Quẻ Số 17 - Quốc Văn Chu Dịch - Phan Bội Châu - Cổ Học

TỬ VI CỔ HỌC Nhóm nghiên cứu huyền học chuyên sâu. Hotline tư vấn dịch vụ: 0817.505.493. Email: Tuvancohoc@gmail.com.
  • Trang chủ
  • Gieo quẻ
QUẺ SỐ 17 - QUỐC VĂN CHU DỊCH - PHAN BỘI CHÂU

Dưới đây là lời giảng Quẻ số 17 - Quốc Văn Chu Dịch - Phan Bội Châu

QUẺ TRẠCH LÔI TÙYĐoái trên; Chấn dướiQuẻ này là quẻ Trạch Lôi Tùy. Chấn hạ cũng là Nội Chấn, Đoài thượng cũng là Ngoại Đoài. Đoài là Trạch, Chấn là Lôi, nên tên quẻ đọc bằng Trạch Lôi Tùy.TỰ QUÁITự quái: Dự tất hữu tùy, cố thụ chi dĩ Tùy.序卦: 豫必有隨, 故受之以隨.Ý sắp đặt thứ tự quẻ, sau quẻ Dự tiếp lấy quẻ Tùy là vì cớ sao?Hễ đã Dự rồi, tất có nhiều người vui theo nên sau quẻ Dự tiếp lấy quẻ Tùy.Dự nghĩa là vui; Tùy nghĩa là theo.Quẻ này Đoài trên, Chấn dưới. Đoài là hòa duyệt, Chấn là động; động mà hòa duyệt, tất nhiên nhiều người vui theo.Lại theo về tượng quẻ: Chấn là trưởng nam, Đoài là thiếu nữ, thiếu nữ duyệt trưởng nam mà theo nhau, thảy là nghĩa chữ Tùy. Lại một tượng nữa: Chấn là Lôi, Đoài là Trạch, Lôi nhức động ở trong Trạch, Trạch tùy mà động theo, cũng là tượng Tùy, góp nghĩa hai tượng như thế nên đặt tên quẻ bằng Tây.SOÁN TỪTùy, nguyên hanh, lị trinh, vô cựu.隨元亨利貞, 無咎.Nghĩa tên quẻ đã thích rõ như trên, nay thích Quái từ chỉ nói đạo Tùy.Tùy, nguyên nghĩa là theo, tức là tùy tòng, nhưng ở trong đạo Tùy, có hai phương diện: Một phương diện là mình tùy người, một phương diện là người tùy mình.Chọn được "minh sư", "lương hữu" mà tùy, nghe được "trung ngôn", "trực gián" mà tùy, ấy là Tùy hay.Nếu mắc lấy tiểu nhân gian ác mà tùy, say lấy lời gian miệng ngọt mà tùy, ấy là Tùy dở.Tạo nhân tùy có tốt xấu, thời kết quả tùy có lành dữ, nên Quái từ răn cho chúng ta rằng: Người trong thiên hạ chẳng ai tránh khỏi chữ Tùy, sự nghiệp lớn như vua Thuấn, cũng phải bỏ ý kiến mình theo ý kiến người. Đạo đức thịnh như Đức Khổng cũng phải chọn điều lành mà theo.Nghĩa chữ Tùy lớn đến như thế, nhưng cốt phải tùy cho đắc kì đạo. Nếu tùy bất đắc kì đạo, thời thành ra uốn cong sở học mình mà a dua với đời, chỉ là một bọn quỷ tùy vô lương thời đến nỗi vi tùy mà táng thân, thất tiết, cái cơ tùy lại nguy hiểm đến như thế.Vậy thời Tùy nên thế nào?Tất phải kén chọn làm sao cho được một cách đại thiện, tùy mà được đại thiện, tất nhiên mình vì đạo phải mà tùy người, người cũng vì đạo phải mà tùy mình. Nhân với quả tương sinh, mình với người thảy tốt, có việc gì mà chẳng thông thuận đâu, nhưng sở dĩ đại thiện mà hanh, há phải tạm thì nửa đoạn mà được đâu, lại tất phải thành tâm kiên cố, hữu thỉ, hữu chung thời kết quả của Tùy mới được viên mãn.Như thế, thời Tùy mới không tội lỗi.PHỤ CHÚ: Đạo lí trong thiên hạ, rất lớn là