Phương Pháp Chẩn đoán Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính COPD

COPD thường bị chẩn đoán sai, nhiều người không được chẩn đoán COPD chính xác cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Chẩn đoán đúng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD ở giai đoạn đầu đóng vai trò tiên quyết trong việc điều trị và phục hồi của bệnh nhân.

chan doan benh phoi tac nghen man tinh copd

Tìm hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đang gia tăng nhanh chóng chủ yếu ở các nước đang phát triển do tình trạng hút thuốc. Theo thống kê, ước tính có 251 triệu ca mắc COPD trong năm 2016, chiếm khoảng 12% dân số từ 40 tuổi trở lên. Dự kiến COPD sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2030.

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do bất thường của đường thở và/hoặc phế nang, do phơi nhiễm bụi hoặc khí độc hại, do ảnh hưởng bởi các yếu tố vật chủ như sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi.

COPD gây tình trạng khó thở có thể dẫn đến suy hô hấp và nhiều biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm khác, mặc dù vậy, người mắc COPD có thể làm chậm tiến triển và điều trị hiệu quả khi được phát hiện ở giai đoạn sớm.

thuoc la gay benh phoi tac nghen man tinh copd
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đang gia tăng nhanh chóng chủ yếu ở các nước đang phát triển do tình trạng hút thuốc

Cách chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD một cách chính xác, các bác sĩ cần dựa trên triệu chứng lâm sàng kết hợp cùng các phương pháp cận lâm sàng.

Triệu chứng lâm sàng

COPD thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi; người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và bị động); người sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc nhiều với khói bếp than, bếp củi, hóa chất, bụi công nghiệp,…

Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân COPD nói riêng và bệnh nhân gặp các vấn đề về phổi như lao phổi, giãn phế quản nói chung. Thông thường, bệnh nhân COPD có triệu chứng ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt (ho kéo dài ít nhất khoảng 3 tháng trong 1 năm và liên tiếp 2 năm trở lên). Người bệnh thường ho khan hoặc ho có đờm, ho khạc đờm vào buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong những dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.

trieu chung lam sang copd
Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân COPD

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng khó thở, tiến triển nặng dần theo thời gian. Ban đầu người bệnh thường khó thở khi gắng sức, sau đó có thể khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.

Các triệu chứng ho khạc đờm và khó thở dai dẳng thường tiến triển nặng dần theo thời gian. Thông thường triệu chứng ho khạc đờm xuất hiện trước, sau đó mới xuất hiện khó thở. Khi khó thở, bệnh nhân cảm nhận được thì lúc đó bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Khi thăm khám ở giai đoạn sớm, bệnh COPD thường cho ra kết quả bình thường. Vì vậy, để chẩn đoán COPD chính xác, bác sĩ cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng có những yếu tố nguy cơ, ngay cả khi thăm khám cho ra kết quả bình thường.

Ở giai đoạn nặng hơn, khi khám phổi thường phát hiện rì rào ở phế nang, đi kèm một số dấu hiệu khác như: lồng ngực hình thùng, gõ vang trống, ran ngáy, ran ẩm, ran nổ, ran rít. Ở giai đoạn muộn có thể thấy ở người bệnh những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính như: tím môi và đầu chi, thở co kéo cơ hô hấp phụ; biểu hiện của suy tim phải như phù 2 chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính.

Cận lâm sàng

Chẩn đoán COPD cận lâm sàng thường áp dụng cho những đối tượng có tiền sử tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, đồng thời có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính cần được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Đo chức năng thông khí bằng máy đo phế dung

Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Biểu hiện thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau nghiệm pháp giãn phế quản: chỉ số Gaensler (FEV1/FVC) < 70%; FEV1 không tăng hoặc tăng dưới 12% (<200ml) sau test phục hồi phế quản… Dựa vào chỉ số FEV1 đế đánh giá mức độ tắc nghẽn của bệnh nhân.

