Phố Phường Hà Nội Xưa Qua Tư Liệu Phương Tây Và Tài Liệu Lưu Trữ
Có thể bạn quan tâm
Cổng phố Hàng Ngang. Ảnh trong Connaissance de l’Indochine, N01, 1917
Theo mô tả của các du khách đến Hà Nội từ những năm đầu của thế kỷ 17, khu phố cổ của Hà Nội “có hình tam giác, cạnh đáy dựa vào Hồ Nhỏ (Hồ Gươm) và hai cạnh bên thì giáp với sông Hồng và Thành Hà Nội”[1].
Theo quan sát của các du khách thì khu phố cổ có rất nhiều cổng để bảo vệ, giống như bức tường bao quanh Thành Hà Nội. Những cổng này chủ yếu ở “cạnh bên” của khu phố, phía giáp với sông Hồng.
Căn cứ vào một tấm bản đồ do một người Việt Nam có tên là Phạm Đình Bạch vẽ trong đó có chỉ rõ một cách chính xác vị trí của các cổng phía giáp với sông Hồng, André Masson[2] đã tiến hành một cuộc kiểm tra, so sánh với nhiều bản đồ cổ của Hà Nội, kết quả cho thấy kinh thành Thăng Long xưa có 15 cổng, trong đó có cổng phố Jean Dupuis (Ô Quan Chưởng)[3]; cổng phố Graines (phố Hàng Đậu) ở chỗ giao nhau với phố Duranton (phố Nguyễn Thiệp); cổng phố Vases (phố Hàng Chĩnh), giữa phố Pavillons Noires (phố Mã Mây) và kè sông Hồng (nay thuộc phố Trần Quang Khải); cổng phố Saumure (phố Hàng Mắm) chỗ giao nhau với phố Maréchal Pétain (phố Nguyễn Hữu Huân); cổng phố Fellonneau (phố Lò Sũ) nơi giao nhau với đại lộ Amiral Courbet (phố Lý Thái Tổ), cổng phố Incrusteurs (đoạn đầu phố, nay là phố Tràng Tiền)… Trong số các các cổng này, chỉ có cổng phố Jean Dupuis là còn tồn tại đến ngày nay[4].
Bên trong khu phố cổ còn có các cổng ngăn cách giữa các phố với nhau, được bác sĩ Hocquard mô tả chi tiết: “Các khu phố khác nhau của Hà Nội hoàn toàn được tách rời bởi những cánh cổng lớn. Những cổng này rộng bằng cả bề ngang của phố và người ta đóng lại vào ban đêm. Trên mỗi cánh cổng có dán những quy định về an ninh của thành phố và những tờ sức của Tổng đốc”[5].
Hầu hết các cánh cổng của khu phố cổ ở Hà Nội đều “có một kiểu đóng rất độc đáo”, như theo mô tả của bác sĩ Hocquard: một bức tường bằng đá được xây ngang từ bên này sang bên kia của con phố, bức tường đó được đục thủng một cánh cửa lớn hình chữ nhật được giới hạn bởi một cái khung chắc chắn bằng gỗ, tạo nên bởi 4 cây gỗ đẽo nhẵn. Hai cây gỗ phía trên và phía dưới được khoan những lỗ cách nhau đều đặn, chúng được lắp vào ở hai đầu một loạt các cây gỗ lớn tròn đặt song song với nhau. Các lỗ ở bên trên rất sâu, đến mức người ta có thể mỗi lần nâng cao lên đủ vừa cho người ta tháo cây gỗ ra khỏi lỗ phía dưới để cho việc đi lại qua cửa được dễ dàng. Hệ thống này cho phép lúc thì mở rộng cánh cửa bằng cách tháo tất cả các cây gỗ, hoặc chỉ để vừa một chỗ qua lại hẹp, đơn giản bằng cách tháo ra một hoặc hai cây gỗ.
