PR Là Gì? 6 Bước Xây Dựng Kế Hoạch PR Hoàn Hảo - Vietnix

PR là ngành nghề khá được ưa chuộng tại Việt Nam, đặc biệt khi tiếp thị – truyền thông ngày được chú trọng trong doanh nghiệp. Cùng Vietnix khám phá PR là gì và những công việc mà một chuyên viên PR thực hiện qua bài viết bên dưới.

PR là gì?

PR là viết tắt của từ gì? Đó là từ viết tắt của cụm từ Public Relations – quan hệ công chúng. Đây là quá trình xây dựng chiến lược quản lý và phổ biến thông tin cá nhân hay tổ chức đến với mọi người. Mục tiêu của PR nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu tích cực trong nhận thức, suy nghĩ của cộng đồng, đối tác, dư luận,… Bên cạnh đó, PR còn bao gồm việc giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống khủng hoảng, quản lý rủi ro.

PR là một chuyên ngành riêng biệt nhưng có chung đặc điểm với một số chuyên ngành khác chẳng hạn như marketing, truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện,… Mặc dù trách nhiệm trong các lĩnh vực này có thể giống nhau nhưng có một số khía cạnh của quan hệ công chúng tạo nên sự khác biệt và trở thành một ngành độc nhất.

PR là công tác truyền thông nhằm thu hút sự chú ý của công chúng vào doanh nghiệp
PR là công tác truyền thông nhằm thu hút sự chú ý của công chúng vào doanh nghiệp

Tầm quan trọng của PR

Trong doanh nghiệp PR là gì? Ngày nay PR là hoạt động có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp. PR là trong marketing đóng góp vào việc tìm kiếm, xây dựng và lưu giữ các mối quan hệ lâu dài với khách hàng, góp phần làm gia tăng doanh thu, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp,… Hiện nay cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các thiết bị công nghệ tầm quan trọng của PR càng được thể hiện rõ hơn, đó là:

  • Tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức: Công tác PR được thực hiện nghiêm túc, bài bản và đúng cách thì công chúng sẽ có cái nhìn tích cực hơn về thương hiệu. Đây chính là điều sẽ giúp thúc đẩy, định hình phát triển doanh nghiệp toàn diện bắt đầu từ các khía cạnh nhỏ.
  • Tìm kiếm và tiếp cận thị trường mục tiêu: PR sử dụng các phương tiện truyền thông một cách linh hoạt thì hiệu quả thu về sẽ rất cao. Chẳng hạn cách PR trên một bài báo đánh giá tốt về một sản phẩm, dịch vụ nào đó sẽ tạo ảnh hưởng tích cực, thu hút người tiêu dùng hơn là cách quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
  • PR tạo khách hàng tiềm năng: PR trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như hiện nay là cách tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng hiệu quả nhất. Những bài viết đánh giá tốt về doanh nghiệp, những hoạt động ý nghĩa giúp đỡ cộng động lan tỏa nhiều trên truyền thông sẽ tạo cho doanh nghiệp nguồn khách hàng tiềm năng lớn.
  • Quản lý tốt những rủi ro trong tương lai: Công tác PR còn giúp doanh nghiệp dự phòng, quản lý và hạn chế những rủi ro ảnh hưởng đến thương hiệu, ứng phó với các bình luận tiêu cực gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp. Bởi vì trên thực tế kinh doanh sẽ không tránh khỏi tình huống có những kẻ xấu gây kích động, tạo tin xấu về doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của PR
PR tạo dựng các mối quan hệ mới, lâu bền cho doanh nghiệp

Mô tả công việc của một nhân viên PR

Một khi đã nắm bắt được tầm quan trọng của PR là gì trong kinh doanh thì các bạn sẽ hiểu hơn công việc của một nhân viên PR. Trong doanh nghiệp, PR gồm những gì? Các công việc của nhân viên PR là làm gì? Sau đây là tóm tắt các công việc của nhân viên PR hiện nay:

