Phong Trào Bình Dân Học Vụ Qua Lời Kể Của Những Người Thầy Diệt ...
Có thể bạn quan tâm
O tròn như quả trứng gà / ô thì đội mũ, ơ là thêm râu.
Theo báo Lao Động, vào thời điểm năm 1945, 95% dân số Việt Nam mù chữ. Nhưng đến năm 2018, tỷ lệ này đã bị đảo ngược khi số người biết chữ của Việt Nam đã tăng lên 95% theo thống kê của World Bank. Sự thay đổi đáng kinh ngạc này dấy lên một câu hỏi: bằng cách nào mà một quốc gia không mấy ai biết chữ lại có thể tự dạy nhau học đọc, học viết?
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 9/1945. Sau nhiều thập kỷ đấu tranh chống thực dân Pháp và Phát xít Nhật, Mặt trận Việt Minh, còn gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, đã lật đổ thành công chính quyền thời bấy giờ. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuy nhiên, chính phủ lâm thời đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách, trong đó có 3 “kẻ thù" lớn: giặc ngoại xâm, giặc đói, và giặc dốt. Khi giặc ngoại xâm còn bủa vây, ruộng vườn thì tan hoang do bom mìn, Việt Nam lại càng nằm trong thế yếu với nạn mù chữ của người dân. Để chống lại “kẻ thù" thứ ba này, ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập Nha Bình dân học vụ (BDHV), một chiến dịch xóa nạn mù chữ với tuyên ngôn: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm một lớp bình dân học vụ. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học vấn không đơn thuần chỉ biết đọc, biết viết, mà chính là điều kiện thiết yếu để tạo nên sự thay đổi trong xã hội. Bác khẳng định rằng, dân trí cao sẽ thúc đẩy sự bình đẳng và tự do của quần chúng. Để vận động cho Nha BDHV, Bác chia sẻ trên báo Cứu Quốc:
Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức mình vào bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo.
Hồi ấy, Phạm Tấn Trình đọc được lời kêu gọi của Bác khi mới 18 tuổi. Quyết tâm tham gia “chống giặc", anh thanh niên tình nguyện làm giáo viên BDHV tại chính ngôi làng của mình. Giờ đây, ngồi lại trò chuyện với Urbanist, ông Trình chia sẻ: “Làng tôi nằm ở vùng sâu của Hải Dương, cách xa mọi đường quốc lộ liên tỉnh. Nhưng chúng tôi có một khu chợ ở giữa làng, nơi buôn bán các vật phẩm thiết yếu cho cả vùng.”
Bà con dừng lại ở một tấm bảng đặt giữa chợ để tập đọc. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Để tới được khu chợ phải đi qua con đường nhỏ kẹp giữa một bức tường lớn và một con kênh. Địa điểm này được cho là chỗ dạy học lý tưởng. “Có lần, chúng tôi đã dùng thang để vẽ đủ 23 chữ cái lớn lên bức tường, ai đi ngang qua cũng sẽ nhìn thấy rõ. Vào những ngày họp chợ, chúng tôi thay phiên nhau đứng đầu đường để ‘kiểm tra' bà con. Những ai thuộc chữ sẽ được đi trên con đường này, còn ai không thuộc sẽ phải lội qua kênh,” ông Trình kể lại.
Vào những ngày chợ Tết, mọi người thường cùng nhau gieo những câu vần:
i, t (tờ), có móc cả hai.i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang;e, ê, l (lờ) cũng một loài.ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn;o tròn như quả trứng gà.ô thì đội mũ, ơ là thêm râuo, a hai chữ khác nhauvì a có cái móc câu bên mình.
“Người dân làng tôi cứ như vậy mà động viên nhau học, cho dù những ký ức về nạn đói khủng khiếp giết chết bao nhiêu đồng bào vẫn còn in sâu trong tâm trí mọi người.”