Phố Hàng Ngang. Ảnh sưu tầm
Trong số các cổng phố ở Hà Nội xưa, một số cổng được xây dựng bằng các loại vật liệu vững chắc mà trước tiên phải kể đến cổng vào khu phố người Hoa “lởm chởm lỗ châu mai giống như bức tường thành” và cực kỳ kiên cố, bên trong có một loại hành lang nhỏ trên đó có chỗ cho người gác và các phu canh ban đêm, nếu đã đóng thì không thể vào được. Sau đó là cổng vào phố Chanvre (phố Hàng Gai) “được xây với lỗ cổng đơn giản hình chữ nhật trong một bức tường có nhiều lỗ châu mai” và cổng vào phố Cantonnais (phố Hàng Ngang) thì “mang dáng dấp của một công trình kiến trúc nhờ một ban-công có trang trí được chống đỡ bởi hai cái cột”. Cổng phố Incrusteurs (đoạn đầu phố, nay là phố Tràng Tiền) được mô tả được xây bằng gạch “với kiến trúc đơn giản nhưng có vẻ oai nghiêm cân xứng”, “lộ ra trong một bức tường dày được bao quanh một cái lan can mở ra giữa hai trụ vòm phía trên mỗi trụ có một con sư tử”[6] (phố Incrusteurs sau đổi tên thành phố Pháp Quốc, cổng phố Incrusteurs cũng đổi tên thành cổng Pháp quốc (La Porte de France), cổng này bị dỡ bỏ năm 1886. Các cổng còn lại đa số đều đơn giản, chỉ là những hàng rào tre bên trên có chòi canh cho những phu canh tuần.
Theo mô tả của phần lớn các tư liệu, đường phố ở Hà Nội (thế kỷ 17 – 19) có sự khác biệt giữa các khu phố người Hoa và các khu phố người Việt. Ở các khu phố của người Hoa, lòng đường đều được lát đá hoa lớn. Còn các con phố trong khu người Việt thì không được lát đá, không có vỉa hè và đầy bùn mỗi khi có mưa xuống, rất khó khăn trong việc đi lại.
Nhà cửa ở Hà Nội xưa đều lợp bằng gianh, thấp, gian trước thường để bán hàng, có tấm phên cột chặt ở bên trên ban ngày thì chống lên bằng hai cây sào, ban đêm lại chụp xuống. Chính vì nhà toàn lợp gianh, lại chưa có điện, toàn dùng dầu để thắp sáng nên thường xuyên xảy ra hoả hoạn.
Trong các phố phường của Hà Nội xưa, “tất cả các loại hàng khác nhau đều được bán” và “mỗi phố bán một loại hàng riêng, hoàn toàn theo cách các công ty hoặc các phường hội trong các thành phố châu Âu”[7]. Theo Paul Bourde, phóng viên của tờ Thời báo thì vào khoảng năm 1883, cả thành phố biến thành một cái chợ lớn ngoài trời mỗi khi có chợ phiên, và chợ phiên đó cứ 6 ngày lại họp một lần. Theo mô tả của Paul Bourde thì trong những phiên chợ đó, những người buôn bán và thợ thủ công đủ loại từ các làng lân cận kéo vào thành phố. Những người bán lụa thì tập trung ở phố Hàng Đào, những người thợ kim hoàn thì tập trung ở phố Hàng Đồng, những người thợ làm nón thì tập trung ở phố Hàng Nón… Người dân quê ngồi ngay ngoài phố, hàng hoá đặt trong một miếng vải hay trong một cái giỏ, nào hoa quả, thịt thà, hàng xén, thuốc men, hàng gốm, hàng cá… Cứ đến các ngày phiên chợ hàng tơ (ngày mùng 1 và mùng 6 âm lịch), “phố Hàng Đào bỗng trở nên lộng lẫy, rực rỡ hẳn lên như chốn hang động của Alibaba”[8].
Đường Huế. Ảnh sưu tầm
Phố Hàng Bông. Ảnh sưu tầm
Một du khách nước Anh là Baron đến Hà Nội hồi thế kỷ 17 kể lại: Ca Chơ, trung tâm xứ Bắc Kỳ vượt hơn phần lớn các thành phố khác bởi số dân, đặc biệt vào những ngày mồng 1 và 15 âm lịch là những ngày phiên chợ lớn. Trong những ngày này, rất đông dân cư ở các làng lân cận kéo vào thành phố với nhiều mặt hàng hoá. Họ họp chợ ở ngoài trời, trong những đường phố chính của thành phố, với một chiều dài hơn hai cây số. Vào những ngày chợ phiên, việc đi lại hầu như không thể được từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Việc họp chợ ở Hà Nội dần dần được cải thiện và đến năm 1890, ở Hà Nội đã có 4 chợ lớn họp hàng ngày, đó là các chợ ở phố Bambous (phố Hàng Tre), phố Citadelle (phố Đường Thành), đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài) và chợ chính ở phố Riz (chợ Đồng Xuân).
