Phim “Nước Mắt đàn ông” Của Clint Eastwood: Tình Thương ẩn Chứa ...

Điểm phim

*Phạm Nga

Hãng phim Warner Bros. Pictures (2021) – Đạo diễn: Clint Eastwood – Diễn viên: Clint Eastwood, Dwight Yoakam, Eduardo Minett, Ivan Hernandez, Natalia Traven… – Ra rạp và phát trực tuyến trên HBO Max vào ngày 17/9/2021. HBO Max vừa phát lại cuối tháng 4-2022.

Lâu nay, Clint Eastwood vẫn được khán giả điện ảnh nhớ đến qua hình ảnh một gã cao bồi hay nhân viên cảnh sát ‘hầm hố’, sẵn sàng thực thi luật pháp bằng súng trong các phim loại cao bồi, hình sự… Hơn thế, ông cũng rất thành công qua các bộ phim phim loại tình cảm-tâm lý do mình đạo diễn hoặc tham gia diễn xuất. Sau các bộ phim ‘được khen’ thuộc loại này, như: Play Misty for Me (1971), The Mule (2018), Richard Jewell (2019), Bridges of Madison County (1995)…, vào năm 2021, Clint Eastwood đã trình làng bộ phim mới: ‘Cry Macho’, tựa tiếng Việt ‘Nước Mắt Đàn Ông’.

1.

Trong phim, Clint Eastwood (cũng là đạo diễn) vào vai ông già Mike Milo, cựu ngôi sao đua ngựa ở Texas, cũng là ngôi sao rodeo (môn thể thao thể hiện kỹ năng của các chàng cao bồi trị những con bò, ngựa bất kham). Rồi do vợ và con trai nhỏ chết trong một tai nạn ô-tô, Mike chán đời, bỏ nghề rodeo, bê bết rượu chè. Có một người bạn gốc dân Mexico nhập cư, chủ một trang trại chăn nuôi ngựa cùng gia súc khác, đã cứu vớt Mike khỏi vũng lầy bê tha và cho ông việc làm trong trại chăn nuôi.

Tuổi đã về chiều, Mike nhận lời thực hiện một công việc phức tạp, coi như trả ơn trả nghĩa bạn mình, đó là một mình qua Mexico tìm và đưa con trai ông chủ trang trại – cậu bé tên Rafo (Eduardo Minett) về nhà cha mình ở Texas.

Trên đất Mexico, già Mike tìm được đến nhà mẹ của Rafo thì cậu bé do không chịu nổi cảnh bà mẹ bắt tình với liên tục nhiều gã đàn ông, đã bỏ nhà ‘đi bụi’, tập tành nốc rượu tequilla và kiếm sống bằng ‘cá độ’ đá gà với con gà trống rất ‘chiến’ cậu nuôi, đặt tên nó là ‘Macho’, có nghĩa ‘mạnh mẽ’. Bà mẹ đồi trụy bằng lòng chỉ đường, già Mike tìm được Rafo, cậu bé mau mắn đồng ý theo ông về Mỹ sống cùng cha mình.

Trên hành trình trở lại nước Mỹ, hướng về Texas, bộ đôi liên tục gặp những thử thách bất ngờ, đối phó rất vất vả, là từ phía cảnh sát Mexico (cứ nghi bộ đôi này vận chuyển ma túy) cũng như từ phía bà mẹ của Rafo – người đàn bà tệ bạc này đã đổi ý, muốn giữ lại đứa con trai nên nhờ một tay giang hồ, nhân tình của mụ, ráo riết lần theo dấu vết bộ đôi Mike-Rafo.

Có điều là chính những khó khăn đã khiến già Mike hiểu hơn, kết nối hơn với Rafo, đồng thời giúp cho cậu trai nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống mà ông đã đúc kết được sau khi đã đi được gần hết quãng đời của mình. Còn về chú gà Macho mà ban đầu già Mike rất kỵ, sợ nó ỉa bậy trên  xe, thì ông cũng chuyển ý, mến Macho khi chú gà dũng mãnh tấn công, mổ gã nhân tình của mẹ Rafo khi gã chỉa súng đe dọa, khiến gã rơi súng, bỏ chạy.

