PR Là Gì? Vai Trò Và Các Hoạt động Của PR - Gobranding

PR – quan hệ công chúng là một hoạt động trong chiến dịch Marketing, được các tổ chức, doanh nghiệp chú trọng sử dụng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình. Vậy PR là gì? Liệu có phải chỉ những doanh nghiệp lớn mới cần đến quan hệ công chúng? Trong bài viết này, GOBRANDING sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm, vai trò và các hoạt động của PR đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp.

Nội dung chính

  • 1. Tìm hiểu về PR (Public Relation – Quan hệ công chúng)
    • 1.1. Sự ra đời của PR
    • 1.2. PR là gì? 
    • 1.3. Quan hệ công chúng ở Việt Nam
  • 2. Vai trò của PR
  • 3. Đối tượng mà PR hướng đến
  • 4. Nội dung của PR
  • 5. Các hoạt động của PR
    • 5.1. Hoạch định chiến lược PR
    • 5.2. PR nội bộ
    • 5.3. Tổ chức sự kiện
    • 5.4. Quan hệ truyền thông
    • 5.5. Quan hệ cộng đồng
    • 5.6. Xử lý khủng hoảng truyền thông
  • 6. Các công cụ PR bạn cần biết
    • 6.1. Tin tức
    • 6.2. Bài phát biểu
    • 6.3. Sự kiện đặc biệt
    • 6.4. Tài liệu bằng văn bản
    • 6.5. Tài liệu nghe nhìn
    • 6.6. Tài liệu nhận dạng doanh nghiệp
    • 6.7. Hoạt động dịch vụ công cộng
    • 6.8. Website
  • 7. Những công việc của nhân viên PR
  • 8. Kết luận

1. Tìm hiểu về PR (Public Relation – Quan hệ công chúng)

1.1. Sự ra đời của PR

Thuật ngữ “Public Relation” (quan hệ công chúng) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1807. Thomas Jefferson (1743 – 1826) – Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên 1776.

Lĩnh vực đầu tiên ứng dụng PR: Chính trị.

Nghề PR chuyên nghiệp với những nhân vật đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành:

Ivy Ledbetter Lee (1877 – 1934)

  • Đưa ra nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực PR.
  • Định nghĩa Public Relation là quan hệ báo chí tuyên truyền. Sau này xem PR là công cụ để xây dựng niềm tin của nhân viên vào lãnh đạo công ty.

Edward L.Bernays (1891 – 1995)

  • Có công trong việc hình thành hệ thống khái niệm PR.
  • Chỉ ra sự khác nhau giữa những người làm quan hệ công chúng với những người quảng cáo, người phụ trách mảng báo chí.
  • Ông đưa ra khái niệm: “Quan hệ công chúng là nỗ lực bằng thông tin thuyết phục và thích ứng để thúc đẩy sự ủng hộ của công chúng đối với một hoạt động, một sự nghiệp, một phong trào hay thể chế.”
  • Năm 1955: IPRA (International Public Relations Association) được ra đời ở nước Anh. Năm 1961, hiệp hội này thông qua bộ quy tắc ứng xử làm căn cứ cho hoạt động của các tổ chức thành viên trong lĩnh vực PR.
  • 1960 – 1970: Các phương tiện thông tin đại chúng phát triển làm cho các hoạt động PR được hỗ trợ tích cực (truyền hình và mạng Internet toàn cầu).
  • Cuối thế kỷ 20: Public Relation đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên thế giới, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Infographic quá trình ra đời của PR
Infographic về quá trình ra đời của quan hệ công chúng.

Nhìn chung, bản chất sự ra đời của PR dựa trên quá trình củng cố và lan tỏa tầm nhìn, sứ mệnh của một tổ chức, doanh nghiệp đến nhân viên, công chúng; quảng bá, xây dựng và duy trì mối quan hệ với đối tác, khách hàng,… Để làm được điều đó, tổ chức/doanh nghiệp phải xây dựng và phát triển nội lực bên trong tổ chức bằng việc không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, thiết lập các mối quan hệ,… Và để hiểu rõ hơn khái niệm PR, mời bạn theo dõi nội dung tiếp theo!

