Phòng Công Nghệ Tế Bào Thực Vật

  • Tên phòng: Phòng Công nghệ tế bào thực vật (Plant Cell Biotechnology Laboratory)
  • Địa chỉ: Phòng 201 - 211, nhà A10, Viện Công nghệ sinh học, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Trưởng phòng: TS. Đỗ Tiến Phát
  • Điện thoại: 024 37562368/ 0374212304 Fax: 024 38363144
  • E-mail: dtphat@ibt.ac.vn
2222

Phòng Công nghệ tế bào thực vật (CNTBTV) được ra đời cùng với sự thành lập Viện Công nghệ sinh học năm 1993. Tiền thân của phòng CNTBTV là Tổ nuôi cấy mô được thành lập từ những năm 1975, sau đó phát triển thành Phòng Nuôi cấy mô tế bào thực vật năm 1987 trong phạm vi hoạt động của Viện Sinh vật học trước đó. Dưới đây là tóm lược các giai đoạn phát triển, nhân sự và một số nét chính trong các giai đoạn:

  • Trước năm 1975, những cán bộ đầu tiên có ý tưởng xây dựng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật như Nguyễn Văn Uyển, Lê Thị Xuân, Lê Văn Cát bắt đầu những thí nghiệm nuôi cấy mô sẹo lúa và bao phấn và protoplast thuốc lá. Có lẽ kết quả chưa đủ chín muồi nên không tìm thấy những công bố này trên các tạp chí khoa học lúc bấy giờ.
  • Năm 1975 Phân viện Khoa học Việt Nam được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Uyển chuyển vào đó công tác, tại đây anh cùng các đồng nghiệp khác đã xây dựng Viện Sinh học nhiệt đới trong đó các phòng thí nghiệm về nuôi cấy mô tế bào thức vật không những chỉ phát triển tại TP. Hồ Chí Minh, mà còn ở các địa phương khác, trong đó đáng kể nhất là tại Đà Lạt. Phát huy thuận lợi về khí hậu tại đây Nguyễn Văn Uyển đã thành công trong việc triển khai nhân giống in vitro cây khoai tây bằng những phòng thí nghiệm gia đình và sản xuất cây khoai tây giống trong bầu bằng kỹ thuật luống mạ khoai tây. Thành công này được ghi nhận trong hội thảo quốc tế "Adapted Propagation Techniques for Commercial Crops of the Tropics", Đà Lạt (1992). Viện Khoa học Việt Nam yêu cầu đơn vị ngoài Bắc tiến hành tìm địa điểm và triển khai kỹ thuật nhân giống khoai tây cấy mô cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Công việc do Lê Trần Bình vừa tốt nghiệp phó tiến sỹ từ Đức trở về chủ trì. Cũng nhờ cơ duyên này mà Trạm xá của Thị trấn Tam Đảo trở thành Trạm NC Khoai tây của Viện Sinh vật học từ đó đến tận bây giờ.
  • Vào thời điểm này tổ nuôi cấy mô đã có thêm những lực lượng mới tốt nghiệp, từ nước ngoài như Đỗ Năng Vịnh, Nguyễn Đức Thành, từ trong nước như Nghiêm Như Vân cho phép hình thành những nhóm khác nhau: Nhóm của Lê Thị Muội, sau khi đi thực tập ngắn hạn về nuôi cấy protoplast ở phòng thí nghiệm của Viện sỹ thông tấn Viện HLKH Liên xô GS. Butenko, Viện Sinh lý thực vật đã cùng Nguyễn Đức Thành triển khai nội dung nghiên cứu di truyền lục lạp về sau phát triển thành Phòng Di truyền tế bào thực vật của Viện Công nghệ sinh học.
  • Giai đoạn những năm 80 cũng là giai đoạn thế hệ cán bộ nghiên cứu thứ hai như Trần Thanh Thu, Hoàng Kim Oanh, Từ Duy Thắng, Đinh Thị Phòng về công tác tại phòng. Năm 1987 khi chị Lê Thị Muội bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học từ Liên Xô trở về Phòng thí nghiệm Nuôi cấy mô tế bào thức vật mới chính thức được thành lập, mở ra một trang mới cho sự phát triển đến ngày nay. Năm 1993 chị Lê Thị Muội trở thành Viện Trưởng và Lê Trần Bình đảm nhận vị trí Phó viện trưởng Viện CNSH và phòng CNTBTV được chính thức thành lập. Năm 1998 anh Lê Trần Bình nhận chức vụ Viện Trưởng Viện CNSH. Từ giai đoạn này bên cạnh các hướng nghiên cứu công nghệ tế bào truyền thống, phòng CNTBTV phát triển thêm các lĩnh vực nghiên cứu mới theo hướng sinh học phân tử như ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn giống, nghiên cứu tạo cây trồng chuyển gen...
