Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế - Một Số Vấn đề đặt Ra Trước Yêu Cầu đổi ...
Có thể bạn quan tâm
Đổi mới quản lý nhà nước là hoạt động thường xuyên, lâu dài của mỗi quốc gia để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Là một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam không chỉ cần tích cực, khẩn trương trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật kinh tế, mà quan trọng hơn là phải đổi mới sâu sắc cả về tư duy lẫn phương pháp thực hiện. Chính vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng X đã xác định nội dung nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước là một trong ba nội dung chủ yếu để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để góp phần xác định rõ phạm vi và nội dung quản lý nhà nước về kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển, bài viết này đề cập một số vấn đề cần nghiên cứu và hoàn thiện trong thời gian tới.
1. Đổi mới về tư duy quản lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu chủ yếu của Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX01: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vai trò điều hành của Chính phủ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường; được xác định như một trọng tài để điều khiển và giám sát sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ cần bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh và tạo điều kiện công bằng cho các chủ thể kinh tế thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cùng phát triển.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay Chính phủ vừa giữ vai trò là “trọng tài”, vừa tham gia vào nền kinh tế khi thực hiện chức năng đầu tư vốn và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các chủ thể kinh tế nhà nước. Chính vì vậy, để quản lý kinh tế có hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực trong xã hội, Chính phủ cần đổi mới tư duy quản lý kinh tế, chuyển dần chức năng “làm kinh tế” sang thực hiện tốt vai trò là “trọng tài” trong nền kinh tế; theo đó, cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, tập trung hoàn thiện hệ thống các thị trường riêng đầy đủ, đồng bộ và công khai, bao gồm: thị trường hàng hoá dịch vụ, thị trường đất đai bất động sản; thị trường vốn, tài chính; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường lao động, tạo “sân chơi” bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia, xoá bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu.
Hai là, xác định rõ “vai trò chủ đạo” đối với các chủ thể kinh tế nhà nước, cụ thể là: Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo về kinh tế trong các ngành, lĩnh vực then chốt nào?, quy mô và phạm vi đến đâu?, bảo đảm tính chi phối thị trường ở mức độ nào?, hiệu quả kinh tế và xã hội do các chủ thể kinh tế nhà nước đem lại được đánh giá thông qua hệ thống chỉ tiêu nào?
Ba là, đổi mới phương thức quản lý nền kinh tế thông qua việc giảm tối đa các can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp. Thay vào đó, cần tập trung vào quản lý kinh tế vĩ mô, điều tiết nền kinh tế bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, trên cơ sở các nguyên tắc của thị trường.
2. Đổi mới phương pháp thực hiện quản lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong nền kinh tế thị trường nói chung, vai trò điều hành của chính phủ các nước, với tư cách là một chủ thể quản lý nền kinh tế, luôn được xác định là yếu tố đặc biệt quan trọng và không thể thiếu, nhưng có sự khác nhau về phương thức, hình thức, mức độ tác động, can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế.
Đối với nước ta, trong thời gian qua, Chính phủ đã chủ động, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính. Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, Chính phủ tập trung vào 4 nội dung cơ bản, đó là: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công.
Nhìn chung, kết quả của công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ đã có ảnh hưởng tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp tăng 4 hạng so sánh giữa năm 2007 với năm 2004. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh tổng hợp của nền kinh tế của Việt Nam năm 2007 không những không được cải thiện mà còn bị tụt giảm 4 hạng so với 2006. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 68 trong số 131 nền kinh tế được xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp (điểm xếp hạng giao động trong khoảng 4,04-4,09).
Từ thực tế nêu trên, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đổi mới chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Chính phủ. Mục tiêu của quá trình này là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế. Muốn vậy, bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, Chính phủ cần đổi mới trong việc thực hiện chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để làm tốt vai trò là chủ thể dẫn dắt và định hướng phát triển nền kinh tế. Để thực hiện tốt chức năng này, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
- Một là, xử lý đúng mối quan hệ giữa thị trường và kế hoạch để giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Sự khác biệt chủ yếu giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tự do chính là ở chỗ có sự kết hợp “hợp lý” giữa thị trường và kế hoạch. Trong khi tôn trọng đầy đủ vai trò của thị trường trong việc phân bổ các nguồn lực và điều tiết các hoạt động kinh tế mang tính kinh doanh, Chính phủ cần có chiến lược, kế hoạch để mở rộng và phát triển thị trường; ưu tiên đẩy mạnh quan hệ quốc tế; định hướng lộ trình và các chính sách cụ thể để thực hiện có hiệu quả.
- Hai là, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thiết lập, phát triển và mở rộng các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở các hiệp định kinh tế song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước, khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế. Đây là tiền đề để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước vươn ra các thị trường nước ngoài, tham gia vào hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối toàn cầu của nền kinh tế thế giới.
- Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, ngoài các bộ thuộc khối đối ngoại, an ninh, quốc phòng, nội chính mà nước nào cũng có thì các bộ thuộc khối kinh tế cần được tổ chức, sắp xếp lại vừa thích hợp với thực tế Việt Nam, vừa có sự tương thích với các nước đối tác để phù hợp với điều kiện hội nhập.
- Bốn là, tăng cường các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, cải thiện sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm các số liệu về thông tin kinh tế được thu thập đầy đủ và có chất lượng để phục vụ quá trình ra quyết định, tăng khả năng phản ứng nhanh và nhất quán của Chính phủ với các điều kiện kinh tế thay đổi.
