Phụ Nữ Mất Bao Nhiêu Máu Trong Ngày đèn đỏ? - Suckhoe123
Có thể bạn quan tâm
Nội dung chính của bài viết:
- Một phụ nữ mất đi trung bình từ 30 đến 40ml máu mỗi khi đến tháng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng máu thực tế bị mất trong suốt thời gian có kinh nguyệt có thể lên đến gần 60ml.
- Có nhiều cách để đo lượng máu kinh nguyệt của mình, đó là: dùng cốc nguyệt san hoặc tampon, băng vệ sinh; dùng cách tính lượng máu thực tế.
- Theo một số tiêu chuẩn, kinh nguyệt được cho là ra nhiều khi bị mất từ 60 - 80ml máu trở lên.
- Nếu tháng nào đến kỳ kinh cũng bị ra nhiều máu thì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc tác dụng phụ của một loại thuốc đang dùng.
- Khi thường xuyên bị kinh nguyệt ra nhiều thì bạn có thể khắc phục bằng cách: Uống ibuprofen, chườm ấm, uống nhiều nước, ăn thực phẩm nhiều chất sắt.
- Nếu bạn gặp phải các triệu chứng mới hoặc nhận thấy rằng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài bất thường thì cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có biện pháp điều trị phù hợp.
Lượng máu kinh trung bình
Một phụ nữ mất đi trung bình từ 30 đến 40ml máu mỗi khi đến tháng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng máu thực tế bị mất trong suốt thời gian có kinh nguyệt có thể lên đến gần 60ml. Tùy từng người mà lượng máu này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn.
Khoảng thời gian ra máu ở mỗi phụ nữ cũng là khác nhau, vì vậy một số người sẽ bị mất nhiều máu hơn trong khi có những người chỉ bị mất một lượng máu nhỏ. Nếu lượng máu không quá nhiều, không quá ít và không bị các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng, buồn nôn hay nhức mỏi lưng và lượng máu của mỗi lần có kinh nguyệt đều tương đương nhau thì đó là điều bình thường, không có gì đáng lo ngại.
Nếu bạn muốn biết mức độ ra máu vào ngày đèn đỏ của mình rơi vào khoảng nào thì có thể đọc tiếp bài viết dưới đây. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách xác định lượng máu kinh nguyệt hàng tháng, để bạn có thế biết được đến tháng mất bao nhiêu máu và các triệu chứng cần theo dõi và khi nào cần đi khám bác sĩ.
Cách đo lượng máu
Trên thực tế, vào mỗi lần có kinh nguyệt thì cơ thể không chỉ mất máu. Chất dịch lỏng chảy ra khi hành kinh là hỗn hợp của chất nhầy, mô niêm mạc tử cung và máu. Do đó, lượng máu mà bạn mất đi không nhiều như bạn thấy. Và cũng chính vì vậy nên rất khó đo chính xác lượng máu trong ngày đèn đỏ.
Tuy nhiên, điều này không phải là không thể. Các sản phẩm vệ sinh mà bạn sử dụng như băng vệ sinh hay cốc nguyệt san sẽ giúp ước tính tương đối mức độ ra máu. Và nếu bạn muốn biết chính xác lượng máu mất đi thì sẽ cần áp dụng công thức tính toán một chút.
Nếu sử dụng cốc nguyệt san
Một trong những cách đơn giản nhất để đo lượng dịch chảy ra trong kỳ kinh là dùng cốc nguyệt san – một dụng cụ được làm bằng silicone và có hình nón, được đưa vào trong âm đạo khi đến kỳ để đựng máu. Với dụng cụ này thì dịch sẽ không bị thấm vào bông như tampon hay băng vệ sinh nên sẽ dễ đo hơn. Một số loại cốc nguyệt san còn có vạch đánh dấu thể tích để người dùng dễ xác định.
Tùy thuộc vào từng hãng và loại mà cốc nguyệt san có thể chứa được từ 30 đến 60ml dịch lỏng mỗi lần. Nếu cốc không có vạch chia thể tích thì bạn có thể tham khảo trang web của nhà sản xuất để tìm hiểu thêm.
Khi lấy cốc ra để đổ dịch kinh nguyệt thì hãy xem cốc đang chứa bao nhiêu dịch (nếu không chia vạch và cốc chưa đầy thì có thể áng chừng) và ghi lại vào một quyển sổ tay hoặc điện thoại. Sau đó đổ hết lượng dịch trong cốc ra, rửa sạch và đưa lại vào bên trong cơ thể.
