Phục Hồi Chức Năng Cho Trẻ Bị Vẹo Cổ Bẩm Sinh - Benh Vien 108

08:20 AM 08/10/2019 Vẹo cổ bẩm sinh (Xơ hoá cơ ức đòn chũm) là tình trạng cơ ức đòn chũm bị xơ hoá một phần do tư thế bào thai hoặc tai biến khi sinh dẫn đến hạn chế tầm vận động của cột sống cổ.

Dấu hiệu sớm (ngay sau sinh đến 3 tháng tuổi): Khối xơ ở cơ ức đòn chũm, hạn chế tầm vận động cột sống cổ, đầu trẻ nghiêng sang bên có khối xơ, hạn chế nghiêng sang bên lành và xoay hai bên.

Dấu hiệu muộn (sau 3 tháng tuổi, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng kĩ thuật): Khối u ở cơ ức đòn chũm kích thước lớn, vẹo cổ, đầu trẻ nghiêng sang bên có khối u, hạn chế vận động cột sống cổ , các đốt sống cổ bị biến dạng, lác mắt, teo nửa mặt bên có khối u.

Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

– Can thiệp sớm ngay sau sinh hoặc ngay sau khi phát hiện thấy khối xơ.

– Hướng dẫn cho mẹ bệnh nhân tập tại nhà trong 3 tháng đầu

– Khám thường quy sau 1, 2, 3 tháng cho đến khi khỏi

– Điều trị tại khoa Phục hồi chức năng sau 3 tháng tuổi nếu kết quả kém

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

Mục tiêu: Làm mềm khối xơ, duy trì tầm vận động của cột sống cổ, ngăn ngừa biến dạng thứ phát xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ.

1. Vận động trị liệu:

Bài tập 1: Xoa bóp, day cơ ức đòn chũm.

+ Một tay KTV cố định khớp vai bên bệnh.

+ Tay kia: dùng 1 hoặc 2 ngón tay xoa day trên khối xơ tịnh tiến theo chiều kim đồng hồ.

+ Thời gian: Mỗi lần 5-10 phút, thực hiện 3-4 lần/ngày

Bài tập 2: Kéo giãn cơ ức đòn chũm

+ Một tay KTV cố định khớp vai bên bệnh.

+ Tay kia: đặt lên đầu trẻ bên bệnh, bàn tay tỳ nhẹ vào đầu trẻ và kéo xuống từ từ, nhẹ nhàng.

+ Thời gian: Giữ khoảng 15-30 giây, sau đó thả lỏng, làm lại như trên 2-4 lần, thực hiện 3-4 lần/ ngày.

Bài tập 3: Xoay đầu trẻ

+ Một tay KTV cố định khớp vai bên lành

+ Tay kia đặt lên đầu trẻ bên lành, bàn tay tỳ nhẹ vào đầu trẻ, từ từ xoay đầu trẻ đưa cằm về gần vai bên bệnh

+ Thời gian: Giữ khoảng 15-30 giây, sau đó thả lỏng, làm lại như trên 2-4 lần, thực hiện 3-4 lần/ngày

Bài tập 4: Đặt trẻ nằm nghiêng hai bên

+ Đặt nằm nghiêng hai bên bằng cách dùng gối dài kê ở phía sau lưng (qua vai, hông) để đảm bảo trẻ nằm nghiêng hoàn toàn (tránh nằm ngửa, nghiêng đầu).

+ Khi nằm nghiêng sang bên không có khối xơ thì không kê gối dưới đầu.

+ Khi nằm nghiêng sang bên có khối xơ thì kê gối tam giác dưới đầu.

+ Thay đổi tư thế nằm nghiêng sang từng bên (sau mỗi bữa ăn hoặc 2 giờ một lần).

Những điểm cần lưu ý khi thực hiện các kỹ thuật kể trên: Các bài tập trên được thực hiện cho đến khi trẻ khỏi hoàn toàn. Chỉ thực hiện khi khối u không có nóng, đỏ, đau. Kéo dãn nhẹ nhàng, từ từ, không kéo dãn tối đa đột ngột, ngay tức khắc. Không thực hiện kỹ thuật khi trẻ khóc, chống đối. Tập trước khi cho trẻ ăn. Theo dõi nếu thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái thì ngừng tập ngay.

2. Điện trị liệu

Dùng dòng điện thấp tần một chiều không đổi điện di thuốc KI vào khối xơ với mục đích làm mềm khối xơ.

- Chỉ định: Trẻ > 3 tháng

- Cường độ: 0,1-0,5 mA/1cm2 điện cực

- Thời gian: Ngày một lần, mỗi lần 15-20 phút. Một đợt điều trị 15-20 lần.

3. Dụng cụ chỉnh hình

– Mục đích: Giữ cho đầu ở vị trí trung gian.

– Chỉ định: Sau khi phẫu thuật kết hợp với vận động trị liệu, điện trị liệu.

– Loại dụng cụ: Đai cổ mềm.

4. Phẫu thuật

Chỉ định: Trẻ trên 2 tuổi, vẹo cổ nặng đã điều trị các phương pháp khác không có kết quả, cơ ức đòn chũm bị co ngắn và chắc, không quay được cổ sang bên có khối cơ xơ.

Thực hiện: BS. Hồng Thúy

Khoa VLTL-PHCN, Bệnh viện TWQĐ 108

Từ khóa » Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Bị Vẹo Cổ