  • Xây dựng kế hoạch về truyền thông thương hiệu, các chiến lược PR sản phẩm hoàn chỉnh và tiến hành thực thi các chiến lược PR theo kế hoạch.
  • Chia sẻ kế hoạch và cùng phối hợp với các bộ phận có liên quan khác để thực hiện triển khai kế hoạch đạt hiệu quả nhất.
  • Phụ trách thông cáo báo chí đến các phương tiện truyền thông mà doanh nghiệp đang hướng đến.
  • Trả lời phỏng vấn các câu hỏi về doanh nghiệp đến các cơ quan truyền thông,… Duy trì, tạo dựng mối quan hệ gần gũi với các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí.
  • Thực hiện soạn thảo nội dung cho các tạp chí, bản tin nội bộ, các bài phát biểu cũng như các báo cáo định kỳ.
  • Lên kế hoạch tổ chức các sự kiện như họp báo, triển lãm, khai trương chi nhánh, lễ kỷ niệm,… cho doanh nghiệp.
  • Theo dõi, giám sát quá trình chuẩn bị tài liệu cho hoạt động PR như duyệt nội dung, lựa chọn hình ảnh, video, tờ rơi, brochure,…
  • Trực tiếp tương tác với khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,…và kịp thời kiểm soát, ngăn chặn những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.
  • Duy trì thường xuyên và liên tục các hoạt động thiện nguyện đóng góp cho cộng đồng. Liên kết khai thác các nguồn PR khác như nhà tài trợ,…
Mô tả công việc của nhân viên PR
Xây dựng kế hoạch truyền thông là công việc của nhân viên PR

Ưu và nhược điểm của PR

PR là gì trong marketing? PR là một hoạt động trong mảng marketing hầu như không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh hiện đại ngày nay. Hoạt động này sẽ càng giúp cho doanh nghiệp tiến xa và đạt nhiều lợi ích hơn nữa nếu nắm được những ưu và nhược điểm sau đây của PR.

Ưu điểm

  • Tiếp cận lượng khách hàng lớn: Tạo dựng, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, đối tác, cộng đồng. PR là quảng cáo đưa hình ảnh thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến gần với khách hàng hơn.
  • Tạo niềm tin với cộng đồng, khách hàng: Ưu điểm nổi bật không thể phủ nhận của PR đó là làm tăng sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng, đối tác, khách hàng từ đó tăng sự tương tác với nhau hơn.

Nhược điểm

  • Khó kiểm soát thông tin: PR không thể kiểm soát được hết các thông tin viết về doanh nghiệp khi mà có quá nhiều phương tiện thông tin viết về doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến thông tin có thể bị truyền tải sai lệch gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp.
  • Khó đo lường hiệu quả: Hiệu quả của các chiến dịch PR không mang lại kết quả tức thời. Do đó việc đo lường và đánh giá hiệu quả khó hơn các hoạt động marketing online.
  • Hao tốn nhiều thời gian, chi phí: Hoạt động PR thông thường tốn nhiều thời gian, sự kiên trì để tạo được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Có nhiều hoạt động PR doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí tuy nhiên hiệu quả lại không như mong đợi.
Ưu điểm của PR giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng
PR giúp doanh nghiệp tiếp cận và tạo niềm tin với cộng đồng, khách hàng

PR khác gì Marketing và Quảng cáo?

PR, marketing và quảng cáo đều là những hoạt động truyền thông nhưng mỗi phương pháp lại có những điểm khác nhau của riêng mình. PR là ngành gì? PR là hoạt động nhằm tập trung vào việc tìm kiếm, tạo dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp, cá nhân và công chúng, marketing nhằm chỉ hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng. Quảng cáo là hoạt động nhằm mục đích hướng người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm.

Để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của PR, marketing, quảng cáo các bạn hãy theo dõi bảng so sánh bên dưới đây:

Tiêu chíPRMarketingQuảng cáo
Truyền thôngThông qua các hoạt động cụ thể: Sự kiện, event, họp báo, hội thảo,…Thông qua các tài liệu quảng cáo: Tờ rơi, website, catalog…Thông qua các phương tiện truyền thông: Tivi, radio, Internet,…
Đối tượng tiếp cậnKhách hàng, đối tác tiềm năng.Toàn bộ khách hàng bên ngoài. Người tiêu dùng theo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Chức năngXây dựng, duy trì mối quan hệ giữa khách hàng với thương hiệuTạo sự quan tâm và gia tăng nhu cầu bằng cách duy trì thị trườngBán hàng hóa và dịch vụ bằng cách quảng bá sản phẩm dịch vụ
Kiểm soátKiểm soát tại doanh nghiệp và phương tiện truyền thôngKiểm soát theo doanh nghiệpKiểm soát theo doanh nghiệp
Liên hệTheo 2 chiềuTheo 2 chiềuTheo 1 chiều

PR có những loại hình phổ biến nào?