Tiếp tục ghi mức thể tích dịch có trong cốc nguyệt san vào mỗi lần tháo cốc và sau đó cộng tổng lại vào cuối kỳ kinh. Thực hiện như vậy đều đặn trong 3 đến 4 kỳ kinh tiếp theo. Điều này sẽ giúp bạn xác định được lượng máu trung bình mất đi mỗi ngày và mỗi tuần.
Bạn có thể sẽ nhận thấy rằng lượng máu mất đi trong toàn bộ thời gian có kinh là trên 60ml. Đó là bởi vì dịch kinh nguyệt còn có chứa mô niêm mạc tử cung, chất nhầy chứ không chỉ có mỗi máu.
Nếu sử dụng tampon hoặc băng vệ sinh
Nếu sử dụng tampon hoặc băng vệ sinh thì việc xác định lượng máu sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn có thể thực hiện được.
Đầu tiên, hãy xem khả năng thấm hút của sản phẩm là bao nhiêu. Ví dụ, tampon thông thường có thể thấm 5ml chất lỏng còn những sản phẩm siêu thấm hút thì có thể giữ được lượng chất lỏng gấp đôi.
Nếu như lượng dịch kinh nguyệt mỗi tháng là khoảng 60ml thì sẽ phải dùng từ 6 đến 12 chiếc tampon, tùy thuộc vào kích thước sử dụng. Nếu như dịch kinh nguyệt mỗi tháng chỉ bằng một nửa mức này thì tất nhiên sẽ chỉ phải sử dụng ít tampon hơn.
Bạn có thể ghi lại vào sổ hoặc điện thoại để theo dõi lượng máu mất đi hàng tháng. Cần lưu ý:
- bạn đang sử dụng sản phẩm nào và có kích thước bao nhiêu
- bao lâu thì phải thay một lần
- băng vệ sinh/tampon có bị nhuộm kín khi thay không
Ghi lại những thông tin này trong 3 đến 4 kỳ kinh tiếp theo để có thể ước tính lượng máu mất đi hàng tháng.
Lưu ý, nên thay băng vệ sinh hoặc tampon thường xuyên. Việc để quá lâu sẽ khiến cho tampon hoặc băng vệ sinh bị tràn và dẫn đến các vấn đề không mong muốn khác. Nguyên tắc chung là thay băng vệ sinh, tampom hoặc quần nguyệt san cứ sau 4 tiếng một lần hoặc sớm hơn nếu kinh nguyệt ra nhiều.
Cách tính lượng máu thực tế
Như đã nói ở trên, dịch kinh nguyệt không chỉ có máu.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dịch kinh nguyệt có chứa 36% là máu và 64% là các thành phần khác như:
- mô
- niêm mạc tử cung
- chất nhầy
- cục máu đông
Như vậy, bạn có thể nhân tổng thể tích dịch kinh nguyệt đo được với 0.36 hay 36% để xác định lượng máu thực tế bị mất. Sau đó lấy tổng thể tích trừ đi con số này là sẽ ra thể tích các thành phần khác.
Ví dụ, nếu lượng dịch kinh nguyệt là 120ml thì lấy 120 nhân với 0.36 thì sẽ ra lượng máu mất đi là 43.2ml. Đây là mức cũng nằm trong khoảng bình thường (từ 30 đến 60ml).
Khi lấy 120 trừ đi 43.2 thì sẽ ra 76.8ml. Đây là lượng các thành phần khác trong dịch kinh nguyệt.
Thế nào được coi là kinh nguyệt ra nhiều?
Theo một số tiêu chuẩn, kinh nguyệt được cho là ra nhiều khi bị mất từ 60 - 80ml máu trở lên.
Kinh nguyệt ra nhiều không phải lúc nào cũng là điều đáng lo ngại. Đa số những trường hợp kinh nguyệt ra nhiều đều không cần điều trị trừ khi tình trạng này can thiệp vào cuộc sống hàng ngày, gây ra những vấn đề về sức khỏe như thiếu máu hoặc có đi kèm với các triệu chứng khác.
