Quyết định 114/2001/QĐ-UB - Gia Lai

Liên hệ Sơ đồ cổng thông tin Hướng dẫn khai thác Đăng nhập

Gia Lai

  • CSDL Quốc Gia
  • Trang chủ
  • Tìm kiếm
gia lai

Danh sách quận huyện quận huyện Gia Lai

Trung ương Lên đầu trang
  • Văn bản quy phạm pháp luật
  • Hệ thống hóa VBQPPL
Mục lục văn bản Cơ quan ban hành
  • HĐND tỉnh Gia Lai
  • UBND tỉnh Gia Lai
Loại văn bản
  • Nghị quyết
  • Chỉ thị
  • Quyết định
Năm ban hành
  • 1945 đến 1950
  • 1951 đến 1960
  • 1961 đến 1970
  • 1971 đến 1980
  • 1981 đến 1990
  • 1991 đến 2000
  • 2001 đến 2010
  • 2011 đến 2020
  • CSDL quốc gia về VBPL »
  • CSDL Gia Lai »
  • Văn bản pháp luật »
  • Quyết định 114/2001/QĐ-UB
  • Toàn văn
  • Thuộc tính
  • Lịch sử
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
  • Bản in
  • Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/12/2001
UBND TỈNH GIA LAI Số: 114/2001/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Gia Lai, ngày 26 tháng 12 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Krông Pa, giai đoạn 2001 – 2010

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ điều 41 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1994;

- Xét quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Krông Pa, giai đoạn 2001-2010, tại Tờ trình số: 92/TT-UB ngày 23 tháng 10 năm 2001 của UBND huyện Krông Pa (sau khi đã được chỉnh sửa theo tinh thần cuộc họp ngày 06 tháng 12 năm 2001 của Hội đồng nghiệm thu quy hoạch);

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 510/KT-KH ngày 21 tháng 12 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Krông Pa, giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

I - MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

1. Về kinh tế - xã hội:

- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2001 - 2010 đạt 11,5%-12,5%, trong đó: giai đoạn 2001-2005: 11%-12%, giai đoạn 2006-2010: 12%-13%. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 200 USD, đến năm 2010 đạt 200 USD.

- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2005: CN - XD: 14%, NLN: 64,2%, dịch vụ: 21,8% và năm 2010: CN - XD: 17%, NLN: 60%, dịch vụ: 23%.

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2% vào năm 2005 và 1,8% vào năm 2010, tỷ lệ tăng dân số cơ học bình quân hàng năm 1,5% giai đoạn 2001-2005 và 0,3 giai đoạn 2006-2010.

- Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, hạn chế và đẩy lùi các bệnh sốt rét, bướu cổ, phong và các dịch bệnh khác, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Nâng cấp, trang bị phương tiện cho cơ sở y tế các cấp, tăng cường đội ngũ y bác sĩ.

- Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học; đáp ứng đủ giáo viên, chú trọng đào tạo giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2005 có 21% số xã, thị trấn thực hiện phổ cập trung học cơ sở và đến năm 2010 đạt 65-70%.

- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo. Đến năm 2005 cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% và đến năm 2010 không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Hình thành các khu vui chơi giải trí, các cụm văn hoá, củng cố và duy trì các hoạt động mang bản sắc văn hoá dân tộc. Mở rộng diện tích phủ sóng và nâng cao chất lượng truyền hình, xây dựng hệ thống truyền thanh đến xã, làng.

- Tiếp tục xây dựng hạ tầng đô thị cho thị trấn Phú Túc, phát triển công nghiệp, dịch vụ, bố trí dân cư... để tạo tiền đề hình thành thị trấn Lệ Bắc vào giai đoạn sau, đồng thời phát triển các trung tâm cụm xã.

2. Về an ninh - quốc phòng:

Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chú trọng đến hoạt động tín ngưỡng của các tôn giáo, không để các phần tử lợi dụng tôn giáo để gây rối, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

II - NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

1. Phát triển ngành nông - lâm nghiệp:

Phát triển sản xuất nông - lâm kết hợp toàn diện, sử dụng đất bền vững; gắn với  việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Cải tạo giống vật nuôi để nâng cao về chất lượng, trong đó việc phát triển đàn bò được xem là ngành sản xuất chính trên địa bàn huyện. Khuyến khích các hộ kinh doanh theo mô hình trang trại, vườn rừng, đặc biệt là các hộ vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt việc giao khoán đất rừng cho các tổ chức và hộ nông dân để thực hiện công tác khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng.

