Quá Khứ Và Hiện Tại | Gopmotbantay's Blog

ĐƯỜNG ĐẾN NHÀ BÀN

Hẹn gặp các anh em Biker tại Nhà Bàn lúc 8g sáng Chủ Nhật 18 / 7 / 2010, thế nhưng chúng tôi phải khởi hành từ lúc 6g tại huyện Châu Thành, ngoại ô thành phố Long Xuyên.

Đi từ ngã ba lộ tẻ đến Tri Tôn người ta phải nộp tiền để qua trạm thu phí. Trạm thu tiền gần 10 năm nay nhưng con đường vẫn đầy những sóng trâu khiến các phương tiện di chuyển liên tục trồi lên, hụp xuống !… Xe đến Tri Tôn…rồi núi Cấm kỳ bí…rồi đến Chi Lăng…

Chi Lăng có phải nơi Trần Hưng Đạo đặt phục binh phá tan đạo quân Nguyên Mông vào năm 1285, và cũng chính Chi Lăng nơi nghĩa quân Lam Sơn đã chém bay đầu đại tướng Liễu Thăng nhà Minh khi y dẫn 10 vạn quân xâm lược Việt Nam vào năm 1427? Ồ không… Chi Lăng nơi đây chỉ là một địa danh trùng tên với một Chi Lăng “ lịch sử” thuộc tỉnh Lạng Sơn miền bắc Việt Nam. Đứng từ Chi Lăng của tỉnh An Giang ta vẫn có thể nhìn thấy những ngọn núi trong dảy Thất Sơn, đia hình này cộng với tên gọi Chi Lăng dễ làm gợi nhớ một quá khứ hào hùng của dân tộc

Hoài niệm của ký ức tan biến khi xe đến Nhà Bàn thuộc huyện Tịnh Biên cách đấy không xa. Các anh em Biker đã đến đợi chúng tôi từ trước, hôm nay chúng tôi hướng dẫn các bạn trẻ Biker phát quà cho học sinh và đồng bào nghèo trong vùng.

Tịnh xá Ngọc Mai thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, vì có liên lạc với các sư cô trong tịnh xá từ trước nên hôm nay chúng tôi nhờ các sư cô tổ chức, sắp xếp buổi phát quà. Quà của chúng ta gồm có 200 phần.

100 phần dành cho học sinh nghèo. Mỗi phần gồm có 10 cuốn tập, 2 cây viết bic, 2 cây viết chì. Toàn bộ chi phí mua tập của bạn D.Hiền và gia đình trợ giúp. Ngoài ra chúng ta còn có một số kẹo chocola để tặng cho các em nhỏ .

100 phần quà dành cho dân nghèo. Mỗi phần quà này gồm có : 10kg gạo, 1kg đường, 1 chai nước tương, 1 chai dầu ăn, 1kg muối iot, 1 bao quần áo củ. Các bạn Biker giúp 4 triệu, bạn Bạch Quốc Tuấn góp 500 ngàn dùng để mua nhu yếu phẩm như kể trên. Còn gạo là của Gopmotbantay và các bạn khác

Sau đây mời các bạn xem loạt ảnh trong buổi phát quà tại tịnh xá Ngọc Mai.

Người dân nơi đây đa số thuộc sắc tộc Khmer, cuộc sống còn nhiều khó khăn, lam lũ!

Công việc hoàn tất lúc 10g30, sau khi dùng cơm trong chùa, các anh em Biker lên đường trở về Sài Gòn, riêng chúng tôi vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình viếng thăm vài di tích.

TRẠI RUỘNG THỚI SƠN

Chúng tôi đến thăm trại ruộng Phước Điền cách tịnh xá Ngọc Mai khoảng 5km. Trại ruộng Phước Điền do đức Phật thầy Tây An người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và các đệ tử của Ngài thành lập. Đức Phật Thầy Tây An, tên thật Đoàn Minh Huyên, dưới lớp áo tu sĩ Ngài còn là một nhà yêu nước, một nhà dinh điền. Chính Ngài và các đệ tử đã đi khẩn hoang, khai phá những vùng đất hoang vu để thành lập nên những trại ruộng.