chữ Tùy, lớn đến như vũ trụ, mà địa cầu, hành tinh phải đi theo nhật luân; nhỏ đến nhất vật, như ong theo con chúa tướng, kiến theo con đầu bầy, chỉ nói giữa một thân người ta, ngũ quan tứ chi tất thảy là tùy theo tâm não, tâm não sai khiến đến đâu thời thể phách theo đến đấy, nhưng chân lí của Tùy chẳng phải là nô lệ, chỉ vì công lí mà tùy chứ chẳng phải vì thế lực mà tùy; vì đại cuộc mà tùy chứ chẳng phải vì tiểu kỉ mà tùy; vì công ích mà tùy chứ chẳng phải vì tư lị mà tùy. Trước khi chưa tùy, phải kén chọn cho tinh, sau khi đã tùy, phải tiết tháo cho chính. Vậy nên Quái từ đã nói: Tùy, nguyên hanh, mà lại nói tất phải lị, trinh mới được vô cựu, quan hệ nhất là chữ trinh. Nếu sở tùy bất trinh, thời tuy nguyên hanh mặc dầu mà cuối cùng cũng chắc có tội lỗi. Chúng ta nhận kĩ ý Quái từ này, thời dầu theo một chủ nghĩa nào, một phe phái nào cũng gọi bằng tùy, mà tùy tất phải trinh mới được.SOÁN TRUYỆNSoán viết: Tùy cương lai nhi hạ nhu, động nhi duyệt, Tùy. Đại hanh, trinh, vô cựu, nhi thiên hạ tùy thì [14]. Tùy thì chi nghĩa đại hĩ tai.彖曰: 隨, 剛來而下柔, 動而説, 隨. 大亨貞無咎, 而天下隨時. 随時之義大矣哉.Soán viết: Tùy cương lai nhi hạ nhu, động nhi duyệt, Tùy.Quẻ này sở dĩ đặt tên bằng quẻ Tùy là theo bằng Quái biến, hào dương quẻ Chấn xuống ở dưới hết quẻ, nhường cho hào âm quẻ Đoài ở trên hết quẻ, Chấn ở nội, Đoài ở ngoại là động mà hòa duyệt, nên tên quẻ đặt bằng Tùy.Đại hanh, trinh, vô cựu, nhi thiên hạ tùy thì.Tùy mà đại hanh lại trinh thời vô cựu mà thiên hạ tất thảy vui theo.Xưa nay việc trong thiên hạ thường có một người đề xướng lên chủ nghĩa gì, học thuyết gì mà thiên hạ cũng chỉ vì thì đã đến thế nên mới theo. Tỉ như, chính thể quân chủ lập hiến hoặc chính thể dân chủ, học thuyết quốc gia hay xã hội thường có một người thủ xướng mà muôn ngàn người họa theo cũng chỉ vì đúng thì mà thôi.Nêu chưa có họa quân chủ chuyên chế như đời Lộ Địch thập lục [15] mà xướng dân chủ, hoặc nếu chưa có họa tư bản chiến tranh như cuối thế kỉ thập cửu mà xướng xã hội học thuyết thời có ai theo đâu. Vậy biết chữ Thiên hạ tùy thì rất hay.Tùy thì chi nghĩa đại hĩ tai.Tóm xem mấy câu trên đây mà ngẫm nghĩ cho sâu, thời biết nghĩa chữ thì ở quẻ Tùy là lớn lắm vậy thay.PHỤ CHÚ: Đức Khổng thích Quái từ quẻ Tùy mà kết thúc lấy chữ thì, lại tán rằng: Đại hỉ tai, ý tứ vừa sâu vừa tinh lắm.Từ thiên đạo đến nhân sự chẳng bao giờ vượt khỏi chữ thì. Nhà lầu, áo gấm mà chế tạo ra ở đời dã cư huyệt xử bế quan tỏa cảng mà giữ chặt ở đời hoàn hải giao thông, thiệt không thể nào làm được. Bởi vì thì chưa đến, dầu thánh triết cũng không thể cưỡng bắt thì theo ý riêng mình. Thì đã đến rồi, dầu dung ngu cũng có thể đua thì cạnh tấn. Vậy nên, ở trong nghĩa chữ Tùy lại quý trọng nhất là Tùy thì.