* Về trồng trọt:

- Sản xuất lương thực: Mở rộng diện tích lúa nước, tăng diện tích lúa 2 vụ và giảm diện tích lúa rẫy; đến năm 2005 diện tích lúa 2 vụ đạt khoảng 500-600ha, 400 ha lúa rẫy và năm 2010 diện tích tương ứng là 2.000 ha và 200 ha; đồng thời phát triển các cây ngắn ngày khác như: ngô (chủ yếu là ngô lai) sắn, đậu đỗ các loại... Phấn đấu sản lượng lương thực đạt 14.100 tấn vào năm 2005 và 28.000 tấn vào năm 2010.

- Cây công nghiệp, cây ăn quả: Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày, trong thời gian đến chú trọng phát triển cây điều, chủ yếu là điều ghép để đến năm 2005 diện tích đạt 6.500 ha và năm 2010 đạt 10.000 ha. Chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: thuốc lá, bông, mía... theo hướng mở rộng diện tích và tăng năng suất trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học vào công tác lai tạo giống; cây bông đạt 1.000 ha năm 2005 và 1.500 - 2.000 ha năm 2010, cây thuốc lá 3.500 ha năm 2005 và 4.000 ha năm 2010. Thực hiện tốt việc cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình vườn - rừng, từng bước thử nghiệm và đưa vào các giống cây ăn quả có giá trị cao, phù hợp với điều kiện của địa phương.

* Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc trên cơ sở lai tạo giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Phấn đấu nhịp độ tăng bình quân hàng năm khoảng 5%; đến năm 2005, đàn trâu bò có 58.000 con, đàn heo: 35.000 con và đàn dê: 8.000 con; năm 2010: đàn trâu bò: 68.800 con, heo: 45.000 con, dê: 15.000 con, tỷ lệ bò lai đạt ít nhất 40% năm 2005.

* Về lâm nghiệp: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Thực hiện tốt chương trình 5 triệu ha rừng; tiến hành giao đất, khoán rừng cho dân quản lý bảo vệ và trồng rừng đồng thời khuyến khích hộ nông dân trồng cây công nghiệp (chủ yếu là cây điều), các cây nguyên liệu trên diện tích đất trống phù hợp để nâng độ che phủ rừng. Phấn đấu trong giai đoạn 2001-2010 quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh đến năm 2005 đạt 3.000 ha và năm 2010 đạt 6.000 ha; năm 2005 diện tích rừng sản xuất đạt 1.000 ha và năm 2010 đạt 3.000 ha.

2. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của huyện. Trong thời gian đến cần tập trung vào phát triển các ngành như: khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; đặc biệt chú trọng công nghiệp chế biên hàng nông sản thực phẩm (chủ yếu là hạt điều, thuốc lá...). Xây dựng nhà máy chế biến hạt điều công suất 3.000 tấn/năm và nâng công suất đạt 5.000 tấn/năm vào giai đoạn sau.

3. Phát triển thương mại - du lịch:

Đẩy mạnh hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn huyện để thúc đẩy việc trao đổi, giao lưu hàng hoá. Nâng cấp trung tâm thương mại ở thị trấn huyện, xây dựng hệ thống các chợ ở một số xã và các trung tâm cụm xã, mở rộng thị trường nông thôn. Tại các xã đều có các cửa hàng thương mại cảu Nhà nước để trao đổi hàng hoá và bảo đảm các mặt hàng thiết yếu và cung cấp các mặt hàng chính sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là việc cung cấp hàng hoá trong mùa mưa.

Tăng cường đầu tư mở rộng, phát triển các điểm du lịch trên địa bàn huyện, liên kết với mạng lưới du lịch của tỉnh để tổ chức thành các tuyến, tour du lịch.

4. Phát triển cơ sở hạ tầng:

* Giao thông: Huy động các nguồn vốn đầu tư kết hợp với đóng góp của nhân dân mở rộng hệ thống giao thông nội thị và giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, nhất là các tuyến liên xã. Đến năm 2005 hoàn thành việc nâng cấp quốc lộ 25 đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nâng cấp các tuyến đường liên xã bảo đảm giao thông thông suốt hai mùa. Đến năm 2010 nâng cấp quốc lộ 25 đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, nhựa hoá và cấp phối các đường nội thị và một số tuyến trên địa bàn huyện.