… Trong một lần bộ đôi dừng xe tạm nghỉ, xe bị ăn cắp, ai đó lái chạy mất. Đành đi bộ vào một thị trấn gần đó, già Mike gringo (tiếng Tây Ban Nha dân dã, nghĩa là người Mỹ) để khỏi bị chú ý, đã lo mua quần áo mexicano mặc vào thì cậu Rafo đã rủ già Mike lấy đại một chiếc ô tô vắng chủ lái đi tiếp. Chợt thấy bóng xe cảnh sát, già Mike lủi xe đại vào một thị trấn bụi bặm nào đó và dừng luôn nơi một quán ăn sắp nghỉ bán. Cô chủ quán – một phụ nữ Mexico duyên dáng, tên Marta – tỏ ý giúp, ra đóng cửa, treo bảng ‘nghỉ bán’ và dọn đồ ăn thức uống ra cho hai lữ khách đang đói meo. Trời chiều, bộ đôi cám ơn cô chủ, ra lấy xe đi tiếp. Bão giông bỗng nổi lên mù mịt, buộc họ phải quay lại thị trấn – lần này thì để tránh bão, bộ đôi ghé đại vào một ngôi đền nhỏ thờ đức Mẹ Maria. Qua đêm, sáng ra già Mike mới phát hiện xe bị hỏng rất nặng, xăng rỉ hết xuống đất. Không có tiền sửa xe, bộ đôi quyết định ở lại thị trấn – bộ phim không cho biết tên nên tạm gọi là thị-trấn-tạm-dung – một thời gian, không rõ bao lâu nữa…

Dạo quanh thị trấn, họ gặp một trại nuôi ngựa và chủ trại đang rất cần người vừa chữa bệnh vừa thuần hóa một số ngựa hoang vừa bắt về. Già Mike nhận cả hai công việc và nhân đây, truyền nghề luôn cho cậu Rafo. Với đồng lương mà cậu tập việc cũng được nhận, bộ đôi rời ngôi đền thờ về ngụ và cơm nước ở quán cô Marta. Một lần nọ, già Mike đem tặng thịt, cô chủ quán nấu thành bữa trưa thịnh soạn. Giờ mới biết cô Marta góa bụa bởi trong trận dịch Covid cách đây 2 năm, chồng cô, con gái cùng rể của cô đều chết, bỏ lại 4 con gái. Các cháu ngoại cô Marta cùng ngồi ăn tỏ ra rất mến bộ đôi, nhất là một bé gái bị câm điếc rất mến già Mike, bấu chặt tay ông khi ông do biết bộ ngôn ngữ ký hiệu, đã rót ngay ly nước khi cô nhỏ ra dấu muốn uống nước.

Cái lão già Mike mặt khó đăm đăm ấy còn được nhiều người nữa ở thị-trấn-tạm-dung mến mộ khi không biết do ai cho tin, bà con lũ lượt đem gia súc, nào ngựa, dê nào heo, chó đến cho ông chữa bệnh; cả cái gã tự xưng phó cảnh sát trưởng, ban đầu hoạnh họe tra vấn già Mike có giấy phép chữa bệnh thú y không nhưng ngay sau đó xin già Mike ‘tay ngang’ hãy chữa ngay cho con chó nhà gã, nếu không thì “cả ông và tôi đều sẽ khó sống với mụ vợ của tôi, mụ yêu con chó nhất trên đời mà!”.

… Đến lúc già Mike đã ‘chữa lành’ cho chiếc xe, chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình thì cảnh sát biên phòng và gã nhân tình của mẹ Rafo cùng lúc xuất hiện, dò hỏi người dân về hai người. Bộ đôi phải từ giã gia đình cô chủ quán, vội vã lên đường, tiếc nuối rời thị-trấn-tạm-dung. Trên xe, đang có chuyện tranh cãi thì cảnh sát xuất hiện, bắt xuống xe để lục soát tìm ma túy. Tìm ma túy không thấy, hai gã cành sát đành cho đi nhưng vặn hỏi tại sao có người – ý nói người của mẹ Rafo – truy đuổi bộ đôi. Rafo kể thật rằng già Mike đang đưa cậu đến biên giới để gặp cha, nhưng cũng phải hối lộ thêm, đám cảnh sát mới buông tha.