ĐẠI TƯỢNG TRUYỆNTượng viết: Trạch trung hữu lôi, Tùy. Quân tử dĩ hướng hối nhập yến tức.象曰: 澤中有雷, 隨, 君子以嚮晦入宴息.Đoài thượng, Chấn hạ là tượng ở giữa lòng chằm có tiếng sấm, nước chằm theo tiếng sấm mà động, ấy là tượng quẻ Tùy. Quân tử xem tượng ấy tùy thì mà động tĩnh, thì nên động mà động là ban ngày; thì nên tĩnh mà tĩnh là ban đêm, hướng buổi đêm thời vào an nghỉ, cũng là một việc tùy thì của quân tử. (Hướng hối: tới buổi đêm; Yến tức: an nghỉ).Hướng hối nhập yến tức là chứng vào một việc rất thiển cận, để cho học giả suy rộng ra.PHỤ CHÚ: Trong Dịch thủ tượng theo Lôi mà quân tử bắt chước Lôi có năm quẻ: quẻ Dự là lôi xuất địa phấn thời bắt chước Lôi mà tác nhạc sùng đức. Quẻ Đại Tráng là lôi tại thiên thượng thời bắt chước Lôi mà phi lễ phất lí, quẻ Vô Vọng là thiên hạ lôi hành thời bắt chước Lôi mà đối thì dục vật, đó là bắt chước cách động của Lôi; quẻ Phục là Lôi tại địa trung thời bắt chước Lôi mà bế quan tức lự, quẻ Tùy là trạch trung hữu lôi thời bắt chước Lôi mà hướng hối yến tức, đó là bắt chước cách tĩnh của Lôi.Tục ngữ thường nói: "Tháng Mười sấm nạp, tháng Chạp sấm ra". Thế là Lôi vẫn có khi động, khi tĩnh. Xuân, Hạ thời Lôi phát thanh, Thu, Đông thời Lôi thu thanh, cũng là một công dụng, thuộc về đạo trời, quân tử động, tĩnh tùy thì, cũng là bắt chước đạo trời vậy.Còn có một nghĩa: Quân tử tự cường bất tức, cớ sao lại nói yến tức, chẳng là mâu thuẫn hay sao? Không, không, bất tức là kiêm cả tinh thần và xác thịt nên thuộc về ban ngày thời chẳng nghỉ. Yến tức là an nghỉ cái xác thịt, để bồi dưỡng phần khỏe bằng tinh thần. Danh tuy yến tức mà kì thực là bất tức, nuôi tinh thần bằng buổi đêm, chính là một cách tự cường của quân tử. Thử xem như Ông Chu Công "tọa dĩ đãi đán", Đức Khổng "chung dạ bất tẩm, dĩ tư". Thế là xác thịt tuy nghỉ mà tinh thần có bao giờ nghỉ đâu, chỉ duy muốn cho tinh thần khỏe mạnh tất cũng có khi phải nghỉ xác thịt; hướng hối, nhập yến tức, chính là nghĩa ấy.HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆNSơ Cửu: Quan hữu du, trinh cát, xuất môn giao hữu công.初九: 官有渝, 貞吉, 出門交有功.Sơ vẫn là hào dương, đáng lẽ làm chủ cho âm mà âm thì phải tùy dương. Bây giờ Sơ Cửu lấy mình là dương mà trở lại tùy hai âm. Thế là Sơ vẫn làm chủ mà có lúc biến dịch, e chẳng được tốt, nhưng xử thì buổi Tùy, lại cốt tùy thì biến dịch, chỉ sợ cách biến dịch chẳng được chính mà thôi. Nếu biến dịch mà được chính, ấy là Tùy mà trinh, tất được tốt lành. (Quan: chủ; du: biến).Theo lệ Kinh Dịch, dương làm chủ cho âm nên gọi bằng quan mà nghĩa làm chủ.Tuy nhiên, thường tình người ta hễ đã có Tùy, thường dây dướng vào vòng tư ái, tức là tùy nhi bất trinh, đã bất trinh