Phú Quốc - Thành Phố Của Những Giấc Mơ - TTXVN

Phú Quốc - thành phố của những giấc mơ 08/02/2022 Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một hòn đảo nằm ngoài khơi được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp thành phố với đầy đủ cơ sở pháp lí, diện mạo, tầm vóc và vị thế của nó. Việc đưa Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước không chỉ là bước ngoặt lớn tạo tiền đề sớm đưa hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” này trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh-quốc phòng ở các vùng biển đảo.
Từ thiên đường trên biển...

Thành phố Phú Quốc diện tích 589,23 km2, gần bằng đảo quốc Singapore, nằm ở vị trí giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang); vịnh Thái Lan và Campuchia. Trong vùng biển Phú Quốc, ngoài đảo chính còn có 22 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau như: hòn Thơm, hòn Dăm, hòn Xưởng, hòn Móng Tay, hòn Mây Rút… tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình. Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc có 2 phường, 7 xã, quy mô dân số 179.480 người.

Từ trên máy bay, qua ô cửa nhỏ, Phú Quốc hiện ra trông như một cánh buồm xanh căng gió giữa biển khơi. Thậm chí vị khách ngồi cạnh tôi, một người đàn ông đứng tuổi có dáng vẻ từng trải còn so sánh khá thú vị rằng đảo Phú Quốc có hình dáng trông như lục địa Nam Mỹ thu nhỏ. Câu chuyện về hòn đảo ngọc từ đó trở nên rôm rả cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường Phú Quốc, một phi trường quốc tế nhỏ xinh ngập tràn ánh nắng và lồng lộng gió đại dương.

Từ sân bay tôi đi taxi về khu nghỉ dưỡng Sea Star Resort, một khu resot nhỏ mang phong cách gia đình nằm ven biển ở phường Dương Đông, ngay trung tâm thành phố mới Phú Quốc. Xe chạy theo đường Trần Hưng Đạo, con lộ lớn dọc bờ biển phía Tây của đảo. Biển một bên, phố xá sầm uất một bên chạy dài đến hút tầm mắt khiến cho cái sự mường tượng ban đầu ở trong tôi về vẻ vắng lặng, nhỏ bé thường thấy của một hòn đảo nhanh chóng biến mất, thay vào đó là cái cảm giác phấn khích và có phần ngỡ ngàng.

Ca nô đưa du khách thăm quan hòn Mây Rút, đây là một trong những hòn đảo hoang sơ và đẹp nhất ở Phú Quốc. Ảnh Nguyễn Luân

Đi dọc suốt gần 50 cây số từ phía Nam đến phía Bắc đảo hầu như ở đâu cũng có những bãi tắm và cảnh biển hoang sơ tuyệt đẹp như: bãi Sao, bãi Dài, bãi Trường, bãi Gành Dầu, bãi Khem, bãi Thơm… Đó là chưa kể đến cái thú đi du thuyền phóng như bay trên mặt biển khám phá hàng chục hòn đảo hoang sơ nằm rải rác quanh đảo chính.

Cuộc sống ở Phú Quốc mang đậm nét văn hóa miền biển với những làng chài, cảng cá và những làng nghề truyền thống lâu đời như nghề làm ngọc trai, nước mắm, hồ tiêu... Hấp dẫn và cuốn hút du khách nhất có lẽ là ẩm thực với rất nhiều món ăn tươi ngon từ biển cả với giá cả phải chăng và được chế biến mang phong vị đặc trưng của người bản xứ.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Phú Quốc luôn được nhiều tờ báo lớn như Forbes, CNN và Telegraph ca

Phú Quốc cũng là hòn đảo sớm được khai phá từ thời các chúa Nguyễn (thế kỉ 18), cư dân sinh sống lâu đời nên nơi đây hiện vẫn còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử phản ánh đậm nét đời sống văn hóa của cư dân bản địa.

ngợi là điểm du lịch đáng ghé thăm. Năm 2020 vừa qua, Phú Quốc đứng thứ 7 trong Top 25 điểm đến mới nổi do trang tư vấn du lịch nổi tiếng nhất thế giới TripAdvisor công bố. Trước đó, vào năm 2019, chuyên trang du lịch kênh truyền hình CNN của Mỹ đã bình chọn Phú Quốc là 1 trong 19 điểm đến tốt nhất châu Á vì nơi đây có các bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Và cũng chính trang này đã bình chọn nơi đây là 1 trong 5 địa điểm du lịch đáng đến một lần trong đời ở châu Á - Thái Bình Dương vào mùa thu. Còn tác giả Venus Wong của tờ Telegraph (Anh) lại tỏ ra cực kì ấn tượng với khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên bãi Trường hoang sơ kiều diễm cùng món cua tươi ngon đến mức có thể "bò ra khỏi đĩa".

Phú Quốc nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp và là nơi tổ chức nhiều chương trình vui chơi, giải trí. Ảnh: Lê Minh, Tư liệu Sun GroupPhú Quốc nổi tiếng với những hàng dừa đẹp, vươn mình ra những bãi biển. Ảnh: Tất Sơn

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư du lịch bùng nổ ở Phú Quốc cũng đã đem đến cho hòn đảo ngọc này một bộ mặt đổi thay mới mẻ, hiện đại với nhiều tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế nhằm thu hút lượng lớn du khách hạng sang như: Vinpearl Land, Sun World Hon Thom Nature Park, Vinpearl Safari, Casino Phú Quốc, Cáp treo An Thới – Hòn Thơm…

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Phú Quốc liên tục tăng 20-30% mỗi năm. Riêng năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19, Phú Quốc đón gần 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 1 triệu lượt. Điều đó cho thấy tiềm năng du lịch của Phú Quốc rất lớn và cái đích để hòn đảo này thực sự trở thành “thiên đường” trên biển sẽ không xa.