* Thuỷ lợi: Để đảm bảo đủ nước tưới cho khoảng 500-600 ha lúa 2 vụ vào năm 2005, cần nâng cấp và khai thác tốt các công trình thuỷ lợi hiện có, đầu tư xây dựng mới các công trình thuỷ lợi như: trạm bơm cầu II, hồ Ia Dréh 2... Đồng thời tỉnh và Trung ương cần đầu tư xây dựng các công trình như hồ Ea Mláh, hồ Ia Rsai, đập Ia Dréh vào các năm tiếp theo để đảm bảo đủ nước tưới cho 2.000 ha lúa 2 vụ vào năm 2010. Huy động sức dân cùng với đầu tư của Nhà nước để xây dựng kênh mương nội đồng và xây dựng đồng ruộng.

* Cấp điện: Mở rộng hệ thống điện đến các xã chưa có điện và từ xã đến các làng. Ưu tiên đầu tư cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số để đến năm 2005 đa số các buôn đồng bào dân tộc thiểu số có điện, 60% số hộ được dùng điện và đến năm 2010 hầu hết các thôn, buôn đều có điện với 90% số hộ được dùng điện.

* Cấp nước: Tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt trên toàn huyện và hệ thống thoát nước tại thị trấn Phú Túc; phát triển hệ thống giếng đào, giếng khoan và giọt nước ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đến năm 2005 có 60% và năm 2010 có 80% số dân được dùng nước sạch.

* Bưu chính viễn thông: Hiện đại hoá mạng lưới thông tin liên lạc ở thị trấn và ở các xã trên địa bàn huyện. Phát triển hệ thống bưu cục đến các khu vực đông dân cư; đến năm 2005 đa số xã có điểm bưu điện văn hoá.

5. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội:

* Dân số - lao động và việc làm: Đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2% năm 2005 và 1,8% năm 2010. Dự kiến giai đoạn 2001-2010 nhận 1.000 hộ (tương đương 5.000 khẩu) dân kinh tế mới. Đến năm 2005 quy mô dân số toàn huyện: 67.700 người, trong đó dân số thành thị chiếm 17,7%; năm 2010 quy mô dân số đạt; 75.000 người, trong đó dân thành thị chiếm 18,6%.

Khai thác, sử dụng nguồn lao động tại chỗ thông qua việc đào tạo, hướng nghiệp nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; ưu tiên đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số để về phục vụ cho địa phương; kết hợp các chương trình, dự án để giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại chỗ.

* Giáo dục - Đào tạo: Nâng cáo chất lượng dạy và học ở giáo dục mầm non và các cấp phổ thông; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giáo viên người địa phương để đảm bảo về số lượng và chất lượng. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường, đặc biệt là trường dân tộc nội trú; xoá bỏ tình trạng học ca 3, phòng học tranh tre... Đến năm 2005 số xã có trường trung học cơ sở đạt 75%, đa số trường học được xây dựng kiên cố từ cấp IV trở lên, phổ cập trung học cơ sở cho 02 xã và 01 thị trấn. Đến năm 2010 tất cả các xã đều có trường THCS và thực hiện phổ cập THCS cho ít nhất 50% số xã còn lại. Mở rộng các hình thức dân lập, tư thục và các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề; hỗ trợ và tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, những người nghèo, đối tượng chính sách để tất cả các em trong độ tuổi đều có điều kiện đi học.

* Y tế: Nâng cao toàn diện thể lực và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, quan tâm đến các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn; hạn chế và đẩy lùi các bệnh sốt rét, bướu cổ, phong... giải quyết căn bản các bệnh, nhiễm khuẩn, thực hiện tốt và có hiệu quả chương trình y tế quốc gia; từng bước giảm dần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Mở rộng mạng lưới y tế ở cơ sở, tăng cường đội ngũ cán bộ y tế cả về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2005 có 50% số trạm y tế cơ sở có bác sỹ, bình quân 3,3 bác sỹ/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân đạt 14 giường; đến năm 2010 tất cả các xã đều có bác sỹ, bình quân đạt 4,4 bác sỹ/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân đạt 23 giường.

* Văn hoá thông tin - phát thanh truyền hình: Xây dựng làng văn hoá, nhà rông văn hoá ở các xã, khôi phục và duy trì các hoạt động văn hoá cồng chiêng, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hình thành các thư viện, đội thông tin lưu động đi cơ sở. Mở rộng hệ thống truyền thanh hữu tuyến ở thị trấn, xây dựng hệ thống cụm truyền thanh không dây, có dây ở xã. Phấn đấu đến năm 2005 các xã đều có trạm truyền thanh, 100% khu vực dân cư được phủ sóng truyền hình.