Trại ruộng vùng Cần Lố ( Đồng Tháp Mười ) của ông Đạo Ngoạn, đệ tử Phật Thầy Tây An ( viết tắt PTTA )

Trại ruộng vùng Láng Linh của ông Quản Cơ Trân Văn Thành, đệ tử PTTA

Trại ruộng vùng Cái Dầu của ông Nguyễn Văn Xuyến ( Đạo Xuyến, đệ tử PTTA )

Trại ruộng Phước Điền nơi chúng tôi đến thăm còn gọi trại ruộng Thới Sơn, gần núi Két do đức Phật thầy Tây An và 2 đệ tử là Bùi Văn Thân ( Bùi Thiền Sư ) và ông Bùi Đình Tây thành lập. Trại ruộng là mô hình giống như hợp tác xã nông nghiệp sau này, Đức Phật Thầy chủ trương người tu phải tự túc kinh tế qua việc khai hoang, lập trại để cầy cấy trồng trọt. Ngày nay khu trại ruộng Thới Sơn chỉ còn di tích ngôi chùa Phước Điền, đình Thới Sơn và một khu đền thờ ông Đình Tây

( Chụp trước đền thờ ông Đình Tây. Từ phải qua trái : Toàn, Cường, Phong, Thưng, cháu gọi cụ Đình Tây bằng ông Cố, Gopmotbantay, Mẫn và Sang )

HAI VIÊN NGỌC

Rời trại ruộng Thới Sơn chúng tôi đến thăm chùa Đức Phật Trùm ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đúng ra nơi đây gọi là phủ thờ Tàponl, nhưng người Việt vẫn quen gọi chùa Phật Trùm

( Phủ thờ Tàponl hay chùa Đức Phật Trùm )

Đức Phật Trùm xuất hiện 12 năm sau khi đức Phât Thầy Tây An viên tịch. Không ai rõ tên thật của Ngài chỉ biết ngài là người Việt gốc Khmer nên nói tiếng Việt không rành, sau trận bệnh nặng  đến độ hôn mê vào năm 1866 khi khỏe lại Ngài bổng nói được tiếng Việt lưu loát và tự nhận mình là hậu thân của đức Phật Thầy Tây An. Từ đấy Ngài bắt đầu đi giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Cũng tương tự cách hành đạo như đức Phật Thầy Tây An, ngài cho phân phát “ lòng phái” và trị bệnh cho dân chúng  ( Lòng phái là một miếng giấy vàng hoặc trắng có ghi 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Người nhận được lòng phái luôn mang bên mình và tin tưởng sẽ được khỏe mạnh, tránh mọi tai nạn )

Đức Phật Trùm viên tịch ngày 13 tháng 3 năm Ất Hợi ( 1875 )

Khi chúng tôi đến nơi, chùa Phật Trùm vừa mới được sửa lại tuy không lớn nhưng khá khang trang. Chánh điện thờ Phật Thích ca, bên trong thờ đức Phật Trùm, bên hông chùa có một gò mối xuất hiện cả trăm năm nay. Tháng 1 năm 2008 trong khi làm nền sửa chùa người ta phát hiện ra 2 viên ngọc trong gò mối. Chúng tôi được xem 2 viện ngọc, thực ra đó là 2 viên ngọc đá hình dạng và kích thước bằng và giống hệt quả trứng gà. Nhìn bình thường ta thấy không gì đặc biệt nhưng nhìn ngược sáng dưới ánh mặt trời ta sẽ thấy 2 viên ngọc đá có màu sắc khá lạ mắt.

