Phát Triển Nguồn Nhân Lực Chất Lượng Cao ở Nước Ta Hiện Nay Dưới ...

Nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là một bộ phận đặc biệt của lực lượng lao động, có khả năng đáp ứng nhu cầu cao của thực tiễn; có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao; kỹ năng lao động giỏi; khả năng thích ứng nhanh, làm chủ công nghệ sản xuất; có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; có khả năng vận dụng sáng tạo tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Như vậy, khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá bởi nhiều yếu tố: thể lực, trí lực, khả năng lao động, tính tích cực chính trị - xã hội, đạo đức, tình cảm trong sáng… Các yếu tố này có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm giúp chủ thể phát huy hết giá trị của mình. Theo đó, biểu hiện cụ thể của nguồn nhân lực có thể được xem xét ở những khía cạnh như sau:

Trước hết, về thể lực của nguồn nhân lực

Có thể nói, một yếu tố không thể thiếu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao là sức khỏe. Sức khỏe ngày nay không chỉ được hiểu là không có bệnh tật, mà còn là sự hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Người lao động có sức khỏe tốt có thể mang lại năng suất lao động cao nhờ sự bền bỉ, dẻo dai. Mọi người lao động, dù lao động cơ bắp hay lao động trí óc đều cần có sức vóc thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Hơn nữa cần phải có sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau hết sức khó khăn và khắc nghiệt.

Quan niệm này cũng không xa lạ trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát triển con người toàn diện là một trong những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người luôn coi con người là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố: sức khỏe, tinh thần, tri thức… Mặc dù, mỗi yếu tố có vai trò nhất định, song giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Chủ trương xây dựng và phát triển toàn diện con người ở Hồ Chí Minh để có thể đảm bảo được vị trí của con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm về phương diện thể lực của con người.

Hồ Chí Minh cho rằng, thể lực, sức khỏe là mặt quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Bởi lẽ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của con người, của cả xã hội loài người. Thể lực là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến tuổi thọ và khả năng trí tuệ của con người. Sức khỏe, được Người quan niệm là sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Quan niệm này hết sức tiến bộ, phù hợp với quan điểm của khoa học hiện đại về sức khỏe của con người, của nguồn nhân lực. Để nâng cao sức khỏe cho người dân, theo Hồ Chí Minh, cần phải quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất của nhân dân - yếu tố quyết định đến sức khỏe, đến công tác vệ sinh phòng chống bệnh, chăm sóc y tế, tích cực rèn luyện thể dục thể thao… Người cũng chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa sức khỏe của cá nhân với sức khỏe của cộng đồng dân tộc. Do vậy, nâng cao sức khỏe cá nhân chính là góp phần nâng cao sức khỏe cho toàn xã hội. Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh”.

Thứ hai, về trí lực của nguồn nhân lực

Trí tuệ là yếu tố thiết yếu, quan trọng nhất của con người, của nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lực lượng nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp CNH, HĐH là những công nhân lành nghề trực tiếp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng. Vì vậy, phải có trình độ trí tuệ nhất định tiếp thu làm chủ công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, những tri thức khoa học và những kinh nghiệm được tích lũy yêu cầu họ sáng chế ra những tư liệu sản xuất mới, hoàn thiện kỹ thuật và phương pháp sản xuất. Lực lượng lao động dẫn đầu của nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ trí thức - lực lượng có năng lực sáng tạo, xử lý các mối quan hệ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ… Đội ngũ trí thức phải thực hiện có hiệu quả các chức năng: nghiên cứu, thiết kế, tham mưu, sáng tác; thực hiện, thi hành, ứng dụng, phát triển; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện; quản lý, chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo... Bộ phận này có năng lực khai phá những con đường mới trong nghiên cứu khoa học để đạt được những thành tựu mới, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lượng của đội ngũ này không nhất thiết phải đông, nhưng thực sự là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho tinh thần trí tuệ của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: con người nếu chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, mà thiếu tri thức, kiến thức khoa học, tức là có đức mà không có tài, thì cũng chẳng khác gì ông Bụt ngồi trên toà sen, không làm điều gì xấu nhưng cũng chẳng làm được việc gì có ích cho đời. Tri thức, trí tuệ thực sự là yếu tố thiết yếu của mỗi con người, bởi vì, tất cả những gì thúc đẩy con người hành động đều phải thông qua trí tuệ. Sự yếu kém về trí tuệ sẽ là lực cản nguy hại nhất dẫn đến sự thất bại trong hoạt động của con người.