X-quang phổi

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn sớm, không giãn phế nang có hình ảnh X-quang phổi bình thường. Ở giai đoạn muộn và có hội chứng phế quản, kết quả X-quang thường cho ra hình ảnh khí phế thũng.

X-quang phổi có thể gợi ý chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với hình ảnh trường phổi hai bên sáng, cơ hoành hạ thấp, khoang liên sườn giãn rộng, có thể thấy cơ hoành hình bậc thang và có các bóng khí. Có thể thấy nhánh động mạch thùy dưới phổi phải có đường kính >16mm.

x quang phoi
X-quang phổi có thể gợi ý chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ngoài ra, phương pháp còn cho phép loại trừ các bệnh phổi khác có triệu chứng tương tự COPD như: lao phổi, xơ phổi, giãn phế quản, u phổi,…; phát hiện những bệnh lý đồng nhiễm với COPD như: tràn dịch, tràn khí màng phổi, bất thường khung xương lồng ngực cột sống, suy tim,…

Điện tâm đồ (ECG)

Chẩn đoán viêm phổi tắc nghẽn mạn tính dùng điện tâm đồ ở giai đoạn muộn của bệnh COPD có thể phát hiện các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và suy tim phải như sóng P cao (>2,5 mm) ngọn đối xứng (P phế), trục phải (>1100), dày thất phải (R/S ở V6 <1).

Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD với lao phổi

Lao phổi và COPD là hai căn bệnh có nhiều điểm tương đồng và dễ nhầm lẫn.

Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thường gặp nhất là ho, khạc đờm và khó thở khi gắng sức. Triệu chứng có xu hướng ngày càng gia tăng.

  • Ho dai dẳng và gián đoạn theo từng đợt: COPD thường gây ra những cơn ho kéo dài trong ít nhất 3 tháng/ năm. Đây là một triệu chứng điển hình của COPD và khó thấy ở những bệnh về phổi khác như lao phổi, giãn phế quản,…
  • Khó thở: khi gắng sức ở giai đoạn đầu của bệnh và khó thở thường xuyên ở giai đoạn sau.

Đối với bệnh lao phổi, bệnh nhân thường gặp những triệu chứng chung của hội chứng nhiễm lao như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, ớn lạnh, đổ mồ hôi về đêm, kèm các triệu chứng ở phổi như ho, khạc đờm, ho ra máu.

Để phân biệt bệnh lao phổi và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, bạn cần đến bệnh viện để được các bác sĩ tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt.

tham kham phan biet lao phoi va copd
Để phân biệt bệnh lao phổi và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, bạn cần đến bệnh viện để được các bác sĩ tiến hành thăm khám

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện lâm sàng của người bệnh, kết hợp cùng các phương pháp như chụp X-quang phổi, phản ứng lao tố (IDR), đánh giá mật độ bạch cầu lympho trong máu, tìm vi trùng lao (BK, AFB) trong đờm, tốc độ máu lắng (VS)… Nếu kết quả X-quang phổi cho thấy phổi bệnh nhân có biểu hiện thâm nhiễm một bên hay hai bên hoặc phổi có các “lỗ lủng” tạo thành các hang lao là những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân mắc lao phổi.

Để chẩn đoán COPD, bác sĩ dựa vào tiền sử của người bệnh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, dựa vào các biểu hiện lâm sàng như ho khan, khó thở. Do COPD và lao phổi có những triệu chứng tương tự nhau như ho, khạc đờm, khó thở, hô hấp khó khăn,… nên các bác sĩ thường sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số phương pháp xét nghiệm bổ sung như đã nêu ở trên.

Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD với giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục một phần của cây phế quản. Sự giãn nở gây khó khăn cho cho việc đưa chất tiết (đờm, chất nhầy) từ đường hô hấp dưới lên trên. Những chất tiết dính này tạo thành nơi cư trú lý tưởng cho nhiều loại vi trùng dẫn đến nhiễm trùng; đồng thời sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây viêm (sưng và kích thích). Nhiễm trùng và viêm gây hại đường hô hấp, làm nặng thêm tình trạng giãn phế quản. Quá trình này được gọi là “giả thuyết chu kỳ luẩn quẩn” của bệnh giãn phế quản.

