Quân Cờ Chính Trị Mang Tên Tịnh Thất Bồng Lai - Báo Bình Phước

Kết thúc quá trình xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân mức án 5 năm tù; các bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù; bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc 3 năm tù.

Lợi dụng sự quan tâm của dư luận đối với vụ án này, giới “dân chủ” đã nhanh chóng đăng đàn, tung ra những thông tin trái chiều, tiêu cực nhằm gây nhiễu loạn tình hình. Trong đó, RFA đăng tải hàng loạt bài viết có nội dung lệch lạc như: “Tịnh thất Bồng Lai: Bỏ tù cụ ông 90 tuổi - một điểm mới trong trấn áp nhân quyền tại Việt Nam”, “Phiên tòa xét xử Tịnh thất Bồng Lai “mở” đến bất ngờ”, “Tịnh thất Bồng Lai: các thành viên bị kết án tổng cộng hơn 32 năm tù”… Không kém cạnh, Việt Tân rêu rao luận điệu: “Tòa án khinh dân”, “chính quyền tìm cách triệt hạ Tịnh thất Bồng Lai”, “Việt Nam không có tự do tôn giáo”… Ngoài ra, hàng loạt cá nhân, tổ chức chống phá trong và ngoài nước cũng liên tục kêu oan, khóc mướn cho các đối tượng ở Tịnh thất Bồng Lai.

Thử hỏi, trong những tiếng kêu oan được đưa ra, có bao nhiêu phần trăm là thật lòng? Bộ mặt thật phía sau những màn khóc mướn là gì?

Xét xử là quá trình hội đồng xét xử xem xét, đánh giá chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa; căn cứ trên những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và hoạt động bào chữa, tự bào chữa để đưa ra bản án. Đồng thời, pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định: “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm”, “thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng bản án sơ thẩm mà hội đồng xét xử đưa ra không chính xác, không đúng, các bị cáo hoàn toàn có quyền kháng cáo. Việc kháng cáo sẽ được tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại. Quy trình pháp luật là rất rõ ràng. Tuy nhiên, không ít kẻ lại cố tình phớt lờ quy định, tự cho mình là thẩm phán và đưa ra những nhận xét, đánh giá chủ quan, phiến diện, mang nặng quan điểm cá nhân để phục vụ mưu đồ chính trị. Thay vì tư vấn pháp luật, hướng dẫn người bị kết án gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền thì những kẻ này lại ngày đêm lên mạng xã hội để lan truyền các luận điệu thất thiệt. Nói thẳng, mục đích của những kẻ này chẳng phải đấu tranh cho dân chủ hay nhân quyền, chẳng phải bảo vệ người bị kết án. Điều mà chúng hướng đến là làm loạn xã hội, gieo rắc những nhận thức sai lầm, kích động sự bất ổn.

Trong 1 ngày, hệ thống tòa án trên cả nước xét xử rất nhiều vụ án. Vậy nhưng, tại sao các “nhà dân chủ” lại chỉ quan tâm đến một vài vụ án nhất định? Có thể thấy, ngay từ khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Tịnh thất Bồng Lai, những thông tin xuyên tạc, hướng lái tiêu cực đã liên tiếp được các đối tượng xấu tung ra. Điều này bắt nguồn từ việc hoạt động của Tịnh thất Bồng Lai có liên quan đến vấn đề tôn giáo; một số cá nhân trong Tịnh thất Bồng Lai có danh tiếng nhất định trên mạng xã hội. Đây là những điều kiện cơ bản để có thể thu hút dư luận. Từ đây, có thể thấy điều mà các “nhà dân chủ” cần khi tung ra những thông tin lệch lạc về vụ án Tịnh thất Bồng Lai không phải là sự thật, chẳng phải là công lý. Thứ mà họ hướng đến là sự hỗn loạn của xã hội.

Đồng thời, bằng việc xuyên tạc bản chất vụ án, các đối tượng đã chĩa mũi nhọn chống phá hệ thống pháp luật của nước ta. Nằm trong quy trình “khóc mướn”, “tẩy trắng” cho các đối tượng bị kết án, các “nhà dân chủ” không ngần ngại tấn công hệ thống pháp luật của Việt Nam, cho rằng điều luật được vận dụng để kết án là không khách quan, phi lý, chỉ phục vụ “mục đích chính trị” và cần phải thay đổi. Chúng đang cố nhào nặn, tô vẽ cho rằng những người liên quan tại Tịnh thất Bồng Lai là “nạn nhân” của chế độ. Về điều này, cần phải thấy rõ không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới đều xây dựng một hệ thống pháp luật để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong đó, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự được xác định là những trụ cột quan trọng của hệ thống pháp luật quốc gia. Pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau, luôn mang bản chất giai cấp, được xây dựng để bảo đảm định hướng phát triển của đất nước đó. Việc lấy pháp luật của quốc gia này để làm tiêu chuẩn bắt buộc cho quốc gia khác là điều phi lý, không thể chấp nhận được. Khi đã sinh sống trên một quốc gia thì mọi người đều có nghĩa vụ tôn trọng và chấp hành nghiêm pháp luật, mọi hành vi vi phạm bị xử lý cũng là điều hiển nhiên, không có gì cần bàn cãi.

Ngoài ra, từ việc “kêu oan”, “khóc mướn” cho Tịnh thất Bồng Lai, có thể thấy các đối tượng đang cổ xúy cho những hoạt động tôn giáo “trái đời, ngược đạo”, nằm ngoài quy định pháp luật. Nói thẳng, hoạt động của Tịnh thất Bồng Lai không phải là hoạt động tôn giáo chân chính. Vì vậy, chẳng có căn cứ nào để có thể chụp mũ cho rằng Việt Nam xâm phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Tôn giáo chân chính là phải thúc đẩy con người hướng thiện, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, những tôn giáo mà các “nhà dân chủ” hướng đến lại là tôn giáo tự do vô tổ chức, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng. Dưới vỏ bọc tôn giáo, những kẻ này đang tiến hành các hoạt động xâm phạm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Có thể thấy, bản chất thực sự phía sau màn “kêu oan” cho Tịnh thất Bồng Lai là mưu đồ chống phá chế độ. Trong đó, bước đầu tiên là làm loạn dư luận, gieo rắc những quan điểm, nhận thức sai trái, phiến diện về Đảng, Nhà nước.

Từ khóa » Bồng Lai In English