1.2. PR là gì? 

PR là viết tắt của Public Relation, nghĩa là quan hệ công chúng. PR là việc tổ chức hay doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch cho những hoạt động truyền thông nhằm: Xây dựng hình ảnh tổ chức, doanh nghiệp – giúp thu hút sự chú ý, quan tâm và nhận thức về thương hiệu; phát triển mối quan hệ tốt đẹp và gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng – giúp tạo ra cái nhìn thiện cảm, những chú ý dư luận xã hội tích cực về lâu dài đối với thương hiệu.”

Theo dòng chảy của các sự kiện trong những năm gần đây cũng như quan hệ công chúng trong Marketing, “PR còn là công tác phân tích các xu hướng, dự đoán các diễn biến tiếp theo, cố vấn cho lãnh đạo của các tổ chức, thực hiện các kế hoạch hành động nhằm phục vụ lợi ích của tổ chức đó lẫn công chúng.”

>> Bạn đã biết về Sự khác nhau giữa Quảng cáo, PR và Marketing chưa?

Quan hệ công chúng là gì?
PR (Public Relation) là quan hệ công chúng.

1.3. Quan hệ công chúng ở Việt Nam

Ngành PR ở Việt Nam đang trong giai đoạn tìm tòi và phát triển, hoạt động sôi nổi ở các mảng như: tổ chức sự kiện, báo chí, hoạt động cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibility). Tuy nhiên, mảng tư vấn chiến lược còn khá hạn chế, ít công ty PR Việt Nam cung cấp dịch vụ hoạch định chiến lược PR và quản trị khủng hoảng truyền thông (Ngành PR tại Việt Nam – PGS, TS. Đinh Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học Viện Báo chí – Tuyên truyền, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Đa số doanh nghiệp hiện nay xem nó là công việc mang tầm chiến lược. Để hiểu rõ hơn tại sao doanh nghiệp lại xem quan hệ công chúng là “cánh tay phải” đắc lực, mời bạn tìm hiểu vai trò của PR!

2. Vai trò của PR

PR là công cụ đắc lực trong việc xây dựng và nâng cao hình ảnh thương hiệu
PR là công cụ đắc lực trong việc xây dựng và nâng cao hình ảnh thương hiệu.

PR không thể thiếu trong hoạt động truyền thông và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sau đây chính là vai trò của Public Relation:

  • Là công cụ đắc lực trong việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp.
  • Quảng bá hình ảnh thương hiệu, các sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh đến công chúng.
  • Góp phần thiết lập tình cảm, xây dựng lòng tin của công chúng với tổ chức, giải quyết hiểu lầm, định kiến, dư luận bất lợi cho tổ chức; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong nội bộ tổ chức và tạo ra tình cảm tốt đẹp của dư luận xã hội qua các hoạt động quan hệ cộng đồng,…
  • Các tổ chức xây dựng được văn hóa doanh nghiệp của riêng mình.
  • Thông qua các hoạt động PR, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ củng cố được niềm tin và giữ gìn được uy tín cho hoạt động của doanh nghiệp.

3. Đối tượng mà PR hướng đến

Sơ đồ các mối quan hệ trong PR
Sơ đồ các mối quan hệ trong PR.

Circle of Work (nhóm đối tượng bên ngoài công ty): Có tác động mật thiết với các hoạt động của công ty và công ty có tác động liên quan đến những đối tượng này, nhất là về mặt tài chính. Cụ thể như sau:

  • Buyers/Consumers: Người mua/người tiêu dùng trực tiếp sản phẩm/dịch vụ.
  • Shareholders: cổ đông, nhà đầu tư.
  • Partners: đối tác, supplier, distributor, vendor.

>> Tìm hiểu chi tiết về Vendor – mắt xích quan trọng trong chuổi cung ứng.

