Phúc Thọ Dưới Cái Nhìn Của Phật Giáo - Một Chút Cho đời

Một chút cho đời
  • Trang chủ
    • Tự bạch
  • Trung văn
  • Hán Nôm
  • Dịch thuật
  • Triết học
  • Văn chương
  • Văn hóa
  • Giáo dục
  • Xã hội
  • Hoạt động khác
    • Đó đây
    • Giải trí
    • Cảm nhận
    • Tình yêu
    • Nghề nghiệp

Phúc thọ dưới cái nhìn của Phật giáo

Phật giáo có cái nhìn như thế nào về phúc thọ? Trong kinh văn Lục tổ đàn kinh, Đại sư Lục Tổ cho biết rằng hết thảy phúc thọ quả báo đều không thể tách rời việc tu trì tâm địa. Tâm địa thuần thiện, hàng ngày lại biết quảng kết duyên lành với người, nuôi trồng nhân duyên phúc thọ, tự nhiên phú quý sẽ đến bên mình, sống lâu trăm tuổi. Còn như manh tâm nham hiểm, mọi việc dẫu có thể suôn sẻ, hưởng thụ sung sướng, nhưng trong nháy mắt sẽ biến thành tai họa. Ví như cướp giật chiếm đoạt của cải của người khác, tuy đạt được dục lạc nhất thời, song lại tiềm ẩn nhân xấu mai sau ắt phải tù tội, chịu đủ thứ khổ sở, hệt như lấy đầu lưỡi liếm mật ong trên lưỡi kiếm, tuy có thể thưởng thức được mật ngọt, nhưng đầu lưỡi cũng bị cắt lìa hoặc bị sát thương. Vì vậy, mặc dù trước mắt nhân duyên chưa có đủ, nhưng chỉ cần tấm lòng nhân hậu, tâm luôn hiện hữu từ bi, có một ngày tai họa cũng sẽ chuyển thành hạnh phúc. Tâm địa vừa hung ác tàn nhẫn, lại không biết khéo léo gieo trồng nhân duyên phúc đức, tất yếu sẽ gặp quả báo nghèo nàn đoản mệnh. Thế nên, đạt được phúc lộc thọ, quyết định ở chỗ tâm niệm của chúng ta có thanh tịnh hay không? Chỉ cần chúng ta có thể săn sóc tốt con tim này, luôn quan tâm tưới tẩm nó, mọi nơi mọi lúc quán chiếu nó, không để cho nó mặc ý phóng dật, không để nó vượt ra ngoài phép tắc, từng phút từng giây sống trong chánh niệm, vậy thì việc đạt được phúc thọ là điều chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa. Làm thế nào mới có thể tăng phúc thêm thọ? Theo quan điểm của Phật giáo, phúc thọ không phải những thứ do trời đất ban tặng, cũng chẳng phải do người khác trao cho, mà là do nghiệp lực chiêu cảm của chính mình, điều mà giới Phật giáo gọi là tự tác tự thọ (tự làm tự chịu). Những việc làm tốt (hoặc thiện nghiệp) của mình có thể mang lại phúc thọ vô tận cho bản thân; trái lại, những việc làm xấu (hoặc ác nghiệp) của bản thân cũng sẽ có thể đoạn tuyệt nhân duyên của phúc thọ, phá nát hạnh phúc của chính mình. Năm giới mà Phật giáo giảng giải, trong đó giới không trộm cắp chính là có thể mang đến phúc báo, không sát sinh có thể kéo dài tuổi thọ, do vậy như thế nào mới có thể cầu được phúc thọ? Giữ gìn Năm giới của Phật giáo sẽ có thể đạt được phúc thọ. Trong sinh hoạt hàng ngày, làm thế nào tự mình tu trì, mới có thể khỏe mạnh trường thọ, hạnh phúc vui vẻ? Từ kinh nghiệm của mình, Đại sư Tinh Vân cho rằng muốn có đời sống an lạc tráng kiện, thì nên ăn thô (chưa qua nhiều khâu tinh chế), ăn ít lại một chút, chịu khổ một chút, chịu thiệt một chút; ngủ ngon giấc, có thể thức dậy sớm một chút, thường xuyên chạy bộ; cười nhiều một chút, không phiền não…Những điều này nói với chúng ta rằng, thái độ sống đúng đắn, quy luật sinh hoạt bình thường, có thể làm được như vậy, thì phúc thọ sẽ dễ dàng đạt được. Trong việc ăn, mặc, ở, đi lại hàng ngày, lúc chọn ăn các món thì không nên quá chọn lựa những món tinh (trái với thô, tức đã qua nhiều khâu tinh chế). Ví dụ ăn cơm nên ăn cơm gạo lứt, bởi vì gạo lứt so với gạo trắng tinh rõ ràng có chất dinh dưỡng hơn. Ngoài việc có thể ăn thô, ăn ít ra, càng cần chịu khổ, chịu thiệt một chút, bởi các bài học thực tế bảo với chúng ta rằng hầu hết các sự nghiệp vĩ đại đều được nung nấu từ trong thiệt thòi chịu khổ cực mà ra, trong ô nhiễm mới có thể mọc ra tịnh liên, trong ngọn lửa bập bùng mới có thể tinh luyện ra kim loại, vàng bạc; trong chèn ép cản trở mới có thể đào tạo, bồi dưỡng nên sinh mệnh trưởng thành, chín chắn. Như thế nào mới có thể có được phúc thọ miên trường? Đời sống cần phải có quy luật trật tự, ngủ sớm dậy sớm, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi nhất định; tâm tình cần gìn giữ an hòa vui vẻ, không dễ dàng sinh khởi buồn bực giận dỗi, không tùy tiện phát cáu, nổi giận, hãy bận rộn trong công việc, bận rộn với việc học tập các kỹ năng, tri thức mới, bận rộn với sự nghiệp sáng tạo, bận rộn với công tác phục vụ xã hội cộng đồng, bận rộn với việc nâng cao sinh mệnh chính mình, hãy bổ sung, lấp đầy khoảng trống vu vơ của đời sống bản thân, để phiền