PR là một loại hình truyền thông đặc biệt, đa dạng nhằm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và duy trì hình ảnh tích cực với công chúng. Nếu đã hiểu PR là gì? Bạn cũng biết đếncác loại hình PR phổ biến hiện nay được biết đến như:

Kế hoạch truyền thông

Kế hoạch truyền thông là công tác tuyên truyền thông tin bao gồm mục tiêu, đối tượng, công cụ truyền thông cho từng dự án, từng giai đoạn cụ thể. Kế hoạch truyền thông giúp doanh nghiệp hoàn thành được mục tiêu mong muốn trong từng giai đoạn thay vì truyền thông để đạt được một lợi ích riêng biệt trong một khoảng thời gian.

Truyền thông công cụ

Là các công tác như vận động hành lang, liên kết với chính phủ, hiệp hội thương mại,… Mục đích là để đề xuất, thay đổi một số điều khoản trong chính sách của doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của người lao động.

Quan hệ truyền thông

Đây là loại hình PR có mối quan hệ lâu dài với các phương tiện truyền thông, báo chí. Quan hệ truyền thông là một hình thức quảng cáo miễn phí nên các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ loại hình này.

Quan hệ khách hàng

Loại hình PR quan hệ khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để nắm được xu hướng, sở thích tiêu dùng của khách hàng. Từ những dữ liệu thu thập được sẽ tiến hành tạo sự ảnh hưởng đến khách hàng bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông.

Quan hệ nội bộ

Quan hệ nội bộ nhằm hướng đến môi trường làm việc hiệu quả, tích cực. Phổ biến những chính sách, nội quy, trách nhiệm của nhân viên khi làm việc, mỗi nhân viên đều là đại diện cho doanh nghiệp ở bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quan hệ nội bộ còn tạo ra các mối quan hệ lành mạnh, đoàn kết giữa các nhân viên để thúc đẩy tinh thần, năng lượng làm việc hiệu quả hơn.

Quan hệ cộng đồng

Loại hình PR quan hệ cộng đồng mục đích nhằm tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp tốt đẹp với cộng đồng tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Bằng cách tham gia các hoạt động thiện nguyện, từ thiện, dự án cộng đồng để tăng sự hiện diện của doanh nghiệp trong cộng đồng.

Tổ chức sự kiện

Tổ chức sự kiện bao gồm các hoạt động như họp báo, triển lãm, hội thảo, quyên góp từ thiện,… là những hoạt động giúp tạo dựng và xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt trong cộng đồng. Mỗi một sự kiện diễn ra đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng để tạo dựng được hình ảnh thương hiệu ấn tượng nhất với cộng đồng, khách hàng.

Quản lý khủng hoảng

Trong kinh doanh không thể tránh khỏi những khủng hoảng từ những tin xấu, bịa đặt về doanh nghiệp, sự hiểu lầm của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ,… Lúc này quản lý khủng hoảng là điều quan trọng cần thực hiện. Do đó cần có sự phối hợp, liên kết giữa các bộ phận để đưa ra các phương án xử lý kịp thời nếu có khủng hoảng xảy ra.

Website

Hiện nay website là công cụ PR quan trọng và hữu hiệu nhất của hầu hết các doanh nghiệp. Bằng cách đăng tải thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ, video,… lên các trang web, diễn đàn, mạng xã hội để tương tác trực tiếp với khách hàng và cách PR hiệu quả nhất.

Tài liệu nhận dạng doanh nghiệp

Tài liệu nhận dạng doanh nghiệp được xem là công cụ để cộng đồng, khách hàng nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp nhanh nhất. Tài liệu bao gồm: logo, bảng hiệu, danh thiếp, đồng phục, xe công ty,… phải mang nét đặc trưng đặc biệt riêng thì cộng đồng, khách hàng dễ dàng nhận dạng được doanh nghiệp.