Nhóm đối tượng này thường xuyên tương tác với một số bộ phận của công ty như ban giám đốc, bộ phận kinh doanh, bộ phận PR – Marketing,… Đối với những người làm PR, khi các nhóm đối tượng này liên kết chặt chẽ với công ty thì việc hoạch định chiến lược quan hệ công chúng sẽ dễ dàng hơn.

Circle of Trust (nhóm công chúng mục tiêu bên ngoài công ty): Nhóm đối tượng công bố, chia sẻ những thông tin cần thiết của công ty đến công chúng. Nhóm này sẽ mang lại giá trị về mặt thông tin, củng cố niềm tin của công chúng đối với công ty.

  • Journalists/Media: nhà báo, kênh truyền thông, mạng xã hội,…
  • Regulators: cơ quan chức năng, ban, ngành (VD: ngành dược sẽ có Bộ Y tế, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm,…)
  • Experts/KOLs/Celebrities: chuyên gia, người có tầm ảnh hưởng, tổ chức xã hội,…

Những đối tượng này đều có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Những chuyên gia sẽ cập nhật xu hướng từ báo chí, các tổ chức xã hội sẽ cần các chuyên gia,… Bên cạnh đó, những đối tượng trong Circle of Trust sẽ tạo ra sự ảnh hưởng đối với các đối tượng thuộc Circle of Work như các phân tích của chuyên gia sẽ ảnh hưởng đến cổ đông/nhà đầu tư của công ty, báo chí tạo ra sự ảnh hưởng đối với người tiêu dùng,…

Ngoài các đối tượng thuộc PR đối ngoại, chúng ta còn có đối tượng thuộc nhóm PR nội bộ, cụ thể ở đây là cán bộ, công nhân viên của công ty. Các hoạt động PR nội bộ sẽ được tổ chức nhằm gắn kết công ty với nhân viên, tạo điều kiện giúp môi trường giao tiếp công sở trở nên tốt đẹp và hiệu quả hơn.

4. Nội dung của PR

Quan hệ công chúng là gì?
Nội dung của PR.

Theo John Vivina (The Media of Mass Communication):

  • Quan hệ với báo chí (Media Relation).
  • Vận động hành lang (Lobbying).
  • Truyền thông chính trị (Political Communication).
  • Tư vấn xây dựng hình ảnh (Image Consulting).
  • Quan hệ với nhóm tài chính (Financial PR).
  • Gây quỹ (Fund Raising).
  • Kế hoạch ứng phó vấn đề bất ngờ (Contingency planning).
  • Điều tra dư luận (Polling).
  • Điều phối sự kiện (Events Coordination).

Theo Scott M.Cutlip, Public Relation bao gồm 7 chức năng sau đây:

  • Tuyên truyền (Publicity).
  • Quảng cáo (Advertising).
  • Cơ quan ngôn luận – báo chí (Press Agency).
  • Nhiệm vụ công (Public Affairs).
  • Quản lý vấn đề (Issues Management).
  • Vận động hành lang (Lobbying).
  • Quan hệ với nhà đầu tư (Investors Relation).

>> Nhằm tối ưu kết quả truyền thông, bạn có thể sử dụng Dịch vụ quảng cáo Google trọn gói tại GOBRANDING.

Dựa vào sự phát triển của ngành PR trong xu thế hiện nay tại Việt Nam, hoạt động của PR trong tổ chức có thể đúc kết bao gồm các nội dung dưới đây:

  • Hoạch định chiến lược PR.
  • PR nội bộ (Internal PR).
  • Quan hệ truyền thông (Media relation).
  • Tổ chức sự kiện (Events).
  • Quản lý khủng hoảng (Crisis management).
  • Quan hệ cộng đồng (Community relations).