Du khách trải nghiệm những khu vui chơi, tiện ích tại Phú Quốc. Ảnh: Tất Sơn, Lê Minh
Đến thành phố giữa đại dương

Để đảo ngọc Phú Quốc sớm trở thành một thiên đường du lịch sánh ngang với Phukhet, Bali ở khu vực hoặc xa hơn như Maldives, Hawaii, Venice… hay một trung tâm tài chính, dịch vụ hàng đầu thế giới như Hồng Kông, Ma Cao của Trung Quốc, hòn đảo xinh đẹp này cần phải được khoác lên mình chiếc áo mới thay cho chiếc áo cũ đã trở nên chật chội và cũ kĩ. Chính vì vậy, ngày 9/12/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, tạo bước ngoặt lớn chắp cánh cho hòn đảo rộng gần 600 cây số vuông, với dân số gần 180 nghìn người, có cơ hội lột xác không chỉ trở thành thiên đường du lịch mà còn sớm trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới.

Một góc Khu đô thị Sun Grand City An Thới thuộc khu vực phía Nam Phú Quốc. Ảnh: Tất Sơn

Phát biểu tại buổi lễ công bố thành lập thành phố Phú Quốc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, quy hoạch phát triển Phú Quốc phải có tầm nhìn dài hạn ít nhất từ 50 năm trở lên để đáp ứng nhu cầu phát triển của cả trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành một trung tâm du lịch, thương mại lớn của cả nước, khu vực và quốc tế với 4 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển. Trước mắt, cần sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá cho Phú Quốc như: mô hình chính quyền đô thị đặc thù biển đảo, cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự…

Những khu giải trí và nghỉ dưỡng tại đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh tư liệu Sun Group

Những năm gần đây, trước khi trở thành thành phố, nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch ở Phú Quốc thực sự đã bùng nổ. Điểm sáng đầu tiên phải kể đến dự án xây mới Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc ở vị trí trung tâm đảo với khả năng có thể đón được hầu hết các loại tàu bay lớn với tần suất lớn, nhiều đường bay thẳng từ các nước châu Á, châu Âu được thiết lập đưa khách du lịch đến thẳng Phú Quốc mà không cần trung chuyển qua bất kì sân bay nào khác. Đi cùng với đó, tuyến giao thông đường biển cũng được đầu tư xây dựng một cảng hành khách quốc tế có thể đón những chiếc du thuyền hàng đầu thế giới với sức chở 5.000 - 6.000 hành khách cập bến ghé thăm đảo.

Bước ngoặt tiếp theo là dự án kéo đường cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 57km để cấp điện lưới cho Phú Quốc. Có điện, con đường phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư của Phú Quốc thực sự bừng sáng. Nhiều khu đô thị ven biển hiện đại, sang trọng được xây mới mang màu sắc và cảm hứng lãng mạn của những thành phố nổi tiếng bên bờ Địa Trung Hải.

Việc Phú Quốc trở là Thành phố Đảo đầu tiên của cả nước với chính sách thu hút đầu tư nên có nhiều khu đô thị hiện đại được xây dựng. Ảnh: Tư liệu Sun GroupPhú Quốc nổi tiếng với đặc sản nước mắm thơm ngon có độ đạm cao. Ảnh: Tất Sơn Mỗi năm sân bay Quốc tế Phú Quốc đón hàng triệu du khách đến để du lịch và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ảnh Lê Minh

Đón đầu cơ hội, nhiều tập đoàn kinh tế như Vingroup, Sungroup, BIMgroup, CEOgroup, MIKgroup, Milltol… đã rót vốn đầu tư nhiều dự án lớn vào hòn đảo này. Tính đến nay Phú Quốc đã thu hút được 372 dự án với tổng vốn đăng kí đầu tư khoảng 16,5 tỉ USD. Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có hơn 30 dự án với số vốn trên 300 triệu USD. Vì thế, trên những vùng biển đẹp của Phú Quốc giờ đây đã xuất hiện nhiều trung tâm nghỉ dưỡng sang trọng của các thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế như Marriott, Intercontinental, Hyatt, Movenpick, Novotel...

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, hiện các nhà đầu tư đến với Phú Quốc đang được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi tốt nhất của Chính phủ cho phép. Thành phố tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh đề xuất với Trung ương về cơ chế, chính sách tốt hơn nữa, nhất là những chính sách về tiền thuê đất, sử dụng đất, nhập cảnh... để thu hút các nhà đầu tư vào Phú Quốc, sớm đưa Phú Quốc có tên trên bản đồ những thành phố đảo nổi tiếng thế giới./.

Theo Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, từ 31/01 tới 06/02 (tức 29 đến mùng 6 Tết Nhâm Dần), cảng này đón tổng cộng 368 chuyến bay. Riêng 2 ngày mùng 2-3, Phú Quốc có 60-62 chuyến bay. Mùng 5-6, số chuyến bay đến và đi được khai thác tại cảng hàng không này giảm xuống còn 55-56 (tăng gấp đôi ngày thường).Trong tuần thứ 2 của tháng 2/2022, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc duy trì hơn 40 chuyến bay mỗi ngày.

  • Bài: Thanh Hòa
  • Ảnh: Tất Sơn, Lê Minh, Nguyễn Luân và Tư liệu Sun Group

Từ khóa » Tổng Diện Tích Huyện đảo Phú Quốc