Quy Chế Luân Chuyển, điều động, Thuyên Chuyển, Biệt Phái Công ...

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc luân chuyển, điều động công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và thuyên chuyển, biệt phái viên chức ngành giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện A Lưới.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện A Lưới về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn, hiệu quả công tác.

2. Tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh, bố trí hợp lý công tác đối với công chức, viên chức ngành giáo dục; tạo nề nếp thường xuyên trong việc điều động, biệt phái công chức, viên chức. Giúp công chức, viên chức mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực quản lý, tham mưu; phát huy sở trường, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tránh tình trạng trì trệ, quan liêu, tâm lý thỏa mãn, chọn đơn vị, vị trí công tác; tạo thế chủ động trong công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục.

3. Giải quyết tốt mối quan hệ tương quan giữa việc bố trí công tác và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức; đồng thời, đảm bảo việc bố trí công chức, viên chức đúng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp theo quy định nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện.

4. Đảm bảo đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục thông suốt về tư tưởng, thống nhất về nhận thức để nghiêm túc chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Luân chuyển là việc công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý mới ở đơn vị khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ và yêu cầu của chức danh quy hoạch.

2. Điều động, thuyên chuyển là việc công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ đơn vị này đến làm việc tại đơn vị khác.

3. Biệt phái là việc công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị này được cơ quan có thẩm quyền cử đến làm việc tại cơ quan, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định.

Điều 4. Nguyên tắc luân chuyển, điều động công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và thuyên chuyển, biệt phái công chức, viên chức

1. Việc luân chuyển, điều động công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và thuyên chuyển, biệt phái công chức, viên chức phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của ngành giáo dục theo quy hoạch, kế hoạch về công tác cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục quy định.

Điều 5. Những trường hợp chưa thực hiện luân chuyển, điều động, thuyên chuyển và biệt phái

1. Công chức, viên chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra; công chức, viên chức đang đi học dài ngày trong và ngoài nước.

2. Công chức, viên chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc không đảm bảo sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Không thực hiện biệt phái đối với công chức, viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

3. Công chức, viên chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thủ trưởng đơn vị xác nhận và đề nghị xem xét chưa quyết định luân chuyển, điều động, thuyên chuyển và biệt phái.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG,

THUYÊN CHUYỂN BIỆT PHÁI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 6. Đối tượng được xem xét để luân chuyển, điều động, thuyên chuyển và biệt phái

1. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý gồm các chức vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện đều được xem xét để thực hiện luân chuyển, điều động và biệt phái.

2. Viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện đều được xem xét thuyên chuyển, biệt phái theo kế hoạch và nhu cầu công tác.

Điều 7. Điều kiện xem xét luân chuyển, điều động, thuyên chuyển và biệt phái công chức, viên chức

1. Về luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý:

a) Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đều được xem xét để thực hiện việc luân chuyển công tác theo kế hoạch và quy định phân cấp quản lý công chức, viên chức theo các quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Việc luân chuyển chỉ thực hiện đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu, nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, viên chức của các đơn vị, nhằm tiếp tục rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị.

2. Về điều động, thuyên chuyển công chức, viên chức:

a) Việc điều động, thuyên chuyển công chức, viên chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức. Công chức, viên chức được điều động, thuyên chuyển phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới;

b) Việc điều động, thuyên chuyển công chức, viên chức từ đơn vị này sang đơn vị khác phải căn cứ vào nhu cầu, điều kiện công tác, nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị;

c) Khi thuyên chuyển viên chức có kết hợp bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì quy trình, thủ tục bổ nhiệm được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Về biệt phái công chức, viên chức:

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất, cấp bách hoặc để thực hiện công việc trong một thời gian nhất định, Chủ tịch UBND huyện quyết định biệt phái công chức, viên chức đến công tác tại đơn vị khác. Thời hạn biệt phái không quá 03 năm.

4. Ưu tiên xem xét, tạo điều kiện luân chuyển, điều động đối với công chức, viên chức đã công tác đủ từ 05 năm trở lên tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công chức, viên chức có điều kiện khó khăn; công chức, viên chức có chồng (vợ) làm việc trong các đơn vị lực lượng vũ trang khi có nguyện vọng. Xem xét luân chuyển, điều động công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã giữ chức vụ đủ từ 02 nhiệm kỳ liên tiếp trở lên tại một đơn vị; xem xét điều động viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thời gian công tác đủ từ 07 năm trở lên tại các đơn vị không thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, xem xét bố trí, thuyên chuyển viên chức trẻ, viên chức mới được tuyển dụng đến nhận công tác tại các trường đóng trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP; Thông tư số 35/2010/TT-BGDĐT ngày 14/02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo các quy định hiện hành và theo Quy chế này.

