Phương Pháp Biện Chứng Và Siêu Hình Là Gì? Sự đối Lập Của Chúng

2,7K

Các khái niệm “biện chứng” và “siêu hình” trong lịch sử triết học được dùng theo một số nghĩa khác nhau. Còn trong triết học hiện đại, đặc biệt là triết học mácxít, chúng được dùng, trước hết để chỉ hai phương pháp chung nhất đối lập nhau của triết học.

Phương pháp biện chứng phản ánh “biện chứng khách quan” trong sự vận động, phát triển của thế giới. Lý luận triết học của phương pháp đó được gọi là “biện chứng chủ quan” hay “phép biện chứng”.

So sánh phương pháp luận biện chứng và phương pháp luận siêu hình:

Mục lục ẩn Phương pháp biện chứng và siêu hình là gì? Sự đối lập giữa phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng a) Phương pháp siêu hình b) Phương pháp biện chứng c) Sự đối lập

Phương pháp biện chứng và siêu hình là gì?

Phương pháp hiểu theo nghĩa chung nhất là hệ thống các nguyên tắc được sử dụng nhất quán trong hoạt động nói chung của con người. Phương pháp bao gồm có phương pháp nhận thức và phương pháp thực tiễn. Phương pháp của triết học là phương pháp nhận thức thế giới hiện thực. Trong lịch sử phát triển của triết học, đã tồn tại hai phương pháp nhận thức đối lập nhau: đó là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình.

Phương pháp biện chứng là phương pháp nhận thức thế giới với quan điểm cơ bản cho rằng, sự tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan nói chung đều ở trong những mối liên hệ, trong sự vận động và phát triển theo những quy luật khách quan vốn có của nó.

Phương pháp siêu hình là phương pháp nhận thức thế giới với quan điểm cơ bản cho rằng, mọi sự vật và hiện tượng của thế giới vật chất đều tồn tại cô lập lẫn nhau, cái này ở bên cạnh cái kia và nó luôn ở trong trạng thái tĩnh không có sự vận động và phát triển. Nhưng nếu như có thừa nhận sự phát triển thì chẳng qua chỉ là một quá trình tăng hoặc giảm về số lượng. Mặt khác, quan điểm này không thừa nhận mâu thuẫn bên trong bản thân các sự vật và hiện tượng.

Sự đối lập giữa phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng

a) Phương pháp siêu hình

Phương pháp siêu hình là phương pháp:

+ Nhận thức đối tượng ở trạng thái cô lập, tách rời đối tượng ra khỏi các chỉnh thể khác và giữa các mặt đối lập nhau có một ranh giới tuyệt đối.

+ Nhận thức đối tượng ở trạng thái tĩnh tại; nếu có sự biến đổi thì đấy chỉ là sự biến đổi về số lượng, nguyên nhân của sự biến đổi nằm ở bên ngoài đối tượng.

Phương pháp siêu hình làm cho con người “chỉ nhìn thấy những sự vật riêng biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”.

Nguồn gốc của phương pháp siêu hình: là bắt nguồn từ chỗ muốn nhận thức một đối tượng nào trước hết con người cũng phải tách đối tượng ấy ra khỏi những mối liên hệ và nhận thức nó ở trạng thái không biến đổi trong một không gian và thời gian xác định. Tuy phương pháp này là cần thiết và có tác dụng trong một phạm vi nhất định, nhưng thực tế thì hiện thực không rời rạc và ngưng đọng như phương pháp này quan niệm.

Ví dụ: “Sống chết có mệnh, giàu sang do trời”.

b) Phương pháp biện chứng

Phương pháp biện chứng là phương pháp:

+ Nhận thức đối tượng ở trong các mối liên hệ với nhau, ảnh hưởng nhau, ràng buộc nhau.

+ Nhận thức đối tượng ở trạng thái vận động biến đổi, nằm trong khuynh hướng chung là phát triển. Đây là quá trình thay đổi về chất của các sự vật, hiện tượng mà nguồn gốc của sự thay đổi ấy là đấu tranh của các mặt đối lập để giải quyết mâu thuẫn nội tại của chúng.

Như vậy phương pháp biện chứng thể hiện tư duy mềm dẻo, linh hoạt. Nó thừa nhận trong những trường hợp cần thiết thì bên cạnh cái “hoặc là… hoặc là…” còn có cả cái “vừa là… vừa là…” nữa; thừa nhận một chỉnh thể trong lúc vừa là nó lại vừa không phải là nó; thừa nhận cái khẳng định và cái phủ định vừa loại trừ nhau lại vừa gắn bó với nhau.

Phương pháp biện chứng phản ánh hiện thực đúng như nó tồn tại. Nhờ vậy, phương pháp tư duy biện chứng trở thành công cụ hữu hiệu giúp con người nhận thức và cải tạo thế giới.

Ví dụ: “Rút dây động rừng”; “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”

c) Sự đối lập

Sự đối lập giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình trong lịch sử triết học chủ yếu về mặt nguyên tắc và phương pháp nhận thức thế giới khách quan. Trong việc nghiên cứu của khoa học tự nhiên, thì vấn đề phân chia thế giới hiện thực thành các thuộc tính, bộ phận, hệ thống tĩnh tại và tách rời nhau đều là những điều kiện cần thiết cho nhận thức khoa học. Nhưng sẽ không đúng, nếu từ đó rút ra kết luận cho rằng phép siêu hình là thế giới quan khoa học và đúng đắn nhất. Cần phải phân biệt một bên là phương pháp trừu tượng hoá tạm thời cô lập sự vật và hiện tượng khỏi mối liên hệ chung, tách khỏi sự vận động và phát triển để nghiên cứu chúng, với một bên là phép siêu hình với tư cách là thế giới quan của triết học.

Phép siêu hình luôn có những hạn chế mà bản thân nó không thể khắc phục được như Ăngghen đã cảnh báo: “Phương pháp nhận thức siêu hình dù được coi là chính đáng và thậm chí là cần thiết trong những lĩnh vực nhất định ít nhiều rộng lớn tùy theo tính chất của đối tượng nghiên cứu, nhưng chóng hay chày nó cũng sẽ gặp phải một ranh giới mà nếu nó vượt quá thì nó trở thành phiến diện, hạn chế, trừu tượng, và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được”

Sự khác nhau giữa phủ định biện chứng và phủ định siêu hình:

Phủ định siêu hình là sự phủ định diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, gây cản trở hoặc xóa bỏ sự tồn tại và phát triển của sự vật (Sự vật, hiện tượng sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn); Không mang tính khách quan.

Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển thành sự vật và hiện tượng mới; Mang tính khách quan.

5/5 - (3 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Nguyên tắc khách quan của chủ nghĩa duy vật biện chứng
  2. CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
  3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
  4. Mâu thuẫn biện chứng là gì? Tính chất của mâu thuẫn biện chứng & Ví dụ
Biện chứng

Từ khóa » Hình đối Lập Là Gì