làm sao được cát, nên tất phải đoạn tuyệt nhất thiết tư ái, tượng như ra ngoài cửa mà giao kết với người thời mới có thành công.Xuất môn giao nghĩa như câu Đồng Nhân vu môn, ở quẻ Đồng Nhân: không giao kết bằng tư tinh mà chỉ giao kết bằng chính lí thời mới được việc.PHỤ CHÚ: Thích Hào từ này, Tượng Truyện có một đoạn nghĩa lí rất hay, tuy chẳng theo hào nghĩa, nhưng cũng biên ra để cống hiến độc giả.Thường nhân chi tình, ái chi, tắc kiến kì thị; ố chi, tắc kiến kì phi, cố thê noa chi ngôn, tuy thất nhi đa tòng, sở tằng chi ngôn, tuy thiện vi ác dã.常人之情, 爱之則見其是, 惡之則見其非; 故妻弩之言, 雖失而多從; 所憎之言, 雖善而爲惡也.Nghĩa là: Tình của hạng người dung thường: Người mình đã yêu thời chỉ thấy nó là phải, người minh đã ghét thời chỉ thấy nó là trái. Vậy nên lời nói của vợ con mình, tuy lầm lỗi mà hay nghe theo. Lời nói của người mình ghét, tuy có lành mà cũng cho là xấu vậy. Câu thơ của cụ Uy Viễn cũng nói rằng:Lúc ghét dệt thêu ngay hóa vậy,Khi ưa tô vẽ méo nên tròn.Đó rặt là Tùy mà chẳng được chính, Tùy mà được chính, có đến nỗi bất cát đâu.Tượng viết: Quan hữu du, tòng chinh, cát dã. Xuất môn giao hữu công, bất thất dã.象曰: 官有渝, 從正吉也, 出門交有功, 不失也.Quan hữu du, nhưng mà theo được chính thời tốt lành vậy (chính là nghĩa chữ trinh). Xuất môn giao, hữu công, là Tùy được chính thời chẳng đến nỗi thất bại vậy.Lục Nhị: Hệ tiểu tử, thất trượng phu.六二: 係小子, 失丈夫.Lục Nhị vẫn có chính ứng của mình là Cửu Ngũ, Ngũ dương cương, trung chính, đích đáng là một vị trượng phu, nhưng vì Nhị thân cận với Sơ, Nhị đã tính chất âm nhu, giữ mình chẳng được bền vững mà lại xử về thì Tùy, gần đâu tùy đấy, lân la ríu rít với Sơ, nốt tùy quách Sơ, té ra hụt mất Cửu Ngũ là chính ứng của mình, ấy là hệ tiểu tử mà mất trượng phu đó vậy.(Tiểu tử, chỉ hào Sơ dương; trượng phu, chỉ hào Ngũ dương; hệ nghĩa là bìu ríu, ríu rít).PHỤ CHÚ: Dương cương biết theo đạo lí chính mà tùy người thời gọi bằng tùy, âm nhu chỉ theo tư tình mà tùy người thời gọi bằng hệ.Vậy nên trong quẻ, ba hào dương không chữ hệ, ba hào âm rặt nói chữ hệ.Tượng viết: Hệ tiểu tử, phất kiêm dự dã.象曰: 係小子, 弗兼與也.Lục Nhị đã bìu ríu lấy Sơ, tất nhiên phải thất Ngũ, không lẽ được cả hai bên.Nguyên lai đạo Tùy, hoặc mình tùy người, hoặc người tùy mình, thân người hiền tất viễn người gian, theo lối trái thời mất lối phải, không lẽ lưỡng tùy được, nên nói rằng: Phất kiêm dự (Kiêm dự: tùy cả hai bên).Lục Tam, hệ trượng phu, thất tiểu tử, tùy hữu cầu đắc, lợi cư trinh.六三: 係丈夫, 失小子, 隨有求得,利 居貞.Lục Tam tính chất cũng như Lục Nhị, âm nhu không độc lập nổi, đụng ai thân cận thời tùy ngay, nhưng Tam này may nhờ địa vị mình tiếp cận với Cửu Tứ, Tứ có tài dương cương, lại ở trên mình, chính là một vị trượng phu. Tam vì thân cận với Tứ, mà bìu ríu theo Tứ, tuy ở dưới có Sơ cũng là dương cương, nhưng Tam đã tùy Tứ mà bỏ Sơ nên Sơ cũng mất lòng với Tam. Thế là hệ trượng phu, thất tiểu tử.