Tại biên giới, cậu bé Rafo khẳng định sẽ theo cha, đã trao chú gà Mucho cho già Mike nhờ nuôi rồi bước qua cửa khẩu, đến với ông chủ trang trại đang đậu xe chờ. Còn già Mike, bất ngờ là không lái xe qua cửa khẩu trở về Mỹ- ngược lại, ông trở lại ngôi thị trấn bụi bặm trên đất Mexico, trở lại với cô chủ quán Marta…

3.

Trước hết, theo như bộ phim biểu hiện, công nhận bề ngoài của nhân vật lão cao-bồi Mike trông đẹp lão nhưng có phần khó ưa, mặt lạnh như vô cảm, nói toàn câu ‘nhát gừng’. Cần nói thêm về độ tuổi của nhân vật già này trong phịm, bởi về 2 nhân vật chính ‘cặp bài trùng 1 già 1 trẻ’, phần thoại bộ phim chỉ cho biết cậu bé Rafo 13 tuổi. Nếu căn cứ vào thời điểm bộ phim ra đời (2021), Clint Eastwood đã 91 tuổi (ông sinh năm 1930), thủ vai già Mike rất sống động thì nên chăng, người xem cứ coi như nhân vật già Mike ở độ tuổi cận kề 90 là hợp tình nhất.

Vậy mà già Mike đã tỏ ra tuy ‘già’ nhưng không ‘yếu’. Lão cao-bồi đã chủ động làm hay tham gia vào đủ thứ việc y như một thanh niên /trung niên bình thường/khỏe mạnh, như: lái xe, sửa xe, quần ngựa, khiêu vũ, chữa bệnh cho gia súc, làm bếp, làm bánh…, kể cả một lần đấm ngã gã nhân tình của mẹ Rafo. Điều đáng nói khi thực hiện các công việc đời-thường có đòi hỏi sức lực cùng kinh nghiệm ít nhiều thành thạo trong mỗi việc như thế, già Mike dù tuổi đã cao, tướng tá hom hem nhưng vẫn hoàn thành suôn sẻ từng việc, không chút va vấp. Khán giả lần lượt xem cảnh già Mike đỉnh đạc ngồi trên lưng ngựa hoang mà ông đã thuần hóa, khéo léo nấu ăn trong bếp, rề rà kể chuyện ru ngủ bọn trẻ… nhưng thú vị nhất là chuyện ông nhảy đầm, tuy dáng điệu không khỏi có chút lom khom lưng còng của một lão già nhưng phải nói già Mike dìu bạn gái Marta điệu Bolero rất lả lướt, điệu đàng. Hầu như không phải ông già Mike, bởi già yếu nên phải rất cố gắng khi nhảy điệu Bolero cho đàng hoàng, đúng cách mà đúng hơn, bằng sức già của mình, ông đã ung dung ‘xử lý’ thành công, đạt yêu cầu điệu Bolero.

Một điều khác khiến người xem càng yêu mến già Mike là tình thương, lòng từ ái của lão cao bồi cứ tự nhiên, ung dung thể hiện từ hành động cho đến lời nói của ông. Ban đầu thì cậu bé Rafo công khai chỉ trích già Mike khi hỏi ông có tin vào Thiên Chúa không thì ‘bị’ nghe ông trả lời “Tôi không theo đạo Thiên Chúa”. Cậu còn thấy tại bàn ăn nhà cô chủ quán, già Mike ngồi im khi mọi người cùng cầu nguyện trước khi ăn… Nhưng đúng ra, bên trong cái vẻ vô thần, lãnh đạm ấy nơi lão cao-bồi, thật sự ẩn chứa một tấm lòng nhân ái, yêu người yêu đời. Trước hết già Mike yêu trẻ con, ông kết bạn dễ dàng với các bé gái cháu cô chủ Marta, còn ngồi kể chuyện ru ngủ mấy đứa. Già Mike cũng yêu súc vật, như ông từng thố lộ mình “yêu động vật trong suốt cuộc đời”. Và hẳn là qua việc chăm sóc thú nuôi ở Texas mà ông tích lũy đủ kinh nghiệm để chữa bệnh cho chúng dù chẳng học ngành thú y ngày nào. Già Mike còn tỏ ra yêu thiên nhiên – như lần ông bảo Rafo nên thường xuyên ra ngủ ngoài trời vì “không khí tốt lành và sạch sẽ”.