* Thể dục - thể thao: Hình thành mạng lưới các cơ sở thể dục - thể thao rộng khắp từ thôn, làng đến xã và huyện tạo điều kiện thuận lợi cho việc luyện tập và thi đấu. Vận động, tuyên truyền và thu hút các nhà tài trợ cho các hoạt động thể dục thể thao, chú trọng bồi dưỡng các tài năng trẻ.

* Các lĩnh vực khác:

- An ninh quốc phòng: Tăng cường đầu tư cho việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo quan điểm quốc phòng toàn dân, đảm bảo 100% các xã, thị trấn tham gia huấn luyện dân quân tự vệ định kỳ. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho nhân dân, chống âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia.

- Tôn giáo: Tăng cường các biện pháp chỉ đạo, điều hành có hiệu quả nhằm ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

III - NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

Để thực hiện được các nhiệm vụ và mục tiêu của quy hoạch đề ra, cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp, có hiệu quả nhằm huy động tối đa nội lực và thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

1. Huy động vốn đầu tư:

Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư 577,63 tỷ đồng trong giai đoạn 2001 - 2010, cần có những giải pháp huy động vốn tích cực, tập trung vào những nguồn chủ yếu sau:

- Vốn đầu tư từ doanh nghiệp và nhân dân: 170 tỷ đồng, chiếm 29,4% nhu cầu vốn đầu tư, chủ yếu tập trung vào các hạng mục như khai hoang xây dựng đồng ruộng, phát triển cây trồng vật nuôi, cơ giới hoá nông nghiệp, đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng, xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...

- Nguồn vốn vay: Bao gồm cả vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, xây dựng cơ sở chế biến...; vốn vay của các chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm... khoảng 100,63 tỷ đồng, chiếm 17,4% vốn đầu tư.

- Nguồn vốn thu hút từ bên ngoài: Khoảng 307 tỷ đồng, chiếm 53,1% vốn đầu tư, trong đó: vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh và các tỉnh khác dự kiến thu hút 140 tỷ đồng, chủ yếu tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, phát triển công nghiệp, dịch vụ; nguồn vốn thu hút từ nước ngoài dự kiến khoảng 167 tỷ đồng, chủ yếu là kêu gọi vốn ODA cho công trình thuỷ lợi, giao thông và tranh thủ các nguồn vốn viện trợ khác.

2. Các dự án ưu tiên đầu tư tạo khâu đột phá:

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, việc lựa chọn các công trình, dự án ưu tiên đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đó là các dự án về nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và xã hội, phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến như chế biến hạt điều, thuốc lá, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi...

3. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới:

Đẩy mạnh việc ứng dụng, thử nghiệm những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi như lai ghép, nhân giống bằng công nghệ mô, hom, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến chất lượng cao...

Đẩy nhanh công tác khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nhất là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình về kinh tế vườn - rừng, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho các hộ nông dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

4. Nâng cao năng lực cộng đồng:

Đây là vấn đề quan trọng để phát huy nội lực, tăng năng suất lao động và tăng tích luỹ nội bộ nền kinh tế. Cần có chính sách cụ thể trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ để phục vụ địa phương, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục; nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cán bộ và trang thiết bị y tế phục vụ cho nhân dân.

5. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

Công khai hoá quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện cho các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện biết. Thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với nhiệm vụ và tình hình mới. Cụ thể hoá quy hoạch bằng các quy hoạch chi tiết như: quy hoạch đất đai, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu dân cư và đô thị, các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Tổ chức cho các ngành, các cấp và nhân dân thực hiện quy hoạch.

Điều 2: Giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pa chịu trách nhiệm quản lý lưu trữ tài liệu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Krông Pa, giai đoạn 2001-2010 để khai thác sử dụng có hiệu quả. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cần tiếp tục nghiên cứu để có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện đúng định hướng, đạt hiệu quả cao.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Vật giá và Giám đốc các Sở, ban ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ tịch

(Đã ký)

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
  • Bản PDF:
  • File đính kèm:
    • 114.2001.QĐ-UB.doc - (Xem nhanh)
Gửi phản hồi Tải về
  • 114.2001.QĐ-UB.doc - (Xem nhanh)

CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.

Từ khóa » Dân Số Huyện Krong Pa