Phẫu Thuật Bảo Tồn Tinh Hoàn Bị Xoắn ở Bé Trai - Benh Vien 108

10:53 AM 01/12/2021 Vừa qua, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận một trường hợp là bé trai 11 tuổi, bị sưng đau bìu 3 ngày. Bệnh nhân không có tiền sử chấn thương vùng bìu, chủ yếu đau âm ỉ vùng bẹn trái nhưng giấu bố mẹ.

Sau khi khám lâm sàng và siêu âm Doppler tinh hoàn, bệnh nhân được chẩn đoán: xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3 và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Bác sĩ Trần Đức Dũng, Khoa Ngoại tiết niệu – Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Trong mổ, chúng tôi phát hiện toàn bộ tinh hoàn trái và mào tinh hoàn trái tím đen do xoắn thừng tinh. Sau gần 2 giờ phẫu thuật tháo xoắn, chườm ấm, phong bế thừng tinh, theo dõi thấy tinh hoàn và mào tinh hoàn trái hồng trở lại và có chảy máu. Chúng tôi quyết định bảo tồn tinh hoàn trái, cố định tinh hoàn bên phải để hạn chế nguy cơ xoắn.”

Ảnh minh họa tình trạng xoắn tinh hoàn ở bé trai

Ngày thứ 3 sau mổ, siêu âm Doppler mạch tinh hoàn cho bệnh nhân nhận thấy: tinh hoàn và mào tinh hoàn trái tăng tưới máu. Bệnh nhân ổn định ra viện sau 1 tuần.

Theo bác sĩ Dũng, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa, thường gặp ở trẻ nhỏ, tuổi dậy thì chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Cơ chế bệnh là do co cơ bìu đột ngột và dữ dội xảy ra trên bệnh nhân có dị dạng giải phẫu như: màng tinh hoàn rộng, tinh hoàn di động dễ dàng như quả lắc, thừng tinh dài, dây kéo tinh hoàn dài…

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu cấp tính. Trong tình huống này, nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn. Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm, đặc biệt trong 6 giờ đầu.

Triệu chứng của bệnh là đau đột ngột, dữ dội vùng bìu, ống bẹn. Một số trường hợp xoắn tinh hoàn tự tháo nên triệu chứng không điển hình. Bệnh nhân thường bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau nhói ở bìu. Khi khám lâm sàng, tinh hoàn bên xoắn có thể treo cao hơn bên đối diện, siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình. Bệnh có thể bị chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt, viêm ruột thừa cấp thể tiểu khung. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo tất cả các nam giới, đặc biệt với bé nam, bố mẹ cần dặn dò các em những bất thường ở vùng bìu, bẹn cần đi khám ngay để phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thực hiện: BS Trần Đức Dũng, Khoa Ngoại tiết niệu – Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, Bệnh viện TWQĐ 108

Từ khóa » Chẩn đoán Xoắn Tinh Hoàn