Điều 8. Trình tự, thủ tục, hồ sơ luân chuyển, điều động, biệt phái đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý

1. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được tiến hành hàng năm hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị và thực hiện theo trình tự các bước sau:

a) Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan xây dựng nhu cầu, kế hoạch điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức hằng năm hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ đối với từng trường hợp cụ thể trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt;

b) Phòng Nội vụ gặp công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý để trao đổi về chủ trương luân chuyển, điều động, biệt phái; nghe công chức, viên chức trình bày nguyện vọng và đề xuất ý kiến cá nhân trước khi tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định. Công chức, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái của Chủ tịch UBND huyện.

2. Hồ sơ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển, biệt phái gồm:

a) Kế hoạch luân chuyển, điều động, biệt phái hằng năm được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt; thông báo của Phòng Nội vụ đến từng đơn vị có công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển, điều động, biệt phái;

b) Tổng hợp ý kiến bằng văn bản của người đứng đầu (hoặc của tập thể lãnh đạo đơn vị) và cấp ủy cơ quan, đơn vị đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được dự kiến điều động, luân chuyển, biệt phái trước khi ban hành quyết định;

c) Nguyện vọng (bằng văn bản) của công chức, viên chức dự kiến được luân chuyển, điều động, biệt phái (nếu có);

d) Bản tự nhận xét, đánh giá, phân loại của người dự kiến được luân chuyển, điều động, biệt phái và ý kiến nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo đơn vị tại năm gần nhất (đối với chức danh là người đứng đầu đơn vị);

Hồ sơ, quyết định của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển, biệt phái lưu vào hồ sơ của công chức, viên chức theo quy định hiện hành.

Điều 9. Trình tự, thủ tục và hồ sơ thuyên chuyển, biệt phái viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

1. Trình tự, thủ tục thuyên chuyển, biệt phái đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

a) Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thuyên chuyển, biệt phái đối với viên chức trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt;

b) Sau khi Chủ tịch UBND huyện phê duyệt kế hoạch thuyên chuyển, biệt phái đối với viên chức; Phòng Nội vụ thông báo nội dung, kế hoạch đến từng đơn vị có viên chức được thuyên chuyển, biệt phái và đơn vị tiếp nhận; đồng thời, tổng hợp ý kiến và xem xét nguyện vọng của viên chức trước khi trình Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định thuyên chuyển, biệt phái.

2. Hồ sơ viên chức được thuyên chuyển, biệt phái gồm:

a) Kế hoạch thuyên chuyển, biệt phái hằng năm được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt; tờ trình của Phòng Nội vụ đề xuất việc thuyên chuyển, biệt phái viên chức;

b) Tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người đứng đầu đơn vị và cấp ủy có viên chức được dự kiến thuyên chuyển, biệt phái trước khi thuyên chuyển, biệt phái;

c) Nguyện vọng (bằng văn bản) của viên chức dự kiến được thuyên chuyển, biệt phái (nếu có);

d) Tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người đứng đầu đơn vị và cấp ủy nhận viên chức sau khi hết thời hạn thuyên chuyển, biệt phái (nếu có).

Hồ sơ, quyết định của viên chức được thuyên chuyển, biệt phái lưu vào hồ sơ viên chức theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Công chức, viên chức ngành giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Hiệu trưởng các trường thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào Quy chế này để tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, nhu cầu luân chuyển, điều động, thuyên chuyển và biệt phái công chức, viên chức thuộc đơn vị mình và đề nghị UBND huyện (thông qua Phòng Nội vụ) xem xét điều động, luân chuyển, thuyên chuyển và biệt phái theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và Hiệu trưởng các trường thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và thuyên chuyển, biệt phái công chức, viên chức ngành giáo dục; theo dõi, tổng hợp chung kết quả việc thực hiện Quy chế này và báo cáo UBND huyện.

2. Hiệu trưởng, viên chức các trường thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tham gia góp ý và đề nghị với UBND huyện về việc điều động, luân chuyển, thuyên chuyển và biệt phái theo Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung cần xem xét sửa đổi, bổ sung, đề nghị Hiệu trưởng các trường thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời phản ánh về Phòng Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND huyện xem xét quyết định./.

Từ khóa » Thuyên Chuyển Là J