( Gò mối và hai viên ngọc ở chùa đức Phật Trùm )

Trước khi trở về chúng tôi ra sau chùa để thăm giếng nước nơi ngày xưa đức Phật Trùm dùng chữa bệnh cho dân chúng. Nhiều người tin nước trong giếng có thể chửa bệnh, ngày nay một số tín đồ đang xây lại giếng, họ tin một ngày trong tương lai nước trong giếng cũng sẽ được dùng để trị bệnh. Hôm ấy, bên cạnh giếng nước, người đứng ra chỉ huy việc xây giếng nói chuyện với chúng tôi, ông kể : Theo truyền khẩu, đức Phật Trùm tiên tri, bao giờ cây Lâm Vồ mọc trên thân những cây Thốt Nốt quanh giếng, lúc ấy giếng nước sẽ được trả lại cho người Việt.

Ngày nay những cây Thốt Nốt mọc quanh giếng đều có cây Lâm Vồ mọc ký sinh trên thân nhưng lời người kể về tiên tri của đức Phật Trùm có nhiều nhiều điều không rõ ràng và không thể kiểm chứng được

( Cây đang mọc ký sinh trên thân Thốt Nốt hiện nay là Lâm Vồ hay Bồ Đề? Giếng trả lại cho ai? Cho người Việt hay cho Chùa ? )

( Cây Lâm Vồ – hay Bồ Đề ? – mọc trên thân Thốt Nốt )

( Giếng nước đang được chỉnh trang lại )

Chúng tôi rời khu giếng nước đang xây dựng và lên xe để đến thăm mộ của đức Phật Trùm. Đường dẫn đến mộ phải leo lên con dốc rợp bóng cây, mộ của đức Phật Trùm năm trong một khu chung với 4 ngôi mộ khác, tất cả không đắp nấm đúng với chủ trương của phái Bửu Sơn Kỳ Hương

CÂU CHUYỆN VỀ 5 ÔNG THẺ

Buổi chiều trời không mưa, trên đường về tôi yêu cầu đám bạn cho ghé vào Dinh Ông Thẻ để được chứng kiến tận mắt một trong số những di tích về câu chuyện 5 ông Thẻ

( Dinh Ông Thẻ )

Người miền Tây Nam Bộ nói chung và người theo giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương có lưu truyền câu chuyện về 5 ông Thẻ

“ Năm 1851 đức Phật Thầy Tây An có truyền lệnh cho một vị đệ tử lớn là ông Trần Văn Thành, tức đức Cố Quản, lên núi tìm gỗ Lào Táo, một loại gỗ chắc thường dùng làm trụ cột. Khi tìm được vuốt lại thành hình búp sen, trên có khắc 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, gọi là “ Thẻ”, sau khi Thẻ khắc xong được đem đi trấn ở 5 điểm. Mục đích của việc làm này là để phá thế trấn yểm của người Tàu, người dân còn lưu truyền các vị Thầy tiên tri sau này khu vực miền Nam sẽ xảy ra nhiều tai nạn nhưng ai ở trong khu vực của 5 Ông Thẻ sẽ được an toàn”

Dinh Ông Thẻ, nơi chúng tôi đến có hình tấm bản đồ về việc cắm Thẻ ở 5 điểm gọi là bản đồ : “Ngũ Long Trấn Phục”

( Bản đồ Ngũ Long Trấn Phục )

1 – Cây Thẻ ở Trung Ương đựơc cắm ở hang Ông Thẻ, núi Cấm, gần chùa Vạn Linh, gọi là Trung Ương Huỳnh Đế

2 – Cây Thẻ ở phương Bắc được cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung, nay là xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc, An Giang ( kinh 7 đi vào khoảng 5km ) gọi là Bắc Phương Hắc Đế

( Cây Thẻ phương Bắc, hình tìm được trên internet )

3 – Cây Thẻ ở phương Tây được cắm ở làng Bài Bài, gọi là Tây Phương Bạch Đế. Ngày nay Thẻ được thờ trong chùa Bồng Lai thuộc xã Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, An Giang

4 – Cây Thẻ ở phương Nam được cắm ở rừng tràm làng Vĩnh Điều, Hà Tiên, gọi là Nam Phương Xích Đế. Theo nhiều người nói, vì giữa rừng tràm nên khó xác định được vị trí vì vậy cây Thẻ này đến nay đã bị thất lạc! Cũng có người nói cây Thẻ này đã tìm thấy hiện được thờ ở Vĩnh Điều, cách cầu Mặc Lung khoảng 10km

