Phương Thức Sản Xuất, Lực Lượng Sản Xuất Và Quan Hệ Sản Xuất

Khái niệm phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất? Phân tích quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

..

Phân tích quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất

Mục lục:

  1. Khái niệm phương thức sản xuất
  2. Khái niệm lực lượng sản xuất
  3. Khái niệm quan hệ sản xuất
    • Vai trò của quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất
    • Vai trò của quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất
    • Vai trò của quan hệ phân phối sản phẩm lao động
  4. Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Cho ví dụ minh họa?

Phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

Khái niệm phương thức sản xuất

Phương thức sản xuất là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất ở một trình độ nhất định và quan hệ sản xuất tương ứng tạo thành cách thức sản xuất trong một giai đoạn nhất định của lịch sử.

– Về mặt kết cấu, ta có thể công thức hóa như sau:

Lực lượng sản xuất + Quan hệ sản xuất => Phương thức sản xuất = Cách thức sản xuất vật chất.

Phép “+” ở đây không phải là phép cộng giản đơn, mà là biểu thị mối quan hệ biện chứng, gắn bó xoắn xuýt lẫn nhau giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

– Với tính cách là phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương thức sản xuất biểu thị cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người.

Với một cách thức nhất định của sự sản xuất xã hội, trong đời sống xã hội sẽ xuất hiện những tính chất, kết cấu và đặc điểm tương ứng về mặt xã hội.

– Đối với sự vận động của lịch sử loài người, cũng như sự vận động của mỗi xã hội cụ thể, sự thay đổi về phương thức sản xuất bao giờ cũng là sự thay đổi có tính chất cách mạng. Trong sự thay đổi đó, các quá trình kinh tế, xã hội… được chuyển sang một chất mới.

– Nhờ có phương thức sản xuất, ta có thể phân biệt được sự khác nhau của những thời đại kinh tế khác nhau.

Dựa vào phương thức sản xuất đặc trưng của mỗi thời đại lịch sử, người ta hiểu thời đại lịch sử đó thuộc về hình thái kinh tế – xã hội nào. C. Mác khẳng định:

“Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”.

– Để hiểu rõ hơn về phương thức sản xuất, ta cần khảo sát 02 thành tố của nó là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Về bản chất, hai thành tố này là hai mặt của một mối quan hệ – đó là “quan hệ song trùng” của bản thân quá trình sản xuất xã hội.

Khái niệm lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, thể hiện trình động chinh phục tự nhiên của con người.

– Nghĩa là, trong quá trình sản xuất trong đời sống xã hội, con người chinh phục giới tự nhiên bằng tổng hợp tất cả các sức mạnh hiện thực của mình. Sức mạnh đó được triết học duy vật lịch sử khái quát trong khái niệm “lực lượng sản xuất”.

Khái niệm “lực lượng sản xuất” nói lên năng lực thực tế của con người trong quá trình sản xuất tạo ra của cải xã hội.

– Về mặt kết cấu, lực lượng sản xuất gồm hai thành tố là Người lao động và Tư liệu sản xuất:

+ Người lao động là con người có sức khỏe, có kỹ năng lao động.

+ Tư liệu sản xuất là những đối tượng được con người sử dụng, khai thác trong quá trình sản xuất, gồm:

Tư liệu lao động. Ví dụ: những công cụ lao động như cày, cuốc, máy kéo, dệt, máy, xe tải…; những nhiên liệu sản xuất như xăng, dầu, điện…

Đối tượng lao động. Ví dụ: sắt, thép, xi măng, sỏi, bông, len, sợi vải… Đó là những vật liệu, nguyên liệu “thô” để làm đầu vào của sản xuất.

– Do tầm quan trọng của nhân tố con người, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác khẳng định:

“Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, người lao động”.

Do đặc trưng sinh học – xã hội riêng có của mình, con người có sức mạnh và kỹ năng lao động cả về chân tay, cơ bắp, lẫn trí óc. Trong lao động, sức mạnh và kỹ năng ấy đã được nhân lên gấp nhiều lần.

Hơn nữa, lao động của con người ngày càng trở thành lao động có trí tuệ và hàm lượng trí tuệ ngày càng tăng trong lao động của con người. Do đó, con người chính là nguồn lực cơ bản, nguồn lực vô tận cua nền sản xuất trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) hiện nay.

