Phương Pháp điều Trị Loạn Năng Khớp Thái Dương Hàm

Khi có triệu chứng loạn năng khớp thái dương hàm, bệnh nhân cần đến ngay các phòng khám nha khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tùy thuộc vào tình trạng rối loạn cơ khớp thái dương hàm của từng bệnh nhân mà phương pháp điều trị có thể là điều trị nội khoa kết hợp với các bài tập trị liệu rối loạn cơ khớp thái dương hàm, lời khuyên về chế độ dinh dưỡng – nghỉ ngơi, mài chỉnh khớp cắn, thực hiện máng nhai, chỉnh nha… Bệnh nhân rối loạn cơ khớp thái dương hàm cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi và điều trị tốt nhất.

1.Điều trị nội khoa, giảm căng thẳng

Điều trị nội khoa chỉ nhằm mục đích điều trị triệu chứng đau, mỏi cơ. Do đó, tuỳ thuộc triệu chứng mà sử dụng các loại thuốc khác nhau. Thuốc không phải là phương pháp chính điều trị loạn năng khớp

2.Vật lý trị liệu, thay đổi thói quen xấu ảnh hưởng hệ thống khớp

Vật lý trị liệu chủ yếu là giảm triệu chứng đau. Vật lý trị liệu bao gồm các biện pháp nhằm tăng tuần hoàn vùng khớp gồm có massage, chườm ấm, chiếu tia hồng ngoại, các bài tập vận động hàm dưới sự hướng dẫn của Bác Sĩ….. Cũng như thuốc, vật lý trị liệu không phải là phương pháp điều trị chính.

Chườm ấm nhằm tăng tuần hoàn đến khớp, giúp làm giảm triệu chứng đau

Thay đổi hành vi/ thói quen ảnh hưởng xấu đến hệ thống khớp thái dương hàm cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa

3.Máng nhai thư giãn

Máng nhai là một khí cụ có tác dụng giúp thư giãn, định vị lại khớp, giảm áp lực lên khớp có chủ ý do đó có hiệu quả điều trị rối loạn khớp thái dương hàm. Một số nghiên cứu cho thấy việc điều trị loạn năng khớp với máng nhai đem lại hiệu quả rất đáng khích lệ.

Máng nhai được thực hiện bằng nhựa trong tại labo với độ chính xác cao. Trên lâm sàng, máng nhai được điều chỉnh chi tiết, đặt giữa hai cung răng và có thể tháo lắp được.

4.Mài chỉnh khớp cắn

Sau khi mang từ 6 tuần đến 3 tháng, máng nhai sẽ giúp loại bỏ những rối loạn thăng bằng thần cơ trước đó, giúp khớp thái dương hàm hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên, khi tháo bỏ máng nhai nếu những vấn đề về khớp cắn chưa được loại bỏ thì những rối loạn thần kinh cơ sẽ có điều kiện phục hồi và dẫn đến tái phát loạn năng khớp.

Điều chỉnh khớp cắn được thực hiện nhằm hỗ trợ máng nhai giúp sự tiếp xúc răng được đều và tốt hơn, làm cho vận động hàm dưới được trơn tru, dễ dàng hơn góp phần loại bỏ rối loạn thần kinh cơ trước đó.

Điều chỉnh khớp cắn có thể được thực hiện trong nhiều lần và được đánh giá đáp ứng sau mỗi lần điều chỉnh.

5.Tái tạo khớp cắn bằng phục hình răng, niềng răng

Phục hình những răng đã mất bằng phục hình cố định hoặc phục hình răng tháo lắp

Trong một số trường hợp phức tạp, răng di lệch, nhiều răng chen chúc… mà không thể điều chỉnh khớp cắn, tái tạo khớp cắn bằng phục hình răng thì niềng răng sẽ được đề cập.

Phục hình răng, niềng răng thường được áp dụng trong tái tạo khớp cắn

6.Bơm rửa khớp, phẫu thuật khớp

Bơm rửa nội khớp và phẫu thuật khớp được thực hiện khi các biện pháp điều trị trên không đáp ứng.

BSCKII Nguyễn Thị Thảo Vân

Thông tin bạn nên biết

  • Đau Hoặc Mỏi Cơ Hàm Là Dấu Hiệu Của Loạn Khớp Hàm
  • Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân bị loạn năng khớp thái dương hàm?

Từ khóa » đau Loạn Năng Khớp Thái Dương Hàm