5 – Cây Thẻ ở phương Đông, gọi là Đông Phương Thanh Đế, tức là nơi chúng tôi đang đứng – Dinh Ông Thẻ – thuộc xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang ( Trên đường lộ tẻ đi Tri Tôn )

Cây Thẻ nơi đây ( phương Đông ) là cây thẻ ẩn được chôn dưới nước của hòn non bộ ( khác với cây thẻ phương Bắc ở xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc và cây Thẻ phương Tây trong chùa Bồng Lai, xã Vĩnh tế, huyện Tịnh Biên là 2 cây Thẻ lộ thiên )

( Cây Thẻ ẩn dưới hòn non bộ tại dinh Ông Thẻ )

5 cây Thẻ là chuyện xác thực, nhưng câu chuyện người Tàu trấn ếm vẫn là một nghi vấn?

Động cơ trấn ếm của người Trung Hoa tôi tin có vì từ xưa đến nay chưa bao giờ người Trung Hoa muốn nước Việt hưng vượng hơn họ.

Vật chứng ngày nay còn xót lại là tấm bia đá trấn yểm được ông Phạm Thái Chung, tức ông Đạo Lập ( đệ tử đức Phật Thầy Tây An ) phá yểm cho đào lên đem về làng Bài Bài, nghe nói vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay

Nhưng ai ếm, ếm lúc nào không ai trả lời được. Có người cho rằng chính Mạc Cửu được nhà Thanh đặc phái sang Việt Nam dùng khổ nhục kế để thực hiện mưu đồ. Điều này xét ra không thuyết phục, trải qua gần 300 năm ( Mạc Cửu mất năm 1735 ) chúng ta không còn bất cứ dấu vết gì để có thể đi đến kết luận. Dù muốn, dù không ta phải công nhận Mạc Cửu là người có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên ngày nay, vì vậy không nên kết luận vội vàng kẻo oan ức cho một người có công lao với đất nước.

Người làm địa lý ai cũng biết câu “ Tiên tích đức, hậu tầm long”, trong chúng ta ai cũng biết câu “ Đức năng thắng số”. Tất cả mọi sự việc trên thế gian đều bị chi phối bởi luật Nhân Quả. Sự hưng thịnh hay suy vong của một dòng họ, của một quốc gia đều nằm trong định luật Nhân Quả, không bàn tay nào có thể làm thay đổi được định luật ấy.

Chúng tôi rời khỏi dinh Ông Thẻ khi trời đã chạng vạng hoàng hôn, Trên đường về nhà những hình ảnh trong ngày mãi hiện lên trong đầu : Những người dân sắc tộc Khmer đen đủi tảo tần, vất vả….Trại ruộng Thới Sơn của đức Phật Thầy, giếng nước của đức Phật Trùm…rồi dinh Ông Thẻ với câu chuyện truyền khẩu ly kỳ… Những câu chuyện như thực, như hư, quá khư đó mà như ngay trong hiện tại… nhưng dù thực hay hư đều cho thấy: tiền nhân của chúng ta đã tốn biết bao nhiêu tâm huyết để khai khẩn mở mang bờ cõi và bảo vệ mãnh đất này cho con cháu .

Ngày nay, những người con Việt nếu gìn giữ và thực hiện được lời dạy của tiền nhân để sống trong sự đoàn kết, yêu thương, tương trợ lẫn nhau, yêu thương và giúp đỡ luôn cả những người không phải người dân Việt, chắc chắn lúc ấy không một thế lực nào có thể hủy hoại đất nước, hay người dân nước Việt. Đó cũng là cách chúng ta báo ân cho tiền nhân, những vị Thầy, những người đã hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay và đó cũng chính là sức mạnh của 5 ông Thẻ…

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Bản đồ 5 ông Thẻ