– Cùng với con người, công cụ lao động cũng là một thành tố cơ bản của lực lượng sản xuất.

Công cụ lao động chính là “khí quan của bộ óc con người”, là “sức mạnh của tri thức đã được vật thể hóa”, có tác động “nối dài bàn tay” và nhân lên sức mạnh trí tuệ con người.

Bởi vậy, khi công cụ lao động đã đạt tới trình độ tin học hóa, số hóa, tự động hóa… một cách phổ biến như hiện nay, thì hiệu năng của nó thật sự rất kỳ diệu.

Trong mọi thời đại, công cụ sản xuất luôn là yếu tố động nhất (tức là dễ biến đổi, tiến hóa lên mức cao hơn nhất) của lực lượng sản xuất. Điều này biểu hiện năng lực thực tiễn của con người ngày càng tăng thêm, bởi công cụ sản xuất là do chính con người chế tạo ra.

Chính sự chuyển đổi, cải tiến, hoàn thiện không ngừng của công cụ lao động đã gây ra những biến đổi sâu sắc trong toàn bộ tư liệu sản xuất. Xét cho cùng, đó chính là nguyên nhân sâu xa của mọi biến cải xã hội.

– Trong quá trình chinh phục tự nhiên, con người sáng tạo ra khoa học, đến lượt mình, khoa học lại đóng vai trò là công cụ lao động đắc lực của con người.

Ngày nay, khoa học đã phát triển trở thành nguyên nhân trực tiếp của nhiều biến đổi to lớn trong sản xuất và trong đời sống.

Cách thức mà khoa học thâm nhập và thể hiện trong hiện thực ngày càng phong phú, đa dạng theo cấp số nhân. Khoa học đã phát triển đến mức độ mà chỉ vài chục năm trước con người cũng khó tưởng tượng ra.

Mạng xã hội

Ví dụ tiêu biểu là công nghệ Internet, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, các mạng xã hội Facebook, Youtube… đã làm thay đổi to lớn nhiều mắt khâu trong quá trình sản xuất của con người. Những công nghệ hiện đại này chính là đặc trưng mang tính thời đại cho lực lượng sản xuất hiện nay.

Con người là lực lượng sản xuất hàng đầu. Còn công cụ lao động là yếu tố động nhất của lực lượng sản xuất.

Khái niệm quan hệ sản xuất

Quan hệ sản xuất là khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ mối quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất vật chất.

– Nếu như lực lượng sản xuất biểu thị mối quan hệ giữa con người với tự nhiên – mặt thứ nhất của “mối quan hệ song trùng” trong quá trình sản xuất xã hội, thì quan hệ sản xuất biểu thị mối quan hệ giữa những con người với nhau trong quá tình sản xuất ấy – mặt thứ hai của nó.

Chính nhờ mối quan hệ giữa con người với con người và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên  tồn tại thống nhất với nhau mà quá trình sản xuất xã hội mới diễn ra bình thường.

Ví dụ về quan hệ sản xuất

Trong quá trình khai thác mỏ than, nếu mỗi người chỉ làm việc một cách tách biệt, không có sự phối hợp giữa các công nhân, những người công nhân lại không nghe chỉ đạo của quản lý…, tức là không tồn tại mối quan hệ giữa những con người với nhau (“quan hệ sản xuất”), thì tập thể đó không thể khai thác than hiệu quả.

– Trong sản xuất, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên thể hiện thành những trình độ, năng lực khác nhau của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, mối quan hệ đó được xây dựng trong và thông qua những quan hệ khác nhau giữa người với người, tức là những quan hệ sản xuất.

Như thế, dù muốn hay không, con người bắt buộc phải tạo dựng, duy trì những mối quan hệ nhất định với nhau trong quá trình sản xuất để đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra bình thường và ngày càng hiệu quả. Những quan hệ này mang tính tất yếu và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ ai.

Tuy do con người tạo ra, nhưng các mối quan hệ sản xuất đó tuân theo những quy luật xã hội tất yếu, khách quan của của đời sống xã hội.

– Trong thực tế quá trình sản xuất, hệ thống các quan hệ sản xuất biểu hiện cụ thể theo 03 mặt khác nhau như sau:

  • Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất;
  • Quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất;
  • Quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động.