Hồ Chí Minh từng dạy: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng nhằm tạo ra những con người vừa hồng, vừa chuyên, đủ sức đảm đương trọng trách xây dựng xã hội mới. Bên cạnh việc giáo dục lý tưởng cách mạng, Hồ Chí Minh còn chú trọng giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật nhằm phát triển trí tuệ cho con người. Người viết: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn. Trong thời đại không xa, đạt tới đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật”.

Trong vai trò, sức mạnh của con người, của nguồn nhân lực, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ trí thức. Trong sự phát triển của xã hội, hiểu rõ sức mạnh vô tận của trí tuệ con người và sức mạnh lớn lao của một dân tộc giàu tri thức, Hồ Chí Minh khẳng định: trí thức là lực lượng luôn đi đầu, là ngòi nổ trong phong trào đấu tranh đòi độc lập, đòi quyền dân tộc, dân chủ; là lớp “tiên tri, tiên giác” (hiểu biết trước, giác ngộ trước); là “Một phần tương lai của dân tộc”. Chính vì vậy, năm 1946, khi trả lời câu hỏi của một nhà báo nước ngoài về vấn đề trí thức, Người nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Trên thực tế, trong suốt mấy chục năm trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã có thái độ, cách cư xử, chính sách hết sức trân trọng và đề cao trí thức. Câu trả lời trên chính là sự phản ánh cô đọng suy nghĩ của Người, thể hiện sự trân trọng của Người đối với đội ngũ trí thức của dân tộc.

Thứ ba, về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nguồn nhân lực

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đức và tài, hồng và chuyên có mối quan hệ khăng khít, là hai mặt cơ bản của con người mới nói riêng và được xem như nội hàm của khái niệm con người mới xã hội chủ nghĩa. Để giáo dục đạo đức cách mạng cho con người mới, Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải giáo dục lý tưởng cách mạng. Xuất phát từ quan niệm cho rằng, nếu con người không được trang bị lý tưởng cách mạng vững vàng, không có lập trường cách mạng đúng đắn thì như “người nhắm mắt mà đi”. Lý tưởng chính trị cao đẹp nhất của con người Việt Nam trong thời đại ngày nay, theo Hồ Chí Minh, là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để lý tưởng cách mạng ấy thực sự thấm sâu vào trong mỗi con người, trở thành động lực mạnh mẽ, thì cần phải “tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác- Lênin”, bồi dưỡng và nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội… Bên cạnh đó, cần phải giáo dục những phẩm chất đạo đức cách mạng cơ bản: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…

Trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay, để có thể thực hiện công việc một cách hiệu quả, hợp lý, bền vững, thì hơn bao giờ hết, người lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, cần được trang bị và rèn luyện một cách hệ thống bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có ý thức kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm thời gian và của cải, có tinh thần trách nhiệm, hợp tác, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp. Từ đó, mới đáp ứng được lợi ích lâu dài trong quá trình lao động, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về đạo đức và tình cảm trong sáng. Đây chính là cụ thể hóa của mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam mới XHCN trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để xây dựng và phát triển được các yếu tố trên, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, diễn ra trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; được bảo đảm thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó vai trò của ngành giáo dục và đào tạo là trọng tâm, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực... là then chốt.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vai trò của giáo dục và đào tạo có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay - sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại cũng như sự ra đời của nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các yếu tố truyền thống như tài nguyên, đất đai mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là trí tuệ con người, là đội ngũ lao động chất lượng cao, là chất xám của các chuyên gia. Việt Nam muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu”, trước tiên phải làm tốt chiến lược “trồng người” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ có đi bằng con đường phát triển giáo dục, phát triển năng lực sẵn có trong mỗi con người, chúng ta mới có thể đi tắt, đón đầu, phát huy thế mạnh của con người Việt Nam (yêu nước, ham học, thông minh, sáng tạo…) để xây dựng và phát triển đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục, đào tạo trong việc phát huy nhân tố con người là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta xây dựng đường lối giáo dục và đào tạo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Đây chính là yếu tố căn bản, cốt lõi để nền giáo dục thực hiện tốt vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

ThS. Nguyễn Thị Hoa Đại học Giao thông vận tải-Cơ sở Thái Nguyên

Từ khóa » Nguồn Nhân Lực Cao Là Gì