PR Quan hệ truyền thông
Hình thức PR quan hệ truyền thông

Hoạt động trong PR

Nếu hiểu rõ bản chất và vai trò public relations là gì, bạn sẽ biết cách phối hợp với các chiến dịch marketing hiệu quả nhất. PR thường sẽ bao gồm các loại hình sau: Tài trợ, tổ chức sự kiện, quan hệ báo chí, truyền thông hay các chiến lược gia tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tài trợ

Hình thức này khá phổ biến tại Việt Nam vì tất cả các bên liên quan đều nhận được lợi ích thiết thực. Tài trợ chính là việc đóng góp bằng hiện vật, hiện kim hoặc hỗ trợ công cụ, kỹ năng cho một tổ chức từ thiện hoặc gây quỹ.

Hình thức tài trợ trong PR
Hình thức tài trợ trong PR

Các doanh nghiệp đi theo hình thức PR này thông thường sẽ được MC nhắc tên cảm ơn. Ngoài ra, độ nhận diện thương hiệu cũng tốt hơn khi logo xuất hiện xuyên suốt chương trình.

Thông cáo báo chí

Thông cáo báo chí là công cụ hữu hiệu để truyền tải tin tức về sự kiện của công ty đến khách hàng tiềm năng. Các thời điểm thực hiện thông cáo báo chí bao gồm:

  • Trước khi tổ chức sự kiện quan trọng.
  • Công bố giải thưởng hoặc thành tựu mới của doanh nghiệp.
  • Ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới cần quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng.
Thông cáo báo chí
Thông cáo báo chí

Bài viết PR/Advertorial

Advertorial là sự kết hợp giữa Advertisment và Editorial. Hình thức này được người làm PR chuyên nghiệp sử dụng để kể về câu chuyện thương hiệu theo một cách khác biệt trên các phương tiện truyền thông. Dạng bài Advertorial được người dùng chấp nhận vì sự dung hòa giữa yếu tố quảng cáo và tính khách quan của thông tin. Thông thường hình thức này sẽ được các tập đoàn lớn thực hiện với chiến lược dài hạn.

Bài viết PR trên báo chí giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu
Bài viết PR trên báo chí giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu

Các bài viết được đăng nhiều kỳ trên báo chí. Nội dung đa chiều nhưng vẫn nhất quán với thông điệp PR mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Người làm PR cần phải nắm vững nguyên tắc khi thiết kế nội dung và biết cách liên hệ đến các đơn vị truyền thông liên quan. Cơ cấu bài viết cần đưa ra những vấn đề mà khách hàng gặp phải và giải pháp giải quyết cho khách hàng.

Xử lý khủng hoảng truyền thông

Trong những thời điểm mà thương hiệu của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, nhân viên PR sẽ là bộ phận đánh giá mức độ khủng hoảng và xử lý rủi ro. Kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông sẽ được thống nhất trong toàn doanh nghiệp. Ở những sự việc lớn, đích thân người đứng đầu doanh nghiệp phát ngôn. Sau đó, các bộ phận trong công ty sẽ cùng nhau phối hợp cho đến khi sự việc được giải quyết ổn thỏa.

xu ly khung hoang truyen thong
Xử lý khủng hoảng truyền thông là công việc của người làm PR

Các bước để có kế hoạch PR hiệu quả

Các nội dung trên đã giải đáp được các vấn đề liên quan đến PR là gì, ngoài ra làm thế nào để quy trình PR diễn ra một cách chuyên nghiệp, hiệu quả là vấn đề được người làm PR rất quan tâm.

Bước 1: Xác định mục tiêu

Chiến lược PR không thể tách rời chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Nếu định vị là một doanh nghiệp lớn thì bộ phận PR cần kết nối với các đơn vị truyền thông uy tín hàng đầu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đang khởi nghiệp, chiến lược PR nên tập trung vào việc đạt được hiệu quả nhưng lại tốn chi phí ít nhất.

Bước 2: Xác định đối tượng hướng tới

Bạn cần xác định đối tượng trong các chiến dịch PR là ai? Khách hàng là phụ nữ, trẻ em hay giới trẻ, các đơn vị nhà nước hay tổ chức phi chính phủ, nhân viên nội bộ trong công ty hay đối tác?

Bước 3: Xác định kế hoạch từng thời điểm cụ thể cho mục tiêu, chiến lược

Một chiến lược tổng thể sẽ cần phân nhỏ ra thành từng giai đoạn khác nhau, tương ứng với từng hình thức PR. Giai đoạn giới thiệu sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp cần tổ chức sự kiện, gửi nội dung quảng cáo đến báo chí truyền thông. Ở giai đoạn củng cố thương hiệu, doanh nghiệp có thể tham dự các chương trình từ thiện hoặc hoạt động gia tăng trách nhiệm xã hội.