5. Các hoạt động của PR

Tùy từng giai đoạn và khả năng triển khai, mỗi công ty sẽ tiến hành các hoạt động PR khác nhau, GOBRANDING sẽ hệ thống lại các hoạt động chính của PR như sau:

5.1. Hoạch định chiến lược PR

Hoạch định chiến lược PR là kế hoạch cụ thể về những mục tiêu mà công ty muốn đạt được; những cách thức và nguồn lực cần phải có để thực hiện mục tiêu; phân tích SWOT, SMART; lộ trình và các bước triển khai trong từng nội dung; đánh giá rủi ro; giải pháp; phương pháp đo lường.

Việc hoạch định chiến lược giúp doanh nghiệp:

  • Tăng cường hiệu quả cho hoạt động PR, giúp loại bỏ những công việc không cần thiết, tập trung các nỗ lực vào công việc cần thiết.
  • Giảm thiểu rủi ro vì trong kế hoạch quan hệ công chúng đã phân tích kỹ các nhân tố ảnh hưởng và các khả năng có thể xảy ra, giúp các nhà quản trị chủ động đối phó với những tình huống bất ngờ và giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong quá trình triển khai chiến lược.
  • Đảm bảo phân phối nguồn lực hợp lý.
  • Làm căn cứ để đánh giá kết quả.

>> Tìm hiểu ngay Các chỉ số KPI đo lường hiệu quả PR.

5.2. PR nội bộ

Đối tượng mà hoạt động PR nội bộ hướng đến là tất cả nhân viên của doanh nghiệp. PR nội bộ có vai trò là “cầu nối”, gắn kết, gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân viên với doanh nghiệp, giữa nhân viên với cấp trên, giữa nhân viên với nhau. Hoạt động này bao gồm các hoạt động cụ thể như: sử dụng/tối ưu kênh giao tiếp nội bộ (Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, Zalo,…), tổ chức sự kiện nội bộ,…

PR nội bộ
PR nội bộ hướng đến tất cả nhân viên của doanh nghiệp.

5.3. Tổ chức sự kiện

Với mục tiêu thu hút nhiều người tới tham gia, địa điểm có thể rộng tùy theo quy mô và tính chất của sự kiện như trung tâm hội nghị, khách sạn, sân vận động… Mục tiêu của tổ chức sự kiện là thể hiện tính cách sản phẩm qua đối tượng tham gia, thu hút sự chú ý của truyền thông, thu hút đông người biết đến và đưa thương hiệu sản phẩm một cách khéo léo vào nhận thức của người tiêu dùng.

Tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện giúp thu hút nhiều người tham gia.

5.4. Quan hệ truyền thông

Quan hệ truyền thông là xây dựng và duy trì mối quan hệ với các cơ quan truyền thông, báo chí. Từ đó, thông qua cơ quan truyền thông, doanh nghiệp có thể thông báo cho công chúng về sứ mệnh, tầm nhìn của công ty, ý nghĩa của một chương trình, sự kiện một cách tích cực, chuyên nghiệp, nhất quán và đáng tin cậy.

Ngoài ra, trong bối cảnh mọi người có xu hướng sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn, các thương hiệu thức thời đã đón bắt nhu cầu này và tạo cho mình trang thông tin đại diện để luôn đối thoại với người dùng; tổ chức sự kiện ưu đãi, minigame có thưởng trên các nền tảng mạng xã hội hay thuê những hot bloggers, KOLs, Influencers nói về mình để nhiều người biết tới.

5.5. Quan hệ cộng đồng

Một tổ chức, doanh nghiệp có nhiều mối quan hệ cộng đồng như: khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà đầu tư, giới truyền thông, giới công quyền, hoạt động xã hội… Các hoạt động đối với từng mối quan hệ cộng đồng giúp doanh nghiệp xây dựng những mối quan hệ tốt, tạo ra công luận tích cực. Nhờ đó mà tranh thủ được tình cảm của công chúng, tạo nên hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí mọi người, hướng tới mục tiêu cuối cùng của mọi tổ chức, doanh nghiệp.

