Quán Dương Liễu - Ha Noi 360°

Sommaire

  • Địa lý
  • Lược sử
  • Kiến trúc
  • Di sản
  • Di tích lân cận

Quán hay đền Dương Liễu có từ thời Lê Trung hưng. Thờ: Thông Quyết Đại Vương và thờ vọng tướng Lý Phục Man. Lễ hội: 12 tháng 2 và 12 tháng 3 âl. Xếp hạng: di tích thành phố (2007). Vị trí: 3M4F+X44, thôn Dương Liễu, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 25 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Ba Chàng - Minh Khai Cát Quế (xe 66)

Địa lý

Xã Dương Liễu có diện tích 4.31 km², dân số năm 1999 là 11.139 người, mật độ dân số đạt 2.584 người/km². Phía bắc giáp huyện Phúc Thọ và xã Minh Khai. Phía tây giáp huyện Phúc Thọ. Phía nam giáp xã Cát Quế. Phía đông giáp xã Đức Thượng và Đức Giang. Trong xã có thôn Dương Liễu nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa như: chùa Hương Trai, chùa Đồng, chùa Bãi, đình Tổng và quán Dương Liễu.

Lược sử

Quán Dương Liễu là quán chung của 2 thôn Dương Liễu, Quế Dương, thờ thiên thần Thông Quyết Đại Vương và thờ vọng nhân thần Gia Thông Đại Vương Lý Phục Man (ngài được thờ chính tại đình Tổng ở trên đê).

Quán Dương Liễu. Ảnh ©NCCong 2021

Lý Phục Man là một tướng quê ở thôn Yên Sở bên cạnh thôn Dương Liễu (cả hai thôn xưa kia cùng thuộc vùng Sấu-Giá, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây). Ngài đã tham gia khởi nghĩa Lý Bí, sau lại có công hàng phục giặc Lâm Ấp, trở thành con rể của đức vua Lý Nam Đế, được ban tặng quốc tính và đổi tên là Lý Phục Man. Tuy nhiên trong chính sử lại không thấy ghi tên thật của ngài.

Theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lý, tướng Lý Phục Man trên đường đi đánh giặc đã dừng chân tại thôn Dương Liễu và cho làm lễ “nghiềm quân”. Thế rồi đoàn quân dưới lá cờ chỉ huy của ngài đã đánh tan giặc Lâm Ấp. Về sau nhà Lương đem quân sang xâm lược và Lý Phục Man đã hy sinh trong chiến đấu. Để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng, nhân dân nơi đây cũng như nhiều làng xung quanh đã tôn phụng ngài là thành hoàng làng.

Hội làng Dương Liễu (EFEO 1928)

Kiến trúc

Quán nằm trong một khuôn viên um tùm cây cối trên bãi đất bồi ở ngay dưới chân con đê bên tả ngạn sông Đáy. Sau bậc thang đi xuống là nghi môn với các trụ biểu to lớn quay về hướng nam. Hai dãy tả hữu vu ở hai bên sân rộng, chính giữa có đôi giải tạc bằng đá nằm hai bên bậc thềm dẫn khách vào toà phương đình 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong cong. Bên trong phương đình bài trí các đồ tế khí trang trọng cùng với nhiều cổ vật quý giá như: nhang án, cặp hạc, sập thờ, kiệu bát cống, kiệu văn, bát bửu, chấp kích...

Di sản

Hằng năm vào ngày 12 tháng 3 âm lịch nhân dân trong toàn vùng Sấu-Giá tổ chức lễ hội Tổng với hàng trăm trai tráng rước kiệu, nghiềm quân, múa cờ tưng bừng, tế lễ long trọng. Xưa kia lễ hội rất hoành tráng và kéo dài mấy ngày liền, chính hội là ngày 12 tháng 3 âm lịch. Các nhà nghiên cứu người Pháp đã chụp ảnh và ghi chép về sư kiện đặc biệt này vào năm 1928.

Trong quán Dương Liễu. Ảnh ©NCCong 2021

Gần đây lễ hội lại được khôi phục và thu hút đông đảo khách thập phương tham gia. Cứ 5 năm một lần thì tổ chức đại lễ hội với hoạt cảnh “nghiềm quân” của gần 500 trai làng ở sân vận động của xã Dương Liễu.

Năm 2007, quán và đình Dương Liễu đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá.

Di tích lân cận

  • Chùa Hương Trai
  • Chùa Đôi Hồi
  • Đình Dương Liễu
  • Đình Mậu Hoà
  • Đình Tiền Lệ
  • Quán Giá

©NCCông 2011-2021, Duong Lieu temple

Từ khóa » Dân Số Xã Dương Liễu