Phổ Cập Giáo Dục - Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Và Phát Triển Bền ...

Phổ cập giáo dục tiểu học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ

Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học

Việt Nam được đánh giá là có tiến bộ nhanh hơn so với phần lớn các nước có thu nhập thấp khác trên thế giới trong việc khắc phục những sự chênh lệch về giới và về tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi. Đến năm 2014 đã có 63/63 tỉnh, thành đã đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi cấp độ I, tức là đã hoàn thành trước kế hoạch đối với mục tiêu thiên niên kỷ về PCGDTH.

Từ đó đến nay, việc duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 (tương đương PCGDTH mức độ 2 theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP) của 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 12 tỉnh/thành phố đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2 (tương đương PCGDTH mức độ 3 theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP), bao gồm các tỉnh/thành phố: Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Tĩnh.

Số đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 (tương đương PCGDTH mức độ 2): 11120/11153, tỉ lệ 99,70% (trong đó đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2 (tương đương PCGDTH mức độ 3) là 5110/11153, tỉ lệ 45,82%; số đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTH: 33/11153, tỉ lệ 0,30%.

Số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 là 1.317.083/1.325.132, tỉ lệ 99,39%; số trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 1.056.664/1.115.010, tỉ lệ 94,76%; tỉ lệ học sinh lưu ban giảm còn 0,96%, bỏ học còn 0,16%.

Có 15.227 trường tiểu học với khoảng 7.543.632 học sinh; 392.136 giáo viên, tỉ lệ GV/lớp đạt 1,4; tỉ lệ lớp/phòng học là 1,04.

Hiệu quả từ những giải pháp đồng bộ

Để công tác PCGDTH đạt được những kết quả khả quan chính là nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, của các cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Cụ thể là, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TW ngày 05/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGDTH và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Nghị định 20/2014/NĐ-CP thông qua việc ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để hướng dẫn, giúp địa phương thực hiện củng cố, duy trì bền vững và thúc đẩy hơn nữa công tác phổ cập giáo dục tiểu học.

Bên cạnh đó tăng cường phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, đôn đốc các huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), xã (phường, thị trấn) xây dựng kế hoạch và thực hiện PCGDTH; tự kiểm tra, đánh giá kết quả PCGDTH hằng năm. Các tỉnh, thành phố chủ động kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp, rà soát kết quả PCGDTH theo mức độ.

Chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp chính quyền các cấp để thực hiện công tác phổ cập giáo dục, trong đó có các giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ đào tạo, năng lực đội ngũ giáo viên về chuẩn nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm và khả năng tự bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên các tỉnh miền núi; chỉ đạo các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy hoạch nguồn nhân lực giáo dục tại địa phương.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chủ động bố trí ngân sách cho công tác PCGDTH, xóa mù chữ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đảm bảo đạt chuẩn PCGDTH.

Định hướng phát triển bền vững giáo dục tiểu học

Với mục tiêu phát triển bền vững giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục Tiểu học đang tích cực thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo mọi trẻ em được học đúng độ tuổi có chất lượng và hiệu quả giáo dục ở tiểu học để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập.

Tăng cường dạy chữ để dạy người, tăng cường giáo dục kĩ năng sống và tạo điều kiện để học sinh tham gia, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Đẩy mạnh chiến lược nâng cao năng lực chuyên môn giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp. Nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Đổi mới công tác quản lí giáo dục tiểu học, tăng quyền chủ động, sáng tạo cho các nhà trường, hiệu trưởng và giáo viên.

Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để “chuẩn hoá” ở tiểu học: trường chuẩn, phòng học chuẩn, dạy học theo chuẩn, đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, thư viện chuẩn,...

Tăng cường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày để nâng cao chất giáo dục toàn diện, đưa Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, đặc biệt là tiếng Anh (học sinh được học 4 tiết/tuần,...) chuẩn bị tốt các điều kiện để giáo dục tiểu học nói riêng và giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế…

Từ khóa » độ Tuổi Phổ Cập Tiểu Học