Đường phố Hà Nội dần dần được Âu hoá. Theo ghi chép của Claude Bourrin thì phố Brodeurs (phố Hàng Trống) là phố kiểu Pháp đầu tiên ở Hà Nội, và cho dù “được mở rộng và làm đẹp lên rất nhiều” nhưng nó “chỉ thực sự sạch sẽ vào năm 1884”[9]. Còn theo các nguồn tài liệu lưu trữ, quá trình đô thị hoá của Hà Nội thể hiện qua những mốc lớn[10]:
- Năm 1886: một con đường rộng 10 mét xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã được xây dựng, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này, dù chỉ là nhà bằng tranh[11].
- Tháng 1-1888: những túp lều lợp gianh cuối cùng đã bị phá huỷ ở phố Paul Bert (phố Tràng Tiền).
- Năm 1891-1892: các nhà vách đất, lợp bằng tranh, nứa, lá trong thành phố bao gồm từ đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo), sông Hồng, đường Mandarine (sau gộp vào đường Mandarine prolongée thành phố Hàng Lọng, tiếp đó đổi thành phố Nam Bộ và nay là phố Lê Duẩn) cho tới tận khu vực Thành đã bị cấm xây dựng và phải dỡ bỏ trong vòng 6 tháng.
- Năm 1891: Hà Nội có nhà máy sản xuất nước đá[12].
- Năm 1892: hệ thống cống rãnh đã được xây dựng trên phố Paul Bert. Hệ thống cống ngầm đã được xây dựng để dẫn nước Hồ Gươm chảy qua Sapèquerie (Xưởng đúc tiền nay thuộc phố Phạm Sư Mạnh), chảy dưới vỉa hè phố Paul Bert, phía bên Grands magasins (Tràng Tiền Plaza) và từ đó qua cống thu nước lớn chảy về hướng Abattoir (Lò mổ lợn của thành phố nay thuộc phố Lương Yên).
- Từ năm 1897, Hà Nội đã được tiến hành rải đá mặt đường, làm vỉa hè, xây cống ngầm và hoàn thành hệ thống cung cấp điện và nước...
- Từ năm 1899 đến 1920: Hà Nội được đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất như nhà máy điện Bờ Hồ (1899-1902), nhà máy tầu điện Hà Nội (1900), nhà máy nước Yên Phụ (1904-1906), nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê (1912), xây dựng và mở rộng một số chợ, nhà ga, vườn hoa, quảng trường, tượng đài kỷ niệm, rạp chiếu phim... Có khoảng 49 công trình lớn nhỏ, là trụ sở của các cơ quan đại diện cho bộ máy chính trị các cấp, từ cấp Liên bang (Đông Dương), cấp Kỳ (Bắc Kỳ) đến cấp thành phố (Hà Nội); trụ sở của các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, hành chính; trụ sở của các công sở thuộc các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... đã được xây dựng tại Hà Nội.
- Từ năm 1920 đến 1945, Hà Nội được mở rộng về phía nam (khu vực hồ Bảy Mẫu), nhiều khu phố mới đã được mở như các phố ở khu phía bắc Hoàng Thành cũ. Hầu hết các phố ở Hà Nội đã được rải đá, rải nhựa dưới lòng đường, vỉa hè đã được lát và có hệ thống cống rãnh. Có khoảng 22 công trình lớn nhỏ được xây dựng tại Hà Nội để làm trụ sở của các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... như Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử), Sở Tài chính Đông Dương (nay là Bộ Ngoại giao), Viện Pasteur (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ), Nhà Thương René Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai), Trường Trung học Albert Sarraut (nay là Văn phòng Trung ương Đảng)...