  • Thế hệ cán bộ thứ 3 của phòng mà đầu tiên là Chu Hoàng Hà, Lê Xuân Đắc, Lê Văn Sơn (1992-1993) và sau đó là Lâm Đại Nhân (1997), Nguyễn Trung Nam (1998), Phạm Bích Ngọc, Nguyễn Phương Thảo (1999), Lê Quỳnh Liên, Nguyễn Hữu Cường (2000), Trần Mỹ Linh (2001) lần lượt được nhận về làm việc tại phòng. Cũng trong thời gian này vào năm 1993, trong quá trình tổ chức lại và thành lập viện CNSH, phòng Di truyền thuộc viện Sinh vật học trước đó được sát nhập với phòng CNTBTV và một số cán bộ phòng Di truyền cũ trong đó có Đào Việt Bắc, Bùi Chi Lăng, Nguyễn Tường Vân ra nhập phòng CNTBTV. Đây cũng là giai đoạn mà một số lượng lớn các cán bộ của phòng được gửi đi học tập và nghiên cứu tại nước ngoài. Đặc biệt qua chương trình hợp tác đào tạo với CHLB Đức (DE) giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học và Trường Đại học tổng hợp Greifswald, Đức, do Lê Trần Bình làm đại diện cho phía Việt Nam, một thế hệ các cán bộ trẻ đã có điều kiện được đào tạo tại các phòng thí nghiệm nổi tiếng của CHLB Đức.
  • Năm 2004, Chu Hoàng Hà sau khi hoàn thành tiến sĩ và postdoc tại CHLB Đức trở về làm việc và sau đó năm 2005 đảm nhận vị trí Phó phòng đã tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu sinh học phân tử và công nghệ gen. Lần lượt trong những năm sau: 2006: Lê Văn Sơn, Nguyễn Trung Nam, 2007: Lê Quỳnh Liên, Nguyễn Hữu Cường, 2008: Nguyễn Phương Thảo, Trần Mỹ Linh, Nguyễn Tường Vân; 2009: Phạm Bích Ngọc, Lâm Đại Nhân nhận học vị tiến sĩ tại nước ngoài trở về công tác tại phòng. Giai đoạn này, phòng CNTBTV đã phát triển sang thế hệ cán bộ nghiên cứu thứ tư với nhiều cán bộ được trang bị kiến thức tốt, hăng say làm việc và sẽ là nguồn nhân lực đảm bảo sự phát triển không ngừng của Phòng...
  • Năm 2009-2013 là giai đoạn có nhiều thay đổi ở Phòng, năm 2010 Chu Hoàng Hà đảm nhận vị trí Trưởng phòng, năm 2012 nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen. Lê Văn Sơn nhận chức vụ Phó trưởng Phòng năm 2011 và sau đó đến năm 2012 TS. Lê Văn Sơn và một số cán bộ trong Phòng được điều chuyển công tác tại phòng Công nghệ ADN ứng dụng (khi nhóm cán bộ Phòng Công nghệ ADN ứng dụng cũ tham gia xây dựng đơn vị nghiên cứu mới là Viện Nghiên cứu Hệ gen). Năm 2013, Phạm Bích Ngọc được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng.
  • Năm 2013-2018: Đây cũng là giai đoạn có nhiều sự biến chuyển của phòng cả về nhân sự lẫn hướng nghiên cứu khoa học. Năm 2014 Chu Hoàng Hà được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, TS. Nguyễn Trung Nam được điều chuyển công tác tới phòng công nghệ ADN ứng dụng và giữ chức Phó trưởng phòng đến 2017 lên giữ chức Trưởng phòng. Trong giai đoạn này hầu hết các cán bộ nghiên cứu của phòng đều được nâng cao trình độ bằng cách đi làm post-doc hoặc học NCS. ở nước ngoài (Đỗ Tiến Phát ở Mỹ, Lê Thị Thanh ở Anh, Nguyễn Văn Đoài, Hoàng Đăng Hiếu và Nguyễn Khắc Hưng ở Hàn Quốc), hoặc theo học NCS. tại học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (NCS. Phạm Thị Vân, NCS. Lê Thu Ngọc, NCS. Trần Thu Trang). Tất cả các cán bộ khoa học trẻ khác của phòng cũng lần lượt theo học và bảo vệ thành công ThS. Công nghệ sinh học tại trường ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật và Học viện KH&CN VN. Đây chính là thế hệ cán bộ nghiên cứu thứ năm của phòng, là nguồn nhân lực chính để thực hiện các đề tài nghiên cứu của phòng. Trong những năm này phòng CNTBTV cũng mở thêm các hướng nghiên cứu mới và hiện đại về vacccine thực vật, tương tác vi sinh vật- thực vật thông qua kỹ thuật metagenomic, kỹ thuật chỉnh sửa hệ gen-genome editing ... cũng như hợp tác trao đổi khoa học với nhiều nước tiên tiến trên thế giới như CHLB Đức, Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thái Lan...
  • Hiện nay, cùng với việc phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, phòng CNTBTV đang tiếp tục kế thừa và duy trì những hướng nghiên cứu trước đây và đồng thời mở rộng định hướng phát triển và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa hệ gen CRISPR/Cas trong nghiên cứu cơ bản và cải tạo giống cây trồng. Cho đến thời điểm hiện tại (08/2023), Phòng CNTBTV có 18 cán bộ (biên chế:6, hợp đồng: 12) gồm 1 GS. TS., 2 TS., 6 NCS., 4 thạc sĩ, 4 cử nhân, 1 KTV.

