Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển - UBND Huyện Krông Pa

HUYỆN KRÔNG PA Menu Search for: Trang chủ > Giới thiệu > Quá trình hình thành và Phát triển CHUYÊN MỤC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN bandokrongpa1.PNG1. Quá trình hình thành: Huyện Krông Pa được thành lập theo Quyết định số 178-CP ngày 23/4/1979 của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ phần đất phía đông của huyện Ayun Pa. Sau khi thành lập, đại giới hành chính của huyện Krông Pa từ đèo Tô Na xuống phía đông, đến bắc cầu Kà Lúi và tây sông Krông Năng, gồm 6 xã: Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Dreh và Krông Năng. Ngày 17/8/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 30/HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Huyện Krông Pa có sự thay đổi địa giới một số xã, xã Ia Rmok chia thành xã Ia Rmok và Phú Cần, xã Đất Bằng chia thành xã Đất Bằng và Ia Mlah, xã Chư Drăng chia thành xã Chư Drăng và Chư Gu, xã Ia Rsai chia thành xã Ia Rsai và Ia Rsiơm. Ngày 13/01/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 03/HĐBT về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã, thị trấn của các huyện Kbang và Krông Pa, tỉnh Gia Lai – Kon Tum, theo đó xã Phú Cần được chia thành xã Phú Cần và thành lập thị trấn Phú Túc. Thị trấn Phú Túc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện. Qua quá trình chia tách, đến tháng 12/2007, toàn huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn, gồm có 131 thôn buôn (trong đó có 86 thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Huyện lỵ đóng tại thị trấn Phú Túc. Đến năm 2015, toàn huyện có 131 thôn buôn (trong đó có 92 thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số), với dân số trung bình 79.640 người (trong đó dân tộc kinh là 24.450 người chiếm 30,7%; dân tộc Jrai là 54.286 người chiếm 68,16%; dân tộc khác là 904 người chiếm 1,14%) và tổng diện tích đất tự nhiên là 1.623,662 km2. Krông Pa tên của huyện được gắn liền với con sông (krông) Pa lớn nhất vùng, chảy giữa huyện theo hướng tây bắc – đông nam. 2. Vị trí địa lý: Krông Pa là một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Gia Lai. Huyện lỵ là thị trấn Phú Túc, có tọa độ địa lý từ 12o58’12’’ đến 13o33’12’’ vĩ độ bắc và từ 108o25’48’’ đến 108o48’33’’. - Bắc giáp: huyện Ia Pa; huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. - Nam giáp: huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk. - Đông giáp: huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. - Tây giáp: huyện Ea Hleo, Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk; thị xã Ayun Pa. 3. Điều kiện tự nhiên: Huyện Krông Pa ngày nay thuộc vùng trũng Cheo Reo-Phú Túc, có cấu tạo địa chất khá phức tạp, bao gồm 2 nhóm đất chính là bồi tích phù sa và trầm tích hỗn hợp, là kiểu địa hình đồng bằng tích tụ-bóc mòn, với các dạng địa hình bậc thềm và bãi bồi chiếm diện tích chủ yếu, nhưng quá trình tích tụ ở đây hạn chế hơn so với khu vực Cheo Reo. Do còn thuộc địa hình thung lũng giữa núi, nên trong vùng còn có dạng địa hình đồi núi sót chiếm diện tích nhỏ, xen lẫn vùng đất bằng. Thung lũng Krông Pa phân bố dọc theo các sông suối, ít bị chia cắt, khá bằng phẳng, được bao phủ bởi lớp phù sa cũ và mới. Ngoài địa hình trũng, rìa phía đông nam Krông Pa có 2 dãy núi cao là Chư DJú và Chư Dlêiya. Địa hình Krông Pa có dạng đồi hoặc núi thấp nhưng lượn sóng mạnh và chia cắt sâu. Khí hậu Krông Pa mang tính chất nhiệt đới hơi khô. Do có địa hình núi án ngữ, che chắn hướng gió từ đông và tây nam nên đặc điểm khí hậu của huyện Krông Pa có phần khác với các vùng khác ở Tây Nguyên và Gia Lai Krông Pa có 2 mùa rõ rệt:mùa khô và mùa mưa. Ở độ cao trung bình 140 m so với mặt nước biển, Krông Pa là bậc thềm quan trọng, án ngữ trên quốc lộ 25- một trong những cửa ngõ nối đồng bằng ven biển miền Trung ở phía đông với cao nguyên Pleiku ở phía tây. Mật độ sông suối của Krông Pa không lớn. Huyện bị chia cắt thành 2 vùng bởi dòng sông Ba chảy từ tây xuống đông. Đất đai vùng Krông Pa gồm nhiều loại trên nền đá bazơ, đất phù sa có màu nâu xám, tầng mặt có độ dày khoảng 20-25cm. Các tầng tiếp theo có màu vàng xen màu gỉ sắt. Các tầng đất có độ dày mỏng khác nhau, với các nhóm đất chính: đất nâu sẫm trên đá bazan, đất đen phù sa cổ, đất đen, chủ yếu là đất phù sa bồi tụ của các sông suối. Ngoài ra còn có loại đất vàng xám trên đá hỗn hợp, phân bố rải rác ở phía tây bắc, 2 rìa sườn nam và bắc của vùng. 4. Đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn: 14 (1 thị trấn, 13 xã). - Thị trấn: Phú Túc. - Các xã: Uar, Ia Rsiơm, Ia Rmok, Chư Rcăm, Ia Dreh, Krông Năng, Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Mlah, Chư Gu, Đất Bằng, Phú Cần, Chư Ngọc. 5. Tổng quan kinh tế - văn hoá - xã hội: Trong giai đoạn 2005 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,75%/năm, cơ cấu kinh kế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 17,22% năm 2005 lên 23,15% năm 2010, thu ngân sách tăng bình quân trên 25%/năm. Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục được đầu tư mạnh, tăng về quy mô trường lớp và chất lượng dạy học; sự nghiệp y tế từng bước đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39,9% năm 2005 xuống còn 21,3% năm 2010. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 13,27%, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 28%, thương mại dịch vụ chiếm 23,5%, nông - lâm nghiệp chiếm 48,5%, thu nhập bình quân đầu người (theo giá cố định 1994) ước đạt 9,64 triệu đồng (theo giá năm 2010 là 24 triệu đồng). Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục được đầu tư mạnh, tăng về quy mô trường lớp và chất lượng dạy học (53 đơn vị trường, trong đó có 08 trường đạt chuẩn quốc gia); sự nghiệp y tế từng bước đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Với đà phát triển đã tạo ra, trong giai đoạn 2011 - 2015, nền kinh tế huyện Krông Pa đang hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 10,6%/năm trở lên, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30%, thương mại dịch vụ chiếm 25%, nông - lâm nghiệp chiếm 45%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm. Đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội… 1. Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945-2007). 2. Theo niên giám thống kê 2015. 3. Theo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI.
THÔNG TIN
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pa Điện thoại: 02693.607.289 Email: vhtt.krongpa@gialai.gov.vn Địa chỉ: 45 Trần Hưng Đạo, TT Phú Túc, Krông Pa, Gia Lai
THÔNG TIN BẢN QUYỀN
Bản quyền thuộc về UBND huyện Krông Pa Chịu trách nhiệm: Trần Như Lý - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin. Giấy phép: 04/GP-TTĐT 24/5/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai Chung nhan Tin Nhiem Mang TOP

Từ khóa » Dân Số Huyện Krong Pa