Với quá trình đô thị hoá như trên, diện mạo của Hà Nội đã biến đổi thực sự sâu sắc, từ một thành phố “nửa nông thông, nửa thành thị” cuối thế kỷ 17 đã trở thành một “Paris thu nhỏ” (Petit Paris), “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên bang Đông Dương” trong thời kỳ Pháp thuộc.
Góc phố Hàng Buồm. Ảnh sưu tầm
Phố Nhượng Địa. Ảnh sưu tầm
[1] André Masson: Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929, tr. 131.
[2] Lưu trữ viên Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương những năm 20 của thế kỷ XX.
[3] Cổng này cũng chính là một trong các cửa ô còn lại của Hà Nội, trước đó cửa ô Nhân Hòa bị mất do sụt lở xuống sông Hồng, gần bệnh viện De Lanessan (bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay). Dẫn theo Nguyễn Thừa Hỷ, Một góc nhìn lịch sử, văn hóa & con người Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, H, 2015, tr. 191.
[4] Có tài liệu viết rằng Ô Quan Chưởng được xây dựng năm 1749 để bảo vệ Hà Nội từ phía sông Hồng chống lại những cuộc tấn công của Nguyễn Hữu Cầu. Năm 1902, Ô Quan Chưởng có nguy cơ bị phá huỷ do bị hư hỏng nặng. Sau đó Hội đồng thành phố Hà Nội đã cho trùng tu lại và trở thành một trong 7 di tích lịch sử - văn hóa đầu tiên của Hà Nội được xếp hạng theo nghị định ngày 24-11-1906 của Toàn quyền Đông Dương, theo đề nghị của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp.
[5] Dẫn theo André Masson: Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929, tr. 133.
[6] Claude Bourrrin, Le vieux Tonkin, Hanoï, 1941, tr. 16.
[7] Revue Indochinoise, 1914, 2è semestre, tr. 70.
[8] Paul Boude, De Paris au Tonkin (1884), Paris, 1885, p. 209. Dẫn theo Nguyễn Thừa Hỷ, Một góc nhìn lịch sử, văn hóa & con người Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, H, 2015, tr. 96.
[9] Claude Bourrrin, Le vieux Tonkin, Hanoï, 1941, tr.
[10] Tổng hợp từ một số phông: Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin – RST); Sở Địa chính và Nhà cửa thành phố Hà Nội (Fonds du Service du Cadastre et des Domaines de Hanoï – SCDH); Toà Đốc lý Hà Nội (Fonds de la Mairie de Hanoï – MHN); Khu Công chính Bắc Kỳ (Fonds de la Circonscription territoriale des Travaux Publics du Tonkin – TPT)…
[11] Theo tài liệu lưu trữ thì ban đầu, chính quyền thuộc địa ra quyết định giữ lại quanh khu vực quanh Hồ một khoảng đất với chiều rộng ít nhất là 20 mét để làm đường (RST, hs: 5830).
[12] Phố có nhà máy nước đá được đặt tên là rue Glacière (tương đương với một đoạn phố Trần Quang Khải hiện nay).
Từ khóa » Bản đồ Hà Nội Xưa Và Nay
-
Bản đồ HÀ NỘI XƯA | Flickr
-
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HÀ NỘI VÀ CÁC QUẬN HUYỆN MỚI NHẤT
-
Bản Đồ Ngày Xưa Của Thủ Đô Hà Nội Có Gì Khác
-
Địa Giới Hành Chính Hà Nội Qua Các Thời Kỳ - VnExpress
-
Bản đồ, ảnh Các Cổng Thành Hà Nội Thời Nhà Nguyễn
-
Dáng Hình Hà Nội Qua ảnh Xưa Và Nay
-
Bản đồ Hành Chính Các Quận TP Hà Nội Khổ Lớn Năm 2022
-
Bản đồ Hà Nội, Các Quận Huyện Thành Phố Hành Chính 2022
-
Bản đồ Hà Nội: Thành Phố Và Các Quận Mới Nhất
-
Bản Đồ Hành Chính Thành Phố Hà Nội Và 30 Quận Huyện
-
Bản đồ Hà Nội Và Khung Cảnh Bên Trong Thành Hà Nội đầu TK19
-
Lịch Sử Hành Chính Hà Nội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vẻ đẹp Của Hà Nội Xưa Và Nay Qua Những Thước Hình Vượt Thời Gian