Quan hệ cộng đồng còn được thể hiện qua hình thức tài trợ. Đây là hình thức giúp đỡ bằng hiện vật hoặc hiện kim cho một tổ chức khác để đứng ra thực hiện chương trình từ thiện, gây quỹ, kêu gọi ủng hộ, chương trình giải trí, văn hóa, thể thao… Trong chương trình hoặc cuối chương trình được nhận lời cảm ơn qua lời dẫn của MC hay có logo trên phông màn sân khấu.

Quan hệ cộng đồng
Bia Saigon tài trợ cho các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.

5.6. Xử lý khủng hoảng truyền thông

Truyền thông là “con dao” hai lưỡi, nó có thể đưa bạn đến đỉnh cao nhưng cũng có thể đẩy bạn vào vực thẳm. Khủng hoảng truyền thông là những tin tức tiêu cực có thể làm ảnh hưởng đến danh dự của 1 cá nhân, 1 nhóm người, 1 tổ chức. Vì vậy, đối với người làm PR, hãy luôn cẩn thận trong từng bước đi, từng chiến dịch PR – Marketing, quá trình xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp của mình. Đặc biệt là phải khéo léo, trung thực để điều phối hoặc hỗ trợ giải quyết cùng ban lãnh đạo khi công ty bị khủng hoảng.

>> Doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động PR đạt hiệu quả? Tìm hiểu ngay 7 bước xây dựng chiến lược PR cho doanh nghiệp.

6. Các công cụ PR bạn cần biết

Người làm PR có thể xây dựng thái độ tích cực từ khách hàng đối với một tổ chức/doanh nghiệp khi thực sự hiểu được bản chất và thuần thục các công cụ PR và hoạt động quan hệ công chúng. Vậy các công cụ hiệu quả để tiến hành PR là gì? Cùng tìm hiểu ngay 8 công cụ sau đây:

6.1. Tin tức

Một trong những công cụ PR chính ngày nay chính là tin tức. Các chuyên gia PR tạo ra những câu chuyện tin tức mang đến thuận lợi cho công ty, sản phẩm hay con người. Và những câu chuyện này xảy ra một cách tự nhiên.

Tin tức
Công cụ PR chính ngày nay chính là tin tức.

6.2. Bài phát biểu

Các bài phát biểu cũng chính là công cụ Public Relation vì chúng có thể giúp nhiều người biết đến sản phẩm, dịch vụ và công ty nhanh chóng. Hiện nay, các giám đốc điều hành của công ty phải trả lời những câu hỏi của giới truyền thông hay nói chuyện tại các hiệp hội thương mại/các cuộc họp bán hàng. Nhờ đó, nó có thể xây dựng hình ảnh của tổ chức/doanh nghiệp.

Phát biểu là công cụ PR
Phát biểu cũng chính là công cụ hiệu quả cho Public Relation.

6.3. Sự kiện đặc biệt

Một công cụ khác chính là các sự kiện đặc biệt như các cuộc họp báo, tham quan báo chí, khai mạc và bắn pháo hoa tại những sự kiện, các buổi trình diễn ánh sáng laser, thuyết trình đa phương tiện, các chương trình giáo dục để tiếp cận và thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng.

sự kiện đặc biệt
Các sự kiện đặc biệt như họp báo, khai mạc và bắn pháo hoa,… là hoạt động PR thu hút nhiều người quan tâm.

6.4. Tài liệu bằng văn bản

Quan hệ công chúng cũng nên liên quan các tài liệu bằng văn bản, những người làm PR có thể tiếp cận cũng như tác động đến thị trường mục tiêu mà họ nhắm đến. Các tài liệu này gồm các báo cáo hàng năm, tài liệu quảng cáo, bài báo, bản tin, tạp chí của công ty.

6.5. Tài liệu nghe nhìn

Các tài liệu nghe nhìn cũng xem như là công cụ PR, chúng bao gồm các chương trình slide, DVD và các video trực tuyến đang được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành quan hệ công chúng.