Đối với bệnh nhân giãn phế quản, ho khạc đờm kéo dài, đờm đục hoặc đờm mủ nhiều, nghe phổi có ran nổ, ran ẩm là những triệu chứng thường gặp.

Để chẩn đoán xác định bệnh giãn phế quản và phân biệt với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như:

  • Chụp cắt lớp vi tính ngực có độ phân giải cao có hình ảnh giãn phế quản;
  • Các xét nghiệm đờm nhằm tìm ra vi khuẩn, nấm từ đó lựa chọn kháng sinh và có phác đồ điều trị phù hợp;
  • Soi phế quản để phát hiện dị vật, xác định vị trí chảy máu, hút dịch phế quản tìm vi khuẩn;
  • Đo chức năng hô hấp nhằm đánh giá chức năng và hoạt động của phổi, xác định mức độ tổn thương của phổi.

Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD với hen phế quản

Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD và hen phế quản là hai căn bệnh thường gặp. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, có khoảng 60 triệu người có triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 230 triệu người có bệnh hen phế quản. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở nhóm người 40 tuổi là 4,2%; tỷ lệ mắc hen phế quản ở mọi lứa tuổi là 3,9%.

Cả hai căn bệnh đều có nhiều điểm tương đồng về cơ chế sinh bệnh, triệu chứng, điều trị bệnh. Tuy nhiên cũng có nhiều điểm khác nhau.

Tóm tắt các điểm khác nhau của bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Đặc điểm  Hen phế quản COPD
Tuổi khởi phát Thường gặp ở tuổi trẻ hoặc trung niên, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi 40 tuổi
Tiền sử hút thuốc ± +++
Tình trạng dị ứng Có tiền sử dị ứng Không liên quan
Các đợt cấp Thường gặp ở mọi bậc hen Tăng tần suất đợt cấp liên quan đến mức độ nặng của bệnh
Ngoài cơn Sinh hoạt bình thường Vẫn khó thở khi gắng sức
Tiền căn gia đình Thường bị hen hoặc có bệnh dị ứng khác Không liên quan
Chức năng phổi Trong cơn có rối loạn thông khí tắc nghẽn, ngoài cơn bình thường Luôn luôn có rối loạn thông khí tắc nghẽn, tiến triển nặng dần theo thời gian
Phục hồi tắc nghẽn Tốt Kém
Dao động lưu lượng đỉnh Thường >20% Thường không thay đổi
Khả năng khuếch tán khí (DLCO) Bình thường Giảm trong giãn phế nang

Chẩn đoán xác định hen phế quản chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như xuất hiện cơn khi còn trẻ, khó thở, cơn thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng, đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản/ corticoid.

Chức năng thông khí phổi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định phổi tắc nghẽn mạn tính, trong khi hầu như không có nhiều giá trị trong chẩn đoán xác định hen phế quản.

Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD với Hội chứng chồng lấp (ACOS)

Đề án phối hợp giữa Chiến lược toàn cầu về hen (Gina) và chiến lược toàn cầu về COPD (GOLD) đã mô tả hội chứng chồng lấp hen – COPD (Asthma-COPD overlap syndrome – ACOS) như sau:

“ACOS đặc trưng bởi giới hạn luồng khí không hồi phục. Bệnh nhân vừa có những triệu chứng của bệnh hen, vừa có những triệu chứng của bệnh COPD. Vì vậy, ACOS được nhận biết bằng các triệu chứng vừa giống bệnh hen vừa giống bệnh COPD”.