("Trượng phu, chỉ hào Cửu Tứ; tiểu tử chỉ hào Sơ Cửu).Vì cớ thân cận mà tùy, Tam vẫn chẳng khác gì Nhị, nhưng Nhị thời bỏ chính mà theo tà, Tam thời bỏ dữ mà theo lành; tùy như mà Tam là tùy cách khôn khéo, nên nó cần gì với Tứ, Tứ cũng cung cấp.Tuy nhiên, hễ mình có sở cầu với người mà người cho mình được cũng chưa phải là thập phần chính đáng. Nếu chẳng khéo thời thành ra xu thế trục lị nên thánh nhân lại răn cho rằng: Tam đã hữu cầu mà đắc thời Tam nên tự xử bằng một cách chính đáng; tùy mà được chánh đáng thời dầu có hệ, cũng chẳng đến nỗi xấu gì.PHỤ CHÚ: Lục Nhị, Lục Tam thảy hữu sở hệ, nhưng Lục Nhị chỉ có thất mà chẳng đắc, Lục Tam thời hữu sở thất mà cũng hữu sở đắc. Bởi vì thất của Lục Nhị là thất trượng phu, chính là sở đang đắc mà trở lại thất, còn có đắc gì? Thất của Lục Tam là thất tiểu tử, thất phía dở, tức là đắc phía hay.Tượng viết: Hệ trượng phu, chí xả hạ dã.象曰: 係丈夫, 志舍下也.Lục Tam biết hệ với trượng phu là chí ý của Tam bỏ phía ti hạ mà theo phía cao thượng vậy.Tùy như thế cũng đúng đạo phải.Cửu Tứ: Tùy hữu hoạch, trinh hung, hữu phu, tại đạo, dĩ minh, hà cựu.九四: 隨有獲, 貞凶. 有孚在道, 以明, 何咎.Cửu Tứ sẵn có tài dương cương, xử được vị rất tôn ở trong bọn nhân thần, trên có Cửu Ngũ đồng đức với mình, mà hết sức tùy mình. Ở thì Tùy mà có tài lại có vị, tất nhiên thiên hạ theo về với minh cả thảy, sở đắc thiệt rất lớn.(Hữu hoạch, được lòng cả thiên hạ).Tuy nhiên, công cái thiên hạ giả bất thưởng, nghĩa là công đã hơn cả thiên hạ, thời chẳng biết lấy gì thưởng; uy chấn chúa giả thân nguy, nghĩa là uy danh đã kinh động đến chúa, thời e thân minh nguy, Cửu Tứ đã lập công bất thưởng, đội uy chấn chúa, xử cảnh như thế nguy nghi biết chừng nào.Tuy theo về nghĩa lí vẫn là trinh, nhưng theo về sự thế thời có lẽ hung.Quân tử xử địa vị ấy, hoàn cảnh ấy, thời nên thế nào, tất phải có một phương pháp hoàn thiện, chất chứa lòng chí thành ở phía trong, trên cảm cách được người nguyên thủ, dưới thuyết phục được cả nhân dân, hành động những việc gì, cử chỉ những cách gì, tất thảy trúng với đạo lí. Khi việc nước còn rắc rối thời tận tụy cúc cung, khi việc nước đã an bình thời công thành thân thối. Lấy đức minh triết mà ứng phó với cuộc đời. Như thế thời vị cực cao mà chẳng hiềm nghi bằng bức thượng, thế cực trọng mà chẳng tội lỗi bằng chuyên quyền, trên yêu mà dưới theo, còn có tội lỗi gì.PHỤ CHÚ: Như Hào từ Cửu Tứ này, xử vào địa vị khả cát khả hung, chẳng phải bậc thánh nhân đại hiền, thiệt là khó xử, hữu phu là đức Tín, tại đạo là đức Nhân, dĩ minh là đức Trí, đủ ba đức ấy mới xử được địa vị hào này.Xem sử nước ta, như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mới đương được hào này. Khi quân Mông Cổ ba lần vào đánh nước ta, Vua thời thiên đô, Thái Thượng Hoàng phải chạy vào Thanh Hóa, bao nhiêu quyền quân quốc, phó thác vào một tay Đại Vương, nhân tâm lúc bấy giờ nghi cho Ngài có thể chuyên quyền cướp nước, nhưng Ngài vẫn một lòng trung với nước, thù với giặc, đánh được quân Mông Cổ xong thời rước Vua với Thái Thượng Hoàng về. Nước đã nguy, nhờ Đại Vương mà được an; Vua đã bỏ ngôi, nhờ Đại Vương mà được phục. Đến khi công cao hơn bổn bể, uy chấn trong một đời mà Ngài thỉ chung giữ phận nhân thần, dầu Vương Phụ khuyên Ngài lấy nước mà Ngài không nghe lời, dầu vua Trần cho Ngài được quyền phong tước mà Ngài chung thân vẫn chẳng cho ai một đạo bằng. Như thế là hữu phu, tại đạo, dĩ minh.Vậy nên, uy quyền thiệt trọng mà nhân chúa chẳng nghi, công danh thiệt cao mà đời chẳng ghen ghét, chẳng đúng Hào từ quẻ Tùy hay sao?Tượng viết: Tùy hữu hoạch, kì nghĩa hung dã, hữu phu tại đạo, minh công dã.象曰: 隨有獲, 其義凶也, 有孚在道, 明功也.Tùy hữu hoạch là theo như nghĩa quẻ thời cương hạ với nhu, mà Cửu Tứ thời mình là dương cương mà được âm nhu tùy mình, trái với nghĩa quẻ, cũng có lẽ hung vậy. Nhưng vì hữu phu tại đạo thời kết quả được vô cựu, đó là công của đức minh triết vậy.Cửu Ngũ: Phu vu gia, cát.九五: 孚于嘉, 吉.Cửu Ngũ dương cương cư tôn, đắc trung, đắc chính, hạ ứng với Lục Nhị cũng trung chính, ấy là tín thành với đạo đại thiện.Tùy thiện mà gốc ở chí thành là đạo rất tốt ở trong thì Tùy vậy.Tượng viết: Phu vu gia, cát, vị chính trung dã.象曰: 孚于嘉, 吉, 位正中也.Cửu Ngũ sở dĩ được phu vu gia, cát là vì ở tôn vị mà có đức chính trung vậy.Chính trung kiêm tán cho Lục Nhị, hai bên thảy chính trung mà theo nhau, còn gì tốt hơn.Thượng Lục: Câu hệ chi, nãi tòng duy chi, vương dụng hanh vu Tây Sơn,上六: 拘係之, 乃從維之, 王用亨于西山.Thượng Lục ở cuối cùng quẻ Tùy là Tùy chi cực mà cũng là đạo Tùy đạt ở cực điểm. Tượng là lòng người tùy mình cố kết triền miên mà không thế rời nhau được, in như đã nằm tríu lại còn theo mà chẳng trói.(Câu hệ: bắt giữ; duy: dằng trói).Tùy mà cố kết như thế, nhân tâm đã kiên cố, đại nghiệp tất cũng phải nên.Ngày xưa, vua Thái Vương lánh nạn giặc địch bỏ ấp Mân chạy sang Kì Sơn (Kì Sơn tức Tây Sơn). Người ấp Mân, già trẻ trai gái dìu dắt nhau đi theo Thái Vương như người dắt nhau đi chợ. Nhân tâm tùy mình cố kết đến như thế, Thái Vương dùng đạo ấy mới hanh thịnh nghiệp vương ở Tây Sơn.PHỤ CHÚ: Trong quẻ Tùy ba hào có chữ hệ. Duy chữ hệ ở Thượng Lục khác với hệ ở Lục Nhị, Lục Tam. Hai hào kia là hệ vì tư tình. Thượng Lục là hệ theo lí tự nhiên. Thầy Mạnh có câu: Dân chi quy nhân, do thủy chi tựu hạ dã 民之歸人由水之就下也, nghĩa là: Lòng dân tất nhiên theo về người có đức nhân, in như nước tất nhiên chảy xuống chốn thấp.Chữ hệ ở hào Thượng là theo lí tự nhiên như thế nên kết quả được hanh.Tượng viết: Câu hệ chi, thượng cùng dã.