Phương Ngữ, Nói Ngọng Và Nói Sai

minh-hoa-2-1641349457.jpg
Ảnh minh họa

1. Phương ngữ: Phương ngữ là giọng nói, cách nói riêng có của từng địa phương. Có thể không đúng với tiếng phổ thông nhưng là cách nói riêng của mỗi địa phương. Ta thử đi một vòng đất nước để nghe xem, hầu như mỗi vùng đều có một phương ngữ khác nhau. (xin lỗi vì tôi không cố ý nhại tiếng địa phương)

- Ở phía Nam đồng bằng bắc bộ (thậm chí cả Bến Tre) có câu “Con tâu tắng buộc gốc te tụi”.

 - Ngày ở bộ đội, được nghe một số bạn nói đùa với nhau bằng bài báo cáo chế vui vui như thế này:  “Trược giờ ăn cơm, trực ban bạo cạo: Trong giờ đọc bạo, Bê hai không đụ, lại ngụ vô tư”...

- Vào đến Nam Trung bộ, người ta vẫn trêu nhau những câu đại loại như “Loàm eng như con kẹc, thấy mẹc là đòi tiềng” hoặc “eng thì eng, không eng téc đèng đi ngủ”, hoặc nữa: “Sáng đi ăn tô phớ và uống ly cà phơ” và đến chiều, nếu dzui dzẻ rủ nhau đi ăn món “tái dơ” (tái dê) thì thâu rầu (thôi rồi).

- Xuống hẳn Tây Nam bộ, nhiều nơi vẫn phổ biến câu: “Con cá gô bỏ trong gổ nó gẫy goọc geẹc”

Đây không phải nói ngọng mà gọi là phương ngữ hay giọng nói của từng địa phương. Tất nhiên sửa cũng được nhưng hơi khó. Nên chăng chỉ những người xa quê, cố gắng nói chậm hơn một chút, nhẹ hơn một chút và rõ hơn một chút. Còn khi về đến quê, đó là bản sắc, đó là nét đẹp. Sửa thì còn gì gọi là quê hương, còn gì gọi là nét đẹp.

2. Nói ngọng: Được chia thành 2 loại: ngọng do có tật và ngọng do vô tình:

- Ngọng do có tật: Xưa, ở trong làng, có 3 chị em nhà nọ, xinh thật xinh nhưng có tật nói ngọng; sợ dân làng biết thì xấu hổ nên cha mẹ nhất định không cho họ đi đâu. Đến dịp làng mở hội, cờ xí tưng bừng, ba cô năn nỉ xin mẹ đi xem. Sợ xấu hổ, nhưng vì quá thương con, bà mẹ đồng ý nhưng dặn, chỉ xem thôi không được nói câu nào. Ba cô đồng ý rồi hồ hởi dắt nhau đi. Đến cổng đình, choáng ngợp trước cảnh đẹp cô út quên mất lời hứa thốt lên: “Ú! ẹp, ẹp óa ỷ”; chị thứ hai vội vàng ngăn: “U ã ặn ông ược ói òn ứ ói”; chị cả quá bực mình quát lớn: “ó ã ói, ày òn ói ữa”. Loại này thì đích thị là nói ngọng; họ có tật, sửa khó lắm, chỉ bác sỹ, hoặc người có tật hết sức luyện tập, may ra mới chữa được thôi.

- Ngọng do vô tình: Đến một số nơi, bạn có thể nghe được những câu đại loại như: “Nan và Nộc yêu nhau, họ mới nàm đám cưới. Sau đó nà tuần trăng mật thật nung ninh ở Đà Nạt; Đà Nạt nạnh nhưng không nạnh nắm, chỉ một chiếc áo nen nà đủ ấm”... Đây là loại nói ngọng nhưng do vô ý mà thành ngọng. Cứ hình dung đi, từ bé đã nghe cha mẹ nói thế, ông bà nói thế, bản thân không để ý, nói riết thành quen và không cho là mình đang nói ngọng. Rõ ràng nguyên nhân là do không để ý, không tự sửa và không cho thế là sai. Loại này, tôi cho rằng tương đối dễ sửa và nên sửa vì thú thật chưa cần biết nội dung nói ra sao nhưng cách nói vậy nghe nó cứ thế nào ý.

3. Nói sai: Trong hội nghị về nông nghiệp, một cán bộ phát biểu: “ĐBSCL là vùng lông nghiệp trọng điểm, ló chiếm hơn một lửa giá trị lông sản xuất khẩu cả lước…”. Nghe khó chịu quá và phải chắc chắn đây là lỗi nói sai. Tôi xin khẳng định, ngoại trừ người có tật, không ai không nói được N. Nếu cho là ngọng, người ta thường ngọng L thành N (như đã trình bày ở trên). Thế mà, có nhiều người cố tình nói N thành L. Nguyên nhân là thế này: Hồi Mỹ ném bom miền bắc, có nhiều người dân thành phố về quê sơ tán, cũng là lúc có tệ phân biệt “người thành phố” và “người nhà quê”. Người thành phố có vẻ dị ứng với lỗi nói L thành N và coi những người không nói được L là nói ngọng, là “đồ nhà quê”. Thế nên, để khẳng định mình nói được L, bọn trẻ sơ tán dùng toàn L. Người lớn nghe trẻ con nói “Uống lước” hoặc “Con lo rồi”, thấy ngồ ngộ, cũng bắt chước và cứ thế mà nhân ra, đến nỗi, tình trạng nói sai ngày nay phải nói là đã khá phổ biến. Nhưng ở các trường học hình như không cho đó là vấn đề (có lẽ họ đang quan tâm đến nhiều thứ lớn lao hơn – như thành tích, trường điểm, trường chuẩn… chẳng hạn). Ôi! cái sự dạy và học ở ta nó thế, lạc hậu quá rồi !

Ngày còn đi làm, ở cơ quan tôi có một nhân viên mới. Mọi thứ, về cơ bản ổn cả, phải mỗi tội, khi nói, không phân biệt được L và N. Góp ý hoài không sửa được, lại bảo: Em có tật “nói ngọng”. Bữa nọ, thủ trưởng đưa cậu ta tờ giấy; trong đó viết: “Lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng” và bảo: Mỗi ngày cậu đọc bài này 3 lần và phải đúng chính tả. Quả nhiên, một thời gian sau, tật “nói ngọng” của cậu ta hết hẳn. Nên chăng, coi đây là một trong nhiều phương pháp chữa bệnh “nói ngọng”.

Theo Chuyện Làng Quê

Từ khóa » Ngồng Ngọng