Các mặt quan hệ nêu trên là những quan hệ mang tính vật chất thuộc đời sống xã hội.

Những quan hệ đó là hình thức xã hội của lực lượng sản xuất và là cơ sở sâu xa của đời sống tinh thần xã hội. Các mặt quan hệ này luôn gắn bó với nhau, tạo thành một hệ thống mang tính ổn định tương đối so với sự vận động không ngừng của lực lượng sản xuất.

Mỗi mặt của hệ thống quan hệ sản xuất có vai trò và ý nghĩa riêng biệt, xác định, khi nó tác động tới nền sản xuất xã hội nói riêng và toàn bộ tiến trình lịch sử nói chung, thể hiện ở một số khía cạnh sau:

* Vai trò của quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất:

– Tính chất của quan hệ sản xuất trước hết được quy định bởi quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Nó biểu hiện thành chế độ sở hữu – đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất.

– Trong hệ thống các quan hệ sản xuất của mỗi nền kinh tế – xã hội xác định, quan hệ sở hữu về tư  liệu sản xuất luôn có vai trò quyết định đối với các quan hệ xã hội khác. Quan hệ sở hữu là quan hệ xuất phát, cơ bản, trung tâm của các quan hệ sản xuất.

– Một cách chung chất, có thể hiểu quan hệ sở hữu là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc chiếm hữu các tư liệu sản xuất.

Ví dụ:

  • Quan hệ giữa địa chủ sở hữu đất với tá điền không sở hữu đất là quan hệ sở hữu.
  • Quan hệ giữa tư sản có nhà máy với công nhân không có nhà máy là quan hệ sở hữu.

Chính các mối quan hệ sở hữu này đã quy định địa vị của từng tập đoàn người (địa chủ – tá điền; tư sản – công nhân;…) trong hệ thống sản xuất xã hội.

Đến lượt mình, địa vị của từng tập đoàn người trong hệ thống sản xuất lại quy định cách thức mà các tập đoàn trao đổi hoạt động cho nhau, cách thức mà các tập đoàn tổ chức quản lý trong quá trình sản xuất.

Cuối cùng, chính quan hệ sở hữu là cái quyết định phương thức phân phối sản phẩm cho các tập đoàn người theo địa vị của họ đối với hệ thống sản xuất xã hội.

– Trong các hình thái – kinh tế xã hội mà loài người đã từng trải qua, lịch sử đã được chứng kiến sự tồn tại của hai loại hình sở hữu cơ bản đối với tư liệu sản xuất:

+ Sở hữu công cộng:

Là loại hình mà trong đó tư liệu sản xuất thuộc về mọi thành viên của mỗi cộng đồng. Nhờ cơ sở đó nên về nguyên tắc, các thành viên của mỗi cộng đồng bình đẳng với nhau trong tổ chức lao động và phân phối sản phẩm.

Do tư liệu sản xuất là tài sản chung của cả cộng đồng nên các quan hệ xã hội trong sản xuất vật chất và trong đời sống xã hội trở thàn quan hệ hợp tác, tương trợ lẫn nhau.

+ Sở hữu tư nhân:

Trong các chế độ tư hữu, do tư liệu sản xuất chỉ nằm trong tay một số ít người nên của cải xã hội không thuộc về số đông mà thuộc về số ít người đó. Do vậy, các quan hệ xã hội trở thành bất bình đẳng: quan hệ thống trị và bị trị. Đối kháng xã hội trong các xã hội này tiềm tàng trở thành đối kháng gay gắt.

Đến nay, lịch sử loài người chứng kiến 03 chế độ sở hữu tư nhân điển hình:

  • Chế độ chiếm hữu nô lệ;
  • Chế độ phong kiến; và
  • Chế độ tư bản chủ nghĩa.

Trong đó, chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa là đỉnh cao của loại hình sở hữu này.

C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chứng minh rằng chế độ tư bản chủ nghĩa không phải là hình thức sở hữu cuối cùng trong lịch sử loài người. Chủ nghĩa xã hội dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, dù sớm hay muộn cũng sẽ đóng vai trò phủ định đối với chế độ tư hữu.

* Vai trò của quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất:

– Trong hệ thống các quan hệ sản xuất, các quan hệ về mặt tổ chức, quản lý sản xuất là các quan hệ có khả năng quyết định một cách trực tiếp, quy mô, tốc độ, hiệu quả và xu hướng của mỗi nền sản xuất cụ thể.