Ông kể tinh thần BDHV của người dân làng rất cao. “Có những buổi chiều, đoàn thanh niên đánh trống diễu hành để cổ vũ người dân. Đến đêm, hàng nhóm người kéo đến đình làng để tham dự lớp học. Đối với chúng tôi, chiến thắng giặc dốt là cũng là ghi công cho tổ quốc trong cuộc cách mạng này. Do đó, ai cũng yêu công việc của mình. Chỉ trong vòng vài tháng, hầu hết dân làng đều thuộc bảng chữ cái và háo hức học thêm.”
Lưu Công Nhân, Bình Dân Học Vụ, 1955, tranh sơn dầu. Ảnh: Tia Sáng.
Thành công của Nha BDHV là nhờ sự hưởng ứng của toàn dân. Chỉ sau một năm phát động phong trào, cả nước đã có gần 75 nghìn lớp học bình dân, giúp hơn 2,5 triệu người đã thoát nạn mù chữ. Tại xã Hồng Châu, tỉnh Thái Bình, người dân vẽ chữ khắp ngọn cây, bờ rào, lưng trâu, cả ngôi làng biến thành “một lớp học khổng lồ”. Khi những người nông dân làm ruộng, họ cắm những tấm bảng có viết chữ cái xuống đất để vừa làm vừa học. Người dân gọi nôm na là “học cắm chữ."
Tháng 12/1946, Việt Nam bước vào Kháng chiến chống Pháp mà quốc tế gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Tại thời điểm này, phong trào BDHV đã khoác lên mình một sắc màu mới. Sách chính tả Quốc Ngữ đổi tên thành Quốc Ngữ Kháng Chiến. Những từ ngữ, hình ảnh thời chiến như “bom ba càng” và “cảm tử quân" được thêm vào giáo trình. Việc học trở thành một phần của hoạt động chính trị, với những khẩu hiệu như “đi học là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước” và “mỗi lớp học là một tổ tuyên truyền kháng chiến”.
Giữa cuộc chiến đang mỗi ngày một khốc liệt hơn, ông Nguyễn Trung Thiếp, khi đó là một cậu bé 15 tuổi, quyết tâm góp sức mình vì tổ quốc. Khi Tiểu đoàn 198 dừng chân gần Nghệ An, ông Thiếp tình nguyện làm liên lạc viên nhưng bị từ chối.
“Tôi đã rất buồn vì không thể ra tiền tuyến,” ông hồi tưởng. “May mắn thay, tôi đã gặp được thầy Vương Kiêm Toàn, khi đó là Tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ. Thầy đã nói với tôi rằng: 'Nếu cháu không thể đánh bại giặc trên tiền tuyến, thì cháu hãy đánh bại ‘giặc dốt' tại nhà.'"
Vậy là ông Thiếp bắt đầu tham gia phong trào: “Khi mới bắt đầu tình nguyện tại BDHV, tôi vẫn đang là học sinh. Nhờ có sự hỗ trợ của các giáo viên lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn, tôi mới có thể hoàn thành phần việc của mình. Sau một thời gian, tôi đã học hỏi và trưởng thành lên rất nhiều. Dần dần, tôi đã trở thành một giáo viên có năng lực.”
Học đọc học viết đã trở thành một phong trào toàn dân. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Để giúp bà con bắt bài tốt hơn, thầy giáo Thiếp ngày ấy luôn cố gắng liên hệ kiến thức với những điều bình dị trong cuộc sống. “Một hôm, tôi nhìn thấy một con ngao bên đường, vỏ nó mở na ná hình chữ 'x,' Tôi chợt có ý tưởng rằng mình sẽ dùng những hình ảnh như vậy cho bài giảng thêm thú vị. Khi dạy chữ ‘s,' tôi hỏi cả lớp ‘chữ cái này nhìn giống cái gì nào?’ Có người nói ‘giống cái lá trầu bị bẻ đôi'. Một người khác thì bảo ‘giống như con ếch đang ngồi xổm!’ Thế là cả lớp cười phá lên. Như vậy không những khiến lớp học vui hơn, mà còn giúp bà con thuộc bài hơn.”