Lãnh đạo qua các thời kỳ

1993 – 1998 Trưởng phòng PGS.TS. Lê Thị Muội
1998 – 2010 Trưởng phòng GS.TS. Lê Trần Bình
2010 - 2022 Trưởng phòng GS.TS. Chu Hoàng Hà
2022 - nay Trưởng phòng TS. Đỗ Tiến Phát

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng

  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ tế bào và gen thực vật.
  • Triển khai và phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ theo hướng tế bào và gen thực vật trong sản xuất và đời sống.
  • Tham gia công tác đào tạo trong lĩnh vực công nghệ tế bào và gen thực vật.

Đào tạo

Đã đào tạo: 13 Tiến sĩ, 52 Thạc sĩ, 112 Cử nhân. Hiện có 9 NCS; 6 Học viên cao học và 10 Cử nhân đang thực hiện Luận án, Luận văn, Khóa luận tại phòng.Trong giai đoạn này đã gửi 12 lượt cán bộ đi thực tập dài hạn, đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài, cho đến nay đã có 2 cán bộ của phòng trở về phòng làm việc. Ngoài ra, phòng CNTBTV cũng đã gửi hàng chục lượt cán bộ đi thực tập ngắn và trung hạn.Các cán bộ của phòng CNTBTV tham gia giảng dạy đại học và sau đại học tại nhiều cơ sở đào tạo: Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, Cơ sở đào tạo Cao học Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Học viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Hợp tác

Hợp tác quốc tế

  • Tham gia Nghị định thư Việt – Thái
  • Tham gia Nghị định thư Việt – Đức
  • Đào tạo và trao đổi ngắn hạn tại Viện Hàn lâm Nông nghiệp Trung Quốc (Chinese Academy of Agricultural Science) ở Bắc Kinh, năm 2019
  • Tham dự Hội nghị về hệ gen và chỉnh sửa gen thực vật (Plant Genomics & Gene Editing) tại Malaysia, năm 2019
  • Tham gia Hội nghị Bộ gen chức năng ở lúa ISRFG 2022 tại Thái Lan
  • Tham gia trao đổi khoa học cùng trường Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh
  • Hợp tác với đại học Missouri, Hoa Kỳ trong nghiên cứu chỉnh sửa hệ gen đậu tương

Từ khóa » Công Nghệ Tế Bào Thực Vật ứng Dụng