Bằng cách nắm bắt các nhân tố xác định của một nền sản xuất, điều khiển và tổ chức vận hành các nhân tố đó, các quan hệ này có khả năng đẩy nhanh hoặc kìm hãm các quá trình khách của sản xuất.

– Các quan hệ về mặt tổ chức và quản lý sản xuất luôn có xu hướng thích ứng với kiểu quan hệ sở hữu thống trị của mỗi nền sản xuất cụ thể. Do vậy, việc sử dụng hợp lý các loại quan hệ này sẽ cho phép toàn bộ hệ thống sản xuấ vươn tới tối ưu.

Ngược lại, các quan hệ tổ chức và quản lý có thể làm biến dạng quan hệ sở hữu, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.

Ví dụ:

Khi xét đơn thuần trong các mối quan hệ công việc tại Tập đoàn Alibaba, thì quan hệ giữa Mã Vân – Chủ tịch với Trương Dũng – CEO, hoặc quan hệ giữa Trương Dũng với các Giám đốc bộ phận… là những quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất. Rõ ràng, nếu những quan hệ này được tổ chức khoa học thì doanh thu của Alibaba sẽ phát triển.

Ngược lại, nếu những quan hệ này có vấn đề, hoạt động kinh doanh của Alibaba sẽ gặp rắc rối.

– Ngày nay, nhờ ứng dụng được những thành tựu to lớn của khoa học quản lý hiện đại và những tiến bộ của công nghệ thông tin, nên vai trò của các quan hệ tổ chức và quản lý đối với sản xuất, đặc biệt là đối với việc điều hành sản xuất ở tầm vĩ mô, đã tăng lên gấp bội.

* Vai trò của quan hệ phân phối sản phẩm lao động:

Trong hệ thống các quan hệ sản xuất, các quan hệ về mặt phân phối sản phẩm lao động cũng là những nhân tố có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế – xã hội.

Mặc dù phục thuộc vào các quan hệ sở hữu và vào trình độ tổ chức quản lý sản xuất, song do có khả năng kích thích trực tiếp vào lợi ích của con người, nên các quan hệ phân phối là chất xúc tác của các quá trình kinh tế – xã hội.

Quan hệ phân phối có thể thúc đẩy tốc độ và nhịp điệu của sự sản xuất, làm năng động toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Ngược lại, các quan hệ này có khả năng kìm hãm sản xuất, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Ví dụ:

  • Quan hệ giữa ông chủ – người trả lương và công nhân – người nhận lương là quan hệ phân phối sản phẩm lao động. Nếu mức lương hợp lý sẽ kích thích người lao động tăng năng suất, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh.
  • Ngược lại, nếu mức lương quá thấp, công nhân có xu hướng đình công, làm đình trệ sản xuất.

MỞ RỘNG:

(Các bạn không nhất thiết trình bày trong bài thi):

Sau khi khảo sát các thành tố của phương thức sản xuất như trên, ta có thể công thức hóa một cách tương đối như sau:

LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT {Người lao động + Tư liệu sản xuất [Tư liệu lao động (công cụ lao động + nhiên liệu) + Đối tượng lao động (nguyên vật liệu thô)]} +

QUAN HỆ SẢN XUẤT {Quan hệ sỡ hữu [Sở hữu tư nhân, Sở hữu công cộng]; Quan hệ tổ chức, quản lý; Quan hệ phân phối} =>

PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT = CÁCH THỨC SẢN XUẤT RA SẢN PHẨM.

Trình bày mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Cho ví dụ minh họa?

Sự tác động lẫn nhau giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện thành một mối quan hệ biện chứng.

Mối quan hệ đó lại biểu hiện thành quy luật cơ bản nhất của sự vận động của đời sống xã hội. Đó là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Quy luật đó được thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

* Quan hệ sản xuất được hình thành, biến đổi và phát triển dưới ảnh hưởng quyết định của lực lượng sản xuất.

– Lực lượng sản xuất là thành tố động nhất, cách mạng nhất, là nội dung của phương thức sản xuất.

Còn quan hệ sản xuất là thành tố tương đối ổn định, là hình thức xã hội của phương thức sản xuất.

