vai trò liên kết giữa hộ nuôi và doanh nghiệp thủy sản.

Ngọc Thúy - FICen

Thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác

Các tin mới

Thu nhập hàng trăm triệu nhờ nuôi rắn ri cá trong vèo (31/12/2018)

Đột phá thủy sản (31/12/2018)

Nuôi cá chạch đồng trong ao đất (30/12/2018)

Ngành Thủy sản Hải Phòng năm 2018: Được mùa nhờ 'cú hích' cơ chế (30/12/2018)

Đồng Nai: Phấn khởi với vụ tôm cuối năm (29/12/2018)

Nâng tầm con tôm Việt Nam (29/12/2018)

Đồng Tháp: Bắt được cá trê có màu vàng lạ nặng gần 6kg (28/12/2018)

Phú Yên: Bàn giải pháp xử lý môi trường vùng nuôi vịnh Xuân Đài (28/12/2018)

Ngành tôm Cà Mau cần gì để tạo đột phá? (28/12/2018)

Ngành cá tra thắng lớn (28/12/2018)

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Từ khóa » Tôm Sinh Thái Là Gì