Phòng Tránh Tác Hại Của Thuốc Lá điện Tử Trong Học đường

Nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử có nhiều thành phần độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh: medlatec.vn)

Khoảng 10 năm trở lại đây, để thu hút người dùng, ngành công nghiệp thuốc lá đã nghiên cứu và dần chuyển đổi từ sản xuất thuốc lá truyền thống sang sản xuất thuốc lá điện tử, shisha, thuốc lá nung nóng… với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới.

Rất nhiều quảng cáo được đưa ra gây hiểu lầm rằng thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là thuốc lá điện tử ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống, thậm chí có thể được sử dụng như một phương pháp giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, nó không những có tác hại như thuốc lá truyền thống mà còn có nguy cơ gây tác động xấu tới xã hội, môi trường như có thể gây cháy nổ, tai nạn cho người sử dụng do dụng cụ hút không bảo đảm an toàn, hoặc ngộ độc do sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.

Cấu tạo của thuốc lá điện tử gồm pin lithium, công tắc kích hoạt làm nóng tinh dầu, bộ vi xử lý, bình chứa tinh dầu, bộ phận đốt tinh dầu và cuối cùng là tẩu thuốc. Tuy nhiên, đó chỉ là thiết kế phần cứng. Phần quan trọng nhất của mỗi điếu thuốc lá điện tử là tinh dầu chứa các chất nicotine, propylene glycol, glycerine, các hương liệu vị bạc hà, anh đào, sôcôla, cà phê… Những chất này gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe người dùng. Các chất formaldehyde, benzene, nitrosamines hay acetaldehyde… đều là những chất gây ung thư trực tiếp khi xâm nhập cơ thể người.

Cũng như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử đưa một lượng nicotine (được hấp thu qua phổi vào máu) vào cơ thể. Ngoài việc là một loại thuốc gây nghiện cao, nicotine trở nên rất độc hại khi sử dụng với nồng độ cao. Trên thế giới đã có trường hợp tử vong khi chất lỏng nicotine trong thuốc lá điện tử hấp thu qua da. Nicotine ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, làm tăng huyết áp và nhịp tim. Lượng nicotine càng lớn thì huyết áp và nhịp tim càng cao. Điều này có thể gây loạn nhịp tim. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đặc biệt là khi dùng liều lượng lớn nicotine, loạn nhịp tim có thể gây suy tim và tử vong.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%. Vì suy nghĩ thiên lệch các bạn trẻ cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân, nhưng cũng có bạn vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có bạn tìm đến thuốc lá như một biện pháp giải bớt căng thẳng, hút dần thành quen và dẫn đến nghiện.

Trước thực trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học trên cả nước, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các đơn vị giáo dục tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với học sinh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.

Ngoài ra, để tiếp tục đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, các trường học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thực hiện nghiêm Điều 11, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định./.

Từ khóa » Tác Hại Của Thuốc Lá điện Tử Với Học Sinh