Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) - Chốn Thiêng

Lược sử

Theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII với một chiều dài lịch sử đáng kể. Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của trạng nguyên Phùng Khắc Khoancông chúa Liễu Hạnh – không những là một nhân vật trong truyền thuyết, mà còn là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt. Năm xưa bà là con gái của Ngọc Hoàng nhưng vì lỡ tay làm vỡ ly ngọc quý của cha nên bị đày xuống hạ giới. Dưới hạ giới, bà chu du, khám phá mọi miền đất nước, qua đảo Tây Hồ thì dừng lại, bà nhận ra đây là nơi địa linh với phong cảnh hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn thơ giữa thiên nhiên thơ mộng.

Trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan bèn ghé vào quán Tiên chúa. Cảm thấy có duyên và tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Công chúa Liễu Hạnh ở đây bao lâu truyền thuyết không thấy nói đến, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn thấy bà nữa. Phùng Khắc Khoan ngày đêm nhớ công chúa và để nguôi ngoai nỗi nhớ ấy, ông cho lập đền thờ người tri âm. Phủ Tây Hồ được sinh ra từ đó.

Thờ tự

Phủ Tây Hồ thờ Công chúa Liễu Hạnh. Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, bản chất chính là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của dân tộc Việt Nam ta.

Kiến trúc

Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa thánh mẫu), trong đó Phủ chính có quy mô lớn nhất. 

Từ ngoài cổng nhìn vào, du khách và quý phật tử khắp nơi sẽ bị ấn tượng với cánh cổng tam quan đồ sộ, nguy nga, được chạm trổ tinh xảo với hai tầng và ba lối vào, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích”. Tam quan phủ Tây Hồ được xây dựng quy mô và công phu mang đậm nét phong cách dân gian truyền thống người Việt xưa.  

Đi qua cổng Tam quan của phủ là khoảng sân rộng trải dài sát mặt hồ nước. Trong sân phía bên trái là lầu Cậu, bên phải là lầu Cô. Ngoài ra, Phủ còn có Điện Sơn Trang, phương đình, tiền tế, hậu cung.. 

Ở phủ nổi bật nhất là bức đại tự khắc dòng chữ “Thiên tiên trắc giáng” và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ”. Hai bức này đã thể hiện rõ và sâu sắc tấm lòng chân thành và kính trọng đối với công chúa Liễu Hạnh của trạng nguyên Phùng Khắc Khoan và nhân dân nơi đây.

Di vật

Ngày 13 tháng 2 năm 1996, Phủ Tây Hồ được Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử – Văn hóa.

Phủ Tây Hồ hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối…

Sự kiện – Lễ hội

Phủ Tây Hồ mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ Chúa Liễu Hạnh) và 13 tháng 8 âm lịch.

Lễ hội sẽ có các cuộc thi văn, hát chầu văn, đàn hát, được rất nhiều người dân địa phương và du khách nô nức tham gia trẩy hội.

Tham khảo

  1. Phủ Tây Hồ – huyền thoại linh thiêng tín ngưỡng thờ mẫu tam tứ phủ: https://kosmotayhoview.com/phu-tay-ho-huyen-thoai-linh-thieng-tin-nguong-tho-mau-tam-tu-phu.html 
  2. Phủ Tây Hồ và tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh: https://haufo.hanoi.gov.vn/van-hoa-du-lich/-/view_content/3894170-phu-tay-ho-va-tin-nguong-tho-mau-lieu-hanh.html 
  3. Hướng dẫn đi Phủ Tây Hồ cầu tài lộc cho cả năm may mắn: https://dulichtoday.vn/kham-pha-ha-noi/dia-diem-ha-noi/phu-tay-ho-ha-noi.html 
  4. Phủ Tây Hồ – chốn tâm linh, linh thiêng của người Hà Nội: https://senvanggroup.com/phu-tay-ho-chon-linh-thieng-tam-linh-cua-nguoi-ha-noi/
  5. Phủ Tây Hồ: https://www.vntrip.vn/cam-nang/phu-tay-ho-43151
  6. Đi Phủ Tây Hồ cầu may ra sao?: https://ximgo.com/tin-tuc/phu-tay-ho-ha-noi-1660 
Chấm điểm

Từ khóa » địa Chỉ Phủ Tây Hồ Hà Nội