Không chỉ đơn thuần thực hiện công việc giảng dạy, thầy giáo Thiếp còn rất quan tâm đến bà con trong lớp của mình: “Vào những năm 1954-1955, làng tôi phải hứng chịu một trận lụt lớn. Chúng tôi mất hết vụ mùa, nạn đói hoành hành khắp vùng. Trong thời buổi khó khăn đó, tôi vẫn cố gắng đứng lớp, nhưng không phải ai cũng có khả năng đi học như trước nữa. Một lần, tôi ngất xỉu vì đói khi đang dạy, bà con vội vàng tìm gạo nấu cháo cho tôi hồi sức. Tình thương của họ đã làm tôi cảm động vô cùng. Tôi cũng cố gắng tìm mọi cách để giúp họ, nếu không thì lớp học sẽ không thể tiếp tục được. Tôi nhờ một số tổ chức tài trợ bút và giấy. Ngoài ra, chúng tôi cùng nhau bắt cua về bán; tất cả số tiềm gom góp được sẽ sung vào quỹ để giúp đỡ những hộ khó khăn nhất của lớp. Hoạt động này đã được đón nhận rất tích cực nên các lớp khác cũng đã học theo chúng tôi."
Nhờ những "anh hùng" như thầy Thiếp và thầy Trình, Nha BDHV mới có thể thành công đến vậy, không chỉ trong một mà là hai cuộc chiến tranh. Sau kháng chiến chống Pháp, 93,4% người dân trong độ tuổi 12-50 tại miền Bắc biết chữ. Và một vài năm sau kháng chiến chống Mỹ, 94% người lao động tại miền Nam biết đọc và viết. Tại thời điểm này, nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố đã xoá xong nạn mù chữ.
Bà con nông dân học chữ bằng cách viết lên đất trong những giờ phút nghỉ giải lao. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Năm 1975, tại Hội Thảo Quốc Tế Xóa Mù Chữ được tổ chức ở Persepolis, Iran, phong trào BDHV của Việt Nam được tuyên dương là một bài học thành công của việc phổ cập giáo dục. Phân tích nguyên nhân của thắng lợi này, giáo sư Lê Thành Khôi viết:
Yếu tố chính trị (việc đấu tranh giành độc lập, đấu tranh giải phóng dân tộc), là động lực lớn nhất để toàn dân hy sinh và nỗ lực để chiến thắng giặc dốt. Nhưng đơn thuần là yếu tố chính trị thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất là khiến người dân nhận thức rằng cuộc đấu tranh với giặc dốt là cuộc đấu tranh của chính họ; và trách nhiệm nâng cao học thức chính là trách nhiệm của bản thân họ. Nói cách khác, chúng ta đang không chỉ hướng tới lợi ích cho toàn xã hội nói chung, thay vào đó là lợi ích cho từng cá nhân khi họ có khả năng tự chủ, tìm kiếm cơ hội, nguồn lực bởi chính sự hiểu biết của mình.
Từ khóa » Câu Thơ Trong Lớp Bình Dân Học Vụ
-
Tục Ngữ Về "bình Dân Học Vụ" - Ca Dao Mẹ
-
Vè Bình Dân Học Vụ | Ca Dao Mẹ
-
Nhớ Phong Trào Bình Dân Học Vụ Những Năm Kháng Chiến
-
Khuyến Học Bình Dân Học Vụ (Nguyễn Phúc Ưng Bình - 阮福膺苹)
-
Bình Dân Học Vụ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phong Trào Bình Dân Học Vụ 75 Năm Trước
-
“Bình Dân Học Vụ” - Kỳ Tích Của Ngành Giáo Dục Việt Nam
-
Ký ức Diệt Giặc Dốt Năm Xưa - BaoHaiDuong
-
Bình Dân Học Vụ, Bài Học Làm Cách Mạng Giáo Dục Hiệu Quả Mà ...
-
Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Phong Trào Bình Dân Học Vụ
-
Phong Trào Diệt Giặc Dốt 70 Năm Trước - Sgddt-.vn
-
Phong Trào Bình Dân Học Vụ 75 Năm Trước - VnExpress
-
Hồn ái Quốc đẫm Trong Từng Con Chữ - Tuổi Trẻ Online