não không còn cơ hội nhen nhúm chen vào, từ đây có thể tận hưởng niềm vui nhân sinh, thong dong tự tại! Phật giáo cho rằng niềm vui lớn nhất của đời người không ở chỗ nhận được bao nhiêu? Mà là đối với những thứ đã có quý trọng mấy phần? Biết đủ là thứ giàu đệ nhất, người có thể biết đủ mới là người giàu có nhất trên trần gian này. Tính toán hơn thiệt chỉ có thể mang lại nhiều rắc rối, đau khổ và oán giận; hạnh phúc chính là được định vị trong một niệm, bây giờ và ở đây. Niệm ấy là niệm yêu thương, niệm từ ái, niệm đại bi, không khởi lên tâm ghen ghét đố kỵ, không buồn phiền hơn thua, đấy chính là hạnh phúc cao vời nhất. “Chớ ngưỡng mộ người khác giàu có, chớ buồn phiền vì bản thân nghèo nàn, biết đủ tâm thường an vui, vô cầu phẩm chất cao sang” chính là đạo lí này. Phúc thọ rõ là những thứ mà chúng ta đang mong mỏi truy cầu, vậy thì chúng ta nên truy cầu phúc thọ như thế nào? Phật giáo cho rằng phúc thọ của thế gian dù dài rộng thế nào, đều có chỗ thiếu sót đáng tiếc hoặc ranh giới của chúng bao giờ cũng bị hạn định, không phải là sự thù thắng rốt ráo nhất. Người xưa có bài thơ miêu tả rất hay: “Người thọ 70 xưa nay ít có, ta năm nay 70 đã là hiếm thấy, mười năm trước trẻ thơ, mười năm sau già yếu, ở giữa chỉ có 50 năm, nhưng lại có một nửa đời đã qua đi trong lúc ngủ nghỉ rồi, tính đi tính lại vỏn vẹn chỉ còn 25 năm, lại chịu biết bao phong sương phiền muộn?” (Nhân sinh thất thập cổ lai hy, ngã kim thất thập vi kỳ, tiền thập niên ấu tiểu, hậu thập niên suy lão, trung gian cẩn hữu ngũ thập niên, đảo hữu nhất bán tại dạ gian qua khứ liễu, toán lai toán khứ chính hữu nhị thập ngũ niên, hựu thọ tận đa thiểu phong sương phiền não?). Đời người ngăn ngủi như bóng câu qua cửa sổ, hư huyễn như bọt bóng trên mặt nước, mỗi ngày phí phạm bao nhiêu thời gian quý báu cho việc ăn uống, trong sinh mệnh còn lại không còn bao nhiêu này, lại phải chứa đầy bao nhiêu tham sân buồn phiền, loại phúc thọ như mộng huyễn bào ảnh này không phải là đối tượng mà chúng ta truy cầu thật sự, nhân sinh như trăng đáy nước, hoa trong gương này không phải là mục tiêu sau cùng của chúng ta, vậy thì đời người nên cầu phúc thọ như thế nào? Cầu phước nên cầu phước vĩnh cửu; Tăng thọ nên tăng vô lượng thọ Cầu phước nên cầu phước trí tuệ; Tăng thọ nên tăng thọ từ bi (Cầu phúc đương cầu vĩnh cửu phúc; Tăng thọ đương tăng vô lượng thọ Cầu phúc đương cầu trí tuệ phúc; Tăng thọ đương tăng từ bi thọ) Chúng ta tìm cầu phúc báo nên tìm cầu phúc báo vĩnh cửu đời đời kiếp kiếp, mà không nên tìm cầu phúc báo ngắn ngủi nhất thời một đời, như những điều trong kinh Kim cang nói: Hạnh phúc của đời này kiếp này là hữu hạn, hữu lượng, hữu tận, hữu vi, hữu lậu; Hạnh phúc vĩnh cửu là vô hạn, vô lượng, vô tận, vô vi, vô lậu, kẻ trộm không thể trộm, kẻ địch không thể địch, hạnh phúc tròn đầy, vĩnh hằng. Chúng ta truy cầu tuổi thọ nên truy cầu sinh mệnh chân thật, vĩnh hằng bất tử, truy cầu vô lượng thọ vĩnh viễn bất diệt. Bình thường chúng ta có lẽ đã làm không ít việc thiện, bố thí không ít tiền bạc, song công đức đó không bằng công đức lắng nghe Phật pháp, bởi ngay lúc quý vị đã nghe pháp bằng tâm hoan hỷ, tâm “vong ngã”; loại tâm hoan hỷ và tâm “vong ngã” vô tham, vô niệm này chính là Phật tâm, sinh mệnh thành tựu Phật tâm vô tư, vô nhiễm này, chính là cảnh giới vô lượng thọ bất sinh bất diệt, Niết bàn tịch tịnh, như vậy, những ai tham gia nghe giảng pháp, có thể nói là đã đạt được phần nào của phúc vĩnh cửu, và thọ vô lượng! “Cầu phúc đương cầu trí tuệ phúc, tăng thọ đương tăng từ bi thọ”. Chỉ có phúc báo, không có trí tuệ thì hệt như xe một bánh khó chạy, chim một cánh khó bay, cần phải dung hòa phúc báo trí tuệ mới là công hạnh viên mãn; có phúc báo trí tuệ, mới có thể vận dụng trí tuệ đem phúc báo của mình cứu giúp cho tất cả chúng sinh. Cũng vậy, chỉ có trường thọ mà không biết hành thiện, thì loại trường thọ này đối với chúng sinh mà nói là thật sự không có ý nghĩa gì. Thế nên, chúng ta cần truy cầu phúc trí tuệ, thọ từ bi, giống như Bồ tát Quán Thế Âm vậy, trải qua nhiều đời nhiều kiếp từ bi hóa độ, lấy thành tựu tha nhân, để hoàn thành chính mình. Xuân Qúy Tỵ 2013 đang thầm thì đến gần, thành tâm chúc phúc mọi người đều có thể cầu được phúc vĩnh cửu, thọ vô lượng, hoàn thành phúc trí tuệ, thọ từ bi! Nguyễn Phước Tâm Nguồn: NSGN, TP. HCM, số 202, ra tháng 1/2013 Trà Vinh, 20/12/2012 Share this article :

