Rạn San Hô - Vì Biển Xanh

1. San hô và Rạn san hô là gì?

San hô là gì vậy?

San hô là các sinh vật biển tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các polyp thuộc nhóm động vật có tên là Thích ti (Cnidaria), bao gồm cả hải quỳ và sứa. Hãy tưởng tượng polyp san hô trông giống như một can thức ăn đóng hộp khi được mở, mặt trên có miệng bao quanh bởi một vòng xúc tu. Các xúc tu này có các tế bào châm giúp polyp san hô bắt phù du bơi xung quanh nó. [2] Khác với hải quỳ, san hô có thể tiết ra cấu truc canxi cacbonat tạo thành những bộ xương cứng. Phần lớn san hô phát triển tốt nhất trong môi trường nước ấm, nông, trong sạch, nhiều nắng và dao động.

Cấu tạo của một polyp san hô

Chỉ trừ một loài là san hô lửa, tất cả san hô được chia thành hai phân lớp chính: san hô cứng (bao gồm san hô đá và san hô sừng) – có bộ xương chứa đá vôi (canxi cacbonat), được xem là thành phần chính cấu thành nên rạn san hô; và san hô mềm – không có xương, rất mềm dẻo đến mức đu đưa theo dòng nước. San hô cứng khi chết đi còn lại bộ xương trắng, đỏ hay đen. San hô mềm khi chết đi sẽ không để lại gì cả.

San hô có tồn tại với rất nhiều hình dạng. Chẳng hạn san hô cứng có thể trông giống vỏ não (san hô não), hình sao, hình cành cây (san hô cành), hình đĩa,… Một số loại san hô mềm bao gồm san hô quạt, bút biển – trông giống như chiếc bút lông chim,…

Hình ảnh một số dạng san hô phổ biến

San hô phát triển như thế nào?

San hô sinh trưởng và phát triển bằng cách sử dụng những xúc tu để bắt giữ những sinh vật và mảnh vụn dinh dưỡng trôi dạt.

Các loài san hô sinh sống ở các vùng biển nông còn có một mối quan hệ cộng sinh đặc biệt với các loài vi tảo đơn bào gọi là Zooxanthellae. Các loài vi tảo này quang hợp và cung cấp thức ăn cho các polyp san hô, còn các polyp san hô tiêu hóa các thức ăn thải ra các chất dinh dưỡng giúp nuôi sống tảo. Chính mối quan hệ cộng sinh này giúp các loài san hô ở các vùng biển nông phát triển mạnh.

San hô có thể sinh sản hữu tính hoặc vô tính!

Với phương pháp sinh sản vô tính, khi các polyp san hô đạt đến một kích thước nhất định, chúng sẽ tự phân chia và tạo ra một polyp mới giống hệt về mặt di truyền. San hô thực hiện quá trình này trong suốt cuộc đời của mình. Sinh sản vô tính giúp tăng diện tích rạn san hô.

Với phương pháp sinh sản hữu tính, trứng và tinh trùng của san hô sẽ được thụ tinh, tạo nên các ấu trùng bơi lội tự do trong nước, sau đó chúng tìm nền đáy thích hợp để định cư và phát triển thành san hô con. Sinh sản hữu tính giúp tăng tính đa dạng về bộ gen và tạo thành các rạn san hô mới.

San hô sinh sản ở Lục đảo, Đài Loan. Ảnh: Đặng Đỗ Hùng Việt

Từ san hô đến rạn san hô

Polyp san hô rất nhỏ. Tuy nhiên chúng mọc bằng cách phát triển khoang hình cốc theo chiều dọc, đôi khi chia thành vách ngăn tạo một đĩa nên mới cao hơn. Qua nhiều thế hệ, kiểu phát triển này tạo nên các quần xã san hô lớn. Rạn san hô được xây dựng từ nhiều quần xã san hô tạo rạn như vậy và các sinh vật khác có cấu tạo cơ thể chứa canxi cacbonat tương tự như san hô. Quần thể rạn san hô lớn nhất thế giới là Great Barrier ở Úc, dài khoảng 2600 kilômét, lớn đến mức có thể nhìn thấy từ các tàu thám hiểm vũ trụ!

Rạn san sô ở Việt Nam. Ảnh tham dự cuộc thi ảnh One Ocean, One Future của tác giả Huỳnh Lê Viễn Duy

San hô được tìm thấy ở cả các vùng biển nhiệt đới cũng như ôn đới, nhưng các rạn san hô chỉ hình thành ở khu vực nằm trong đường xích đạo trải từ vĩ độ 30° Bắc đến 30° Nam. Các loài san hô tạo rạn không sống tại các độ sâu quá 46 m và nhiệt độ dưới 20°C.

Phân bố san hô trên thế giới. Ảnh: NOAA

Rạn san hô giống như những thành phố thu nhỏ của các loài sinh vật biển. Trong thế giới đại dương, các rạn san hô cung cấp nơi trú và thức ăn cho khoảng 4000 loài cá, 800 loài san hô và hàng trăm sinh vật biển khác.

Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đặc sắc của biển Việt Nam, nơi có đa dạng sinh học rất cao, cảnh quan kỳ thú. Các rạn san hô của Việt Nam phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam với diện tích khoảng hơn 1100 km2 [3] , trong đó biển Miền Trung và Miền Nam có diện tích san hô lớn nhất và tính đa dạng sinh học lớn nhất.

Một rạn san hô tiêu biểu. Ảnh: Đặng Đỗ Hùng Việt

San hô ở Việt Nam rất phong phú, với khoảng 400 loài san hô cứng thuộc 79 chi. Quần thể san hô ở Việt Nam hoàn toàn có thể được so sánh với các vùng san hô đa dạng nhất trên thế giới. [4]

Bên cạnh đó, theo những kết quả gần đây nhất của các nhà khoa học Việt Nam, tổng số loài sinh vật biển đã được ghi nhận ở các rạn san hô là khoảng 3000 loài, trong đó nhóm cá rạn san hô có số loài phong phú nhất (615 loài); tiếp đến là san hô (444 loài); động vật thân mềm (410 loài); rong biển (376 loài); thực vật phù du (310 loài); động vật phù du (187 loài); động vật da gai (116 loài); động vật giáp xác (92 loài); thực vật ngập mặn (61 loài); giun nhiều tơ (43 loài); cỏ biển (11 loài). [5]

Trong tháng 4 và 5/2016, các rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Điển hình là các khu vực rạn: Hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh (tỷ lệ san hô chết khoảng 90%), Hòn Nồm - Quảng Bình và Hải Vân, Sơn Chà - Thừa Thiên Huế (tỷ lệ san hô bị suy giảm là 66,7%). [6]

Trong nhiều trường hợp, rạn san hô còn là lá rào chắn bảo vệ chống xói lở bờ biển. Những lá chắn này còn làm giảm lực của sóng biển chuyển tới, giúp bảo vệ cho vùng đất và nước nằm phía sau rạn khi có bão.

Vậy làm thể nào để bảo vệ san hô và bạn vẫn có thể thoải mái thưởng thức vẻ đẹp dưới đáy biển?

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Rạn San Hô Biển Việt Nam