Nên đi khám bác sĩ nếu như:
- cứ mỗi giờ lại phải thay băng vệ sinh, tampon hoặc phải đổ cốc nguyệt san một lần trở lên và tiếp diễn trong nhiều giờ đồng hồ liên tục
- cần phải sử dụng biện pháp bảo vệ kép, chẳng hạn như phải dùng cả tampon hoặc cốc nguyệt san và băng vệ sinh để không bị rò rỉ
- ra máu trong thời gian quá 7 ngày
- máu kinh có lẫn các cục máu đông lớn
- phải dừng các hoạt động hàng ngày do hành kinh
- bị mệt mỏi, khó thở hoặc các dấu hiệu thiếu máu khác
Nguyên nhân gây kinh nguyệt ra nhiều
Nếu tháng nào đến kỳ kinh cũng bị ra nhiều máu thì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc tác dụng phụ của một loại thuốc đang dùng. Nếu là do những nguyên nhân này thì còn sẽ gặp các triệu chứng khác ngoài ra nhiều máu.
Vòng tránh thai nội tiết
Vòng tránh thai nội tiết là một biện pháp tránh thai được đưa vào bên trong tử cung. Trong thời gian đặt vòng tránh thai phụ nữ có thể sẽ bị hiện tượng ra nhiều máu kinh, đau bụng và đau lưng trong vài ngày đầu sau khi đặt. Kinh nguyệt hàng tháng thường sẽ nhiều hơn, kéo dài hơn hoặc diễn ra không đều trong 6 tháng đầu.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh nội tiết phổ biến ở phụ nữ. Bệnh này ảnh hưởng đến chức năng bình thường của buồng trứng và gây ra nhiều vấn đề như tăng cân, kinh nguyệt không đều, da dầu, mụn trứng cá và mọc lông không mong muốn ở trên mặt, ngực, cánh tay, lưng và bụng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô thường hình thành ở bề mặt bên trong tử cung lại bắt đầu phát triển ở bên ngoài tử cung. Điều này sẽ gây hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, đau vùng chậu, đau bụng, đau khi quan hệ tình dục, tiêu chảy, táo bón cùng nhiều triệu chứng khác.
Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng xảy ra trong tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Bệnh này có thể gây chảy máu bất thường trong hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt, đau bụng dữ dội, đau vùng chậu, đau khi đến kỳ và đau buốt khi đi tiểu.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là những khối u lành (không phải ung thư) hình thành trong các cơ của tử cung. Các khối u này gây ra các triệu chứng như đau ở thắt lưng, bụng dưới và cùng chậu, đi tiểu thường xuyên, tiểu không hết và táo bón.
Polyp
Giống như u xơ, polyp cũng là những khối u lành hình thành do sự tăng trưởng bất thường của mô trong niêm mạc tử cung hoặc cổ tử cung. Chúng ngăn cản cơ tử cung co bóp, do đókhiến cho niêm mạc tử cung không thể bong ra một cách bình thường. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian có kinh ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường, các bất thường khác trong chu kỳ kinh nguyệt và khó thụ thai.
Bệnh cơ tuyến tử cung
Ở những người bị bệnh cơ tuyến tử cung, mô tử cung phát triển vào lớp cơ trong thành tử cung và không thể bong ra để tạo hiện tượng ra máu hành kinh như bình thường. Ngoài kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài, bệnh cơ tuyến tử cung còn có những biểu hiện khác như máu kinh có lẫn nhiều cục máu đông lớn, đau vùng chậu và đau khi quan hệ tình dục.
Suy giáp
Suy giáp là tình trạng mà tuyến giáp hoạt động kém. Lúc này, tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone để điều chỉnh các chức năng của cơ thể. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như là các triệu chứng khác như tăng cân không rõ nguyên nhân, dễ bị lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ, táo bón, di chuyển chậm chạp, khô da và tê tay.
Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như chảy máu không cầm được khi có vết thương, chảy máu cam không rõ nguyên nhân và thường xuyên bị bầm tím.
Một số loại thuốc
Thuốc chống đông máu sẽ ngăn máu đông lại. Điều này dẫn đến tình trạng máu kinh ra nhiều. Bên cạnh đó, những người uống thuốc chống đông máu còn gặp hiện tượng dễ bầm tím, chảy máu lợi và phân có màu đen hoặc có lẫn máu. Ngoài thuốc chống đông máu, các loại thuốc hóa trị cũng thường gây ra vấn đề tương tự.