象曰: 拘係之, 上窮也.Hào Thượng sở dĩ có lời câu hệ chi bởi vì Tùy mà đến hào Thượng là đạo Tùy đã đạt ở cực điểm rồi vậy.(Cùng: cực, cũng có nghĩa là tột mực).PHỤ CHÚ: Theo thông lệ ở các quẻ, hễ đã cùng thời biến. Lệ như, hào Thượng quẻ Càn, dương cực thời mắc chữ "Kháng"; hào Thượng quẻ Thái thịnh cực thời mắc chữ "Loạn"; hào Thượng quẻ Dự, vui cực thời mắc chữ "Minh"; chỉ duy hào Thượng quẻ Tùy, Tùy cực thời được chữ "Hanh". Đó là một lẽ biến hóa ở trong Dịch lí. Vật cực tắc phản, lạc cực sinh bi. Chỉ duy Bĩ cực thời mừng cho gần Thái, Truân cực thời mừng cho gần Thông. Hễ bao nhiêu hoàn cảnh tốt thời chẳng muốn cho cực, bao nhiêu hoàn cảnh xấu thời lại muốn cho mau cực. Vì đã cực thời cát hóa ra hung, hung hóa ra cát là chỉ theo hoàn cảnh mà nói thời thế.Nhưng đến nghĩa chữ Tùy thời chẳng nói hoàn cảnh mà chỉ nói tâm lí, tâm lí mình vui theo đâu thời Tùy đó. Vợ theo chồng, tớ theo thầy, quân lính theo tướng, cho đến người một đảng theo đảng khôi, người một nước theo quốc trưởng, thảy là nghĩa chữ Tùy mà lại muốn cho Tùy đến cùng. Nếu Tùy chẳng đến cùng cực thời thành ra tớ đến giữa đường mà bỏ thầy, quân đến giữa trận mà bỏ tướng, v.v.Vì vậy, quẻ Tùy đến hào Thượng thời Hào từ có chữ hanh mà Tượng Truyện cũng lấy chữ thượng cùng mà thích nghĩa chữ hanh.Chúng ta phải biết rằng: Khi chưa Tùy phải hết sức cẩn thận lựa kén mà sau khi đã Tùy rồi, tất phải tự thỉ chí chung.Sử đời xưa, năm trăm nghĩa sĩ chịu chết theo Điển Hoành mà chẳng chịu về Hán, ba vạn nghĩa dân ở thành Kim Lăng, cam tâm chịu chết với Lý Tú Thành, không một người chịu hàng quân Mãn Thanh, chỉ là Tùy vì tâm lí mà chẳng Tùy vì hoàn cảnh, nên Tùy đến cùng cực mới là phải đạo. Đó là một biến lệ ở trong Dịch lí vậy. Học giả nên lưu ý. Từ khóa: Lạc Việt Độn Toán Lịch Dụng Sự Đánh giá tính danh Đánh giá số điện thoại Xem tử vi trọn đời Tử Vi Việt Nam Lấy lá số tử vi
Các cách diễn dịch khác:
  • Quẻ số - 17 - Kinh Dịch - Ngô Tất Tố
  • Quẻ số - 17 - Kinh dịch diễn giảng - Kiều Xuân Dũng
  • Quẻ số - 17 - Kinh Dịch diễn giải
  • Quẻ số - 17 - Kinh Dịch
  • Quẻ số - 17 - Bốc Phệ Chánh Tông
  • Quẻ số - 17 - Kinh Dịch - Dịch Tự Bản Nghĩa
  • Quẻ số - 17 - Kinh Dịch - Ngu Yên Nguyễn Đại Bằng
  • Quẻ số - 17 - Bí Ẩn Quẻ Dịch
  • Quẻ số - 17 - Quẻ Kinh Dịch cho gieo quẻ
Copyright © 2015 cohoc.netLá số tứ trụ - Lá số tử vi - Tử vi bắc phái - Tử vi nam phái

Từ khóa » Giải Quẻ Số 17 đền Mẫu Hưng Yên