3.

Ngấm ngầm mà sâu sắc, các tác giả làm bộ phim Cry Mucho đã nêu lên mối quan hệ đối đãi giữa nước Mỹ “cường quốc công nghiệp phát triển”, và Mexico, “nước mới công nghiệp hóa, đang phát triển”. Trong phim, chuyện cậu bé Rafo rời Mexico sang Mỹ cứ như chuyện một người dân nghèo của một nước nhỏ, nghèo, cuộc sống khó khăn và không có tương lai, đang có may mắn đi định cư ở một nước lớn, giàu có, thịnh vượng, tương lai rộng mở – nói gọn lại, nơi đến là nước Mỹ chính danh “vùng đất hứa” hay “thiên đường tại địa giới” mà nhiều con người ở nhiều nước trên hành tinh này đều mơ ước được đến định cư, hưởng phúc. Rốt cuộc, bộ phim cho thấy nhân vật chính trong phim đã chọn lựa khác đám đông.

Như dù háo hức đến gặp cha mình ở Texas của nước Mỹ, chính cậu bé Rafo vừa do băn khoăn, lo rằng “Khi gặp nhau, cha tôi không muốn tôi nữa thì sao?”, vừa do có cảm giác yên ổn, hạnh phúc trong những ngày sống ở thị-trấn-tạm-dung, có lúc đã tâm sự với già Mike, rằng “Nếu cha tôi không muốn tôi đến Texas thì tôi ở lại luôn thị trấn này vì nơi này tốt, tốt nhất cho tôi xưa nay, không chừng tốt hơn cả Texas. Vậy nên ông cũng có thể ở lại nơi này…”.

4.

Phần kết bộ phim Cry Macho có hơi bất ngở, trái với dự đoán của những ai duy lô-gic. Tại điểm hẹn ở biên giới, nhìn thấy cha mình đậu xe chờ ở bên kia cửa khẩu USA – Mexico, cậu bé Rafo quyết định theo cha về Texas. Cậu trao chú gà Macho cho già Mike nhờ nuôi dùm, nói lời tạm biệt và bước qua cửa khẩu. Còn già Mike, nghẹn ngào chia tay người bạn vong niên nhưng sau đó ông không hề lái xe qua cửa khẩu để trở về đất Mỹ. Lão cao-bồi Texas đã quay đầu xe, trở lại cái thị trấn mà đối với ông từng chỉ là một điểm tạm-dung trên đường đi về nước Mỹ vừa qua – nghĩa là lão cao-bồi Mike đã quyết định bỏ nước Mỹ/chọn Mexico làm chốn dung thân cho quãng đời còn lại của mình. 

Và khi không trở về nước Mỹ- nơi từng là quê hương “thiên đường hạ giới” của mình vì tin rằng đất Mexico – cụ thể là cái thị trấn nghèo nàn, bụi bậm, có cô chủ Marta cùng các cháu gái của cô, thương nhất là bé gái câm điếc, vẫn đang thiết tha mong gặp lại ông khách gringo – mới mang đến hạnh phúc, an vui cho phần đời còn lại của mình, lão cao-bồi Mike như đã tìm về đúng cho ông nguồn cội ngọt ngào tình người sau bao khổ đau, thăng trầm cuộc sống…

PHẠM NGA

(Tháng 5, mùa mưa 2022)

Share this:

  • Facebook
  • Email
  • More
  • Print
  • Twitter
  • Reddit
Like Loading...

Related

Từ khóa » Phim Cao Bồi Clint Eastwood