Qua Ruộng Dưa Không Sửa Giày - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Sau Cà Mau, Đà Nẵng trả lại “xe công” do doanh nghiệp tặng

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt và giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ xung quanh những vụ việc lãnh đạo địa phương nhận xe sang từ doanh nghiệp (DN) tư nhân. Một chỉ đạo nức lòng nhân dân. Sau chỉ đạo này của Thủ tướng, các địa phương đã tự nguyện trả lại xe cho doanh nghiệp.

Trong bài "Quân tử hành" của Tào Thực, có hai câu rất hay chỉ rõ cái đạo làm người quân tử: "Qua điền bất nạp lý/ Lý hạ bất chỉnh quan".

Thoát nghĩa thì là qua ruộng dưa không cúi xuống chỉnh sửa giày còn qua vườn đào thì không chỉnh sửa nón. Tránh để người ta hiểu nhầm mình đang có ý đồ nào đó không tốt.

1. UBND tỉnh Cà Mau đã trả lại 2 xe Lexus trị giá hơn 6 tỷ đồng cho doanh nghiệp, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã trả lại chiếc xe có trị giá 1,3 tỷ cho DN tư nhân.

Thật khó khăn để chứng minh việc DN tặng xe cho UBND tỉnh hoặc thành ủy thì đổi lại DN có được ưu ái nào đó từ những mệnh lệnh, quyết định của người đứng đầu địa phương hay không? Khẩu thuyết vốn vô bằng, tuy nhiên xét về mức độ cảm xúc của nhân dân thì có điều gì đó rõ ràng là không ổn, rõ ràng là không minh bạch.

Nói gì thì nói, chứ ngồi xe của người ta mà người ta xin cái này không cho cũng kỳ, người ta có sai phạm kia mà xử lý mạnh tay thì cũng ngặt. Thế mới hiện hữu câu, "Có qua có lại mới toại lòng nhau", hay "Bánh ít đi thì bánh quy mới lại".

Trước khi câu chuyện về xe tiền tỷ ở Cà Mau và Đà Nẵng trở nên ầm ĩ thì UBND tỉnh Ninh Bình cũng từng trả 3 chiếc xe do một DN tư nhân tặng với tổng trị giá 6,6 tỷ.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết: "Dù DN tặng xe hoàn toàn vì phục vụ mục đích phòng chống lụt bão nhưng sau khi dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định từ chối nhận số xe biếu tặng của DN nói trên 20 ngày trước khi có văn bản trả lời của Bộ Tài chính. Về mặt thủ tục, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hủy công văn xác nhận sở hữu nhà nước số xe được biếu tặng trước đó".

Đó là những lãnh đạo có lòng tự trọng, chú ý gìn giữ khí chất của lãnh đạo, uy tín của lãnh đạo.

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Sẽ luôn là câu chuyện đúng quy trình mỗi khi có một cơn bão dư luận ập đến từ cách hành xử của lãnh đạo địa phương, đề bạt đúng quy trình, cất nhắc đúng quy trình. Thậm chí như vừa rồi ở Bộ Giao thông vận tải có một cục mà sếp nhiều gần gấp đôi nhân viên cũng đúng quy trình nốt.

Nếu tất cả đều đúng quy trình thì tại sao nhân dân phải bức xúc? Câu hỏi ấy chắc rất khó hoặc rất lâu nữa mới có câu trả lời.

Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ngừng quyết tâm hành động để chứng minh cho thông điệp "kiến tạo và liêm chính" không chỉ là khẩu hiệu. Tuy nhiên, sẽ rất khó nếu như chỉ có Chính phủ quyết tâm còn các lãnh đạo địa phương lại vin vào quy trình để có những quyết định khiến nhân dân nghi ngờ sự khuất tất.

Như câu chuyện nhận xe ở Cà Mau, báo chí phát hiện ra DN tư nhân tặng xe cho UBND tỉnh được ưu ái về cái này, được nương nhẹ về cái kia. Chuyện này chắc cũng không có gì lạ, bởi khi kêu gọi đầu tư thì chính quyền địa phương phải xem DN như một người bạn chân tình, để tháo gỡ vướng mắc, để giúp đỡ trong điều kiện luật cho phép, các quy định thu hút đầu tư của tỉnh cho phép.

Dẫu vậy, đã trót nhận xe của người ta rồi thì quá khó để lý giải cho dư luận mọi thứ đúng hết, mọi thứ đều minh bạch hết không có gì đâu mà lấn cấn. Niềm tin là thứ phải được tạo dựng lâu dài, phải được xây dựng bền vững, chứ không thể tay thì nhận xe miệng thì đúng quy trình được.

Của biếu nào không là của lo, của cho nào không là của nợ.

3. Xe là tặng cho tập thể lãnh đạo tỉnh, nhưng sử dụng thì có lẽ chỉ là một vị lãnh đạo thôi. Nghĩa là cứ tưởng là xe chung, nhưng thực tế ấy cũng là xe riêng. Quan trọng hơn, nếu trong một môi trường kinh doanh bình đẳng thì DN tặng xe cho lãnh đạo tỉnh làm gì.

UBND tỉnh Cà Mau từng nại cớ nhận xe của DN là để thuận tiện cho việc đón cán bộ từ Trung ương về Cà Mau làm việc. Xưa có bài thơ trào phúng (chính xác có lẽ là vè dân gian) rằng: "Bộ về, thì tỉnh mổ trâu/ Tỉnh lên, Bộ hỏi đi đâu thế này? Tỉnh về, thì huyện giết cầy/ Huyện lên, tỉnh hỏi chú mày đấy a? Huyện về, thì xã thịt gà/ Xã lên, huyện quát bỏ nhà đi đâu?".

Đưa ra lý do này thì cực cho cán bộ Trung ương quá, tôi tin rằng không cán bộ Trung ương nào lại có ý chê lãnh đạo địa phương không bố trí xe Lexus để đón đưa làm việc bao giờ.

Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, trả lời báo chí về vấn đề này như sau: "Nếu xét về các quy định của pháp luật thì không cấm việc cho - tặng như vậy, bởi đây không phải là quà biếu cho cá nhân lãnh đạo địa phương mà DN tặng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên sự dị nghị, đàm tiếu của dư luận là hoàn toàn có lý và cũng dễ hiểu.

Rất khó để chứng minh việc cho - nhận như vậy có tiêu cực hay không, nhưng dư luận có quyền hoài nghi. Hiện nay các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước đều đã được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tương đối đầy đủ theo các tiêu chuẩn, định mức cụ thể.

Các cơ quan, đơn vị không nên nhận quà tặng rồi xài sang hơn nơi khác, đặc biệt là quan chức ngồi trên những chiếc xe quá sang trọng sẽ phản cảm với cuộc sống của nhân dân nhiều nơi vẫn còn nghèo đói. Nếu DN họ có tấm lòng thì nên động viên họ ủng hộ tiền làm từ thiện, giúp đỡ dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng công trình phúc lợi".

Chính phủ không để bất cứ lãnh đạo địa phương nào thiệt thòi về chuyện xe công, đó là điều chắc chắn, tùy vào chức vụ vị trí đảm nhiệm mà có những tiêu chuẩn khác nhau. Thế nên, lãnh đạo địa phương cũng đừng vì chuyện này hay chuyện kia mà để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ.

Hãy đồng lòng cùng Chính phủ.

Từ khóa » đi Qua Ruộng Dưa Chớ Sửa Giày