Để hình dung cụ thể hơn về điểm khác biệt giữa hen, COPD và hội chứng chồng lấp ACOS, bạn có thể tham khảo thông tin trong bảng sau:

Đặc điểm Hen COPD ACOS
Tuổi khởi phát Thường khởi phát lúc nhỏ hoặc bất kỳ lứa tuổi nào Thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi Thường 40 tuổi, cũng có thể có triệu chứng thời thơ ấu hoặc khi trưởng thành
Triệu chứng hô hấp Triệu chứng có khả năng thay đổi theo thời gian, thường giới hạn hoạt động, lên cơn khi luyện tập, khi cười, bụi hoặc dị nguyên Triệu chứng mạn tính, liên tục, đặc biệt biểu hiện rõ rệt khi gắng sức Khó thở khi gắng sức
Chức năng hô hấp Giới hạn đường thở thay đổi, đáp ứng test giãn phế quản FEV1 có thể cải thiện sau test, nhưng FEV1/ FVC <0.7 Tắc nghẽn đường dẫn khí, không đáp ứng hoàn toàn với test giãn phế quản
Chức năng hô hấp giữa các cơn Có thể bình thường giữa các cơn Luôn luôn tắc nghẽn Luôn luôn tắc nghẽn
Diễn biến thời gian Thường được cải thiện một cách tự nhiên hoặc kết hợp cùng điều trị, nhưng cũng có những trường hợp tắc nghẽn cố định Diễn tiến chậm theo thời gian, mặc dù có điều trị Luôn có triệu chứng, nhưng tần suất có thể giảm nếu được điều trị. Bệnh thường diễn tiến, cần điều trị liều cao
Đợt cấp Các yếu tố nguy cơ có thể làm xuất hiện các đợt cấp. Tình trạng này có thể giảm nhờ điều trị Có thể giảm nhờ điều trị. Nếu bệnh nhân có bệnh lý nền phối hợp sẽ khiến các đợt cấp nặng hơn Đợt cấp có tỷ lệ xuất hiện cao hơn hơn ở bệnh nhân COPD và giảm bởi điều trị. Bệnh nhân có bệnh lý nền phối hợp có thể khiến tình trạng nặng hơn
X – quang Thường bình thường Ứ khí nặng và các thay đổi khác của COPD Tương tự COPD
Đặc trưng viêm đường thở Eosinophils và hoặc neutrophils Neutrophil trong đờm, lymphocyte trong đường thở, có thể xuất hiện tình trạng viêm hệ thống Eosinophil và neutrophil trong đờm

Chẩn đoán mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Việc đánh giá bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD nhằm mục đích xác định mức độ nặng của bệnh, nguy cơ kịch phát, nhập viện, tử vong trong tương lai từ đó có biện pháp dự phòng, điều trị phù hợp. Các bác sĩ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của COPD dựa trên chỉ số FEV1. Vậy FEV1 là gì?

FEV1 (viết tắt của Forced expiratory volume in one second), tức thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên của bệnh nhân, được xác định bằng phương pháp đo hô hấp ký. Cụ thể, nếu đường hô hấp hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ làm giảm lượng không khí thở ra của bệnh nhân. Chỉ số FEV1 sẽ giảm, tỷ lệ FEV1/FVC (tỷ lệ giữa 2 thông số giúp đánh giá tình trạng tắc nghẽn phổi) thấp hơn so với bình thường. Theo đó, các giá trị FEV1 chẩn đoán mức độ nặng của tình trạng COPD của bệnh nhân được hiểu như sau:

Giai đoạn Chỉ số FEV1

Tỷ lệ FEV1/ FVC

Giai đoạn nhẹ FEV1 >80% trị số lý thuyết

Tỷ lệ FEV1/FVC <70%

Giai đoạn trung bình 50% ≤ FEV1 < 80% trị số lý thuyết

Tỷ lệ FEV1/FVC <70%

Giai đoạn nặng 30% < chỉ số FEV1 <50% số lý thuyết

Tỷ lệ FEV1/FVC <70%

Giai đoạn rất nặng FEV1 <30% số lý thuyết

Tỷ lệ FEV1/FVC <70% hoặc FEV1 <50% số lý thuyết

Các xét nghiệm bổ trợ khác để chẩn đoán COPD

Đo nồng độ alpha-1 antitrypsin

Alpha-1 antitrypsin (AAT) là enzym có chức năng ức chế protease được gan sản xuất. Protein này có vai trò bảo vệ đường hô hấp dưới khỏi tổn thương do elastase tác động, do khả năng ức chế hoạt tính của các enzym tiêu protein.

Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin (AATD) khiến protein này bị giảm hoặc thiếu trong máu. Một người có mức AAT thấp hoặc thiếu protein này có thể khiến phổi bị tổn thương. Tình trạng thiếu hụt ATT là rối loạn di truyền có thể do di truyền hoặc mắc phải, gây các bệnh về phổi và gan. Tình trạng thiếu hụt ATTD có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.

Trong ATTD, COPD có nhiều khả năng liên quan khí phế thũng nơi các túi khí nhỏ bị phá hủy, cũng có thể là giãn phế quản. Nếu bị AATD, phổi của người bệnh có nhiều khả năng tổn thương do hít phải khói thuốc lá. Vì vậy, những người hút thuốc khi mắc AATD sẽ bị COPD ở độ tuổi trẻ hơn so với những người mắc COPD không hút thuốc.

Nói vậy, không có nghĩa là ai bị AATD cũng sẽ bị COPD. Chỉ những người có Alpha-1 antitrypsin rất thấp mới có khả năng mắc bệnh này.

Xét nghiệm Alpha-1 antitrypsin được chỉ định khi bệnh nhân thuộc về 1 trong những trường hợp sau:

  • Trẻ sau khi sinh bị vàng da hơn 1 – 2 tuần, đồng thời có các dấu hiệu khác của tổn thương gan.
  • Người trên 40 tuổi, có triệu chứng thở khò khè, ho lâu ngày, khó thở sau khi hoạt động mạnh, hoặc có dấu hiệu của khí phế thũng.
  • Bệnh nhân có tiền sử gia đình thiếu hụt Alpha-1
  • Người có gia đình mắc bệnh và mong muốn biết xác suất trẻ có bị thiếu hụt AAT hay không.

Nếu kết quả nồng độ AAT < 60 mg/dl, tức nồng độ AAT giảm mạnh, phản ánh tình trạng thiếu hụt enzym ở cá thể đồng hợp tử về gen gây bệnh, gia tăng nguy cơ tàn phế và tử vong trước 45 tuổi, cao gấp 3 đến 4 lần so với người bình thường.

Trong ngưỡng từ 100-150 nng/dL, nồng độ AAT giảm vừa phản ánh tình trạng thiếu hụt enzym ở cá thể có tình trạng dị hợp tử về gen gây bệnh, không được xem là yếu tố nguy cơ dẫn đến tàn phế và tử vong ở bệnh nhân.

Siêu âm tim

Bệnh nhân COPD thường mắc kèm những bệnh lý khác có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiên lượng của bệnh nhân. Một số bệnh xuất hiện độc lập với phổi tắc nghẽn mạn tính, một số bệnh lại có mối liên hệ nhân quả hay bệnh này làm tăng nguy cơ gia tăng độ nặng của bệnh kia. Do đó, trong chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD phải nhận biết và điều trị các căn bệnh kết hợp, đặc biệt là những bệnh tim mạch.

Suy tim ở bệnh nhân COPD: Tỷ lệ mắc suy tim tâm thu hoặc suy tim tâm trương ở bệnh nhân COPD khoảng 20-70%, tỷ lệ mắc mới suy tim hàng năm khoảng 3-4%. Khoảng 40% bệnh nhân COPD được thông khí cơ học do suy hô hấp có bằng chứng rối loạn chức năng thất trái.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Trong đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, có sự gia tăng tổn thương ở bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ kết hợp. Bệnh nhân tăng hs-Troponin bất thường có nguy cơ tử vong ngắn hạn (30 ngày) và lâu dài, đặc biệt là ở những trường hợp có nhịp tim nhanh.