Trong mối quan hệ đó, nội dung quyết định hình thức, tức là lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất.

– Khuynh hướng của sản xuất xã hội là không ngừng biến đổi và ngày càng tiến bộ hơn.

Xét đến cùng, sự biến đổi đó bao giờ cũng bắt đầu bằng sự biến đổi của lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động.

Do vậy, lực lượng sản xuất có vai trò quyết định đối với phương thức sản xuất, buộc quan hệ sản xuất phải hình thành, biến đổi và phát triển phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

Nội dung đó thể hiện:

+ Trình độ của lực lượng sản xuất ở một giai đoạn lịch sử nhất định là trình độ, khả năng chinh phục tự nhiên của con người ở giai đoạn đó.

Trình độ đó thể hiện ở một số điểm sau:

  • Trình độ của công cụ lao động;
  • Trình độ tổ chức, phân công lao động xã hội;
  • Trình độ ứng dụng khoa học vào sản xuất;
  • Kinh nghiệm và kỹ năng lao động của con người.

Rõ ràng cả ba mặt của quan hệ sản xuất phải phụ thuộc và phù hợp với các trình độ nêu trên để đảm bảo phương thức sản xuất được vận hành hiệu quả.

+ Tính chất của lực lượng sản xuất là khái niệm thể hiện đặc điểm, quy mô đặc trưng của lực lượng sản xuất ở một phương thức sản xuất nhất định.

Khi công cụ lao động chỉ ở trình độ thủ công, lực lượng sản xuất chủ yếu mang tính cá nhân.

Còn khi sản xuất đạt tới trình độ cơ khi hóa, tự động hóa, hoặc “internet hóa” như hiện nay, lực lượng sản xuất đòi hỏi sự hợp tác xã hội mang tính chất rộng rãi trên cơ sở chuyên môn hóa, thậm chí là sự hợp tác mang tính toàn cầu.

Trên thực tế, tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất không tách biệt nhau.

– Như thế, quan hệ sản xuất luôn được lực lượng sản xuất thúc đẩy đến trạng thái phù hợp với lực lượng sản xuất.

Đó là trạng thái mà trong đó quan hệ sản xuất là hình thức phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất.

Nghĩa là, trạng thái mà ở đó các yếu tố cấu thành quan hệ sản xuất tạo ra dư địa đầy đủ cho lực lượng sản xuất phát triển.

Trong trạng thái ấy, cả ba mặt của quan hệ sản xuất thích ứng với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất, tạo điều kiện tối ưu cho việc sử dụng, kết hợp giữa lao động và tư liệu sản xuất. Khi đó, lực lượng sản xuất sẽ có điều kiện để phát triển hết khả năng của nó.

– Tuy nhiên, trạng thái phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất sẽ không đứng yên một chỗ mà sẽ dần biến đổi đến trạng thái mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

Sở dĩ như vậy bởi khi tới một giai đoạn nào đó, lực lượng sản xuất sẽ phát triển lên một trình độ mới với tính chất xã hội hóa cao hơn.

Ví dụ như khi người lao động không sử dụng các công cụ thô sơ, năng suất kém mà chuyển sang công cụ máy móc, năng suất cao hơn để sản xuất.

Khi đó, tình trạng phù hợp sẽ bị phá vỡ. Mâu thuẫn sẽ ngày càng gay gắt và đến một lúc nào đó, quan hệ sản xuất trở thành “xiềng xích” trói buộc khiến lực lượng sản xuất không thể phát triển hơn.

Đòi hỏi khách quan khi đó là phải thay quan hệ sản xuất cũ, đã lỗi thời bằng một quan hệ sản xuất mới, tiến bộ hơn. Chỉ có như vậy thì lực lượng sản xuất mới được “cởi trói” để phát triển lên những trình độ cao hơn.

Việc xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ, thay thế nó bằng quan hệ sản xuất mới có nghĩa là ở đó diễn ra sự diệt vong của phương thức sản xuất lỗi thời, kéo theo sự ra đời của một phương thức sản xuất mới. Đó là thời đại của cách mạng xã hội.