Các cách khắc phục
Khi thường xuyên bị kinh nguyệt ra nhiều thì bạn có thể thử 5 cách khắc phục dưới đây:
Theo dõi
Nếu bạn nghi ngờ mình bị ra máu nhiều hơn bình thường thì hãy theo dõi kinh nguyệt trong một vài tháng. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt trên điện thoại hoặc ghi vào sổ tay. Hãy ghi lại chính xác thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc kinh nguyệt, tần suất phải thay băng vệ sinh, tampon hoặc đổ cốc nguyệt san và các triệu chứng khác nếu có.
Uống ibuprofen
Ibuprofen (Advil, Motrin) có chứa một số thành phần có thể giúp giảm mức độ ra máu, đồng thời làm dịu các cơn đau do kinh nguyệt.
Chườm ấm
Có thể làm giảm phần nào tình trạng máu kinh ra nhiều bằng cách áp túi chườm, sử dụng bình đựng nước nóng hoặc ngâm trong bồn nước ấm. Những biện pháp này còn giúp làm dịu tình trạng co thắt tử cung gây nên các cơn đau bụng.
Uống nhiều nước
Dù kinh nguyệt ra nhiều hay ra ít thì bạn vẫn sẽ bị mất nước trong ngày đèn đỏ. Việc uống nhiều nước sẽ giúp làm giảm bớt và ngăn ngừa các triệu chứng như buồn nôn và chóng mặt.
Ăn thực phẩm giàu chất sắt
Mất máu nhiều sẽ dẫn đến thiếu sắt, khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chóng mặt và thiếu tập trung. Để khôi phục lượng sắt trong cơ thể và giảm bớt các triệu chứng trước cũng như là trong kỳ kinh thì cần bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như:
- Trứng
- Các loại động vật có vỏ như tôm, sò…
- Thịt đỏ như thịt bò
- Gan
- Cá
- Súp lơ xanh
- Đậu phụ
- Các loại quả hạch
- Các loại ngũ cốc
- Chocolate đen
Khi nào cần đi khám?
Kinh nguyệt có thể thay đổi theo từng tháng. Không có gì là lạ khi lượng máu tháng này nhiều và sang tháng sau lại ít đi. Đó là điều hoàn toàn bình thường.
Nhưng nếu bạn gặp phải các triệu chứng mới hoặc nhận thấy rằng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài bất thường thì cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có biện pháp điều trị phù hợp.
Từ khóa » đèn đỏ Ra Quá Nhiều
-
Kinh Nguyệt Ra Nhiều Có Nguy Hiểm Không? - Vinmec
-
Kinh Nguyệt Ra Nhiều Có Nguy Hiểm Không Và Hướng Xử Lý - Medlatec
-
KINH NGUYỆT RA NHIỀU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
-
Kinh Nguyệt Ra Nhiều Có Sao Không? Phải Làm Gì?
-
[GIẢI ĐÁP] Kinh Nguyệt Ra Nhiều Có Nguy Hiểm Không?
-
Kinh Nguyệt Ra Nhiều Cục Máu đông Là Bị Làm Sao?
-
Những Biểu Hiện Kinh Nguyệt Bất Thường Không Nên Bỏ Qua - Ferrovit
-
Dấu Hiệu Nhận Biết Vô Sinh Từ Kinh Nguyệt Bất Thường
-
Máu Kinh Vón Cục: Nguy Hiểm Hay Bình Thường? - Hello Bacsi
-
Bạn Có Hiểu Về Lượng Kinh Nguyệt? - Diana
-
Những điều Cần Biết Về Rối Loạn Kinh Nguyệt | Columbia Asia Hospital
-
Kinh Nguyệt Ra Nhiều Máu đỏ Tươi | TCI Hospital - Bệnh Viện Thu Cúc
-
Kinh Nguyệt Nhiều Hay ít đều Có Hại
-
Chú ý Chảy Máu Ngoài “ngày đèn đỏ” - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Chảy Máu Tử Cung Bất Thường Do Rối Loạn Chức Năng Phóng Noãn ...
-
Kinh Nguyệt Ra ít Do đâu? - Bệnh Viện Phụ Sản Hải Phòng
-
Những điều Mẹ Cần Biết Kinh Nguyệt Sau Khi Sinh