Xác định kế hoạch cho từng giai đoạn của chiến lược PR
Xác định kế hoạch cho từng giai đoạn của chiến lược PR

Bước 4: Xây dựng chiến thuật phù hợp với mục tiêu

Sau khi đã xác định được đối tượng mục tiêu, lựa chọn được chiến lược phù hợp thì doanh nghiệp cần xây dựng chiến thuật cho chiến lược mục tiêu đó. Mục đích là để truyền tải đúng nội dung thông điệp đến đối tượng mục tiêu. Và để chọn được chiến thuật hiệu quả thì bắt buộc phải thử nghiệm để kịp thời điều chỉnh hoặc thay đổi chiến lược phù hợp hơn.

Bước 5: Hoạch định ngân sách

Trước khi triển khai công việc như chi phí thuê không gian, phương thức di chuyển, các công cụ, tài liệu, hình ảnh,… thì doanh nghiệp cần thực hiện dự trù ngân sách cụ thể. Ngân sách cần được phân bổ hợp lý với những mục tiêu đề ra trước đó tránh vượt chi quá mức.

Bước 6: Thực hiện chiến lược

Một kế hoạch hành động cụ thể là không thể thiếu trong kế hoạch PR hoàn chỉnh. Khi xây dựng kế hoạch cần đảm bảo rằng phải bao gồm các phương thức truyền thông mà doanh nghiệp sẽ sử dụng trong chiến dịch PR. Hãy liệt kê các tài nguyên cần thiết và phù hợp với chiến dịch PR.

Bước 7: Đo lường, đánh giá chiến lược

Sau khi một chiến dịch PR đã triển khai, bước đo lường và đánh giá đặc biệt quan trọng. Bước này giúp doanh nghiệp xem xét các phản hồi, ý kiến của cộng đồng, đã đạt được mục tiêu ban đầu hay chưa. Từ đó rút ra những điều đạt được hay chưa đạt được để cải thiện các chiến lược khác trong tương lai.

Các bước thực hiện PR hiệu quả
Tạo chiến thuật cho các chiến lược mục tiêu để PR đạt hiệu quả

PR Manager là gì và thu nhập bao nhiêu?

Khi bước vào con đường làm nghề PR, mục tiêu của nhiều người mong muốn sẽ đạt đến vị trí PR Manager, vậy PR Manager là gì ? PR Manager hay Public Relations Manager, là trưởng phòng hoặc quản lý bộ phận quan hệ công chúng. Nhiệm vụ cụ thể của PR Manager là:

  • Theo dõi xu hướng và các nhân tố có thể ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp. Đề ra chiến lược để truyền tải thông điệp đó đến công chúng, nhân viên nội bộ và các bên liên quan.
  • Chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông nếu có.
  • Điều phối nhân sự để tổ chức các chiến dịch đã đề ra.
  • Đối với những doanh nghiệp lớn có hẳn một phòng ban PR, thì Manager chính là người cuối cùng chịu trách nhiệm lên chiến lược và đánh giá toàn bộ hoạt động truyền thông.
  • Manager cũng có trách nhiệm phối hợp với các phòng ban khác để hoàn thành mục tiêu chung.

Với khối lượng công việc như trên, các PR Manager sẽ nhận được mức lương dao động từ 20.000.000 – 30.000.000 VND/Tháng tùy vào cơ chế chính sách của từng doanh nghiệp. Nếu là một người làm nghề lâu năm, thu nhập nhân sự cấp cao trong lĩnh vực này có thể chạm mốc 50.000.000 VND/Tháng.

PR Manager  là gì
PR Manager trưởng phòng quan hệ công chúng

Kỹ năng cần có của người làm PR

Để trở thành một PR chuyên nghiệp, đạt thành tựu trong sự nghiệp ngoài quá trình học hỏi thì đòi hỏi ở người làm PR các kỹ năng sau:

  • Nắm bắt, cập nhật nhanh các xu hướng mới: Đây là một kỹ năng đòi hỏi phải có ở người làm nghề PR để tránh bị bỏ lại phía sau. Hiện nay xu hướng PR trên Facebook ngày càng nhiều, vậy PR trên Facebook là gì? Do đó đòi hỏi người làm nghề PR cần cập nhật nhanh các xu hướng trong lĩnh vực của mình như mạng xã hội, các nền tảng công nghệ mới là cách để tiếp cận được mục tiêu gần nhất và nhanh nhất.
  • Có trải nghiệm, hiểu biết về đời sống: Sự trải nghiệm sẽ giúp bạn hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu, mong muốn của cộng đồng, khách hàng. Cần phải lắng nghe, quan sát, trải nghiệm để nắm bắt được các nhu cầu của đời sống nhằm đưa ra các chiến lược PR phù hợp, đúng mục tiêu.
  • Kỹ năng sáng tạo, viết lách: Cụ thể công việc của PR thì nhân viên cần phải biết viết bài PR, thông cáo báo chí. Do đó đòi hỏi ở người làm PR phải có kỹ năng viết, sáng tạo để tạo ra các bài viết sinh động hấp dẫn không bị nhàm chán.
  • Kỹ năng giao tiếp: Đây là kỹ năng quan trọng cần được trau dồi của người làm nghề PR, vì họ được xem như là đại diện của tập thể, doanh nghiệp để truyền đạt thông điệp đến cộng đồng, đối tác, khách hàng. Bên cạnh đó người làm PR cần phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông để tương tác, truyền đạt thông điệp của doanh nghiệp đến cộng đồng, khách hàng.
  • Kỹ năng làm việc theo nhóm: Các dự án lớn thường sẽ được thực hiện theo nhóm có sự hợp tác của nhiều bộ phận, phòng ban do đó kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp người làm PR nhanh chóng hoàn thành được mục tiêu hơn là làm một mình.
  • Kỹ năng lập kế hoạch: Mỗi một dự án đều được lập kế hoạch kỹ càng trước khi thực hiện. Làm việc theo kế hoạch dự án đã lập sẽ đảm bảo các công đoạn diễn ra đúng tiến độ, đúng mục tiêu. Và làm việc theo kế hoạch giúp người làm PR quản lý tốt được thời gian, chi phí hơn.
  • Kỹ năng xử lý vấn đề: Trong quá trình thực hiện PR có thể sẽ có những tình huống khẩn cấp, khủng hoảng truyền thông xảy ra vì vậy kỹ năng xử lý tình huống nhanh, kịp thời rất quan trọng đòi hỏi cần có của người làm PR.
Kỹ năng của nghề PR
Cập nhật nhanh các xu hướng của xã hội là kỹ năng cần có của nghề PR

Câu hỏi thường gặp

PR là gì trên Facebook?

Đây Là cách thức thực hiện quảng cáo về các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu đến trực tiếp với người dùng thông qua mạng xã hội mà cụ thể ở đây là Facebook. PR trên Facebook tạo tương tác rộng, nhanh và hiệu quả khi mà lượng người dùng mạng xã hội nhiều như hiện nay.

Học ngành gì để làm PR?

Để làm nghề PR ngoài khả năng sáng tạo, yêu thích sự tự do, trải nghiệm thì các bạn học sinh có thể lựa chọn các ngành học như: Tổ chức sự kiện, Quan hệ công chúng, Marketing,… Cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở cho bạn khi làm việc tại các công ty chuyên về dịch vụ PR hoặc các Agency.

Ngành PR mang đến cơ hội nghề nghiệp thế nào?

Công việc của ngành PR là gì? Sau khi tốt nghiệp, các bạn hoàn toàn có cơ hội thử sức mình tại một loại hình doanh nghiệp cụ thể bằng cách ứng tuyển vào vị trí PR tại các phòng ban truyền thông, đối ngoại của doanh nghiệp. Cơ hội nghề nghiệp làm phát thanh viên, biên tập viên, phóng viên, người dẫn chương trình cũng có thể mở rộng cho các ứng viên học ngành PR. 

Lời kết

Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã hiểu hơn về nghề PR là gì cũng như các bước để tạo ra một chiến lược PR hiệu quả nhất. PR là một phần của chiến lược Marketing mà bất cứ tổ chức nào cũng cần quan tâm và tìm đúng nhân sự cho mình. PR mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp bằng cách xây dựng thương hiệu và đặt nó vào tâm trí của cộng đồng, tạo thêm nhiều mối quan hệ bền lâu với công chúng, khách hàng.

Từ khóa » Chiến Dịch Trong Pr Là Gì