Ví dụ minh họa:

  • Cách mạng tư sản ở Anh (1642 – 1651), ở Pháp (1789 – 1799) đã xóa bỏ phương thức sản xuất phong kiến và thay bằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
  • Cách mạng vô sản năm 1917 ở Nga đã đưa phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên xuất hiện trên thực tế…

* Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử chứng minh vai trò quyết định của lực lượng sản xuất song cũng khẳng định: Quan hệ sản xuất bao giờ cũng có tính độc lập tương đối và sẽ tác động trở lại lực lượng sản xuất.

Điều đó thể hiện ở một số điểm sau:

– Quan hệ sản xuất quy định mục đích xã hội của sản xuất, ảnh hưởng đến thái độ lao động của công nhân, nông dân, việc hợp tác và phân công lao động, kích thích hoặc hạn chế hoạt động cải tiến công cụ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Bằng nhiều cách như vậy, quan hệ sản xuất có nhiều ảnh hưởng lên lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất.

– Nếu được vận dụng khoa học, phù hợp với tính chất và trình động của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất sẽ tạo dư địa rộng lớn để lực lượng sản xuất phát triển.

Khi đó, quan hệ sản xuất là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển hết khả năng của nó.

– Nếu đã lỗi thời, không còn phù hợp với lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất sẽ kìm kẹp, cản trở lực lượng sản xuất phát triển.

Kéo theo đó, hiệu năng sản xuất của nền kinh tế sẽ suy giảm, xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng bất công trong xã hội.

– Lực lượng sản xuất chỉ có thể phát triển khi có một quan hệ sản xuất hợp lý, đồng bộ.

Quan hệ sản xuất lạc hậu hơn hoặc tiến bộ hơn một cách giả tạo cũng sẽ kìm hãm sự phát tiển của lực lượng sản xuất.

Khi mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã bộc lộ gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết nhưng con người không phát hiện được; hoặc khi mâu thuẫn đã được phát hiện mà không được giải quyết hoặc giải quyết một cách sai lầm, chủ quan… thì tác động kìm hãm của quan hệ sản xuất sẽ trở thành nhân tố phá hoại đối với lực lượng sản xuất.

Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất

Trong quá trình sản xuất, con người đồng thời chịu sự quy định của hai mối quan hệ là quan hệ với tự nhiên và quan hệ giữa người với người. Hai mối quan hệ này tác động qua lại lẫn nhau tạo nên quy luật cơ bản của sự vận động, phát triển của xã hội. Quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chỉ rõ sự phụ thuộc của quan hệ sản xuất vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tác động ngược trở lại lực lượng sản xuất.

– Lực lượng sản xuất quy định quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất là yếu tố động và cách mạng, là nội dung vật chất; quan hệ sản xuất là yếu tố tương đối ổn định, là hình thức kinh tế của phương thức sản xuất. Nội dung (lực lượng sản xuất) là cái quy định, thay đổi trước; hình thức (quan hệ sản xuất) phụ thuộc vào nội dung, thay đổi sau.

– Quan hệ sản xuất tồn tại độc lập tương đối và tác động trở lại lực lượng sản xuất thể hiện ở quan hệ sản xuất phụ thuộc vào thực trạng phát triển thực tế của lực lượng sản xuất trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng luôn có tác động trở lại lực lượng sản xuất theo hướng tích cực (phù hợp) và hướng tiêu cực (không phù hợp). Khi phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất sẽ tạo địa bàn, mở đường và trở thành động lực cơ bản thúc đẩy và khi không phù hợp, quan hệ sản xuất sẽ trở thành xiềng xích trói buộc, kìm hãm sự phát triển lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất tồn tại độc lập tương đối và tác động trở lại lực lượng sản xuất còn thể hiện ở quan hệ sản xuất quy định mục đích sản xuất; tác động lên thái độ người lao động; lên tổ chức, phân công lao động xã hội; lên khuynh hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ để từ đó hình thành hệ thống yếu tố hoặc thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Thực tiễn cho thấy, lực lượng sản xuất chỉ có thể phát triển khi có quan hệ sản xuất hợp lý, đồng bộ với nó.

– Mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất bao hàm sự chuyển hóa thành các mặt đối lập và phát sinh mâu thuẫn. Khi phương thức sản xuất mới ra đời, quan hệ sản xuất phát triển kịp và thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất thì được gọi là sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phù hợp đó thể hiện ở chỗ, cả ba yếu tố của quan hệ sản xuất tạo “địa bàn đầy đủ” cho lực lượng sản xuất phát triển; nghĩa là quan hệ sản xuất tạo điều kiện sử dụng và kết hợp tối ưu người lao động với tư liệu sản xuất, nhờ đó lực lượng sản xuất có cơ sở để phát triển hết khả năng của mình.