Rối loạn nhịp tim: Thường phổ biến ở những bệnh nhân COPD và ngược lại; trong đó rung nhĩ rất thường gặp và liên quan trực tiếp với FEV1. Ở bệnh nhân COPD khó thở cấp, rung nhĩ có thể là yếu tố khởi kích hay hệ quả của đợt cấp COPD.

Bệnh động mạch ngoại biên: thường hay kết hợp cùng bệnh tim do xơ vữa có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân COPD. Trong một nghiên cứu lớn gồm các bệnh nhân COPD với những mức độ nặng khác nhau, 8,8% được chẩn đoán mắc bệnh động mạch ngoại biên, cao hơn so với những người không bị COPD (1,8%). Vì vậy động mạch ngoại biên ở bệnh nhân COPD là vấn đề cần được lưu tâm và theo dõi đầy đủ trước nguy cơ suy giảm chức năng của người bệnh.

Xét nghiệm oxy trong máu

Mức oxy trong máu chính là thước đo lượng oxy các tế bào hồng cầu mang theo trong cơ thể. Duy trì sự cân bằng độ bão hòa oxy trong máu mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sức khỏe tổng thể của con người, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như COPD cần được theo dõi nồng độ oxy trong máu thường xuyên.

Mức oxy bình thường của một người khỏe mạnh khi được đo bằng máy oxy xung thường nằm trong khoảng từ 95-100%. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh COPD nặng thường phải duy trì nồng độ oxy xung từ 88-92%.

Nếu nồng độ oxy trong máu dưới mức bình thường được coi là hạ oxy máu. Nồng độ oxy trong máu càng thấp thì tình trạng thiếu oxy càng nghiêm trọng. Thiếu oxy trong máu có thể dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là các biến chứng trong một số mô hay cơ quan của cơ thể.

Chụp CT

Chụp CT mang đến hình ảnh có độ phân giải cao, giúp chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn của bệnh nhân.

Phương pháp này giúp xác định vị trí cùng với độ rộng, mức độ nặng nhẹ của khí phế thũng, khi X-quang, những chỉ số đo chức năng hô hấp cho ra kết quả bình thường. Ngoài ra, chụp CT còn được sử dụng khi cần phải phát hiện giãn phế quản kết hợp phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chụp CT có thể cung cấp hình ảnh cho thấy sự tổn thương của phế quản hoặc tiểu phế quản. Khi đó, thành phế quản dày trông giống hình đường ray hay hình nhẫn, hoặc vòng tròn lòng sáng. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp chúng ta nhìn rõ những vùng mô giảm tỷ trọng và giảm những mạch máu phổi, hay thậm chí thấy rõ những bóng khí thũng.

Xét nghiệm đờm

Trong trường hợp bệnh nhân ho quá nhiều, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm đờm. Phân tích đờm có thể giúp bác sĩ xác nhận được nguyên nhân gây khó thở, giúp phát hiện bệnh ung thư phổi. Trong trường hợp người bệnh nhiễm vi khuẩn, xét nghiệm đờm giúp xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh, từ đó điều trị dễ dàng hơn.

Xét nghiệm đờm được xem là phương pháp an toàn, không có rủi ro nguy hiểm và rất hữu ích trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh.

Lưu ý, trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, cũng như nhân viên y tế về các vấn đề cần chú ý, sau đó đảm bảo thực hiện theo tất cả các hướng dẫn để có được kết quả kiểm tra chính xác nhất.

Phát hiện và điều trị sớm COPD giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và gánh nặng kinh tế xã hội. Khi có các triệu chứng ho, khó thở, khạc đờm kéo dài và nặng dần, bệnh nhân cần chủ động đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, từ đó có hướng xử trí và điều trị thích hợp.

Từ khóa » Cơ Hoành Hình Bậc Thang