Đăng nhận xét

« Prev Post Next Post » Trang chủ

Danh mục

  • Dịch thuật (13)
  • Đó đây (1)
  • Giải trí (1)
  • Giáo dục (37)
  • Hán Nôm (3)
  • Hình ảnh (1)
  • Nghề nghiệp (2)
  • Tình yêu (1)
  • Triết học (13)
  • Trung văn (23)
  • Tự bạch (1)
  • Văn chương (18)
  • Văn hóa (12)
  • Xã hội (26)

Bài được xem nhiều

  • Cách sử dụng một số hư từ trong chữ Hán A. DẪN NHẬP 1. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT. Đ ể đ i vào nghiên cứu lĩnh vực ngôn ngữ của một dân tộc nào đ ó, nhất là đ ể chuyển ngữ từ ngôn ng...
  • Giới thiệu Ngữ âm Tiếng Trung Quốc (1) Ng ữ âm là âm thanh do b ộ máy phát âm của người phát ra để biểu đạt một ý nghĩa nhất định. I.                     Nguyên âm ( v...
  • Giải thích, ví dụ và cách dùng một số từ ngữ 词语例解及用法 1. 人 ( rén ) 家 ( jiā ) : Người ta 代词 1 )指说话人和听话人以外的人,相当于“别人” Renjia chỉ người khác (ngoài người nói và người nghe),...
  • 214 bộ thủ chữ Hán Như phần Văn tự trước có đề cập, "chữ Hán phần lớn là chữ hình thanh, loại chữ này là loại chữ hợp thể do hai, hoặc trên hai chữ đơn ...
  • Biên soạn giáo trình tiếng Hoa giảng dạy cho người Việt Muốn có một giáo trình hay và phương pháp giảng dạy tốt phải dựa trên nguyên tắc biên soạn giáo trình và phương pháp gia...
  • Giới thiệu Ngữ âm Tiếng Trung Quốc (2) (Ti ếp theo v à h ết) Một số đ iểm chú ý khi viết phiên âm :             Với những âm tiết không có thanh mẫu, nếu âm tiết đó là ...

Khách ghé thăm

  Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved Template Created by Creating Website Published by Mas Template Proudly powered by Blogger

Từ khóa » đạt được Phước Thọ Là Gì