6.6. Tài liệu nhận dạng doanh nghiệp

Tài liệu nhận dạng doanh nghiệp
Các tài liệu nhận dạng thương hiệu thể hiện bản sắc công ty.

Các tài liệu nhận dạng công ty có thể được xem như công cụ để tạo ra một bản sắc công ty giúp công chúng nhận ra ngay lập tức. Nó bao gồm logo, tòa nhà, văn phòng phẩm, tài liệu quảng cáo, bảng hiệu, hình thức kinh doanh, xe công ty, xe tải, danh thiếp và đồng phục. Khi chúng đủ hấp dẫn và đặc biệt, công chúng sẽ dễ dàng nhận dạng doanh nghiệp.

6.7. Hoạt động dịch vụ công cộng

Các công ty dựa vào hoạt động dịch vụ công cộng với mục đích cải thiện hình ảnh, tiếp cận được nhiều người hơn. Các hoạt động này bao gồm đóng góp tiền, thời gian cho các chương trình từ thiện hay giúp đỡ cộng đồng.

Hoạt động dịch vụ công cộng
Các chương trình từ thiện, giúp đỡ cộng đồng góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu.

6.8. Website

Website là công cụ PR quan trọng nhất hiện nay. Các trang web, blog và các mạng xã hội (Facebook, Twitter và YouTube) mang đến những thông tin công ty, sản phẩm, dịch vụ hữu ích để tiếp cận nhiều người hơn các công cụ chính khác.

Quan hệ cộng đồng
Trang web, blog, mạng xã hội giúp tiếp cận nhiều người hơn.

7. Những công việc của nhân viên PR

Nhìn chung, một nhân viên PR, PR Executive trong doanh nghiệp hoặc PR Agency sẽ thực hiện 6 công việc chính sau:

  • Nghiên cứu và tư vấn chiến lược.
  • Lên kế hoạch và tổ chức sự kiện.
  • Phối hợp và tư vấn cho các phòng ban.
  • Viết và biên tập các văn bản.
  • Xử lý khủng hoảng.
  • Công tác đối ngoại (bên ngoài công ty).
Các công việc của người làm nghề PR
Các công việc của người làm nghề PR cần làm.

Ví dụ về PR:  Công việc của người làm PR – Viết và biên tập các văn bản

Trên website của GOBRANDING có một chuyên mục Blog riêng, trong đó gồm các chuyên mục con về SEO và Google, Website & Marketing Online, Content Marketing và Digital Branding. Ở mỗi chuyên mục, GOBRANDING cung cấp các bài viết chuyên sâu cho người đọc.

Chuyên mục Blog trên website GOBRANDING
Chuyên mục Blog trên website GOBRANDING

Chẳng hạn như trong chuyên mục Website & Marketing, GOBRANDING cung cấp các bài viết đa dạng về từng chủ đề như cách chăm sóc Website, tìm hiểu về SEO content… Nếu bạn còn có mong muốn tìm kiếm các dịch vụ SEO tổng thể của doanh nghiệp thì có thể liên hệ ngay với GOBRANDING để nhận được các tư vấn chi tiết từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất nhé!

Thông qua các bài blog, GOBRANDING đã kết nối thương hiệu với hàng chục nghìn người đọc mỗi tháng. Việc phát triển nội dung chuyên sâu bằng những bài blog mà bạn có thể thực hiện trên nền tảng website của mình là một hoạt động quan hệ công chúng hiệu quả và giúp tiết kiệm chi phí.

Ví dụ về công việc của người làm PR – công tác đối ngoại

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long tổ chức lễ khánh thành Nhà máy gạo lớn nhất châu Á tại An Giang đầu năm 2022

Chiều 18/01/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long – thương hiệu uy tín, mang vị thế hàng đầu trên thị trường nông sản đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại An Giang với công nghệ hiện đại, quy mô lớn nhất châu Á. Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo một số bộ ngành trung ương, lãnh đạo 2 tỉnh An Giang, Hậu Giang và các đối tác nước ngoài.