Nhưng trong quá trình lao động, con người luôn tìm cách cải tiến, hoàn thiện và chế tạo ra những công cụ lao động mới, đỡ chi phí mà năng suất, hiệu quả lao động cao hơn. Cùng với điều đó, kinh nghiệm sản xuất, thói quen lao động, tri thức khoa học cũng tiến bộ hơn và phát triển hơn. Trong quá trình này, quan hệ sản xuất thường phát triển chậm hơn nên sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuấtkhông phải là vĩnh viễn mà khi tới giai đoạn, nơi lực lượng sản xuất phát triển lên trình độ mới, thì tình trạng phù hợp trên sẽ bị phá vỡ; xuất hiện mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Mâu thuẫn trên tồn tại đến một lúc nào đó thì quan hệ sản xuất sẽ “trở thành xiềng xích của lực lượng sản xuất”, níu kéo sự phát triển của lực lượng sản xuất, người ta gọi là sự không phù hợp (hay mâu thuẫn) giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Nguyên nhân của phù hợp hay không phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là do tính năng động của lực lượng sản xuất mâu thuẫn với tính ổn định tương đối của quan hệ sản xuất.

Phù hợp, không phù hợp có tính biện chứng, nghĩa là trong sự phù hợp đã có những biểu hiện không phù hợp và trong không phù hợp đã chứa đựng những điều kiện, yếu tố để chuyển thành phù hợp. “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất hiện có (…) trong đó từ trước đến nay lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng”. Cách mạng xã hội, do vậy có mục đích cơ bản là giải quyết mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất bằng cách xoá bỏ quan hệ sản xuất cũ và thay vào đó một quan hệ sản xuất mới, phù hợp với trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất; mở đường cho lực lượng sản xuất đó phát triển tiếp theo. Cứ như thế, sự phát triển biện chứng của phương thức sản xuất tuân theo chuỗi xích phù hợp, không phù hợp. Việc xoá bỏ quan hệ sản xuất cũ, thay thế bằng quan hệ sản xuất mới đồng nghĩa với sự xoá bỏ phương thức sản xuất cũ, tạo điều kiện cho sự ra đời của phương thức sản xuất mới cao hơn, tiến bộ hơn.

Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất thông qua các quy luật kinh tế xã hội, đặc biệt là các quy luật kinh tế cơ bản.

Các tìm kiếm liên quan đến Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Cấu 18 mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Ví dụ mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Tiểu luận mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Liên hệ thực tiễn mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Trình bày mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cho vì dụ minh hóa, Tiểu luận mối quan hệ giữa LLSX và QHSX, Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở nước ta hiện nay, Câu hỏi về quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất

Phương thức sản xuất là gì?

Phương thức sản xuất là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất ở một trình độ nhất định và quan hệ sản xuất tương ứng tạo thành cách thức sản xuất trong một giai đoạn nhất định của lịch sử.

Lực lượng sản xuất là gì?

Lực lượng sản xuất là khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, thể hiện trình động chinh phục tự nhiên của con người.

4.8/5 - (6 bình chọn)
  • Lực lượng sản xuất
  • Mối quan hệ
  • Mối quan hệ biện chứng
  • Phương thức sản xuất
  • Quan hệ sản xuất
  • Sản xuất

Bài viết liên quan

  • Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuấtMối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
  • Ví dụ về sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lạiVí dụ về sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại
  • Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụngNhững việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng
  • Ứng xử của luật sư trong Quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khácỨng xử của luật sư trong Quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác
  • Phân tích nội dung mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng?Phân tích nội dung mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng?
  • Quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa vật chất với ý thứcQuan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa vật chất với ý thức
  • Con đường biện chứng của nhận thức chân lýCon đường biện chứng của nhận thức chân lý
  • Tồn tại xã hội, ý thức xã hội và mối quan hệ biện chứng giữa chúng?Tồn tại xã hội, ý thức xã hội và mối quan hệ biện chứng giữa chúng?

Từ khóa » Cấu Trúc Của Phương Thức Sản Xuất Bao Gồm