Phục Hồi Hệ Sinh Thái Rạn San Hô - Tạp Chí Thủy Sản

Suy thoái nghiêm trọng

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, hiện trạng rạn san hô ở vùng biển Việt Nam đã bị suy thoái từ mức rạn phát triển trung bình (bậc 3) xuống mức rạn phát triển nghèo nàn (bậc 1, bậc 2). Điều này thể hiện xu hướng suy thoái rạn san hô đang diễn ra trên toàn vùng từ khu vực phía Bắc đến phía Nam biển Việt Nam. Đối với các khu bảo tồn biển luôn cho thấy sự suy thoái nhẹ hơn các khu vực khác khoảng 2 – 3 lần. Một số khu bảo tồn biển rạn san hô ở mức duy trì hoặc có xu hướng tăng nhẹ trong 4 năm gần đây. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái san hô như do điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của ô nhiễm cục bộ…

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Sinh Thái học và Tiến hóa – Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học do Giáo sư Konstantin Tkachenko đứng đầu và cộng sự tiến hành khảo sát san hô ở 10 điểm trong khoảng 3 năm (2016 – 2019). Độ che phủ san hô trung bình giảm 64,4%, trong đó mức giảm mạnh nhất là hai chi san hô Acropora và Montipora, vốn là thành phần chủ yếu của rạn san hô ở vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), suy giảm lần lượt mức 80,6% và 82,3%. Mức độ suy giảm của san hô ở các điểm khảo sát trên đều nghiêm trọng. Tại đảo Hòn Một, loài san hô này đã mất hoàn toàn hay độ che phủ giảm 4 – 8 lần.

Tại tỉnh Quảng Ninh, ghi nhận không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%. Sự phân bố số lượng loài tại các rạn cũng thấp hơn so trước đây rất nhiều. Một số rạn có số loài cao là Cọc Chèo, Cống Đỏ, Áng Dù, Cống Đầm, Lưỡi Liềm, Vung Viêng cũng chỉ có từ 31 – 37 loài, giảm 50% số loài so 10 năm trước. Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, sự suy giảm về độ phủ và số loài san hô xuất phát từ nhiều nguyên nhân kết hợp, phần lớn do các nguyên nhân từ việc khai thác thủy sản trái phép dưới nhiều hình thức. Đó là khai thác bằng các nghề cấm như nghề cào, cào xới đáy biển làm gãy san hô; tạo lớp bùn trầm tích phủ lên các rạn san hô, phát tán chất độc hại trong nền đáy, gia tăng độ đục là nguyên nhân chính làm suy giảm số lượng loài và độ phủ san hô. Rồi nghề lặn kết hợp hóa chất khi trước đây, ngư dân thường sử dụng lặn khai thác thủy sản kết hợp hóa chất xianua, gây chết san hô; sử dụng mìn, chất nổ để khai thác thủy sản trái phép, có tác động xấu đến sự phát triển của rạn san hô, thậm chí dẫn đến hủy diệt san hô.

Nhanh chóng phục hồi

Năm 2019, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã quản lý, triển khai thực hiện dự án: “Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2018 – 2019”, hoàn thành vào tháng 12/2020. Cùng đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần và dự kiến đến năm 2030 sẽ thành lập Khu bảo tồn biển Vịnh Hạ Long với tổng diện tích đề xuất khoảng 55.000 ha. Các giải pháp này, hy vọng sẽ góp phần phục hồi hệ sinh thái bền vững, trong đó có các rạn san hô.

Để bảo vệ môi trường biển trong đó bảo tồn và phát triển rạn san hô trên vùng biển Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ quan điểm đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW được ban hành, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu đã được đề ra, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan thực hiện. Kế hoạch đã đề ra 6 nhóm nội dung, giải pháp cụ thể. Theo đó, nhóm kế hoạch về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đã đưa ra những nội dung, giải pháp cụ thể cùng với danh mục đề án, nhiệm vụ theo lộ trình (đến năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030). Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 sẽ thực hiện Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để bảo đảm diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam.

Ngoài ra, Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đang trình Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn và mục tiêu cụ thể về bảo tồn đa dạng sinh học trong đó có đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô.

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050 đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được coi trọng, bảo tồn, phục hồi, phát triển và sử dụng hiệu quả tạo nền tảng phát triển bền vững kinh tế – xã hội và mang lại lợi ích cho mọi người dân.

>> Môi trường biển có hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng, là cơ sở để giữ cho vùng biển giàu có về nguồn lợi hải sản, tạo ra quần thể sinh vật biển phong phú, được coi là ngôi nhà chung của các loài hải sản. Mất rạn san hô, sinh vật biển không còn nơi sinh sản, sinh sống từ đó dẫn đến hệ sinh thái mất đi. Phải mất rất lâu, trong môi trường tự nhiên san hô mới có thể phát triển lại bình thường vì mỗi năm chúng chỉ phát triển 1 – 2 cm.

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Rạn San Hô Biển Việt Nam