Buổi lễ này là sự kiện, “cột mốc” quan trọng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Đây vừa là buổi công bố, giúp công ty thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Trung ương, các cơ quan ban ngành Nông nghiệp/Thuế/Luật, ban lãnh đạo địa phương – tỉnh An Giang/Hậu Giang, vừa thu hút sự chú ý của nhà báo. Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đã cho thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của sự kiện này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu sản phẩm gạo tại buổi lễ (Nguồn: angiang.gov.vn)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu sản phẩm gạo tại buổi lễ (Nguồn: angiang.gov.vn).

Những VIP được mời tham dự tại buổi lễ cho thấy sự chú tâm, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng tổ chức tuyệt vời của những người làm PR đối ngoại. Ngoài các hoạt động chính trong buổi lễ như: Ông Trương Sỹ Bá – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, cắt băng khánh thành, còn có hoạt động tham quan nhà máy gạo dành cho tất cả khách mời tham dự. Đây được là một cách quảng bá hình ảnh thương hiệu, minh chứng cụ thể cho những lời PR “có cánh” trên báo chí.

Chiến dịch “Tháng đề kháng” nhãn hàng Enervon (Công ty UPI Việt Nam) năm 2011

Chiến dịch “Tháng đề kháng” do nhãn hàng Enervon (Công ty UPI Việt Nam) phối hợp cùng Báo Gia đình & Xã hội phát động, theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Thông điệp tăng sức đề kháng để ngăn chặn được dịch bệnh và có thể hạn chế các hậu quả khó lường là mối quan tâm hàng đầu trong nỗ lực tuyên truyền bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Bộ Y tế. Thay vì tự đưa ra thông điệp, thông điệp được Bộ Y tế đưa ra, giúp tăng sức thuyết phục, công chúng sẽ tin tưởng và độ uy tín của thương hiệu sẽ cao hơn.

Trong buổi lễ, bên cạnh sự tham dự của người đại diện doanh nghiệp, giới truyền thông, nhà kinh doanh dược phẩm, người dân, chắc chắn không thể thiếu người phát ngôn của Bộ Y tế. Để tăng mức độ tin cậy đối với người dân, đến tham dự buổi lễ còn có các bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia trong ngành dược. Đại diện của công ty cũng nhấn mạnh việc sẽ đồng hành cùng người dân trên “hành trình” nâng cao sức khỏe. Sau sự kiện này, về phía nhãn hàng Enervon cũng có những bài báo, bài PR, các hoạt động tuyên truyền để lan tỏa thông điệp, giúp chiến dịch được biết đến rộng rãi.

8. Kết luận

Như vậy, bạn đã cùng GOBRANDING tìm hiểu về PR là gì, nội dung, vai trò quan trọng của PR cũng như các hoạt động thường gặp. Qua những phân tích cụ thể trên, chúng ta thấy rằng Public Relation là một phần của chiến lược Marketing mà các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng. Nó mang đến lợi ích lâu dài, góp phần xây dựng hình ảnh và giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo ra và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan cũng như công chúng.

Ngày nay, trong kỷ nguyên số hóa và bùng nổ thông tin, các doanh nghiệp không chỉ nên tiến hành các hoạt động quan hệ công chúng theo lối truyền thống mà còn cần đẩy mạnh hơn các hoạt động trên nền tảng Online bằng những chiến lược Marketing Online phù hợp. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào các hoạt động quan hệ công chúng mang tính liên tục và lâu dài như phát triển nội dung website và mạng xã hội.

Đăng ký nhận tư vấn xây dựng chiến lược PR Online hiệu quả tiếp cận hàng ngàn khách hàng mục tiêu 

Nhận tư vấn ngay!

Miền BắcMiền TrungMiền Nam Vui lòng check để đảm bảo thông tin ở trên là chính xác. Gửi yêu cầu

Từ khóa » Chiến Dịch Pr Tiếng Anh Là Gì