3. Hoàn thiện đồng bộ các hệ thống đảm bảo quản lý nhà nước về kinh tế có hiệu quả
Theo Báo cáo đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội về cơ bản đã được hoàn thành. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề còn yếu kém, hạn chế như: sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng và tính bền vững của sự phát triển còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại còn nhiều hạn chế; bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức đổi mới chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Để từng bước khắc phục các điểm hạn chế, yếu kém trên, trong thời gian tới Chính phủ cần thiết lập và hoàn thiện các hệ thống đảm bảo quản lý nhà nước về kinh tế có hiệu quả như sau:
- Thứ nhất là hệ thống thông tin kinh tế. Thế kỷ XXI là thế kỷ của thông tin, trong đó, thông tin kinh tế chính xác, kịp thời và đầy đủ có vai trò đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia. Mỗi quyết định của nhà quản lý kinh tế và nhà quản lý doanh nghiệp đều đòi hỏi những thông tin kinh tế hiệu quả, bảo đảm cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước cũng như trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có tính khả thi cao.
Để có được những thông tin kinh tế hiệu quả đối với mỗi quốc gia, không có một cơ quan hay một tổ chức đơn lẻ nào có thể làm thay vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức quản lý mạng lưới hệ thống thông tin kinh tế, bảo đảm các thông tin kinh tế trong và ngoài nước được cập nhật nhanh, chính xác, kịp thời và đầy đủ. Việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế cần được thực hiện tập trung, thống nhất bởi một cơ quan của Chính phủ. Theo đó, để bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin kinh tế theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ cần ban hành quy chế quản lý, sử dụng và khai thác thông tin kinh tế một cách công khai, minh bạch và hiệu quả.
- Thứ hai là hệ thống dự báo, cảnh báo, bao gồm: hệ thống các cơ quan dự báo, cảnh báo; các nguyên tắc, phương pháp dự báo, cảnh báo tiên tiến và hệ thống các chỉ tiêu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo các biến động của nền kinh tế, để giúp Chính phủ điều chỉnh kịp thời các chính sách kinh tế cho phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.
Vấn đề này tuy không mới, nhưng trong giai đoạn hiện nay, nó ngày càng trở thành một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hữu hiệu và cần thiết, cấp bách hơn. Bởi, khi các nước trên thế giới tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, mức độ giao thoa kinh tế giữa các nước, các khu vực kinh tế ngày càng lớn, thì các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế của một quốc gia với các quốc gia khác trên thế giới ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại, chịu sự ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì vậy, để nâng cao khả năng ứng phó nhanh với tình hình quốc tế và xử lý các vấn đề quốc tế, việc xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo tình hình kinh tế quốc gia là một trong những vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
- Thứ ba là hệ thống đánh giá chất lượng hoạt động của Chính phủ, bao gồm: hệ thống các cơ quan đánh giá và hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý - điều hành của Chính phủ, nhằm phân tích và phản biện các chính sách của Nhà nước trong quá trình quản lý và điều hành nền kinh tế. Đối với các nước có nền kinh tế phát triển, hệ thống các cơ quan này được bảo đảm với cơ chế hoạt động độc lập, khách quan, không bị chi phối, tác động bởi các cơ quan quản lý nhà nước của Chính phủ; kết quả đánh giá của các cơ quan này rất được Chính phủ các nước quan tâm và lắng nghe.
Hiện nay, hàng năm tổ chức Ngân hàng thế giới có báo cáo về các chỉ dẫn quản lý - điều hành thế giới theo 6 chỉ dẫn tổng hợp: (1) ổn định chính trị/không có bạo lực, (2) hiệu quả hoạt động của chính phủ, (3) chất lượng của luật pháp, (4) thực thi pháp luật, (5) kiểm soát tham nhũng và (6) tiếng nói và trách nhiệm. Đây là các nội dung cần được quan tâm trong việc hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng hoạt động của Chính phủ.
- Thứ tư là hệ thống sáng tạo. Đây là cách thức để Chính phủ các nước khuyến khích việc đề xuất các ý tưởng có tính sáng tạo, cải cách, đột phá trong quản lý nhà nước về kinh tế; đồng thời, tạo điều kiện cho các ý tưởng này được ươm tạo, thử nghiệm, áp dụng thí điểm, để làm cơ sở cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế trên phạm vi rộng.
Để phát triển hệ thống này, bên cạnh việc đề cao các chính sách trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện cho người làm công tác nghiên cứu, nhà quản lý nhà nước về kinh tế phát huy các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, Chính phủ cần ban hành cơ chế, quy định các khuôn khổ pháp lý và phạm vi cho các ý tưởng, sáng kiến này được công khai đề xuất, trao đổi, thảo luận và hoàn thiện, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
ThS. Vũ Hải Nam - Chuyên viên Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ / Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 7/2009
Từ khóa » Nguyên Tắc Qlnn Về Kinh Tế
-
CÁC NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ. LIÊN HỆ ...
-
Phân Tích Những Nguyên Tắc Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế Và Việc Liên ...
-
[PDF] 245 Chuyên đề 19 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ, TÀI CHÍNH I
-
QUY LUẬT VÀ NGUYÊN TẮC QLNN VỀ KINH TẾ
-
Quản Lý Nhà Nước Là Gì? Nguyên Tắc Và Nội Dung Quản Lý Nhà Nước?
-
Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế Theo Tinh Thần Văn Kiện đại Hội XII Của ...
-
Cương Lý Luận Chung Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế
-
[DOC] 2.2. Các Nguyên Tắc Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế - Thạc Sĩ
-
[PDF] Chức Năng Quản Lý Kinh Tế Của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa ...
-
Câu 6: Các Nguyên Tắc Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế
-
Hệ Thống Các Cơ Quan Nhà Nước Quản Lý Kinh Tế ở Việt Nam ...
-
Các Phương Pháp Quản Lý Nhà Nước Về Kinh Tế
-
[DOC] Quản Lý Nhà Nước đối Với Doanh Nghiệp - Học Viện Chính Trị Khu Vực I